Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ mới sáu chữ
Thời kỳ: Hiện đại
2 bài trả lời: 2 thảo luận

Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 27/07/2007 19:18

Thì ra chúng mày cũng khổ
Đi đâu phụ thuộc vào xe
Điện thoại dắt lưng í ới
Khi buồn chỉ hát ô-kê.

Được cái lĩnh lương hàng tháng
Tiền kho hạn úng nỗi gì
Họp hành nhiều khi láng cháng
Chỉ nhanh nhảu nhận phong bì.

Nhà cửa nhênh nhang đến sợ
Xây chi cho tổ quét nhà
Tao tưởng mày hai ba vợ
Ô xin như ngọc như ngà…

Thì ra chúng mày cũng khổ
Tiện nghi trói buộc mất rồi
Dài cổ ra ngoài cửa sổ
May ra mới thấy ông Trời.

Nhớ hồi với tao lên núi
Mày cười mày nói vui ghê
Cái hôm bắt được con rúi
Rượu ngô cả lũ say nhè.

Chúng mày giàu sang chúa đất
Mà sao như chuột bị hun
Trong đầu đang có sới vật
Ra dáng thế mà hay run.

Chúng mày đủ đầy quá thể
Còn lâu mới sướng bằng tao
Mèn mén, con chồn, con rế
Rượu vò uống với trăng sao.

Hay là mày lên với núi?
Đã lâu không gặp bà con
Lòng mày lâng lâng gió thổi
Thắng cố lạ mồm càng ngon.

Nói thôi, chắc mày chẳng dám
Mày như giữa đám dây rừng
Ngày mai tao về với bản
Ở phố đau giần sống lưng...


Đại Lải, 15.8.2001

(Rút trong tập thơ Gió bát ngát đồng rừng, Trần Nhương, NXB Hội nhà văn, 2003)

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lời bình của nhà thơ Nguyễn Anh Nông

