Bình Lục là chốn trung châu,
Nghìn thu khí vượng, nhiệm màu nước non;
Giang khê bốn mặt vuông tròn,
Nguyệt Hằng đứng trước một hòn cao cao.

Cõi bờ tám tổng bao lao,
Sáu mươi bảy xã như sao dãi bày,
Địa hình bức vẽ xem hay,
Lại đem thổ tập xưa nay phẩm bình.

Ngô Xá mạch đất chung linh,
Văn khoa, vũ hoạn hiển vinh đời đời;
Thầy hay thợ khéo đua tài,
Múa rìu, quẩy níp, ra ngoài viển vông.

Tái Kênh ít bãi hẹp đồng,
Chăm trông vườn dược, vun giồng rau dưa;
Phép tiên đạo phật say sưa,
Bốn con sư Tái, câu xưa còn truyền.

Đôn Thư ăn nói có duyên,
Đời nào cũng có hào quyền nổi danh;
Dưới giăng mấy ả phong tình,
Buộc dây giải cấu, lộn vành ái ân.

An Thư ăn nói phong thuần,
Những việc tang tế đỡ đần cùng nhau;
Ca nhi coi thấy nhiệm màu,
Hồng hồng, tuyết tuyết, mấy câu não người.

Khoe khoang mấy cậu Yên Bài,
Mặc trong sô vải, phủ ngoài the lương;
Tháng ngày chăm việc tằm tang,
Gần sông tiện bến nhiều đường bôn thu.

Yên Cước xưa vốn dàn chù,
Gánh hàng thập vật, bốn mùa bán rong;
Rủ nhau cầm cố ruộng công,
Vì ai gây tệ mở lòng ấy ra.

Đồng Du Trung ở thật thà,
Ngoại ưa lịch sự, nội pha thị thành;
Bác keo, gặp chú thâm tình,
Rượu ngon vịt béo vui tình ngược xuôi.

Ô Mễ một xóm ở ngoài,
Chăm nghề cau, chuối, mía, khoai vun giồng;
Ba thôn ở cách đê trong,
Ép dầu, thả cá, ruộng đồng cũng chăm.

Nội Trang chẳng mộ tiếng tăm,
Việc quen gánh vác, quanh năm lần hồi;
Thói đâu quê thực quá đời,
Việc gì cũng cạy đồng hồi phán cho.

Ngoại Trang dân ở nhỏ nho,
Cờ bài cũng bợm, trâu bò cũng tinh;
Có nông cổ, có học hành,
Có khi đám xá linh dình say sưa.

Hoà Mục phong thổ khá ưa,
Có nước giếng ngọt, vốn xưa đẹp người;
Công điền kể được mấy mươi,
Làm ăn cũng thấy sinh sôi đủ dùng.

Bồ Xá lắm gái má hồng,
Hào quyền cũng muốn vẫy vùng một hai;
Làng tiên hội họp chơi bời,
Mỗi người rượu uống ba nai còn thèm.

Đồn Xá tính nết nhũn mềm,
Ở ăn mọi việc bảo êm thuận chiều;
Phường phả lắm, tế tự nhiều,
Ruộng sâu, lúa tốt, chi tiêu cũng vừa.

Mỹ Thọ người lắm của thừa,
Đôi chợ đông khách, vải thưa đắt hàng;
Phụ bên thành huyện bốn làng,
Thầy kia cậu nọ vẻ vang ra vào.

Rộng thay tám xóm La Hào,
Lâm ly đồng trũng, ngạt ngào lúa xanh;
Đôi làng Chương Cối, Đồng Vinh,
Sẽ ăn khéo nói, như hình con buôn.

Văn Phú gái lịch, giai khôn,
Nghề chơi bợm lõi tiếng đồn xưa nay;
Lại chăm buôn bán, cấy cày,
Ngả nghiêng sáu mặt, giở xoay trăm đường.

Dịu dàng nét đất Yên Dương,
Xưa kia biết mấy văn chương nổi tài;
Quyền hào nối dõi đời đời,
Cuộc ngoài lắm kẻ ăn chơi cũng sành.

La Sơn ở ít thuận tình,
Công điền giản cách, tranh giành lắm khi;
Mấy người gan sắt ai bì,
Gặp cơn vận nạn sợ gì ấy đâu.

Tập Mỹ ăn nói nhiệm màu,
Bớt đường xa xỉ, giữ câu chuyên cần;
Dẫu ai trong bước gian truân,
Tìm công kiếm việc mọi phần chẳng lo.

Đồng Rồi ở chốn quanh co,
Bên đường Bụt Mọc có chùa ba gian;
Hỏi ra ít kẻ giàu sang,
Những phường ăn lận, chơi ngang đã từng.

Yên Đổ xã nhớn vô chừng,
Bảng vàng bia đá tiếng lừng thơm tho;
Thơ lưng túi, rượu đầy hồ,
Thuốc viên chào khách, sãi đò nên thân.

Yên Tập xưa vốn dân thuần,
Kẻ chăm sự đạo, người cần việc nông;
Mấy câu nghe nói phường ngông,
Ngỡ là những chốn môn phong quý quyền.

