MẦU NHIỆM CỦA TÂM ĐỊNH TUỆ

* May mắn nhất của đời người là biết được và thụ hưởng được những mầu nhiệm của Tâm Định Tuệ. Tâm Định Tuệ là tâm linh tối thượng của vũ trụ, tiềm ẩn ở mỗi con người, trong tất cả chúng sinh.

* Định là dừng lại những nghĩ tưởng của tâm vô minh (vọng tưởng). Tuệ là ánh sáng thấy-biết tịch lặng (vô niệm) của tâm.
“Định tức Tuệ-Tuệ tức Định” là Viên Giác. Viên Giác là tâm linh tối thượng, là Chân-Thiện-Mĩ, là Thượng Đế, là Phật tính, là chân ngã.

* Năng lực thực hành Định Tuệ là sự nghiệp cao quý nhất của đời người. Năng lực đó bất kì ai cũng có thể đạt được ít nhiều, nếu biết học tập theo các nền minh triết tâm linh, theo các tôn giáo thánh thiện, theo đạo Phật.

* Để có năng lực đó, đơn giản nhất là quán hơi thở hoặc chú tâm thầm niệm “Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát”, với ý thức chuyển hoá dần những tâm tưởng mang năng lượng xấu ác, phiền não, si mê; chuyển hoá vì tự lợi-lợi tha. Người tin tưởng năng lực cứu khổ cứu nạn của Bồ tát Quán Thế Âm (một vị cổ Phật) có thể theo hoặc không theo đạo Phật; nhưng cần học hỏi thêm Phật pháp.

* Tâm Định Tuệ bao trùm vũ trụ. Ai thực hành phát triển năng lực Định Tuệ là mang thiện ích lớn cho mình, cho thân nhân còn sống hay đã từ giã kiếp người, cho tất cả chúng sinh, cho đạo lí giác ngộ tối thượng của vũ trụ.

* Thực hành Định Tuệ mang nội hàm “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”.
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả”. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình”. (Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen org).

* Thực hành phát triển năng lực Định Tuệ là một công trình Đại thừa quan trọng. Ai thành tâm thực hành là có sự giúp đỡ, gia trì của các bậc giác ngộ, của các vị thiện thần hộ pháp. Các vị thiện thần hộ pháp giúp đỡ nhiều mặt, kể cả hoàn cảnh cuộc sống, phương tiện tồn tại. (Nhiều học giả hiện đại, có trình độ uyên thâm về vật lí lượng tử, lí giải điều này rất hay).

* Nghiệp là diễn trình gieo nhân-gặt quả (quả báo) của hành vi thân khẩu ý. Theo nhiều nhà khoa học thì nghiệp cũng mang năng lượng; mọi hiện tượng và toàn cơ thể vũ trụ là những dòng chảy năng lượng; năng lượng tâm thần là dạng năng lượng cơ bản nhất… Thực hành Định Tuệ có công năng chuyển nghiệp, cải thiện nghiệp riêng và nghiệp chung. (Khoa học đã phát hiện ảnh hưởng của năng lượng tâm ý đến thế giới vật chất bên ngoài, đến môi trường sống, đến những ngưòi và những nơi rất xa…).

* Nhiều nghiên cứu y học và sinh học cho thấy rằng, thực hành Định Tuệ làm thay đổi cấu trúc não, cải thiện sức khoẻ bộ não, sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ toàn diện. Đặc biệt, sự thực hành sẽ kích thích tuyến tùng tạo đủ lượng melatonin cần thiết cho sự phòng chống ung thư. Nhiều trường hợp thực hành Định Tuệ và cầu nguyện chân chính đã chiến thắng bệnh nan y.

* Thực hành phát triển Định Tuệ sẽ xa dần các tà kiến và các thiên chấp; sẽ sống với nhân cách tự-do-tinh-thần; cởi bỏ gánh nặng nô lệ thị phi, tập tục. Sau khi từ bỏ thân xác tạm bợ này, sẽ không phải chui rúc vào các nẻo si mê đầy đau khổ phiền não; sẽ không phải làm thân ngạ quỷ vất vưởng chốn mồ mả hay các nơi thờ cúng.

* Thực hành phát triển Định Tuệ sẽ hội tụ ở mình mọi giá trị, mọi chất lượng cuộc sống đích thực, không ảo tưởng phù phiếm. Thực hành phát triển Định Tuệ sẽ biết tôn quý mọi phương tiện thăng hoa trí tuệ-tâm linh của người khác, không kì thị tôn giáo - không “hơn thua, cao thấp”. Đó là tâm Đại thừa chân chính.

