Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Tế Hanh » Gửi miền Bắc (1962) » Gửi miền Bắc
Cơn bão nghiêng đêm
Cây gãy cành bay lá
Ta nắm tay em
Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã.
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi.
Và cơn bão lòng ta thổi mãi.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
BÃO
Cơn bão nghiêng đêm
Cây gãy cành bay lá
Ta nắm tay em
Cùng qua đường cho khỏi ngã
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thẳm lại
Nhưng em đã xa xôi
Và cơn bão lòng ta thổi mãi.
1957
Tế Hanh
Lời bình của MINH QUANG
Chỉ hai câu thơ đầu vỏn vẹn 9 từ mà nhà thơ Tế Hanh đã mô tả được hết “bản chất” của cơn bão. Đây là cơn bão lớn. Cơn bão lớn – mạnh đến độ làm nghiêng cả đêm tối, lệch cả không gian. Sự tàn phá của cơn bão thật ghê gớm cây gãy cành bay lá. Sức gió chắc chắn là rất mạnh rồi, phải là gió xoáy và giật trên cấp 12. Lại nữa, phải là tâm bão thì mới đổ gãy cành cây, mới tả tơi của lá. Thiết tưởng mọi cảnh vật, sinh linh khó giữ nguyên hiện trạng và khó có thể “vượt qua “ được trận cuồng phong đó của thiên nhiên
Hai từ “nghiêng đêm” , nhà thơ sử dụng thật tinh tường, “chân tướng” dữ dằn của cơn bão được phơi bày đến tận cùng. Đất trời như sắp bị đảo lộn – không gian như bị xén vụn bới sự quăng quật của gió giật, bởi âm thanh náo loạn của đổ gãy cây cối. Điều kỳ diệu là trong cơn bão đó, con người lại không bị ngã. Vì sao vậy? Vì con người đã biết “gắn kết” lại với nhau. Hơn thế, đó là sự gắn kết của tình yêu. Tình yêu truyền cho con người thêm sức mạnh Ta nắm tay em / Cùng qua đường cho khỏi ngã . Mới hay, đã là sức mạnh của tình yêu thì không có cơn bão nào, hay một trở lực hung hãn nào ngăn phá được!?
Đại từ nhân xưng “ta” trong bài thơ chính là chủ thể tình yêu, rất có tâm thế, tự tin, từng trải, giàu kinh nghiệm, rất chủ động ta nắm tay em và cả hai cùng qua đường , cùng đi về một hướng và hẳn nhiên là phải biết cách đi thì mới cho khỏi ngã.
Câu thơ nói chuyện vượt qua đường của con người trong cơn bão thôi nhưng ngẫm thật thấm thía bởi hàm ý sâu xa. Nói chuyện đời thường, nói chuyện tình yêu mà toát lên được truyện đại sự.
Trở lại bài thơ. Bão lớn đến cỡ nào rồi cũng phải tan, phải tạnh. Cơn bão tạnh lâu rồi / Hàng cây xanh thắm lại cũng là chuyện bình thường của quy luật thiên nhiên. Sau một thời gian, sự tàn phá của bão đã được xóa đi, thay vào đó là sự trường tồn của cảnh vật. Cái sự cây gãy cành bay lá đã không còn nữa mà là đây hàng cây xanh thắm lại như lúc đầu chưa có bão xảy ra. Nghịch lý thay! Cơn bão do thiên nhiên tạo ra đã tan rồi thì “cơn bão lòng của tình yêu” lại trỗi dậy. Câu thơ Nhưng em đã xa xôi tiếp theo đem đến cho người đọc một cảm thức mới – một tình huống mới xảy ra là em đã xa xôi – em không còn ở bên ta (bên anh)- nữa, em đã xa cách ta rồi. Từ nhưng đặt đầu câu nhằm nhấn mạnh thêm tính nguyên nhân, tính lý do của cái sự em đã xa xôi . Biết vậy mà người đọc vẫn thấy đột ngột (?!) giữa hai người. Chủ thể tình yêu là ta như thốt lên đau xót, từ đây em không còn thuộc về ta nữa. Ta không còn có em nữa. Còn lại ta đơn chiếc lẻ loi với cơn bão lòng thổi mãi mà không. Một mình ta dễ gì vượt qua cơn bão lòng, cơn bão tình yêu.
Lạ chưa? Cơn bão lòng nghiệm ra còn ghê ghớm hơn cả cơn bão thiên nhiên. Cơn bão thiên nhiên còn có giới hạn thời gian còn cơn bão lòng ta cứ thổi mãi, thổi mãi em có biết không?
Bài thơ ra đời năm 1957, thế kỷ trước, nay đọc lại, tưởng như nhà thơ vừa viết xong chưa ráo mực . Tế Hanh – nhà thơ trụ cột một thời của dòng thơ đấu tranh thống nhất đất nước nhà với Nhớ con sông quê hương, Bão cùng rất nhiều bài thơ hay khác của ông đã hóa thân vào tâm hồn dân tộc Việt.