Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
1 người thích
Từ khoá: Hà Nội (695)

Đăng bởi Vanachi vào 27/07/2005 11:51, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 17/03/2006 03:36

Ta đem hết phiếu thịt mùa đông
bán cho gã chợ trời
để mua lấy không đầy một ký
bên đê sông Hồng chúng tôi nhen lửa
thịt nướng lên thơm phức cả triền sông.

Loa cứu hộ báo tin gì lạ vậy
áo rét chưa kịp về nhưng gió mùa Đông bắc đã bổ sung
lồng ngực trẻ kéo co cùng giông bão
cái đói qua đêm sét đánh hãi hùng.

Hồi đó em xanh xao như tàu lá
cái lạnh thấu tim gan em hát bập bùng
ta đi theo ánh lủa... ta di bằng óc
ta đi bằng đầu sao đi nổi bằng chân?

Em lại đến dịu dàng Tô Lịch
chiến hào quanh co đọng lầy sình
những xẻng đất uốn cong - lưỡi bao triều đại
dẻo quánh đôi tay non dại chúng mình.

Nước mía cứ quay ngô vàng cứ nở
cứ bung ra ấm rực vỉa hè
hai thước vải một năm làm sao che nổi
vải úa vàng mỏng tơ cánh sầu ve
Aladanh cây đèn thần - giấc mơ hoàng tử
nàng công chúa áo vàng về ngủ giữa rừng hoa.

Cầu Long Biên đen hơn than nhà máy điện
nhô lên khi tầu hú vụt đến ga
cầu đứt nhịp - lòng ta dao cắt
Hồng Hà nghiêng - đau nhói Đức Giang.

Kho xăng cháy lửa đen khói đỏ
tiếng hú xe cứu hoả
cái màu lửa đi cứu hoả
bầm tím cả khoảng trời...

Lòng ta hỡi bao đêm rồi vẫn cháy
ngọn lửa nào cũng hiển hiện mặt em
cái khuôn mặt xanh xao lá úa
cái khuôn mặt xanh xao chớp loé bỗng sáng bừng.

Đêm hành quân sao chổi siết ngang rừng
sương muối thấm rát cào hai lá phổi
thắt lưng to nấc cuối cùng siết vội
cái no dồn cho hơi thở, cái đói trói chặt thắt lưng.

Em thân yêu đừng mím chặt môi sưng
làm tứa máu giấc mơ anh run rẩy
giấc mơ như vàng chảy
nhưng ta đâu nào phải quặng của Phương Đông.

Hà Nội ơi! Người còn nhớ ta không?
cửa ô nào ta cũng đến
cửa ô nào ta cũng đi ra
ta là lính về từ trăm vạn ngả
và ra đi đưa tiễn một mình em.

Mắt đau đáu cửa ô hoang vắng
em nói em cười giòn rúm quả mận chua
ta có cái đói đến no lòng quân phản nghịch
ta có tình yêu làm em phải li dị hết thế gian này.

để cắt nghĩa thế nào là cuộc sống
ta đắm mình như trái ớt giữa chén tương
càng dằm nát càng cay càng tơi tả
rồi hít hà cười khóc với yêu thương.

Thời mì sợi thay cơm bát canh chua em nấu
trèo hái bao lần vươn lên cành sấu
tay anh có thể hái được trời xanh
những cọng rau lang rau muống vòng quanh
thắt chặt vành đai cuộc sống
có thể nối hết những con đường thơ mộng
những ai đi đến với mặt trời.

Nhưng dù trăm lần hái vạn lần trèo
cũng không sao tránh được
khi em quyện vào đời anh
ngọn khói cay nồng ngọn trắng ngọn xanh.

Anh đem hết đời anh ra đặt cược
cái tình yêu đầy hương vị sắc màu
tay anh lần hạnh phúc khổ đau
lần lửa trong tay lần qua no đói.

Anh hát em nghe lời ru lửa khói
ngọn lửa sởn da gà ngọn lửa kiêu sa
em xa vắng giờ trong anh toàn khói
anh lụi tàn đen đúa em cũng là khói nữa... lạ lùng chưa?

Làm sao nói được sự hài hoà của khói và của lửa
người hoạ sĩ nào pha nổi sắc màu yêu
cho tôi trở về mặt đất liêu xiêu
thuở nai đồng quê bia hơi và xị đề
chợ Âm phủ cho ta dăm phút đến thiên đường
ôi cái phút giây diệu kỳ - ta được dựa đầu vào vai bạn
dốc hết ruột gan mình cho cát bụi quê hương.

Cái chợ trưa chồm hỗm khói mờ sương
đã hô hấp cứu ta tỉnh dậy
càng lẩn tránh càng khiến ta nhìn thấy
sau một màn voan mỏng mắt em.

Nhà hát lớn đêm nay không mở cửa
tấm màn nhung không lay động
diễn viên nép hai bên cánh gà nhìn ra cuộc sống
sân khấu ngược... mà em!

Để không bao giờ ta được lãng quên
Hà Nội đầy gió và nắng
người Thủ đô sơ tán
vô số lá vàng hội ngộ
xào xạc trên đường
gió và lá hành hương
về miền Thăng Long trận chiến
tôi là người chứng kiến
cuộc hành quân lên rừng xuống biển
đêm ngàn thu xào xạc lá vàng.

Lá ngập đường Lý Thường Kiệt, Quang Trung
quán bia Cổ Tân ngập cơn lũ lá vàng
tôi đứng (lạ lùng chưa chả có ai chen lấn xếp hàng)
chiếc mũ sắt chìa ra tôi hứng
năm vại bia tươi
không cần ly cốc
và cứ thế dưới trời sao tôi nốc
nước mắt chảy lưng tròng.

Xung quanh tôi thấy bạn đâu còn
kẻ ở chiến trường người đi sơ tán
đâu rồi những cụ Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Quang Sáng
Ngô Thảo, Nguyễn Duy, Thuỵ Kha, Đoàn Giỏi
tôi người lính trị vì một cõi
bia hơi và vô số lá vàng.

Nước hồ Gươm im lặng
im lặng đến bàng hoàng
tôi chìm cùng bóng tôi chìm sâu đáy nước
lên hồ Tây và đi ngược về phía tôi là một đoàn xe
lá nguỵ trang ngất ngểu súng phòng không.

Lên hồ Tây lạnh lẽo mùa đông
căn phòng nhỏ ngọn đèn dầu thắp nén hương tôi viết
tôi viết những gì tôi yêu tôi thương tiếc
và cả những gì đau xót đến chua cay
Hà Nội ơi! Đêm nào đó người có hay
ngọn bút rưng rưng tôi viết về người đó.


(Suối Lồ Ô 1996)