* Tâm Định Tuệ là ông chủ minh triết hoà bình, là trí tuệ vô sư, là trí tuệ siêu việt của chính mình. Tâm Định Tuệ là cực lạc thiên đường, là mái ấm tinh thần, là quê hương tâm linh vĩnh hằng.
Tâm Định Tuệ là kho chứa vô tận công đức và phước đức; là năng lực sáng tạo thuận hợp Chân-Thiện-Mĩ; là cội nguồn của đạo đức nhân văn đích thực, của từ bi bác ái. Tâm Định Tuệ là tinh thần tự do tự tại. Tâm Định Tuệ là chốn tiêu dao cùng bạn lữ minh triết khắp vĩnh hằng.
--
Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
(http://www.truongsinhhocds com/site/vi/news/Tin-tuc-bao-chi/Mau-nhiem-cua-Tam-Dinh-Tue-1633.html).
-----------------------

THIỀN VÀ NGỘ
(Trích theo Thiền Luận, quyển thượng; thiền sư học giả Daisetz Teitaro Suzuki; dịch giả Trúc Thiên)

Khi gặp A Thuyết Thị, Xá Lợi Phất (lúc này chưa quy y) thấy vị tì kheo này tinh thần trang nghiêm, phong độ nhàn nhã, khí sắc tươi sáng làm sao! Xá Lợi Phất dọ hỏi thầy ông ta là ai, và ông ấy dạy gì. A Thuyết Thị đáp: Thầy tôi là Thích Ca Mâu Ni Phật, Thế Tôn, và lời dạy của Người cốt yếu như vậy:
“Như Lai giải thích nguyên nhân của vạn hữu
Vạn hữu phát sinh từ một nguyên nhân
Ngài cũng giải thích sự diệt trừ chúng
Đó là lời dạy của vị Đại Sa Môn”.

Kinh điển chép rằng vừa nghe bài kệ thì trong tâm Xá Lợi Phất bừng lên một cái biết sáng chói về chân lí “có sinh thì có diệt”. Xá Lợi Phất chứng ngay vào trạng thái không có tướng sinh tử, tướng phiền não, điều mà từ vô lượng kiếp ông không nghĩ đến bao giờ.

(...) Bài kệ, dù được truyền tụng nhiều vì đã mở mắt không riêng gì Xá Lợi Phất mà cả Mục Kiền Liên nữa, thật ra không có gì đáng gọi là tiêu biểu cho tư tưởng Phật giáo đủ uy lực tạo nên một đại dụng như vậy. Bởi vậy, lí do ấy ta nên tìm ở chỗ khác; nghĩa là không tìm ở chân lí hình thức, mà tìm ngay trong trạng thái chủ quan của người tai nghe kệ và tâm mở ra trên một thế giới khác. Đó là tâm của Xá Lợi Phất mở sáng ra một sự lãnh hội chiếu diệu về Pháp. Nói một cách khác, Pháp hiện đến cho ông ta như một cái gì tiềm phục trong chính ông, không phải như một cái thực bên ngoài trút vào. Hoặc nói khác hơn, Pháp hiện là đó, trong tâm Xá Lợi Phất, từ vô thuỷ đến vô chung, nhưng ông lơ đãng không nhận ra cho đến khi lời kệ A Thuyết Thị lọt vào tai.
---------------------

NHÂN-QUẢ CỦA NĂNG LƯỢNG CẢM XÚC & SUY NGHĨ TÍCH CỰC (lạc quan-thiện ích-hiền hoà-cảm thông-hướng thượng tâm linh)
------------------
Đọc trong Người Nam Châm – Bí Mật Của Luật Hấp Dẫn (Jack Canfiel & D. D. Watkins; người dịch: Thu Huyền & Thanh Minh; tái bản lần 6; nxb Lao Động-Xã Hội, 2015).
---
* “Người nào gửi đi những suy nghĩ tích cực sẽ kích hoạt thế giới quanh anh ta trở nên tích cực, và anh ta cũng sẽ nhận lại những kết quả tích cực”. (Tiến sĩ Norman Vincent Peale). (Trang 64).

* BẠN LÀ NĂNG LƯỢNG.
(…) Những hạt nhỏ hơn nguyên tử đó là gì? Xin thưa, là NĂNG LƯỢNG.
Vạn vật đều là năng lượng.
Năng lượng không được tạo ra, cũng không thể phá huỷ.
Tự nó đã mang tính nhân quả.
Nó hiện diện như nhau ở mọi lúc, mọi nơi.
Năng lượng chuyển động vĩnh hằng và không bao giờ ngừng nghỉ.
Nó chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác, luôn luôn như vậy.
SUY NGHĨ “SINH RA” NĂNG LƯỢNG. (Trang 28).

