Đăng bởi Bích La vào 03/05/2019 09:52
Giọt sương long lanh
Lấp lánh Vĩnh Hằng
Thức nhành mai dậy
Huy hoàng sắc xuân.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
GIÁ TRỊ CỦA LÍ DUYÊN KHỞI TRONG ĐỜI SỐNG THIỀN TUỆ
Tôi không phải là một Phật tử. Do khát vọng muốn sống một cuộc sống khế hợp với chân lí như thực, thật sự có ý nghĩa cho mình và tất cả, tôi đã tìm đọc, suy nghĩ, rồi thực nghiệm giáo lí trong vài tôn giáo.
Phật giáo đã giúp tôi vốn liếng khá lớn để phát hiện sự hư dối của bản ngã. Sau đó tôi đã biết rằng, muốn phát hiện thật tướng của bản ngã, của vô minh thì cần phải có sự im lặng tư tưởng. Với những ý tưởng luôn chằng chịt trong tâm trí thì không có tuệ quán như thực, cũng như không thể có tri giác tự do tự tại.
Hơn mười năm sống thiền bằng pháp Quán Tâm, tôi đã vận dụng vào cuộc sống hằng ngày qua nhiều nghề: làm rẫy, dạy học, phụ trách công tác thư viện, sáng tác… Một hôm nhân đọc công án của các thiền sư, tôi chợt nhớ đến lí Duyên Khởi. Thì ra tâm trí tôi không có những giây phút tỉnh thức và lặng lẽ, là do toàn bộ sự sống của tôi không chịu công nhận chân lí duyên sinh-vô ngã. Xưa nay tôi cứ chìm đắm mãi trong những phê phán, nhận xét, quan niệm, ước muốn…, chúng âm thầm phát xuất từ quy định của bản ngã huyễn ảo. Với sự tỉnh ngộ đó, tôi bắt đầu có những giây phút sống với Tâm Vô Ngôn Tịch Chiếu. Những ý tưởng chằng chịt trong tâm trí (một thứ mộng mị lúc không ngủ ở con người) dần vơi bớt…
Bây giờ tôi đã biết niềm hạnh phúc của cuộc sống trở về với Chân Tâm, của sự tự tin vào năng lượng thiền định tự tri.
(Nguyệt san Giác Ngộ, tháng 10/1996).
(Trích trong Đường Về Minh Triết; nxb Văn Nghệ, 2007; Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn).
---------------------
SỰ SỐNG LÀ VĨNH HẰNG
- “Sự sống, về bản chất là Ý THỨC, là vĩnh hằng và không có đối lập. KHÔNG CÓ CÁI CHẾT, chỉ có những biến dạng của CÁC HÌNH THÁI SỰ SỐNG, biểu hiện ý thức thế này hoặc thế khác.” (Eckhart Toole, tác giả The Power Of Now - Quyền năng của hiện tại).
- “Con người gồm 7 PHẦN, gồm thể xác, năng lượng, cảm xúc và 4 cơ thể tâm thần, trong đó chỉ có thể xác là hữu hình, được y học chính thống giảng dạy (đây là NĂNG LƯỢNG ĐẶC), 6 phần còn lại có độ đặc khác nhau. Năng lượng càng loãng càng nghiêng dần về phía linh cảm (năng lượng chưa phải tế vi). Khi sống, phần năng lượng đặc vẫn còn nhưng khi mất đi thì phần năng lượng đặc mất, CÁC PHẦN NĂNG LƯỢNG KHÁC VẪN TỒN TẠI.” (Đoàn Xuân Mượu, giáo sư tiến sĩ, nguyên viện trưởng viện Văcxin Quốc gia).
- “Quý vị đừng nghĩ rằng Jo đã chết. Cậu KHÔNG HỀ CHẾT như quý vị nghĩ đâu, mà chỉ đi qua MỘT CÕI GIỚI KHÁC mà thôi. Quý vị có thể chuyển đến cho Jo những tư tưởng thân ái, những tình cảm chân thành, vì chỉ những thứ nầy mới làm cho Jo thoát được tình trạng u mê hiện nay. Càng than khóc quý vị càng làm Jo thêm đau khổ, và càng đau khổ thần trí Jo càng u mê, quyến luyến, hoảng hốt, không ích lợi gì cả. (...).
Nói một cách khác, khi từ trần người vẫn ở nguyên chỗ cũ, chỉ có khác là các giác quan thuộc về xác thân đã hư hại không còn sử dụng được nữa, nhưng CÁC GIÁC QUAN MỚI lại bắt đầu làm việc. Sau một giây phút thay đổi như người đang đi ở chỗ tối bước ra chỗ sáng, bị loá mắt một lúc rồi mới có thể nhìn được mọi vật một cách rõ ràng, thì cũng như thế, nhờ các giác quan mới hoạt động mà người ta có thể ý thức được cõi giới bên nầy một cách rõ rệt hơn.
Điều đáng nói ở đây là sự QUYẾN LUYẾN VỚI CÕI VẬT CHẤT, giống như người từ chỗ tối bước ra chỗ sáng lại CỨ NHẮM MẮT, không muốn nhìn gì nữa. (Trích trong tuyển tập Trở Về Từ Cõi Sáng; Nguyên Phong tuyển dịch).
