15.00
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Thất ngôn bát cú
Thời kỳ: Nguyễn
2 bài trả lời: 2 bản dịch

Đăng bởi YensidTim vào 12/11/2020 06:51, đã sửa 3 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 20/11/2020 22:22

第十八景-黌序書聲

成均遊藝惜光陰,
夜半咿唔倚案吟。
鼓吹久經調雅韻,
笙簧六籍聽佳音。
武城餘響弦歌美,
齒冑芳聞意味深。
遜志策勤相播告,
興文用慰待賢心。

 

Đệ thập bát cảnh - Huỳnh tự thư thanh

Thành quân du nghệ tích quang âm,
Dạ bán y ngô ỷ án ngâm.
Cổ xuý cửu kinh điệu nhã vận,
Sinh hoàng lục tịch thính giai âm.
Vũ thành dư hưởng huyền ca mĩ,
Xỉ trụ phương văn ý vị thâm.
Tốn chí sách cần tương bá cáo,
Hưng văn dụng uý đãi hiền tâm.

 

Dịch nghĩa

Nhớ tiếc thời gian ta còn học trong trường,
Nửa đêm thường tựa án mà ngâm nga.
Ngân nga tiếng Cửu Kinh hoà hợp âm vận thanh nhã,
Trầm bỗng lời Lục Tịch (Lục Thư) để nghe thanh âm hay.
Tiếng nhạc Vũ Thành xưa vẫn vang vọng khúc ca hay,
Tiếng thơm từ những tài năng vẫn ý vị sâu sắc.
Ta kém chí nên cố gắng động viên truyền bá sách vở,
Cho mở mang việc học để an ủi tấm lòng của người hiền tài.


Lời dẫn: “Tích Ung chi thiết tuyên dương giáo đạo thiên hạ anh tài, Thái Học chi nhân bàng bạc lưu thông cổ kim sự lý. Hoằng Văn quán tứ phương hấp tập viễn bá hoàng phong, Viên Kiều môn triệu chúng thính quán tăng long thế đạo. Chấp kinh vấn nạn khởi bất tư thiên cổ hữu quang, kế quỹ phần cao ứng vô hạ tam dư giảng tụng.” 辟雍之設宣揚教導天下英才,太學之人磅礡流通古今事理,弘文館四方翕集遠播皇風,圜橋門兆眾聽觀增隆世道,執經問難豈不思千古有光,繼晷焚膏應無暇三餘講誦。(Xây trường Tích Ung để tuyên dương việc dạy dỗ anh tài trong thiên hạ, người trong Thái Học làm dồi dào việc lưu thông lý lẽ cổ kim. Quán Hoằng Văn chiêu tập người khắp bốn phương để truyền bá phong hoá của đế vương, cửa Viên Kiều nghe học cả muôn người để làm sáng ngời đạo nhân trong cuộc thế. Cầm kinh sách hỏi chỗ chưa tường há không nghĩ đến rực rỡ ngàn xưa, đốt dầu đèn nối ánh ban ngày sao đành để lúc tam dư rảnh rỗi.)

Trường Quốc Tử Giám được thành lập lần đầu tiên ở nước ta vào năm 1076 dưới thời Lý. Ngay từ đầu nó đã có tên gọi đó và giữ nguyên vị trí ở kinh đô Thăng Long, trong khuôn viên Văn Miếu ở Hà Nội ngày nay. Đến đầu triều Nguyễn, sau khi thống nhất đất nước, vua Gia Long đã quyết định xây dựng kinh đô tại Huế. Tháng 8 năm 1803, một trường học mang tính quốc gia đã được thành lập tại đây với tên gọi là Đốc Học Đường hay Quốc Học Đường. Tháng 3 năm 1820, vua Minh Mạng đổi tên trường thành Quốc Tử Giám và tên này tồn tại mãi đến năm 1945, khi trường Quốc Tử Giám chấm dứt vai trò của mình cùng với sự sụp đổ của vương triều Nguyễn.

