Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 11/12/2007 21:37
Mẹ sinh con trai cha trồng cau trước cửa
Mong đợi từng ngày theo nhịp nôi đưa
Ra mặt trận cha thành liệt sĩ
Mẹ ru con kẽ liếp gió lùa....
Mẹ chẳng sợ nhà tranh vách nứa
Câu ru tựa nỗi đơn côi
Nhưng mẹ sợ tầu cau lay gọi
"Gái một con..." mỏi mắt ai nhìn.
.Tóc mẹ xõa để con gối đệm
Mo cau làm quạt mỗi đêm hè
Mẹ dạy con đếm sáng sao, sao sáng
Tầu lá cau im lặng lắng nghe.
.Con vụt lớn như cau trước cửa
Biết hái cau mỗi dịp giỗ cha
Mẹ mong đợi hái buồng cau chạm ngõ
Điều linh thiêng dầu dãi nắng mưa...
.Nhưng chiến tranh đến đây gõ cửa
Mẹ nằm nghiêng về phía chiến trường xa
Cau cứ lớn theo tháng ngày vời vợi...
Mẹ đón con - lễ truy điệu trước nhà.
Cây mọc thẳng tới trời, mẹ còng lưng xuống đất
Tay giã trầu đỏ quạch năm canh...
Mo cau rụng, trái cau già cũng rụng
Tán cau trên đầu gió thổi khúc ru xanh...
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Kim Diệu Hương ngày 11/12/2007 21:42
THANH NGỌC
Trong bài hát "Bài ca không quên" (thơ Tạ Hữu Yên, nhạc: Phạm Minh Tuấn); có đoạn "Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu. Nghe dịu nỗi đau của mẹ. Ba lần tiễn con đi. Hai lần khóc thầm lặng lẽ..." đã làm nhiều người rơi nước mắt vì nó động vào nỗi đau của nhiều người, của cả một dân tộc. Một đất nước mà sự tổn thất, mà cái giá phải trả cho độc lập tự do là... "hai phần ba"! Ở "Khúc ru xanh", mẹ có một người chồng, một người con trai duy nhất và cả hai đều vĩnh viễn xa rời vòng tay mẹ! Những khổ thơ tiếp nối nhẹ nhàng, cứ nhẹ nhàng thế, mà đau. Đau âm ỉ, suốt đời:
"Mẹ chẳng sợ nhà tranh vách nứa,
Câu ru tựa nỗi đơn côi
Nhưng mẹ sợ tầu cau lay gọi,
"Gái một con..." mỏi mắt ai nhìn".
Mẹ còn trẻ, và đẹp. Gái - một - con - trông - mòn - con - mắt. Đó chính là điều đáng "sợ" nhất. Từ thơ thực, làm ngỡ ngàng... "Tóc mẹ xõa để con gối đệm/ Mo cau làm quạt mỗi đêm hè/ Mẹ dạy con đếm sáng sao, sao sáng/ Tầu lá cau im lặng, lắng nghe".
Tích xưa "Trầu cau" kể rằng: Cây cau là hóa thân của người chồng để vợ là dây trầu quấn quít, thủy chung. Đêm đêm người mẹ trẻ ru con, thay cha làm gió mát, đếm sao trời cho chóng qua dằng dặc nỗi cô đơn. Rồi con lớn. Mẹ mong một ngày đón nàng dâu qua cửa; mẹ ước một ngày trong nhà lại có tiếng khóc trẻ thơ: "Con vụt lớn như cau trước cửa/ Biết hái cau mỗi dịp giỗ cha/ Mẹ mong đợi hái buồng cau dạm ngõ/ Điều linh thiêng dầu dãi nắng mưa". Mẹ ước mơ giản dị, mà thiêng liêng. Bởi giọt máu của cha để lại, là để nhân lên, như cây cau có "buồng cau", có bông cau, có trái...
Câu thơ bình tĩnh đến lạ thường. Như mẹ vẫn đợi chờ trong một linh cảm thật khủng khiếp cái điều không ai muốn chờ đợi. Cái tâm thế, cái tư thế "mẹ nằm nghiêng về phía chiến trường xa" làm nao lòng quá đỗi! Để rồi một ngày, linh cảm không còn trong tiềm thức. Sự thật hiện diện không bất ngờ, mà vẫn như trong ác mộng: "Con cứ lớn theo tháng ngày vời vợi.../Mẹ đón con - lễ truy điệu trước nhà". Khổ thơ cuối cùng: Một lời than ngầm động thấu trời xanh. Nhà thơ không kể, mẹ không kể, chỉ những hình tượng gợi tả:
Cau mọc thẳng tới trời, mẹ còng lưng xuống đất
Tay giã trầu đỏ quạch cả năm canh
Mo cau rụng, trái cau già cũng rụng
Tán cau trên đầu gió thổi khúc ru xanh".
Cuối cùng, chẳng còn ai. Trái cau già đã rụng. Nhưng vẫn còn đó, hóa thân vào gió, vào cây tiếng ru vời vợi yêu thương của mẹ: "Tán cau trên đầu gió thổi khúc ru xanh".
NGUỒN:http://72.14.253.104/search?q=cache:DqwghOggOpwJ:www.lamdong.gov.vn/ctv/baold/2001/07/34/text/nghethuat.htm+%22+T%C3%B4+Nhu%E1%BA%A7n%22&hl=vi&ct=clnk&cd=10&gl=vn