LỜI NGƯỜI VIẾT: Đã có biết bao huyền thoại được thêu dệt về mối tình kéo dài trong ký ức (cho dù cuộc hôn nhân lại vô cùng ngắn ngủi) của nữ sĩ người Nga Olga Bergholtz (1910-1975) và nhà thơ Nga sớm nổi danh nhưng cũng sớm chịu số phận đắng cay Boris Kornilov (1907-1938). Nhiều thế hệ người yêu thơ Việt Nam từng yêu cùng “nàng Olga” qua những bản dịch Việt ngữ ngọt ngào của nhà thơ Bằng Việt, và cũng chỉ thường chỉ nhớ đến cái tên Olga Bergholtz qua những bài thơ tình mơ mộng đầy nữ tính của bà.
Mấy ai biết rằng, đường đời của Olga không chỉ có những mối tình. Bà đã trải qua vô vàn thử thách của số phận: sự ghẻ lạnh, hắt hủi của người đời, sự phản bội của bạn bè, những tháng ngày tủi nhục trong tù ngục, sự đau đớn khi mất những đứa con còn trứng nước… Song, điều đáng quý của Olga Bergholtz mà chúng ta đọc được đằng sau những dòng viết quằn quại bật máu của bà, là Olga vẫn giữ được tình yêu nồng nàn trong trái tim người phụ nữ, giữ được những suy nghĩ tha thiết với cuộc đời, giữ được niềm hy vọng đôi khi tưởng chừng đã tắt trong tâm. Chính nhờ những điều đó mà thơ của bà gần gũi với người đọc Việt Nam, một dân tộc luôn trân trọng tình người, và nhiều khi, phải nương vào tình người mà vượt lên trên mọi đau khổ.
Viết về nữ sĩ Olga Bergholtz không dễ dàng vì tư liệu thì nhiều, nhưng có vô số hướng gợi mở, phân tích khác nhau. Song, là một người vốn hâm mộ nhà thơ, tôi thấy bất kỳ thông tin nào về Olga cũng đầy hấp dẫn, từ những mẩu chuyện về thời thơ ấu ngắn ngủi của bà cho đến những chuyện “hậu trường” của nền thi ca Xô-viết, gắn liền với những năm tháng đầy đau khổ hậu bán thập niên 30 và thời kỳ chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1) sau đó. Lần giở lại một số trang nhật ký của Olga, đọc một số đoạn trích trong
Những ngôi sao ban ngày, hồi ký của những người trong gia đình, của mẹ và em gái bà, của các nhà văn Nga đương thời và cả những nhà văn Nga hiện đại, tôi thử ghép lại thành một bức chân dung tỉ mỉ về người con gái Nga kỳ lạ này.
Thực ra, tôi không muốn dùng từ “bà” để viết về Olga Bergholtz, mặc dù khi nằm xuống, Olga đã bước vào tuổi xế bóng đời người. Nhưng cuộc đời của nữ sĩ cùng những vần thơ Nàng viết không bao giờ “có tuổi” trong tâm khảm những người yêu mến Nàng, mặc dấu ấn của thời gian. Olga Bergholtz mãi mãi là “Nàng Thơ” của thành Petrograd của thành Len ngày nào. Nàng trẻ mãi. Và bất tử.
Nghĩ đến Olga Bergholtz, không hiểu sao tôi lại muốn nhớ đến một loài cỏ dại đã từng xuất hiện trong thơ của Nàng: “Cây ngải đắng” – loài thảo mộc có mùi hương gợi niềm bất trắc nhưng lại có sức sống bền bỉ và kiên cường đã từng là ám ảnh Olga suốt nhiều năm. Và ngải đắng cũng đã từng là biểu tượng cho sự dằn vặt trong Tình yêu của người con gái nồng nàn nhưng can trường ấy:
Rồi tôi vẫn nghiến răng bướng bỉnh
Ngẩng cao đầu khép chặt lòng đau
Hoa ơi hoa, hoa nở vì đâu
Hoa ngải đắng của tình tôi yêu dấu?
…
Chẳng làm gì nữa đâu lời âu yếm vô ngần
Của người dưng hay người tôi thương mến
Muôn nẻo quanh tôi loài cỏ hoa quyến luyến
Ngải đắng ơi, hoa ngải đắng tình tôi!
(trích Cây ngải đắng, 1928 - Thuỵ Anh dịch)
Phần 1: TUỔI THƠ NGẮN NGỦI VÀ HẠNH PHÚCNgắn ngủi… vì Olga Bergholtz rời bỏ những ngây thơ thiếu nữ rất sớm: 16 tuổi yêu và 17 tuổi đã lấy chồng, 18 tuổi sinh con… Bà cũng sớm bước vào cuộc đời sáng tác mà ban đầu tưởng chừng chỉ có những niềm vui lấp lánh đầy mê hoặc.