Mượn lời người ở núi, nhà thơ đã khắc hoạ khá thành công chân dung hai người đàn ông- hai người bạn cũ- người miền ngược, kẻ miền xuôi -khi họ gặp lại nhau ở chốn phồn hoa, đô hội.
*
* *
Hoá thân thành anh trai núi, nhà thơ đã dùng những lời lẽ bộc trực, thẳng thắn, thật thà đến mức... “ khó chịu” để diễn tả một thế giới sinh động, lúc ở thì hiện tại, lúc lại ở thì quá khứ, thoắt cái lại ở thì tương lai rất linh hoạt, tự nhiên- sức hấp dẫn bởi những lời lẽ lúc như ngô nghê, lúc như thông thái nửa mùa, có lúc tưởng chừng như dấm dớ, ấy vậy mà hiệu quả thơ lại đạt ở mức tối ưu.
Mở đầu bài thơ là lời nói chân thật đến khôi hài: “ Thì ra chúng mày cũng khổ”. Trong con mắt của người ở núi này, với khí phách của trái tim đại bàng- nơi núi cao rừng sâu - với tâm hồn phóng khoáng, bay bỗng và lãng mạn, anh đã nhìn ông bạn cũ- miền xuôi với cái “ khổ” của thời hiện đại: “ Đi đâu phụ thuộc vào xe/ Điện thoại dắt lưng í ới/ Khi buồn chỉ hát ô- kê”.
Cái nhìn chân chất nguyên sơ của người ở núi và với dũng khí, tính cách bộc trực, dám nói thẳng, nói thật, dường như tự nó đã “phơi bày” được phần nào những việc làm không mấy hay ho của anh bạn đang là “công bộc của dân”, khổ thơ thứ hai như một lời phê bình nghe mà chát chúa, rất, rất khó lọt lỗ tai: “ Được cái lĩnh lương hàng tháng/ Tiền kho hạn úng nỗi gì/Họp hành nhiều khi láng cháng/Chỉ nhanh nhảu nhận phong bì…”
Trong lời người ở núi: những tiện nghi như nhà cửa, xe cộ, điện thoại... phục vụ nhu cầu đời sống của dân thị thành đều hình như vô nghĩa lý? Không thể so sánh với thiên nhiên trong xanh và thoáng đãng của miền sơn cước nơi anh ta đang sống? Anh ta có lý của anh ta, bởi anh ta yêu mảnh đất nơi anh ta gắn bó. Thảo nào cái ông nhà thơ-nhà hiền triết- nhà thông thái học Ra-xun- Gam - Da- Tốp đã nói về niềm tự hào của người dân tộc Ai-Va nơi xứ sở Đa- Ghe x tan ( xứ sở núi đá), nơi ấy có những cục phân (bò) khô dùng để đun bếp và cái mùi vị của nó mới hấp dẫn, quyến rũ, mê hoặc , thánh thiện làm sao? Và ông đã tuyên bố: không có nơi nào đẹp bằng quê hương ông, mặc dù nơi ấy chưa hết những khốn khó và con đường quê ông chưa hết gập ghềnh?
Hai lần anh trai núi trong bài thơ này có cái đồng cảm với người bạn cũ: “ Thì ra chúng mày cũng khổ”, ngỡ chúng mày sướng hơn tao hoá ra chúng mày cũng khổ, tất nhiên hai người có hai cái khổ khác nhau. Cái khổ của anh trai phố: “Giàu ngang chúa đất” hoặc “ Nhà cửa nghênh ngang ” và hệ luỵ tất yếu theo lô gíc cuộc sống sẽ phải xảy ra: “ Tiện nghi trói buộc mất rồi” hoặc “ Mà sao như chuột bị hun/Trong đầu đang có sới vật/Ra dáng thế mà hay run” .
Cũng qua cái nhìn của người bạn núi mà một điều rất quen, tưởng chừng như không có gì lạ nữa với cuộc sống ở chốn phố phường nhộn nhịp được tái hiện rất chân thực, nó như một phát hiện mới lạ: “ Thì ra chúng mày cũng khổ/ Tiện nghi trói buộc mất rồi/ Dài cổ ra ngoài cửa sổ/May ra mới thấy ông Trời”.
Trong bài thơ này ta chỉ thấy lời độc thoại của anh trai núi. Mà cũng qua những lời độc thoại này, ta thấy người bạn cũ một thời đồng cam, cộng khổ cũng có lúc đáng yêu, gần gủi làm sao: “ Nhớ hồi với tao lên núi/ Mày cười mày nói vui ghê/ Cái hôm bắt được con rúi/ Rượu ngô cả lũ say nhè” Và anh bạn núi đã sực tỉnh mà rủ rê, mời mọc: “ Hay là mày lên với núi/ Đã lâu không gặp bà con/ lòng mày lâng lâng gió thổi/ Thắng cố lạ mồm càng ngon". Và liền đó anh trai núi lại rào trước đón sau, lại có phần khích bác nữa: “ Nói thế chắc mày đã dám/ Mày như giữa đám dây rừng…” Anh bạn núi này cũng đáo để ra phết- anh ta như là ma xó của nhà người ta không bằng? Cái sự giàng buộc của tham vọng làm giàu, khát vọng sống... của anh bạn phố phường đã được ông bạn núi đọc vị rất trúng và nói trắng phớ... nghe mà “vãi cả linh hồn”.
Vẫn lời độc thoại của anh trai núi- như là lời tuyên ngôn - khẳng định những giá trị cuộc sống qua cái nhìn, cái cảm “ lệch pha- sự khác “kênh” này đã cho ta những cảm nhận về một thế giới nội tâm rất phong phú của người bạn núi:” Chúng mày đủ đầy quá thể/ Còn lâu mới sướng bằng tao/ Mèn mén, con chồn, con rế/ Rượu vò uống với trăng sao”.
*
* *
Bài thơ Lời người ở núi của nhà thơ Trần Nhương đã gói ghém được bao nỗi niềm của người bạn núi với người bạn phố phường về những nỗi: sướng khổ, buồn vui, được mất, hơn kém, cũ mới... và qua lăng kính - con mắt của người ở núi hiện lên biết bao điều suy tư, trăn trở trước cuộc sống.
Nhà thơ đã nhọc lòng mà không uổng phí khi phải lặn lội ngược dòng sông thời hiện tại để tìm đến hoà nhập với vùng “ biển hồ” tâm linh, tín ngưỡng còn nguyên sơ, thanh khiết. Ta không cần “dài cổ” ra ngoài con thuyền thơ đang lượn sóng trên biển hồ mênh mông đó mà vẫn thấy gương mặt mình, bạn bè... đang lướt đi cùng mây trời, sóng nước và bao nỗi băn khoăn, day dứt... theo năm tháng lan xa./.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Thêm thông tin

Bài thơ và bài bình này của Nguyễn Anh Nông (KDH) đã đăng báo Văn Nghệ Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam

Chưa có đánh giá nào
Trả lời