Mạn Chư kiện cáo liền liền,
Đơn từ vẽ khéo, bạc tiền đâm trơ;
Hỏi ra có cụ Trạng Rừa,
Hay nhời ứng đối đời xưa sứ Tàu.

Duy Dương đạo ngãi hay đâu,
Phương ngôn nhớ đến những câu buồn cười;
Cầu, đò, chợ búa, thú vui,
Rộng đường đi lại, đủ mùi ăn chơi.

Cao Cái dệt vải xe gai,
Tình duyên kết lại mấy người vẻ vang;
Làng tiên rượu uống không đang,
Vui nghe hí cục có phường rất hay.

Phù Tải con gái đẹp thay,
Vương công sánh bạn, xưa nay mấy người.
Anh em ăn ở đơn sai,
Kìa ai đặt lại những nhời phương ngôn.

Trung Lương thói tốt hãy còn,
Ruộng công mong được nhiều con nhận phần;
Sinh đâu mấy lũ quấy dân,
Hiệp kia, Đội nọ, mấy lần ra chia.

Vân Tập dân nhỏ tí ti,
Xem ra cư xử thị phi biết điều;
Công điền kể được bấy nhiêu,
Cũng vừa đóng góp ăn tiêu tháng ngày.

Mai Động chợ bến vui thay,
Đàn trâu bè gỗ, khách đầy bán mua;
Bắc, nam ăn nói tranh đua,
Rượu chè, bài bạc, bốn mùa xuân chơi.

Tiêu Động lắm của đông người,
Trường to, chợ nhớn, thú vui đâu bằng;
Xưa nay thụ giáo một lưng,
Sao năm ba kẻ đâm sừng phá ngang.

Phong lưu nết đất Tiêu Trang,
Ăn chơi rất mực, giàu sang quá chừng;
Vườn hoa ong bướm tưng bừng,
Mắt xanh qua lại lòng ưng má đào.

An Lão gần ở núi cao,
Ngoài đồng lúa cánh ngạt ngào thơm tho;
Đất nhiều hội hát nhà trò,
Mà câu kiện cáo tranh đua vào nhòng.

Liên Đích hẹp nội rộng đồng,
Làng Đước xem thấy dân phong cũng bề;
Hai thôn Trào, Đỗ thực quê,
Mà thôn Vũ Xá ra nghề hung hăng.

Thứ Nhất trước kể đâu bằng,
Bá kia, Tổng nọ, nói năng khoe tài.
Thượng Thôn biết sự tới lui,
Lấy câu vũ đoán đua hơi kém nào.

Bối Kênh là chốn phú hào,
Trúc mai phô tốt, liễu đào khoe tươi;
Làng xuân ngày tháng đua vui,
Quạt chàng mát mẻ, đưa người tình chung.

Bối Thuỷ cũng có má hồng,
Mà xem văn học vả thông ít nhiều;
Mấy người quá độ ăn tiêu,
Xưa kia bĩ cực, đợi chiều thái lai.

Vinh Tứ đất vượng đinh tài,
Những chăm việc gốc, ít mùi chơi ngang;
Tuần đinh coi giữ dân làng,
Trong nhà ngoài ruộng vật thường chẳng lo.

Vui xem phong cảnh Mỹ Đô,
Giang khê một dải, thuyền đò dọc ngang;
Họ Hà nổi tiếng giàu sang,
Đem tài hoạt bát, mở đường vinh hoa.

Đinh Xá cảnh sắc rườm rà,
Trong đồng tốt lúa, lợi hà lắm cây;
Đầm Chiềng cả nhớn đâu tầy,
Chợ rao bún bánh, hàng bày mía rau.

Phạm Xá xưa lắm nhà giàu,
Bán buôn lừa đảo, có đâu được bền;
Vãi non vui sự chùa chiền,
Thầy già bùa thánh phép tiên độ người.

Trường Duệ phong cảnh dễ coi,
Vòng trong ao ruộng, nẻo ngoài bãi nương;
Chuyên cần những việc nông tang,
Cũng năm ba kẻ thuốc thang khoe mình.

Mỹ Duệ buôn bán cũng sành,
Vành trong chợ bến ra tình tranh thi;
Say sưa giăng gió mấy dì,
Rượu ngon chuốc chén bước đi chao mình.

Hùng Văn coi thú hữu tình,
Mười hai nhà ngõ ở quanh bên đầm;
Có khi gặp bạn tri âm,
Rượu nồng cá béo ai cầm lòng đang.

Hùng Văn Nhị ở bên giang,
Ruộng dâu, vườn mía, lợi thường đủ tiêu;
Lọ là của lắm người nhiều,
Biết trong cư xử mọi điều là hay.

Ngô Khê chợ bến vui thay,
Bốn thôn bờ bãi xưa nay lợi nhiều;
Có thanh lịch, có gian điêu,
Có mùi nghiện ngập, có điều say sưa.

