Trong một bài thơ viết trên giường bệnh, trước khi mất vài hôm, Thanh Hải tâm sự:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Một nốt trầm xao xuyến
Tan biến trong hoà ca
(Mùa xuân nho nhỏ)
Đó là tiếng nói tự nguyện, khiêm tốn, tự đánh giá toàn bộ cuộc đời thơ của mình - tiếng nói chân thành và tin yêu của một nhà thơ chiến sĩ.
Xuất hiện từ những năm năm mươi, nhưng phải đợi đến những năm sáu mươi, khi những bài thơ miền Nam “vượt tuyến” ra Bắc, Thanh Hải mới thực sự làm quen với bạn đọc. Anh thành công và được đánh giá đúng từ những bài thơ đó (như
Mồ anh hoa nở,
Cháu nhớ Bác Hồ). Thanh Hải cũng là một hiện tượng chứng minh rằng, cách mạng sinh ra anh, anh là nhà thơ của cách mạng. Trong suốt ba mươi cầm súng và cầm bút, trải qua nhiều gian khổ, Thanh Hải đã giữ đúng tư thế ấy: kiên trung, bất khuất. Nhà thơ chiến sĩ đã làm việc cho đến phút chót của đời mình.
Mưa xuân đất này khẳng định sự cống hiến đó.
Với 27 bài thơ và một trường ca, Thanh Hải viết nhiều vẫn là con người, mảnh đất Bình Trị Thiên ruột thịt. Tình cảm đối với quê hương, đối với nhân dân, đồng chí, bạn bè trong chiến đấu cũng như trong hoà bình xây dựng là mạch cảm xúc tiếp nối toàn bộ đời thơ anh. Anh khai thác những mẫu thực tế của đời thường, từ một giấc ngủ trăn trở nơi làng quê, chuyến đò qua phá, cho đến sắc trắng của hoa sen, quả cam trong bệnh viện...
Đêm trong hợp tác không dài
Mà bao ngày tháng như đầy một đêm
(Ngủ đêm ở hợp tác xã)
Đây không chỉ là giấc ngủ nữa mà là sự gói gọn, có kết bao chặng đường vất vả ở một hợp tác xã nông nghiệp thành lập sau ngày giải phóng.
Một mẩu hiện thực khác của đất nước trải qua nhiều cuộc chiến:
Mùa đông còn se lạnh
Áo chưa đủ hai mùa
Cơm mì và canh cua
Sốt rét rừng chưa dứt
(Xa em giữa mùa nước lũ)
Một tâm trạng:
Người Huế yêu nhau không lấy được nhau vẫn nhớ
Người Huế giận hờn chỉ nước mắt rưng rưng
(Mùa xuân Huế)
Và cả lời nhắn nhủ ân tình, bao dung với những ai rời bỏ Tổ quốc ra đi:
Ôi con thuyền lênh đênh
Sóng dồi ngoài mặt biển
Đi về đâu, về đâu
Có nghe lời của bến
Bến chẳng giận thuyền đâu...
(Những con thuyền lênh đênh)
Dù ở đề tài nào, Thanh Hải cũng biết cách đặt và lý giải vấn đề, sao cho bài thơ gắn cái riêng của mình với cái chung. Cái “tôi” trong thơ không tách khỏi quỹ đạo cuộc sống, nó làm cho cuộc sống qua thơ có góc cạnh, đa dạng hơn. Thí dụ qua các bài thơ:
Mùa xuân nho nhỏ,
Ốm,
Quà bệnh viện....
Thanh Hải còn viết tổ khúc thơ và trường ca.
Hành khúc người ở lại là trường ca duy nhất của anh. Mặc dầu chưa hoàn hảo, nhưng nó đã khái quát được một phần cuộc đấu tranh đầy gian khổ của nhân dân Trị Thiên - Huế trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Dù bệnh tật ngày một nặng hơn, Thanh Hải không chịu dừng lại. Anh vẫn tìm tòi, vươn tới, sao cho câu thơ dung dị mà không cũ, không mòn. Anh vẫn giữ được giọng điệu mộc mạc, tự nhiên của con người Huế, con người miền Trung:
Mùa xuân - Ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế
(Mùa xuân nho nhỏ)
Giọng điệu ấy ngày một thêm da diết, chân thật:
Trái me chua em làm mứt để dành
Mạ vẫn nói: ưng nhau thì đợi...
(Mùa xuân Huế)
Là người cầm bút có trách nhiệm với cuộc sống, tin và yêu cuộc sống, Thanh Hải không mệt mỏi, không chịu bó tay, ngay cả khi nằm liệt giường, anh vẫn băn khoăn: Những vần thơ không biết - Có còn như xưa không?
Câu trả lời không ai khác ngoài tiếng nói yêu thương đầy lạc quan của một tâm hồn trong sáng và thuỷ chung. Thanh Hải đã làm được điều ấy.
Mưa xuân đất này là tiếng nói chân thật, nóng hổi, rút từ gan ruột mình, như người trồng vườn cố gắng trồng những hàng cây sau cùng, trước khi nằm xuống sao cho có ích với đời.
Hoàng Vũ Thuật
Báo Thừa Thiên- Huế, 03.01.2003
tửu tận tình do tại