Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 01/04/2021 12:46, số lượt xem: 299

Bao dòng ái nhạc chứa nguyền ân
Nhiêu bấy tình thương vọng tưởng dần
Năm nhỡ nhàng mơ thành dỗi giận
Rồi buồn bã mộng khiến sầu ngân
Còn lưu kỷ niệm nồng hương phấn
Mãi níu thời gian bạc số phần
Ra cõi lu mờ đau lắm bận
Đi về khúc khuỷu rạc mòn thân

Đi suốt ta bà rậm huyễn vân
Đâu nơi chỗ dựa  để khi cần
Loanh phờ phạc trí làm tim bẩn
Quanh chán chê lời khiến dạ trân
Cho lỡ lầm duyên quằn oán hận
Đời ngao ngán chuyện lắm xoay vần
Mỏi tình chẳng vẹn mờ tin cẩn
Mệt lả vây tìm bặt dấu chân

Trên đường đạo nghĩa ước bình cân
Hai nẻo tiền danh chẳng lại gần
Vai đắm giang hồ thơm cúc mận
Ta dìu ngọc nữ khắp vườn sân
Đôi lòng vũ khúc êm đềm phận
Vầng mộng tình thơ rộn rã trần
Nhật ký mê đời da diết ngẩn
Nguyệt trầm thuỷ thượng hoá kỳ lân

Rọi sách làm thơ tránh nẻo đần
Suốt đời hạnh phúc chẳng lìa phân
Trăm đường mộng ảo đành lui tận
Năm điệu tình sâu lại thoát bần
Một giấc mơ lành đan hậu vận
Cõi lòng ước thiện khát hiền nhân
Đi cùng đạo nghĩa ngời tinh tấn
Về chốn trầm hương để dưỡng thần

*Khoán thủ ca từ nhạc Trịnh
*TRỊNH CÔNG SƠN
[28 tháng 2 năm 1939 – 01 tháng 4 năm 2001]
Ông được coi như một trong những nhạc sĩ lớn nhất của âm nhạc đại chúng Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến.
Hiện nay chưa có thống kê về số tác phẩm để lại của ông [ước đoán con số không dưới 600 ca khúc], phần lớn là tình ca. Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc [cả lời và nhạc].
Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một hoạ sĩ không chuyên.
Ông được đặt tên đường ở Thành phố Huế và Thủ đô Hà Nội