Đã từ lâu, chúng ta vẫn thường nghe (và đọc) hai câu ca dao:
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau
Nhưng đây chỉ là hai câu trong tổng thể bài ca dao 6 câu được lưu truyền trong dân gian, nhất là ở miền Trung. Bài ca dao đầy đủ đó là:
Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi
Gạo de An Cựu mà nuôi mẹ già
Mẹ già là mẹ già anh
Em vô bảo dưỡng cá canh cho thường
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau
Như vậy, câu thứ hai (trong ví dụ 1), phải đọc chính xác là “Như xôi nếp một như đường mía lau”. Cho đến nay, đang tồn tại hai cách hiểu chính về hai câu ca dao trên. Cách hiểu nào cũng có luận cứ riêng. Vậy ta cần phân tích làm cho rõ vấn đề.
Cách hiểu thứ nhất cho rằng hai câu ca dao trên muốn nói tới tình cảnh nói chung của các mẹ già. Ở vào tuổi đã cao, sức đã yếu, các mẹ chẳng khác nào ngọn đèn rung rinh trước gió, “tắt” lúc nào không hay. Cách giải thích này phần nào bị ảnh hưởng bởi nội dung câu hát trong bài
Mừng tuổi mẹ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, có câu: “Mẹ già như chuối chín cây/ Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi”. Tình cảnh của mẹ rất giống quả chuối chín cây, dễ rơi rụng, hư nát bất cứ lúc nào. Mẹ già của chúng ta cũng thế. Tuổi cao sức yếu, mẹ có thể đột ngột ra đi mãi mãi là lẽ thường mà chúng ta ai cũng hiểu. Chính từ cách suy luận này mà nhiều người giải nghĩa hai câu ca dao trên là: “Chuối ba hương”, tức chuối tiêu dấm chín qua ba tuần hương, tuy ngon nhưng để nhanh nẫu; xôi nếp mật (chứ không phải xôi nếp một) để nhanh thiu; còn đường mía lau thì dễ vỡ cánh, mau chảy nước, mau hỏng,... Cả ba thứ đó, tuy ngon, tuy giá trị thật, nhưng không để được lâu, khó bảo quản. Mẹ già ta cũng thế, có thể ra đi, xa chúng ta bất cứ lúc nào. Cũng phải nói thêm rằng, nhiều người, trong đó có cả những nhà nghiên cứu văn học dân gian gạo cội (như GS Nguyễn Xuân Kính), cũng tán thành cách cắt nghĩa như thế.
Tuy nhiên, lại tồn tại một cách hiểu khác nữa. Quan điểm này cho rằng, muốn hiểu kỹ, ta phải xem xét toàn bộ ba cấu trúc so sánh trong hai câu ca dao trên: mẹ già như: 1) chuối ba hương, 2) như cơm nếp một, và 3) như đường mía lau. Ta sẽ lần lượt xem xét từng trường hợp. Cả ba cấu trúc đều có chung một vế so sánh, đó là “mẹ già”. Vế sau (cái được đem ra so sánh) là: chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau. Vậy ta thử tìm hiểu ba vật dụng này xem sao.
Chuối ba hương (còn gọi chuối bà hương) cùng loại với chuối bà lùn nhưng cây nhỏ và thấp hơn, được trồng nhiều ở miền Trung, xứ Huế. Chuối ba hương thích hợp với đất phù sa triền bãi. Quả của nó không to, vỏ dày vừa phải, khi chín có lấm tấm như trứng cuốc và là loại chuối ngon nhất trong họ chuối tiêu.
Lúa nếp một (một loại nếp cái) thuộc dòng lúa nếp truyền thống. Đó là giống lúa nếp ngon nhất trong số hàng chục loại lúa nếp được trồng ở nước ta (nên được xếp vào loại 1 - một). Thân cây lúa nếp này cao, cứng, lá to, hạt trắng tròn, dài, là loại lúa dài ngày (tới 5 - 6 tháng mới thu hoạch). “Xôi nếp một” trắng, dẻo, thơm, ngon nổi tiếng. Cây lúa nếp một được khắc vào đỉnh đồng (Nhân đỉnh) thời vua Minh Mạng (1791-1841, vị vua thứ hai triều Nguyễn).
Còn đường mía lau là đường sản xuất từ một loại mía (có hình dạng giống cây lau). Dân gian có câu: Mía lau vừa ngọt vừa mềm/ Không dao mà tiện, không tiền mà mua. Đây là một trong bảy loại cây thảo dược (bọ mắm, cỏ tranh, mã đề, mía lau, râu bắp, lá dứa, lẻ bạn) dùng nấu nước uống, giúp lọc gan, thanh mát cơ thể...
Như thế, ta thấy ba cấu trúc vừa xét có cấu trúc ngữ nghĩa đồng hướng, đều khẳng định giá trị tốt đẹp của chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau. Đó cũng chính là hướng mà thông điệp hướng tới, muốn khẳng định vai trò, giá trị không thể thay thế của Người Mẹ. Người mẹ là người hội đủ những phẩm chất quý giá nhất. Chúng ta, ai cũng có một người mẹ, một quê hương (Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi - Đỗ Trung Quân). Vậy với Người Mẹ, chúng ta phải biết yêu thương, trân trọng, nâng niu và phụng dưỡng cho mẹ được vui sống đến trọn đời.
Qua tham khảo (cả sách báo và các diễn đàn trao đổi), chúng tôi thấy nhiều người đồng tình với cách giải thích thứ hai, và thực tế cách giải thích này cũng có nhiều cơ sở hợp lý hơn.
TS Phạm Văn Tình