Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Trần Đăng Khoa » Bên cửa sổ máy bay (1985)
Đăng bởi karizebato vào 02/08/2009 08:06
Nhớ Diệu Hương
Người nổi tiếng và người không nổi tiếng
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may
Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu
Những so le, người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vành trăng...
Những bia mộ thẳng hàng im lặng quá
Ai hay đâu mang hồn của bao người
Với bời bời nỗi niềm tâm sự
Đến bây giờ có lẽ cũng chưa nguôi...
Em bé nào đây vài tháng tuổi
Tưởng còn nghe tiếng em khóc oa oa
Một cái với tay giữa lưng chừng trời đất
Cõi đời này, thôi thế đã đi qua
Và em gái xinh tươi mười chín tuổi
Bao trái ngọt chín vì em, em có nhận được gì
Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới
Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi...
Và cụ, và ông, và cô, và bác
Thương nỗi gian nan theo suốt một đời người
Nên bia mộ quanh năm vẫn ấm
Và mùa đông, ngọn cỏ vẫn lên tươi
Trời rộng vô cùng, đất cũng rộng vô cùng
Bởi khoảng trống mỗi con người bỏ lại
Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi
Mà cả dãy Hoàng Liên không sao che lấp...
Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận
Lòng lắng nghe muôn tiếng nói xa gần
Tôi không tin con người là ảo ảnh
Và cuộc đời là một thoáng giữa sân ga
Nhưng khoảng sống mỗi người quả là có hạn
Cái trái chín rụng rồi, hạt không nảy mầm đâu
Hãy thương yêu nhau và sống cho có ích
Đấy là lời hàng mộ bia nói với vạn đời sau...
Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Khoi Dinh Bang ngày 20/12/2009 15:55
Có lẽ Thơ Thần đồng Trần Đăng Khoa đạt tới đỉnh cao là tập "Góc sân và khoảng trời"...Sau đó trờ đi thơ anh (người lớn) chỉ ở mức đều đều bình thường,trong đó có bài"ở nghĩa trang Văn điển" là hay hơn cả (so với thơ của anh):2 câu đầu khá gợi,2 chữ "trắng toát" rất đắc địa,như nói lên cái "vô nghĩa",cái bình đẳng trước thần chết của kiếp người.Tuy nhiên, bài thơ nên dừng ở khổ thứ 8 là "đẹp"...
Gửi bởi Thi Tân ngày 27/03/2017 13:29
Có 1 người thích
Trong tuyển tập "Thơ với tuổi thơ" (NXB Kim Đồng, 2007) nội dung bài thơ có phần khác biệt:
“Người hạnh phúc và người đau khổ
Đều gặp nhau trắng toát ở nơi này
Đều dài rộng như nhau vuông cỏ biếc
Đều ấm lạnh như nhau trong hơi gió heo may
Ôi thiên nhiên, cám ơn người nhân hậu
Những so le, người kéo lại cho bằng
Ít nhất cũng là khi nằm xuống
Trong mảnh gỗ rừng, dưới một vầng trăng...
Những nấm đất lặng thinh như trăm ngàn nấm đất
Ai hay đâu, đây là những con người
Với bời bời nỗi niềm tâm sự
Đến bây giờ có lẽ cũng chưa nguôi...
Tôi đi giữa nổi chìm bao số phận
Người xưa vẫn đây mà, có xa cách chi đâu
Tôi thầm gọi. Sao không ai lên tiếng
Chỉ hoang vắng dưới chân và sương khói trên đầu...
Cháu bé nào đây, vài tháng tuổi
Rợn mình nghe tiếng gió khóc u oa
Một cái với tay giữa lưng chừng trời đất
Cõi đời này thôi thế đã đi qua...
Và em gái xinh tươi, hiền dịu
Bao trái ngọt chín vì em, em đã nhận được gì?
Tấm áo hoa chờ em vào tiệc cưới
Có ai ngờ thành áo liệm lúc em đi...
Và cụ, và ông, và cô, và bác
Thương nỗi gian nan theo suốt một đời người
Nên bia mộ quanh năm vẫn ấm
Và mùa đông, ngọn cỏ vẫn lên tươi...
Trời rộng vô cùng, đất cũng rộng vô cùng
Bởi khoảng trống mỗi con người bỏ lại
Cái khoảng trống nhỏ nhoi bằng chính vóc họ thôi
Mà cả thế giới này không sao bù nổi...
Cái chết vẫn rình ta sau từng ngưỡng cửa
Cua đường hẹp, chiều mưa, vài sải nước gần bờ
Ta chả là gì giữa bốn bề bất trắc
Chỉ tích tắc khôn lường ta đã hoá người xưa...
Ta đâu muốn ví đời mình cùng ngọn cỏ
Ngọn cỏ yếu mềm, ngọn cỏ nhỏ nhoi
Nhưng khi ta đã nằm dưới mộ
Cỏ vẫn xanh biêng biếc ở bên trời...
Trước thiên nhiên, con người như khách trọ
Như ảo ảnh chập chờn, thoáng đến, thoáng lìa xa
Chúng ta sống bên nhau, dẫu năm này tháng khác
Thì cũng vẫn chỉ là một thoáng giữa sân ga...
Mặt trời lặn, mặt trời còn mọc lại
Ngôi sao rụng vào đêm vĩnh viễn chẳng luân hồi
Trước mặt ta là hàng hàng bia đá
Nói với ta: Hãy thương lấy Con Người...
1982”