* BẠN LÀ MỘT THỎI NAM CHÂM
Bạn là một thỏi nam châm sống. Bạn hút – theo đúng nghĩa đen của từ này – người, vật, ý tưởng và các tình huống có tần số năng lượng rung động và cộng hưởng như của bạn về phía mình. Trường năng lượng của bạn thường xuyên thay đổi, nó phụ thuộc vào suy nghĩ và cảm xúc của bạn, và vũ trụ giống như một chiếc gương phản chiếu chính xác nguồn năng lượng bạn đã “tạo ra”. Suy nghĩ và cảm xúc của bạn mãnh liệt bao nhiêu thì lực hút sẽ mạnh bấy nhiêu. Quá trình này không đòi hỏi bất kì một sự nỗ lực thật sự nào, nam châm không phải “cố” hút vật – mà đơn giản, nó có đặc tính hút vật. Và bạn cũng vậy! Bạn vẫn luôn trong quá trình hút thứ gì đó vào cuộc sống của mình. (Trang 30-31).

* “Cuộc sống là một trò chơi boomerang (vật được ném, lại quay về chỗ người ném). Suy nghĩ, lời nói và hành động của chúng ta không sớm thì muộn cũng sẽ trở lại với chúng ta, chính xác đến độ đáng ngạc nhiên”. (Hoạ sĩ Florence Shinn). (Trang 34).

* Vì Luật Hấp Dẫn tương tác với những năng lượng rung cảm của suy nghĩ và tình cảm của bạn, nên bạn cần tập trung sự chú ý của mình vào những thứ có thể đưa bạn tới trạng thái của rung cảm tích cực. Nhiều chuyên gia về Luật Hấp Dẫn đã nói rằng, không gì quan trọng hơn việc cảm thấy thoải mái. (…). (Trang 54).

* (…) Ý chí của chúng ta tự do, chúng ta có toàn quyền quyết định mình muốn tập trung năng lượng và sự chú tâm của mình vào đâu. Vũ trụ chỉ đơn giản phản chiếu (gửi ngược) điều đó lại cho chúng ta. Nếu chúng ta tập trung chú ý vào điều gì đó (tiêu cực hoặc tích cực) thì vũ trụ sẽ gửi lại cho chúng ta chính điều đó, nhưng nhiều hơn. (Trang 57).

* Chúng ta giống như những tế bào trong một cơ thể, mỗi người thực hiện một chức năng riêng, và tất cả cùng tập trung phục vụ mục đích tồn tại của một tổng thể. (Trang 70).
------------------
(Mời đọc thêm phần thảo luận dưới bài thơ Chủ Nhật Nhiệm Mầu – Tuệ Thiền Lê Bá Bôn, trong Thivien net).
------------------------------------

LỄ CHÙA TRONG TÂM
(Gửi em tôi)

Nghe nói em buồn vì không có điều kiện đi chùa lễ Phật. Đừng buồn em ạ, miễn tâm mình biết hướng về điều Phật dạy là vui rồi. Đạo Phật nói: Phật tại tâm.

Có thờ Phật cũng tốt, không thờ cũng được. Thời xưa, nhiều người không quy y, không thọ giới, không thờ Phật, không ăn chay, không đi làm từ thiện... , họ chỉ TU TÂM thôi, mà vẫn đắc đạo.

Đạo Phật nói: Tâm là gốc... TÂM mình chứa nhiều thứ THAM-SÂN-SI (bởi cái “tôi” bất thiện) thì mình mang nhiều NGHIỆP XẤU cho kiếp này và các kiếp sau của mình.

TÂM mình biết giảm bớt tham-sân-si, biết thêm HIỀN HOÀ, CHÂN THẬT, SÁNG SUỐT, AN VUI, không mê tín thì mình tạo NGHIỆP TỐT cho kiếp này và các kiếp sau. Tốt cho mình và ảnh hưởng tốt cho cha mẹ, cho các tâm linh thân quen và tất cả.

Nếu em không biết thiền, thì em LẶNG LẼ NIỆM PHẬT; niệm bằng tâm, không phát ra lời cũng được. Niệm Phật để sám hối tâm tham-sân-si. MỤC ĐÍCH CHÍNH của chánh pháp Phật dạy là giúp mình biết giải thoát tâm tham-sân-si, để bớt LUÂN HỒI trong các con đường khổ...

Mời em đọc thêm phần tham khảo dưới bài thơ Trì Danh “Quán Thế Âm Bồ Tát” (Tuệ Thiền) ở trang Thi Viện. Chúc em an vui.