- “Quý vị nên biết cõi giới bên kia cửa tử không phải là một cảnh thiên đàng hay địa ngục như người ta thường diễn tả, mà là MỘT CẢNH GIỚI RẤT SÁNG, một thứ ánh sáng tràn đầy yêu thương của đấng sáng tạo. Tại đây người ta có dịp HỒI QUANG PHẢN CHIẾU ý thức thực của mình (tức là nhìn lại, cảm nhận tâm ý mình), để quyết định cho đời sống ở kiếp sau. ĐỜI SỐNG BÊN NÀY RẤT YÊN LÀNH, THOẢI MÁI vì chỉ có các tư tưởng rung động thanh cao, không hề bị ô nhiễm bởi các dục vọng vật chất. Muốn thích hợp với đời sống này, con người cần biết loại bỏ các RÀNG BUỘC vật chất như lòng tham lam, ích kỷ. Cháu Jo hiện nay vẫn còn bị ám ảnh nhiều bởi tâm trạng lúc chết, nhưng tôi tin cháu sẽ hiểu biết và siêu thoát.” (Trích trong tuyển tập Trở Về Từ Cõi Sáng; Nguyên Phong tuyển dịch).
- “Cõi bên nầy không phải là nơi mà người đi qua sẽ không bao giờ trở lại, hoặc là nơi tối tăm, ghê rợn, hễ ai rơi vào đó là mất hút, mà trái lại, đó là MỘT CÕI SÁNG RẤT LINH HOẠT. Có lẽ nó còn linh hoạt hơn cả những đô thị sống động nhất của cõi trần, nhưng sự linh hoạt ở đây không phải là sự ồn ào, náo nhiệt mà là một sự linh hoạt rất nhẹ nhàng, bình an, thoải mái để người ta có thể cảm nhận được một tình yêu thương tuyệt đối, một ân phước dồi dào không bút mực nào có thể tả xiết. Trong sự bình an nầy, người ta bắt đầu hồi tưởng nhiều việc đã xảy ra để rút tỉa kinh nghiệm và học hỏi, ĐỂ CHUẨN BỊ CHO MỘT ĐỜI SỐNG MAI SAU.” (Trích trong tuyển tập Trở Về Từ Cõi Sáng; Nguyên Phong tuyển dịch).
- “Chúng ta cần nhớ NGUỒN GỐC CHUNG của mình. Tinh thần con người suy thoái khi chúng ta HẠN CHẾ MÌNH trong một kiếp người và giam trong một thể xác. TRƯỚC HẾT chúng ta là tâm trí và tinh thần (…).
Có thể là ý thức không nằm trong bộ não. Đó là một khả năng gây sửng sốt, nhưng phù hợp với truyền thống tâm linh cổ đại nhất thế giới.” (Deepak Chopra, tiến sĩ y học-nhà nghiên cứu tâm linh; Sự Sống Sau Cái Chết: Gánh Nặng Chứng Minh).
- “Tâm linh là gì?
Dù có ý thức rõ ràng hay không, chúng ta đều hiểu “tâm” như nguồn gốc phát sinh, như người đạo diễn ẩn diện, như nguyên lý động lực học của tư duy, tình cảm, ý chí, ham muốn… (tóm lại) của mọi hoạt động hay đời sống tinh thần. (…).
“Linh” hay linh thiêng là tác dụng hay hiệu lực “vật chất” lên cuộc sống của con người hay tồn tại của vật thể. (…).
Tâm Linh là cái Tâm phiếm hình nhưng lại có hiệu ứng Linh. Như vậy trong tiếng Việt ta xưa nay vẫn có một từ hoàn toàn tương ứng với cả nội hàm, cả ngoại diên của tâm linh, đó là “thần”. (…) “Thần” ứng dụng cả cho người, cả cho vật, cả lúc sống, cả lúc chết (…).
(…)
Nhiều danh nhân thuộc đủ bộ môn học thuật đã nhìn ra cái bi kịch của nhân loại thế kỉ XX, và nguyên nhân của nó lại đang được kéo dài sang thế kỉ XXI, và đã mường tượng, đã tìm ra, đã khẳng định lối thoát ra khỏi cơn khủng hoảng toàn cầu, sinh lộ cho tồn vong nhân loại. Hãy nhớ lại câu nói: “Khoa học của thế kỷ XXI phải là KHOA HỌC TÂM LINH, nếu không sẽ không làm gì còn khoa học nữa” (André Malraux).”
(Tinh Tiến; Vấn đề tiềm năng con người; Chungta com).
- “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là MINH SƯ vĩ đại nhất của chính mình.” (Đường Về Minh Triết; Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn).
(Mời đọc thêm phần sưu tầm dưới bài thơ Tôi Nghe – tác giả Tuệ Thiền).
----------------------------
SUY NGHĨ VỀ MỘT VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI
Cốt lõi của cảm thức về ý nghĩa cuộc sống, là cảm thức về giá trị của cái “tôi”, tức là “giá trị làm người”.
Cốt lõi của giá trị làm người có văn hoá (hiểu theo nghĩa rộng) là nhân cách.
Cốt lõi của nhân cách là đạo đức.
Cốt lõi của đạo đức là khuynh hướng thiện ích cho nhân loại, cho môi trường chung.
Kim chỉ nam của khuynh hướng thiện ích là tâm trí tỉnh thức-vô ngã.
Điều kiện để đạt được ít nhiều sự tỉnh thức-vô ngã là tự tri tự giác (tức quán tâm, biết tâm ý trọn vẹn), là thiền định.
Muốn tự tri tự giác phải có khát vọng lớn, phải có sự liêm khiết trí thức, phải có nhãn quan minh triết. (Những điều này không lệ thuộc ở học vấn nhiều hay ít, vì có nhiều phương cách để bồi dưỡng văn hoá).
Tóm lại, “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống.
(VIETWIKI VN; Lời Dâng; trích trong Đường Về Minh Triết; nxb Văn Nghệ, 2007; Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn).
---------------------------