Vị trí trước đây của trường Quốc Tử Giám tại Huế thuộc địa phận xã An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5km về phía tây, nay thuộc địa phận làng An Bình, giáp với làng Long Hồ Hạ, huyện Hương Trà. Trường nằm bên cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương nên cảnh vật rất hữu tình. Dưới thời Gia Long, quy mô kiến trúc của trường còn nhỏ, chỉ gồm một toà nhà chính ở giữa và hai dãy nhà hai bên, dùng làm chỗ để quan Chánh, Phó đốc học giảng dạy. Sang thời Minh Mạng, quy mô của trường được phát triển to lớn hơn. Năm 1821, vua cho dựng toà Di Luân Đường, một toà giảng đường và hai dãy nhà học hai bên Di Luân Đường, mỗi dãy 19 gian phòng học, làm chỗ cho sinh viên đọc sách, làm bài. Đến đầu thời Tự Đức, Quốc Tứ Giảm đã khá bề thế nhưng trường vẫn tiếp tục được mở mang, xây cất. Năm 1848, xây thêm một toà nhà 9 gian, xung quanh có tường gạch bao bọc và hai dãy cư xá, mỗi bên 2 gian cho sinh viên. Trường cũng mở thêm 2 cửa nhỏ hai bên để sinh viên tiện ra vào.

Lúc bấy giờ, cả nước chỉ có một trường đại học ở kinh thành nên sinh viên quy tụ về đây rất đông. Vua Thiệu Trị đã xếp trường vào một trong 20 thắng cảnh của đất kinh kỳ. Sau đó vào năm 1854, trong một lần tới thăm, vua Tự Đức đã làm một bài văn và một bài thơ gồm 14 chương để răn dạy và khuyến khích sinh viên học hành. Toàn bộ trước tác này đã được khắc vào một tấm bia đá thanh lớn, dựng trước sân trường. Về sau, trường đã nhiều lần bị hư hỏng nặng do thiên tai, nhất là cơn bão năm Giáp Thìn (1904). Nhưng sau mỗi lần bị hư hỏng, trường đều được phục hồi. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giảm được dời vào bên trong kinh thành, sát phía đông Hoàng Thành. Quy mô của trường lúc ấy gồm có: chính giữa là Di Luân Đường; hai bên là hai dãy phòng học; trước mặt là hai dãy cư xá của sinh viên; phía sau trường, ở giữa là thư viện, hai bên là nhà ở của quan Tế tửu, Tư nghiệp và các viên chức khác của trường... Tuy nhiên, đây là quy mô của Quốc Tử Giám ở giai đoạn sau. Còn trường Quốc Tử Giám trong bài thơ này là ngôi trường đã tồn tại suốt 100 năm (1808-1908) tại vị trí bên cạnh Văn Miếu như đã nói trên.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Vĩnh Cao

Thuở học ngày xưa gây vấn vương,
Ngâm nga tựa án suốt đêm trường.
Cửu kinh tấu hợp đầy phong nhã,
Lục Tịch hoà âm đủ vạn chương.
Vũ Thành ca hát dư âm mãi,
Xỉ Trụ hương thơm ý vị trường.
Kém chí gắng sức truyền việc học,
Cho văn hưng thịnh thoả hiền lương.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Phan Thuận An, Phạm Đức Thành Dũng, Phan Thanh Hải, Nguyễn Phước Hải Trung

Trường xưa ta học nhớ bao năm,
Tựa án thâu d dêm, giọng cất ngâm.
Âm vọng Cửu Kinh hoà nhạc điệu,
Điệu vang Lục Tịch hợp thanh âm.
Vũ Thành trầm bổng lời còn đọng,
Xỉ Trụ ngạt ngào ý vẫn thâm.
Khuyến học chuyên cần luôn gắng sức,
Văn chương thịnh mãi trọng hiền tâm.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời