Trải qua bao đời chinh chiến giành lại độc lập chủ quyền cho dân tộc, ông cha ta đã trở thành một tấm bia anh hùng dân tộc cho muôn đời sau. Hiểu được nỗi vất vả khó nhọc của những người lính, nhiều nhà thơ đã sáng tác ra những tác phẩm để đời nhằm ca ngợi công lao cũng những vị anh hùng. Nổi bật là bài thơ Dáng đứng Việt Nam của tác giả Lê Anh Xuân.

Dáng đứng Việt Nam là một bài thơ điển hình cho đề tài người lính trong kháng chiến. Đề tài này cũng chính là khởi đầu cho nguồn cảm hứng thơ ca bất tận của bất kì nhà thơ yêu nước nào. Bài thơ giúp chúng ta như được trở về thời chiến đấu đầy đau thương mà oanh liệt, giúp chúng ta cảm nhận và thêm bao tự hào về tinh thần chiến đấu hi sinh anh dũng của các anh chiến sĩ oai hùng.

Bốn câu thơ đầu đã cho ta thấy được hình ảnh người chiến sĩ hiện lên thật oai phong, lừng lẫy:
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Mặc dù người chiến sĩ đã kiệt sức, ngã xuống vì chiến trường khốc nghiệt, vì bom rơi đạn nổ trên đường băn Tân Sơn Nhứt. Nhưng ý chí sắt đá và lòng yêu nước đã dìu người chiến sĩ vùng dậy bằng chút sức lực cuối cùng để tì súng trên xác trực thăng tiếp tục chiến đâu.

Anh ra đi giữa cơn mưa lửa đạn. Từng tên địch ngã xuống là từng giọt máu anh rơi, anh đã đánh đổi cả mạng sống, gửi gắm cả tấm lòng vào nơi chiến trường với hi vọng đất nước được độc lập, con cháu được ấm no, hạnh phúc.

Chính sự ra đi anh hùng, khí thế lừng lẫy đó của anh đã làm giặc khiếp sợ:
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Giặc có mạnh đến đâu nhưng cũng phải đầu hàng trước ý chí bất diệt của chiến sĩ Việt Nam ta. Anh ra đi nhưng tâm hồn anh vẫn ở đó, tiếp thêm động lực cho những người bạn nơi chiến trường, tạo nỗi bàng hoàng cho quân giặc. Anh ra đi nhưng lòng dũng cảm vẫn ở đó làm nên tấm bia kiến cố cho đồng đội đội nổ súng tiến công. Anh ra đi nhưng những công lao của anh vẫn được ghi nhớ đến muôn đời.

Tác giả Lê Anh xuân đã khắc hoạ thành công bức tượng đài người lính giải phóng quân kiên trung, bất khuất. Suốt mấy nghìn năm lịch sử, đất nước dù có đổi mới, phát triển đến đâu nhưng lịch sử vẫn sẽ nêu vang tên anh, nêu vang những người anh hùng thầm lặng. Những người anh hùng vất vả ngày đêm, hao tổn trí và sức lực để rồi ngã xuống anh dũng vì bảo vệ tổ quốc. Dẫu lúc hi sinh họ chỉ để lại vỏn vẹn một đôi dép nhưng đó cũng chính là sự phi thường, kiệt xuất của người lính được hiện thực hoá trong những điều bình dị, giản đơn.

Bởi đâu phải những con người vĩ đại mới có thể làm nên những điều lớn lao mà từ những điều tưởng chừng đơn giản mới hình thành nên con người vĩ đại. Dẫu ta không thể biết được tên tuổi những vị anh hùng đó nhưng họ vẫn mãi là bức tượng đài quý giá của dân tộc. Chính họ đã tạo dựng nên dáng đứng oai hùng của Việt Nam ta:
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Anh hi sinh cho tổ quốc mà không màng danh lợi. Những giọt mồ hôi, giọt máu anh đỗ đã hoà chung với máu của biết bao chiến sĩ khác để kết tinh nên một màu cờ sắc thắm của Tổ quốc Việt Nam mến yêu. Sự hi sinh của anh đã tạo nên dáng đứng oai hùng, là mốc son chói lọi đánh dấu thời kì đổi mới của tổ quốc, thời kì tiến thời hoà bình, bát ngát mùa xuân.

Lê Anh Xuân đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ mang tính hình tượng, tính cá thể hoá và tính truyền cảm cao làm khắc hoạ rõ nét và nổi bật hình bức tượng đài vững trãi với dáng đứng lừng lẫy muôn đời của người chiến sĩ Việt Nam khiên trung, anh dũng.