Sau 42 năm, nhà thơ Trần Dần trở lại với Huế. Lần đầu, năm 21 tuổi (1946) anh đến Huế cùng với một người bạn gái làm một cuộc du ngoạn. Lần này, anh đi cùng Phùng Quán, người bạn thơ của anh vừa cùng được “trở lại” Hội Nhà Văn Việt Nam. Hai nhà thơ ghé thăm Hội Văn Nghệ tỉnh, gặp gỡ gần 100 nghệ sĩ và trí thức đang công tác tại Huế. Ðêm gặp gỡ diễn ra thật sôi động. Ðấy là một cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở. Tuy tuổi tác già yếu, nhưng khi đối thoại, Trần Dần trở nên mạnh mẽ quyết liệt và hết sức chân tình. Anh nói:

“Tôi thích những cuộc đối thoại với nhau như tra tấn. Ðọc là tra tấn có một chiều. Ðối thoại là tra tấn lẫn nhau.”

Trong không khí cởi mở đó, nhà thơ Phùng Quán chiếm ngay diễn đàn giới thiệu tác giả Trần Dần. Anh kể tên những tác phẩm tiêu biểu của Trần Dần như tiểu thuyết Người người lớp lớp, Những ngã tư và những cột đèn, Ðêm núm sen, bài thơ “Nhất định thắng”, trường ca Ðây Việt Bắc, Cổng tỉnh, Mùa sạch, Thơ mini, v.v... Và anh đọc nhiều đoạn thơ tiêu biểu đã in và chưa in của Trần Dần. Phùng Quán tâm sự:

“Các tác phẩm của anh Trần Dần hầu như tôi đều đọc. Có cái tôi hiểu và có cái tôi không hiểu. Nhưng khi tôi hỏi, anh Trần Dần chỉ nói: ‘Mưa rơi không cần phiên dịch’. Ðề nghị anh Trần Dần nói rõ hơn điều này.”

TRẦN DẦN: Tôi với anh Phùng Quán còn thân hơn anh em. Nhưng thơ anh Phùng Quán là thơ quảng trường. Cũng như anh Hoàng Cầm, anh Phùng Quán đọc thơ rất lôi hút người nghe. Tôi lại không thích thơ để đọc. Tôi nghĩ cái tai ngu hơn cái mắt. Trần Dần thì con mắt chạy vào trong. Nhưng thơ thì mỗi người một kiểu. Có kiểu bày thơ, thơ triển lãm. Tôi đang làm thơ mini...

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG: Xin hỏi thật anh. Tại sao phải là thơ mini mà không thể là thơ cách khác. Vậy thơ mini có phải là thời thượng hay không? Thơ có cần thiết hay không?

TRẦN DẦN: Có thể nhịn ăn hai ba ngày, nhưng không thể nhịn thơ. Thơ là thơ thì hết sức cần thiết. Thơ của chúng ta đứng ở “tiền chiến” không được. Phải sáng tạo cái mới của chúng ta. Có người hỏi thơ mini có bắt chước váy mini không? Không. Không có cái mốt gì sống cả.

XUÂN HOÀNG: Anh là nhà thơ đi làm cái mới. Vậy thơ anh có gì kết hợp với ca dao truyền thống hay không?

TRẦN DẦN: Ca dao là lửa, cũng là thầy. Với tôi, Du, Hương, Khiêm, Quát hay Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương là thầy. Nhưng học trò phải “chôn” thầy. Thơ nay hầu như vẫn đặt nghĩa. Tôi đặt thơ là chữ. Con chữ nó làm nghĩa. “Mai sau dù có bao giờ” là con chữ. “Chữ tài liền với chữ tai một vần” là đặt nghĩa.

