Mới đây, nhân dịp sang Bắc Kinh dự một hội nghị quốc tế, tôi mua vé tàu đi Khúc Phụ - di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận.
Nơi đây, vào năm 1965, Bác Hồ đã từng đến và để lại bài thơ chữ Hán hàm ý sâu xa
Phỏng Khúc Phụ:
Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ,
Cổ tùng, cổ miếu lưỡng y hy.
Khổng gia thế lực kim hà tại?
Thặng hữu tà dương chiếu cổ bi.
Bài thơ được học giả Đặng Thai Mai dịch ra tiếng Việt:
Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ,
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa.
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.
Man mác buồn! Ông Vũ Kỳ cho biết năm đó ở Trung Quốc, Khổng Tử đang bị các thế lực cực đoan “tả khuynh” thoá mạ. Qua chuyến đi, Bác muốn tỏ bày thái độ trân trọng bậc danh nhân văn hoá ấy. Thời trẻ, trong một bài báo tiếng Pháp, nhắc đến Khổng Tử, Nguyễn Ái Quốc đã từng viết: Le Grand Confucius (Đức Khổng Tử vĩ đại).
40 năm sau, đến Khúc Phụ, tôi cảm thấy thật yên lòng. Viện Nghiên cứu Khổng Tử vừa xây xong, rất hoành tráng. Cuốn Luận ngữ, kinh điển quan trọng nhất của Khổng giáo, được khắc mới trên hàng hàng bia đá để lưu truyền chính xác đến muôn đời. Nếu Khổng Tử từng được các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh ngợi ca là “vạn thế sư biểu”, “chí thánh, tiên sư”, “cổ kim nhật nguyệt”, thì giờ đây được Nhà nước Trung Quốc chính thức tôn vinh là “nhà tư tưởng vĩ đại, nhà triết học vĩ đại, nhà giáo dục vĩ đại”.
Bước vào viện, tôi có thể đọc nhiều lời bình phẩm cổ, kim. Sinh sau Khổng Tử hơn 400 năm, Tư Mã Thiên - nhà sử học vĩ đại, danh nhân văn hoá thế giới - ghi lại niềm cảm xúc khi đến thăm nhà thờ Khổng Tử ở nước Lỗ:
“Trong thiên hạ, vua chúa và người tài giỏi rất nhiều, khi sống thì vinh hiển, nhưng chết là hết! Khổng Tử chỉ là một người áo vải, thế mà truyền hơn mười đời; các học giả đều tôn làm thầy, từ thiên tử đến vương hầu ở trung nguyên hễ nói đến lục nghệ đều lấy ông làm chuẩn. Có thể gọi là bậc chí thánh vậy”.
Thời Ngũ Tứ, năm 1919, sinh viên Bắc Kinh biểu tình, bãi khoá, nêu cao ý chí “nội trừ quốc tặc, ngoại tranh quốc quyền”. Tinh thần cách mạng dâng cao, khó tránh khỏi có lúc cực đoan nêu khẩu hiệu: “Đả đảo Khổng gia điếm!”. Lớp trẻ cấp tiến thời ấy thành thật nghĩ rằng sở dĩ Trung Quốc lạc hậu là do Khổng giáo!
Nhưng thử hỏi Ấn Độ có chịu ảnh hưởng “cửa Khổng, sân Trình” đâu mà cũng lạc hậu, bị Anh chiếm đóng! Rồi còn châu Phi? Nào ai ở lục địa đen đã đọc Luận ngữ? Trong khi đó, Nhật Bản không phủ định truyền thống mà vẫn có thể duy tân, cường thịnh. Thế kỷ 20 quả là thế kỷ “Nho môn đạm bạc”, văn hoá phương Tây và “chủ nghĩa coi châu Âu là trung tâm” ngự trị, dấy lên từng đợt, từng đợt sóng dữ dằn “phê Nho, phản Khổng”! Nhưng đến cuối thế kỷ, tình hình đổi khác.
Cụm di tích Tam Khổng ở Khúc Phụ bao gồm ba di tích lớn: Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Viện. Khổng Miếu rộng 21,8 ha, tường xây bao quanh, là một trong ba quần thể kiến trúc cổ đại hoành tráng nhất Trung Quốc, có thể sánh với Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh hay Tỵ Thử Sơn Trang ở tỉnh Hà Bắc. Nơi đây có nhiều điện, các, đình, miếu nguy nga lợp ngói lưu ly vàng và 2.100 tấm bia đá cổ (Văn Miếu Hà Nội có 82 tấm bia).
Khổng Lâm, nghĩa trang nhà họ Khổng (trong đó có ngôi mộ đơn sơ của Khổng Tử), nay là công viên rộng 200 ha. Nơi đây hiện còn giữ được hơn 3.000 cây bách trên 2.000 tuổi vẫn xanh tươi, trồng từ đời nhà Hán, gọi là “Hán bách”; và hơn 30.000 cây tùng trên 1.000 tuổi trồng từ đời nhà Tống, gọi là “Tống tùng”! Khổng Phủ là nơi ở của Khổng gia, nay đã truyền đến đời thứ 78, được vua chúa đời sau xây thêm, hiện rộng 16ha, có tường bao, gồm nhiều sảnh, đường, đình, miếu tổng cộng 463 gian... UNESCO công nhận đây là gia tộc truyền nhiều đời nhất trên thế giới mà vẫn có văn tự chứng thực.
Hàm Châu
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]