Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Trần Đăng Khoa » Góc sân và khoảng trời (1968)
Đăng bởi Vanachi vào 25/04/2006 02:24, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi karizebato vào 25/07/2009 02:47
Sân trăng nghe đã dần phai
Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây
Nghe trời trở gió heo may
Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau...
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Diệp Y Như ngày 29/11/2008 19:55
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Diệp Y Như ngày 27/06/2009 11:08
Quyển "Thơ tuổi học trò - Trần Đăng Khoa" của Nhà xuất bản Giáo dục tháng 5 năm 2004 có đoạn:
"Anh Khoa ơi, bài thơ Chớm thu này đã in lại nhiều lần. Em thấy có bản in là Hoa cau. Câu mở đầu cũng có bản in là "Sân trăng nghe đã dần phai". Vậy thì bản nào là chuẩn xác?"
HÀ THỊ HẢI YẾN
Nhà xuất bản giáo dục
Tên chuẩn của bài thơ này là Chớm thu, chứ không phải là Hoa cau. Hoa cau trong bài chỉ là một chi tiết nhỏ để tả thời tiết chuyển mùa ở làng quê. Bài thơ không phải viết về hoa cau. Nhưng khi in báo, không biết bác biên tập nào lại đổi thành Hoa cau. Bời thế, cô Trần Thị Nhâm, người đầu tiên biên tập thơ tôi ở nhà xuất bản Kim Đồng, khi tập hợp bản thảo thơ tôi, có hỏi tôi về bài Hoa cau. Tôi bảo: "Cháu chằng có bài nào là bài Hoa cau cả". Nhà thơ Xuân Diệu tưởng tôi quên thơ mình, nhưng đâu phải. Nó chính là bài Chớm thu. Tôi có lấy tên là bài Hoa cau đâu. Sau này, khi in lại, tôi giữ nguyên văn ban đầu của nó.
Bài thơ này, nhà thơ Xuân Diệu rất thích. Ông có lần biểu dương tôi, như ông chê câu đầu: "Nửa đêm nghe ếch học bài". Câu ấy, Xuân Diệu bảo là cọc cạch, vì nó lạc ra khỏi cái không khí của toàn bài. Bởi thế, tôi chữa lại: "Sân trăng nghe đã dần phai". Có hai lần nghe, nhưng đều nghe cái không tiếng. Bài thơ bắt đầu từ nửa đêm về sáng, khi ánh trăng đang lạt dần ở trên sân. Cũng cái ý này, ngày xưa, cụ Nguyễn Du viết: "Bóng tàu vừa lạt vẻ ngân"...
Nhiều bạn đọc bảo tôi, tại sao anh không để cho con ếch nó kêu nữa? Bài thơ hình như đã bị thiếu đi tiếng ếch. Tôi nghĩ, đó chỉ là thói quen của bạn đọc thôi. Thực ra ếch chỉ kêu khi sắp mưa hoặc sau mưa. Mùa mưa là mùa sinh sản của ếch. Tiếng kêu là tín hiệu để chúng gọi nhau. Còn khi vào thu "Lưa thưa vài hạt mưa ngoài hàng cây" là mưa chuyển mùa, không khí đã nhuốm lạnh, thì ếch bắt đầu chui vào hang để tìm chỗ ngủ qua mùa đông. Có chọc, chúng cũng chẳng kêu nữa. Con ếch thật ngoài đời có thể không kêu. Nhưng con ếch thơ thì vẫn có thể kêu chứ.
TRẦN ĐĂNG KHOA