Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Phạm Tiến Duật
Đăng bởi tôn tiền tử vào 14/08/2018 16:33
Hương trầm bay trên đất quê hương
Đặng Thuỳ Trâm nơi này em nằm lại
Tôi ao ước dù trong tưởng tượng
Nâng mái tóc em mãi mãi tuổi hai mươi
Ơi! Đặng Thuỳ Trâm, Đặng Thuỳ Trâm ơi
Em là trầm thơm nơi đất lành Đức Phổ
Dù trong lửa bom rơi vẫn hiện lên rạng rỡ
Gương mặt người bác sĩ đoan trang
Đây những dòng ghi từ nơi em nằm lại
Nói với bao người thắp sáng niềm tin
Để ngàn năm lớp lớp tuổi hai mươi
Mang trái tim Đặng Thuỳ Trâm và tình yêu đất nước
Từ Đức Phổ nơi dấu chân bao người đi trước
Hương Trầm bay, thơm ngát trời xanh.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 14/08/2018 16:36
Đầu năm 2008, sau lần giỗ 49 ngày của nhà thơ Phạm Tiến Duật, tôi có nhận được cuốn Tuyển tập Phạm Tiến Duật bản đặc biệt do NXB Hội Nhà văn ấn hành với lời đề tặng của vợ nhà thơ - chị Nguyễn Thái Vân.
Thế rồi, Báo An ninh thế giới Cuối tháng ra tháng 12/2008 có đăng bài “Nhà thơ Phạm Tiến Duật, những bài thơ cuối” của nhà báo Lê Thị Thanh Bình, trong đó tác giả liệt kê 4 bài thơ cuối cùng của Phạm Tiến Duật: Em là tia nắng, Khoả thân, Người bán bóng bay đi rộng trên đường phố, Năng lượng người, năng lượng tình yêu. Tôi không thấy có bài thơ Hương trầm Đức Phổ mà Phạm Tiến Duật đưa cho tôi giữa năm 2007 để phổ nhạc cho một ca khúc cùng tên, đã được thu thanh và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam cuối năm đó.
Tôi thấy có trách nhiệm phải công bố bài Hương trầm Đức Phổ vào danh sách những bài thơ cuối của Phạm Tiến Duật để bổ sung vào tuyển tập của anh, cho lần tái bản sau. Bài thơ Hương trầm Đức Phổ Phạm Tiến Duật đưa cho tôi phổ nhạc vào một dịp như thế này:
Khoảng tháng 6/2007, Duật rủ tôi ra quán cafe trên đường Nguyễn Du, bên hồ Thiền Quang xanh mát để bàn chuyện tổ chức biểu diễn ra mắt CD ca nhạc với chủ đề Mãi mãi tuổi 20 vào cuối năm, mà Phạm Tiến Duật là một sáng lập viên của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”.
Tôi nhận lời với Duật làm biên tập chương trình biểu diễn và thu thanh 1 CD những ca khúc viết về tuổi trẻ Việt Nam Mãi mãi tuổi 20. Tôi chỉ lưu ý Phạm Tiến Duật là kinh phí tổ chức buổi biểu diễn và thu âm CD khá tốn kém. Duật bảo tôi: “Ông yên tâm đi, ý tưởng chương trình này được trình lên cấp trên liên quan, và nhất là đã được đồng chí Trương Tấn Sang” (lúc đó là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng ủng hộ). Duật còn đưa cho tôi xem một số công văn, tờ trình lên các cấp có thẩm quyền về việc này. Việc xem ra rất thuận buồm xuôi gió.
Hai tuần sau tôi và Phạm Tiến Duật lại gặp nhau ở quán cafe cũ để trao đổi, hoàn thiện chương trình. Tôi nhờ Phạm Tiến Duật một việc. Tôi nói: “Tôi bí quá ông ạ!”. Vì tôi nhận lời với tỉnh Quảng Ngãi và nhạc sĩ Văn Chừng, người chủ biên chương trình hát về Đặng Thuỳ Trâm nhân dịp tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành một bệnh xá mang tên người nữ anh hùng này ở huyện Đức Phổ, nơi chị nằm lại. Đã đến hạn phải nộp tác phẩm mà đầu óc vẫn “bí rì rì”, chưa “mọc” ra được ý tưởng nào. Tôi bảo Duật: “Ông đi nhiều, viết nhiều, lại gặp gỡ, tiếp cận với những tư liệu của người liệt nữ anh hùng, ông giúp tôi với. Tốt nhất là ông có sáng tác bài thơ nào về đề tài này ông cho tôi xin, để tôi hoàn thành một ca khúc về người liệt nữ anh hùng, coi như một nén nhang thắp trước mộ chị…”.
Ít ngày sau, trong tay tôi đã có bài thơ Hương trầm Đức Phổ của Phạm Tiến Duật. Ca khúc Hương trầm Đức Phổ đã được tôi hoàn thành sau đó. Tối rất tiếc và ân hận là di bút bài thơ này, khi dọn dẹp chuyển sách vở từ cơ quan về nhà ở, tôi đã để thất lạc, không làm sao tìm lại được.
Bài hát Hương trầm Đức Phổ đã được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng và phát sóng những ngày sau đó. Phạm Tiến Duật cũng đã đến nghe bài hát này khi đang dàn dựng ở phòng thu âm, do tốp ca nữ Sao Mai trình bày. Nghe xong, Duật bảo: “Có thể bổ sung bài này vào chương trình biểu diễn và in CD tiếng hát Mãi mãi tuổi 20”.
Nhưng thật xót xa! Chương trình tiếng hát Mãi mãi tuổi 20 do Phạm Tiến Duật và tôi cùng ấp ủ mãi mãi không thực hiện được nữa rồi!
Tháng 11/2007 Phạm Tiến Duật phải nhập Viện Quân y 108 với căn bệnh nan y. Sau đó ít ngày, anh ra đi vào cõi vĩnh hằng, để lại bao niềm thương tiếc khôn nguôi trong lòng mọi người.
Phạm Tiến Duật ơi! Mình gửi bài thơ Hương trầm Đức Phổ của Duật vào Tuyển tập in lần sau nhé!
Nhớ Duật nhiều lắm đấy! Phạm Tiến Duật à!