Người làng Bất Nghị, thuộc tỉnh Quảng Nam (Trung Phần), hiệu là Thái Xuyên thi đỗ khoa Giáp Thìn (1904).Vốn sinh ra trong một gia đình nhà nông, hiểu được nỗi cơ cực của nhân dân, chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần yêu nước của phong trào Cần Vương, đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa Cần Vương do các thủ lĩnh như Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến… lãnh đạo ngay tại quê hương mình, đồng thời sớm tiếp nhận làn gió mới của cách mạng thế giới thông qua sách báo của các nhà tư tưởng tiến bộ trong thế kỷ ánh sáng của Pháp, cũng như của một số nhà tư tưởng Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi… nên chỉ một thời gian ngắn sau khi đỗ đạt, Trần Quý Cáp đã cùng Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều bạn bè tâm giao quyết định khởi xướng và xây dựng một phong trào cách mạng mới – phong trào Duy Tân.
Mục đích chính của phong trào này là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, hô hào mở mang trường học, phát triển công thương, cải tiến sản xuất nông nghiệp, chống các lề thói phong kiến cổ hủ, cải cách văn hoá – xã hội… qua đó khơi dậy lòng yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân xâm lược.
Là một người cầu tiến và vì chịu ảnh hưởng của các học giả Trung Hoa là Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, ông cực lực đả kích lối từ chương khoa cử, đề nghị một lối học mới có tinh thần cứu quốc. Năm 1905, ông cùng với Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng định vào Nam hô hào công cuộc Duy tân. Mục đích chính của phong trào này là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, hô hào mở mang trường học, phát triển công thương, cải tiến sản xuất nông nghiệp, chống các lề thói phong kiến cổ hủ, cải cách văn hoá – xã hội… qua đó khơi dậy lòng yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân xâm lược.. Tới Bình Ðịnh gặp lúc quan tỉnh mở kỳ thi khảo hạch, ra đầu bài thơ là
Chí thành thông thánh và bài phú
Danh sơn lương ngọc, cả 3 ông định nhân dịp cổ động việc nước, liền nộp quyển làm bài. Những bài của 3 ông khiến quan tỉnh phải điên đầu, báo cáo về triều đình Huế để quyết định. Vào đến vịnh Cam Ranh, nhân có chiến hạm Nga vào đó lánh nạn, 3 ông thuê thuyền ra tận nơi xem.
Năm 1907, ông làm Giáo thọ ở phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, ông mở một lớp chữ Pháp trong trường, rước thầy về dạy học sinh. Bọn quan lại cựu học không ưa, liền tìm cách đổi ông vào Khánh Hoà. Năm 1908, xảy ra cuộc kháng thuế ở Quảng Nam, phần lớn thân sĩ trong tỉnh bị bắt. Việc này làm chấn động các giới trong nước. Tại Khánh Hoà, Trần Quý Cáp làm một bức thư gửi cho các bạn hữu tại Quảng Nam, trong đó có những lời lẽ dí dỏm như sau: “Cận văn ngô châu cử nhứt khoái sự, ngô văn chi, khoái nhậm, khoái thậm” (Gần đây nghe trong tỉnh nhà làm một việc rất thú, tôi nghe tin lấy làm thích lắm). Sau đó ông bị bắt giam và bị khép vào tội mưu phản, lãnh án bị chém ngang lưng tại Khánh Hoà.
Trong giờ phút cuối cùng của đời mình, Trần Quý Cáp đã tỏ rõ khí phách của một bậc anh hùng. Cổ đeo gông, tay mang xiềng xích, từ nhà lao Diên Khánh tới cầu Sông Cạn, ông đã bước từng bước ung dung. Rồi trước mặt tên Công sứ Pháp và các quan lại triều Nguyễn, Trần Quý Cáp đã giằng lấy khăn bịt mắt, xin quan giám trảm cho đặt hương án, đoạn ông bái tạ bốn phương trời, bái tạ quê hương mình và bái tạ nhân dân Diên Khánh, tiếp đó ngồi xếp bằng, thanh thản chờ đao phủ.
Cái chết của Trần Quý Cáp gây xúc động mạnh mẽ trong nhân dân cả nước cũng như ở Khánh Hoà. Đó là một cái chết lẫm liệt mà trong câu liễn đối, Phan Bội Châu đã viết:
Ngọc nát hơn ngói lành, ba chữ ngục thành, khóc ròng núi biển;
Lông hồng nặng mà non Thái nhẹ, nghìn năm luận định chói lọi trời sao.
Trước cái chết của trang liệt sĩ Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng có làm bài thơ khóc như sau:
Thư kiếm tiêu nhiên độc xuất môn
Nhứt quan thác lạc vị thân tồn
Trực lương tân học khai nô luỹ
Thuỳ tín dân quyền chủng hoạ côn.
Bồng đảo xuân phong huyền viễn mộng,
Nha Trang thu thảo khấp anh hồn
Khả liên nhứt biệt thành thiên cổ
Ðà Nẵng phân trầm tửu thượng ôn.
Dịch:
Gươm xách xăm xăm tách dặm miền
Làm quan vì mẹ há vì tiền
Quyết đem học mới thay nô kiếp
Ai biết quyền dân nảy hoạ nguyên.
Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng,
Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng,
Chia tay chén rượu còn đương nóng,
Ðà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.
Đau đớn và cảm phục trước tinh thần yêu nước, trước dáng vẻ bất khuất, hiên ngang của Trần Quý Cáp, mặc dù bị kẻ thù răn đe, doạ dẫm, nhân dân Diên Khánh vẫn bí mật mua sắm đủ lễ vật chôn cất Trần Quý Cáp và chăm coi phần mộ của ông để vài năm sau đó học trò và gia đình ông chuyển hài cốt về quê nhà.
Đền thờ Trần Quý Cáp - nhà chí sĩ yêu nước của phong trào Duy Tân, đã anh dũng lãnh đạo nhân dân chống Pháp, được xây dựng trên phần đất tục danh là Gò Chết Chém (gò này có tên từ khi cụ Trần Quý Cáp nằm xuống), bên cạnh cầu Sông Cạn, thuộc thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Trần Quý Cáp mãi mãi là tấm gương ngời sáng trong lịch sử dân tộc và mãi mãi là nét son hồng trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hoà, như bài thơ mà nhân sĩ Phạm Phú Thuần đã từng viết về Trần Quý Cáp:
Một thác tiếng tròn vì Tổ quốc
Ngàn năm tiết rạng chói nho quan
Tấm bia đồ sộ đầy ghi tạc
Mãi với noi sông được vững vàng.