NGUYỄN XUÂN TỰ: Thưa anh, tôi nghĩ rằng, muốn là một kiểu, làm thơ là một kiểu. Anh nói làm thơ để đọc bằng mắt, vậy người đọc hôm nay tìm anh ở quyển sách nào? Thơ văn Lý Trần người ta cần đọc. Theo anh, người ta cần đọc anh hay không?
TRẦN DẦN: Tôi muốn in ra sách. Nhưng đó là việc của nhà xuất bản. Còn tôi viết là viết cho những người bằng vai. Dù cha chú mình thì vẫn là vô hình. Phải vật nhau, đánh nhau để tạo ra độc giả. Tác giả qua tác phẩm tạo ra độc giả của mình. Tôi chưa kịp tạo ra độc giả thì đã bị vụ ‘Nhân Văn’ rồi...

NGUYỄN ÐẮC XUÂN: Chúng tôi tham gia tranh đấu ở miền Nam, nghe nói sau vụ ‘Nhân Văn’, anh có làm những tập thơ gửi ông này ông nọ trước đấy phản đối anh. Anh có thể cho biết sự tiếp nhận của họ như thế nào?

TRẦN DẦN: Thơ không phải là cái nghề. Tôi nằm như người bị chém, và tôi gửi thơ lên như người phá vây. Còn đầu hàng hay không thì cũng không biết. Nhưng khó ai dàn hoà được tôi với anh Tố Hữu (về quan niệm thơ –NTT). Tôi không làm văn vần.

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG: Anh có làm thơ tình yêu không? Và anh quan niệm thế nào về đổi mới hiện nay?

TRẦN DẦN: Sáng tạo là tình yêu. Dù không nói gì về tình yêu, dù không làm về đề tài tình yêu, nhưng những con chữ “làm tình” trong thơ. Theo tôi, đổi mới là tạo nên sáng tạo. Phải để cho các thế hệ tự do sáng tạo. Nếu nói Trần-Dần-Giá-Trị, đấy phải là Giá-Trị-Tự-Do.

NGUYỄN TRỌNG TẠO: Tiểu thuyết Người người lớp lớp của anh là một giá trị. Anh làm ra giá trị đó hơn 30 năm trước. Nay đọc lại, theo anh, nó có rơi vào văn chương minh hoạ hay không, hay là nó vẫn là một giá trị thực sự?

TRẦN DẦN: Nó là hình thức mới. Người người lớp lớp là cái chữ chưa có trước đó. “Ðây rồi”, tôi đã bắt được nó. Sau chiến dịch là nghệ thuật, chứ không phải đi làm chống tiêu cực, làm ký. Nội dung của nó cũng là một sáng tạo, một giá trị. Sau thấy bộ đội làm thơ dùng chữ “Người người lớp lớp”, tôi khoái. Nhưng sau này nói cái gì về tập thể, người ta lại nói “người người lớp lớp”, tôi lại ngán!
(Mọi người cùng cười, phá tan không khí căng thẳng gần hai tiếng đồng hồ trôi qua.)

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG: Không nên lạm dụng sức khoẻ của anh. Tuy vậy, tôi muốn hỏi anh thêm một câu: Theo anh, nhân cách nhà văn quan trọng ở những điểm nào?

TRẦN DẦN: Nhân cách là văn cách. Ðấy là nhân cách sáng tạo. Tôi mong muốn mỗi công dân là một người Thơ. Ðầu tiên là làm người.

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG: Cũng có lúc nhà văn sống khác với những điều họ nói. Vậy có tin những điều họ nói và những điều họ sống là một hay không?

TRẤN DẦN: Nhà văn cũng như mọi người. Tin vào mọi người như thế nào, hãy tin vào nhà văn như thế ấy. Theo tôi, có tin mà cũng có ngờ nữa...

*

Cuộc đối thoại đã kết thúc, nhiều người vẫn còn nán lại với hai vị khách quí. Còn được biết thêm, đây là lần đầu tiên sau hơn ba mươi năm anh Trần Dần tiếp xúc chính thức với “đám đông”. Anh chống gậy, chia tay mọi người và vui vẻ nói:

“Ðúng là tra tấn nhau. Vã cả mồi hôi...”

Huế 5.1988
(Trích trong Văn chương cảm và luận của Nguyễn Trọng Tạo, NXB Văn Hoá Thông Tin, Hà Nội, 1998, tr. 294-8)