Con về thăm mẹ, đêm mưa
Mới hay nhà dột, gió lùa bốn bên

Mưa rơi sợi thẳng, sợi xiên
Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời

Con đi đánh giặc suốt đời
Vẫn không che được một nơi mẹ nằm.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Đêm mưa

Vâng! Có lẽ vào một đêm mưa người chiến sĩ về thăm mẹ, anh chạnh lòng thương căn nhà dột của mẹ từng đêm, từng đêm những cơn mưa xôi xả vô tình dột vào. Đó là mưa rơi ngoài kia hay là mưa gió của cuộc đời mẹ lặng thầm hi sinh vì con vì cái???? “Mưa rơi sợi thẳng, sợi xiên / Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời” anh thương mẹ bao nhiêu để rồi trách mình bấy nhiêu: “Con đi đánh giặc suốt đời - Vẫn không che được một nơi mẹ nằm” Nhưng anh chiến sĩ ơi, đừng buồn nữa! Vì hành động đánh giặc kia của anh có khác chi lòng yêu TỔ QUỐC, mà tình yêu Tổ quốc vốn bắt nguồn từ tình yêu quê hương, yêu những người thân ruột thịt trong gia đình. Tình yêu mẹ của anh đã chan hoà trọn vẹn trong tình yêu quê hương đất nước rồi!

Bài thơ này được bình chọn vào một trong số những bài thơ hay nhất thê kỉ XX do do Trung tâm văn hoá doanh nhân và NXB Giáo Dục phối hợp tổ chức đã lựa ra được 100 thi phẩm xuất sắc và công bố trong đêm nguyên tiêu của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5.

Tôi nhặt hoàng hôn
Cất vào đêm tối
Tôi nhặt nỗi buồn
Cất vào hồn tôi
54.40
Trả lời
Ảnh đại diện

Lời bình của Nguyễn Bùi Vợi

Bài thơ này vừa được tuyển chọn vào Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam tái bản tháng 7 năm 2000, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành.

Chúng tôi có bài thơ này nhờ một lần nhà thơ quân đội Trần Đăng Khoa chép và gửi cho báo Giáo dục và Thời đại. Khoa bảo: “Bài thơ in ở báo Quân khu 3, Khoa nhớ và chép cho anh”. Tôi sững người vì tiếc. Giá bài thơ được in vào trang thơ dự thi của báo chí thì giải là cầm chắc. Hôm Trần Đăng Khoa đưa bài Mẹ, cuộc thi đã khép lại rồi! (cuộc thi thơ lưục bát, báo Giáo dục và Thời đại).

Đây là một bài thơ hay với mọi người đọc dù người đó thích thơ truyền thống hay thơ hiện đại, dù người đó thích thơ Việt vần điệu mượt mà ngân lên như hát hay theo thứ thơ “lai Tây” lủng ca lủng củng, lục cục lào cào! Bài thơ hay vì nó giản dị, ít lời và truyền cảm.

Con về thăm mẹ chiều mưa
Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên
Cái “chiều mưa” đúng là cái kíp nổ của bài thơ. Nếu hôm anh về thăm mẹ mà trời nắng thì tinh ý một chút anh cũng có thể biết là nhà dột nhưng không cảm được tận đáy lòng cái nỗi.... dột này!

Câu thơ có một chút thảng thốt ở hai từ “mới hay”. Thì ra trước đây, anh không biết gì, anh cứ tưởng...

Cái sự “gió lùa bốn bên” là anh viết thật. Mái dột nhưng cả phên cũng rách thì gió mới “lùa bốn bên” được, nghĩa là cái nhà của mẹ thật tồi tàn.

Hai câu tiếp theo thật rát:
Hạt mưa sợi thẳng sợi xiên
Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời
Hình như có bản đâu đó in “Hạt mưa sợi đứng, sợi xiên”, cũng không sao vì sắc thái biểu cảm của câu thơ không thay đổi. Người đọc cảm thấy những hạt mưa ấy cũng đang làm buốt lòng mình. Đời người ta có khi ăn mặc đói rách nhưng trời còn cho ngủ ngon lấy sức, đằng này mưa dột, giọt mưa hắt, bắn vào người làm cho mẹ không ngủ được mà ác nghiệt thay, đấy là những “đêm trắng trời” mẹ nằm nhớ đứa con đi đánh giặc ở chiến trường xa!

Câu kết như một niềm ân hận và cao hơn nữa là một sự phản tỉnh của lương tri:
Con đi đánh giặc một đời
Mà không che nổi một nơi mẹ nằm
Người con thương mẹ, giật mình mà nói vậy chứ đâu chỉ có lỗi của anh? Câu thơ ghim vào lòng người đọc, vào mỗi chúng ta, nhắc chúng ta rằng hạnh phúc của con người thiết thực, cụ thể, có khi tưởng là nhỏ bé nhưng thật ra lớn lao vô cùng. Có khi ai đó mơ ước những cái cao xa trên chín tầng mây mà quên đi mái nhà còn dột của người mẹ chiến sĩ.

Tác giả bài thơ này - nhà thơ Tô Hoàn là một sĩ quan cấp tá về hưu ở Bắc Giang. Tôi chưa gặp anh lần nào nhưng cũng đã hơn một lần đồng cảm với những nỗi niềm nhân bản trong thơ anh.

Bài thơ đi cheo leo trên một sợi dây mỏng mảnh, một bên là thơ lưục bát và một bên là một bài ca dao mới. Nó là bài thơ lưục bát vì cái tứ thơ rất rõ. Chỉ có ba cặp lưục bát không hơn không kém mà nó nói được với chúng ta bao nhiêu điều về tình mẹ con, về hậu phương và tiền tuyến.

Ám ảnh và day trở, bài thơ hay vì được viết ra bằng một phút xuất thần của tác giả. Đọc xong, người đọc có thể nghĩ: hay quá nhưng cũng... dễ quá, có gì cao siêu đâu nhỉ mà sao mình lại không nghĩ ra?

tửu tận tình do tại
93.89
Trả lời