Một hôm, sư hội họp học trò lại, đọc bài kệ rằng:
Trên không viên ngói lợp,
Dưới không đất cắm dùi.
Người cải dạng đến học,
Kẻ chống gậy vào chơi.
Khi chuyển động tiếp xúc,
Như rồng nhảy nuốt mồi.

Một thầy tăng hỏi:
Những lời chỉ giáo của thầy có nghĩa là gì?

Sư đáp:
Ngày ngày gặt lúa trên đồng,
Mà kho đụn vẫn thường không có gì.

Tăng thưa:
Đệ tử chưa hiểu.

Sư nói:
Vầng nhật nguyệt bao giờ cũng sáng,
Mảnh phù vân thấp thoáng che đi.

Có kệ rằng:
Người không không ngộ đạo,
Ngộ đạo, kẻ ngu si.
Anh duỗi chân nằm khểnh,
Thật giả cần biết chi!

Hỏi:
Thế nào là Phật?

Sư đáp:
Nắng toả, trăng soi triệu cõi đời,
Ai ngờ sông núi móc mưa rơi.

Tăng thưa:
Làm thế nào hiểu được?

Sư đáp:
Quen cưỡi lưng trâu chú mục đồng,
Ngự trên lưng chú, đất anh hùng.

Hỏi:
Tổ ý và giáo ý giống nhau hay khác nhau?

Sư đáp:
Trèo non, vượt bể vạn dặm, đều hướng về cửa khuyết.

Hỏi:
Thầy có việc đặc biệt kỳ lạ, sao không nói cho đệ tử biết?

Sư đáp:
Người thổi lửa, ta làm gạo; người xin ăn, ta lấy bát. Ai phụ bạc ngươi?

Thầy tăng lĩnh ngộ.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.