Cát Lại chốn ấy không vừa,
Đã hay lý sự, lại thừa khôn ngoan;
Có người trên, khéo bảo ban,
Đôi bên lương, giáo, thuận đường cùng nghe

Vĩnh Kiến dân ở le te,
Dựng ra trước tự quan nghè Vĩnh Xuyên;
Thảnh thơi một thú giang biên,
Nghề chăm buôn bán, việc quen vun giồng.

Cổ Viễn ăn nói thợ thùng,
Lấy điều tín thực cũng không mấy người;
Quai ngoài nhờ lợi sa bồi,
Bốn mùa ngô, đậu, mía, khoai thiếu gì.

Hưng Công ở có lễ nghi,
Hội họp, đám xá, nhiều khi linh đình;
Ngẫm xem phong thuỷ hữu tình,
Đinh tài đất vượng, học hành rất thông.

Sơ Lâm chia ở ngoài, trong,
Khắp xem Thưa, Quốc, Bùi, Đồng, bốn thôn;
Vật thường rau chuối bán buôn,
Gặp cơn vận túng vẫn còn lòng ngay.

Hàn Mặc lắm quả tốt cây,
Dàn làng một rẻo ở bày bên đê;
Mấy người buôn bán cũng ghê,
Con thuyền xuôi ngược giang khê vui lòng.

Tử Thanh cảnh sắc vui trông,
Năm thôn chia ở ruộng đồng tốt thay;
Nho y vả có thầy hay,
Đơn từ, lý sự, mấy tay cũng già.

Viễn Lai tính nết kiêu xa,
Ăn chơi quá độ hoá ra phiêu tàn;
Phục hồi nay thấy giỏi giang,
Có đồng lúa cấy, có đàn dê chăn.

Yên Nội người biết phải chăng,
Bên cầu mát mẻ, chợ Gừng họp vui;
Họ Cù hào hữu mấy người,
Vốn dòng khoa hoạn ở đời Tiền Lê.

Kìa như nét đất Yên Đề,
Xưa nay ăn ở thói quê giữ thường;
Dân làng ít việc tranh nhương,
Kẻ ra thành thị tìm đường phong lưu.

Yên Lã ăn nói kém đâu,
Rượu vào nghe thấy những câu chọi mùi;
Một hai kẻ mới nảy tài,
Học làm lược bí, vẽ vời bức tranh;

Vụ Bản khoa hoạn hiển vinh,
Lắm nhà hào phú nổi danh đâu bằng;
Sinh nhai đủ việc làm ăn,
Thầy thầy, thợ thợ, tinh anh mọi tài.

Tiên Khoán kiểu đất xem vui,
Nhà giàu, quan lớn, mấy nơi đọ tày;
Màu thâm ngả nhuộm tốt thay,
Mắt xanh mấy kẻ lòng say má hồng.

Văn Ấp tám xóm ở đông,
Họ Trần nền nếp ấy dòng Đại Vương;
Có hào hữu, có văn chương,
Xem ra thấy dáng phong quang nhường nào

Khê Câu miễu rậm, gò cao,
Thượng, Chung, đôi xóm ra vào vui trông;
Tắc Khê riêng ở bên sông,
Năm ba những kẻ gian phong bạn bè.

Xuân Lôi đất hẹp, người quê,
Mà đường cư xử nói nghe ngang tình;
Có người nhỡ bước công danh,
Giở về chăm việc nông canh giữ giềng.

Độ Việt giữ thói ngay hiền,
Mười nhà cấy một khoảnh điền đủ chơi;
Dẫu rằng chốn ấy hẹp hòi,
Trần công phái tịch đời đời nhận nhau.

Ngọc Lũ người lắm của giàu,
Mười ba xóm ở, hoa màu biết bao;
Lại xem tài lực giỏi sao,
Đắp đê, hộ thuỷ nơi nào cũng thuê.

Bỉnh Trung được đủ mọi bề,
Thông nghĩa kinh sử, lợi nghề bút đao;
Nền phú hữu, cửa quyền hào,
Ăn chơi nét đất, bảnh bao khoe đời.

Thành Thị tốt của đẹp người,
Rộng đường học vấn, đua tài văn chương;
Thú chơi đông chợ vui hàng,
Kìa lò Nghi Địch, nọ hàng Hạnh Hoa.

Vũ Bị năm xóm ở xa,
Đường ăn, nhẽ ở, xem ra thuận chiều;
Thổ Nghi giồng lắm thuốc lào,
Hỏi đưa khách lạ, ngon chào bạn quen.

Nguyễn Xá xưa lắm hào quyền,
Đường hoa cũng có tình duyên trêu người;
Mấy phen kiện cáo bời bời,
Ở trong lập thế, ra ngoài ỷ thân.

Yên Ninh xã nhớn bội phần,
Màu đất đã tốt, lợi dân lại nhiều;
Đàn anh đánh đọ với nhau,
Nhẽ kia ý nọ sinh điều tranh đua.

Nền dân dựng dõi ngày xưa,
Mà gương phong tục bây giờ là đây.
Cuộc đời mấy độ đổi thay,
Người xưa cảnh cũ đến nay còn truyền.


Bài ca này được làm khoảng năm 1900, giới thiệu về phong tục, tập quán của lần lượt 67 xã của huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vào thời đó.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]