Lê Bá Bôn (Bích La)
---
TÁI BÚT:
Trong lúc nằm nghỉ ngơi, để có thêm sức khoẻ, có thêm cảm xúc tích cực tạo nghiệp tốt, em có thể thực hành như sau:
Nằm ngửa, không gối đầu; xuôi hai tay hai chân thoải mái, hai bàn tay để ngửa. Hít vào hơi dài và từ từ phình bụng lên, vừa niệm thầm: Nam-mô Từ Bi Hỉ Xả. Rồi thở ra nhẹ nhàng thoải mái, không niệm.
Thực hành bao lâu tuỳ ý. Niệm câu đó giúp tâm mình thoải mái tự nhiên, và giảm bớt nghiệp xấu tham sân si của cái “tôi” vô minh. “Nam-mô Từ Bi Hỉ Xả” có nghĩa là: quy y (hướng về và sống với) pháp Tứ Vô Lượng Tâm. Cũng có thể niệm bình thường, không thở bụng, chọn tư thế nào cũng được.
--
(Trạng thái tâm từ, bi, hỉ, xả:
- Từ: tâm hiền hoà, nhân từ.
- Bi: tâm biết thương xót sự đau khổ, phiền não của mọi người, mọi tâm linh.
- Hỉ: tâm an vui với cuộc sống tâm linh (tâm trí) biết hướng thiện, hướng thượng.
- Xả: tâm biết buông bỏ dần mọi sự đeo bám mang tính chất tham sân si của cái “tôi” vô minh; tâm đại xả là tuệ giác viên mãn).
----------------------------

MỘT PHƯƠNG TIỆN MINH TÂM-KIẾN TÁNH

Khi mình đã có nhu cầu minh tâm-kiến tánh, vì tự lợi-lợi tha, thì thực hành thiền giác ngộ không khó.

Minh tâm là sự tri giác trong nội tâm mình nghe rõ-thấy rõ những lời nói thầm (tâm ngôn), những động niệm (tâm hành) bởi cái “tôi”.
Kiến tánh là nhận ra trạng thái tri giác (thấy-nghe-biết) như thực, không bị biến dạng bởi tâm ngôn-tâm hành.

Có một cách rất dễ thực hiện là, mình thầm niệm danh hiệu một thánh nhân thiện lành nào đó của tôn giáo, hoặc một ngôn từ thiện lành nào đó (chân ngôn). Vừa thầm niệm vừa lắng nghe. Một thời gian sau, khi mình ngừng niệm, mình sẽ biết nghe và thấy tâm ngôn tâm hành (vọng tưởng vọng niệm). Nhờ vậy, sẽ đánh thức năng lực hồi quang phản chiếu...

Bây giờ mình lắng nghe vọng tưởng (vọng niệm) với tâm thái “lắng nghe tại đây và bây giờ”, không hướng về đâu cả. Vì có sự chuyển hoá năng lượng nên vọng tưởng (vọng niệm) im bặt, chấm dứt, tâm vô ngôn vô niệm (Tánh Không) hiện hữu, Tri kiến như thực (tri giác thuần khiết, Tánh Giác) hiện hữu.

Tiếp tục sống và giữ gìn tâm thái “Sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa chú tâm vô niệm”, trong thời gian thực hành thiền định.
Chú tâm vô niệm là sự chú tâm mang ánh sáng vô niệm. Đó là sống trong trạng thái kiến tánh; và tiếp tục hành thâm.

(Tuệ Thiền)
---

* Mời đọc lời thiền của Lục Tổ Huệ Năng:

“Này thiện tri thức, nếu trong các ông hàng hữu học, mỗi lần niệm khởi trong tâm, hãy hồi quang phản chiếu (tận nguồn tâm). Khi niệm diệt trong tâm, sự phản quán tâm cũng tự diệt, đó là vô niệm. Vô niệm hoàn toàn thoát ngoài các duyên ngoại cảnh, bởi vì nếu còn có cảnh duyên nào thì không thể là vô niệm được. (…) Nếu khởi chánh chân Bát nhã quán chiếu thì trong khoảng một sát na vọng niệm đều diệt. Nếu biết tự tánh, một phen ngộ tức đến quả vị Phật”. (Thiền sư Huệ Năng - Lục tổ Thiền tông).

* Mời đọc lời thuyết giảng của Hoà thượng Tịnh Không:

"Hướng tánh nghe vào bên trong là như thế nào? Là lắng nghe từng chữ, từng câu Phật hiệu do mình niệm ra".
("Phản văn văn tự tánh" là gì? - Phatgiao org vn).

* Đọc thêm bài kệ của Thiền sư Đồ Lăng Úc để thêm ước vọng giác ngộ:

Ta có thần châu một hạt
Lâu rồi bụi mờ che khuất
Ngày nay sạch bụi sáng trưng
Soi thấy nghìn trùng non nước.

(Trích trong Thiền luận II; thiền sư học giả Daisetz Teitaro Suzuki; dịch giả Tuệ Sỹ).