* Những người thân
Olga Bergholtz sinh ngày mùng 3-5-1910 (theo lịch mới là ngày 16-5) tại Saint Peterburg (Petrograd). Thân phụ bà - Phedor Kristophorovich Bergholtz - mấy chục năm là bác sĩ của một nhà máy, chữa bệnh cho công nhân, nhưng trước đó ông từng là bác sĩ phẫu thuật phục vụ trong quân đội, kinh qua chiến tranh chống Đức dưới đế chế Nga hoàng, rồi tham gia chống Bạch vệ thời Nội chiến. Sau thời nội chiến loạn lạc, năm 1921, ông cùng vợ là bà Maria Timopheevna, hai con gái Olga và Maria tái đoàn tụ ở thành phố bên dòng sông Neva. (Trước đó, năm 1918, vợ ông đưa hai con nhỏ lánh về thành phố nhỏ yên tĩnh Uglich, tiếng là tránh tên rơi đạn lạc nhưng kỳ thực là để tránh nạn đói!)
Ngôi nhà của gia đình Bergholtz ở cửa ô Nevski là một căn nhà gỗ hai tầng xinh đẹp với tám cửa sổ, nằm giữa những tán cây phong lớn và một mảnh vườn con trồng đủ các loại hoa. Phía sau nhà còn có một vườn táo với con đường mọc nhiều tử đinh hương thơm ngát. Cuối con đường, có một nhà bát giác nhỏ bằng kính nhiều màu, nơi mọi người có thể ngồi uống trà và trò chuyện cả trong những ngày Đông giá rét. Bây giờ, con phố nằm đằng sau ngôi nhà này được mang tên bà - phố Olga Bergholtz! Đại gia đình của Olga sống trên tầng hai, diện tích còn lại thì cho thuê. Gọi là cho thuê, nhưng quan hệ giữa chủ nhà và người thuê rất ấm áp như người một nhà. Căn nhà thuở ấu thơ ấy đã được Olga nhắc đến không ít lần một cách thân thương trong
Những ngôi sao ban ngày (2), một cuốn sách có thể coi là tự truyện của bà.
Tâm hồn nhạy cảm và gần gũi thiên nhiên mà Olga nhận được từ thuở thiếu thời, đôi khi khiến bà mềm yếu nhưng sau này, lại chính là sức mạnh tiềm tàng giúp bà trụ lại trước những thử thách của cuộc đời. Nếu không có những mùa hè rớt dưới mái nhà cha mẹ êm ấm chở che, chắc hẳn Olga không cảm nhận được sự chuyển động kỳ diệu của thiên nhiên như thế này:
Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ,
Cái nắng êm ru, màu trời không chói,
Mùa hè rớt cho những người yếu đuối,
Cứ ngỡ ngàng như lúc mới vào xuân.
Trên má mơ hồ tơ nhện bay giăng,
Se sẽ như không, nhẹ nhàng, phơ phất...
Lanh lảnh bầy chim bay đi muôn nhặt,
Hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu.
Những trận mưa rào đã tắt từ lâu,
Tất cả thấm trên cánh đồng lặng sẫm,
Hạnh phúc nhiều hơn mắt nhìn say đắm,
Ghen tuông dù chua chát... cũng thưa hơn.
(trích Mùa hè rớt - Bằng Việt dịch)
Sau này, hình ảnh ngôi nhà thân thiết của cha mẹ còn xuất hiện nhiều lần trong thơ Olga, luôn là gam màu ấm nóng, trầm xuống bồi hồi trong bức tranh sôi động về cuộc chiến hoặc công cuộc lao động xây dựng đất nước, lắm khi đầy những khẩu hiệu, những lời tung hô:
Chúng tôi ra mặt trận theo những đường phố quen thuộc
Nhớ đến mỗi con đường như một giấc chiêm bao
Đây hàng giậu của mái nhà tổ phụ
Đây, trước kia, có cây phong to lớn lá rì rào.
Xuân khi ấy, cây vươn tới chúng tôi qua cửa sổ
Buổi sớm mai, óng ánh, mát tươi
Nhưng đông này lạnh lùng u tối
Bạn xanh ơi, bạn cũng chết rồi.
(trích Đường ra mặt trận, 1942 - Xuân Diệu dịch)
Những năm ấu thơ, Olga sống khá đầm ấm và hạnh phúc trong vòng tay của những người ruột thịt: cha mẹ; hai người bà: bà Olia nghiêm khắc và bà Masha hiền hậu (tên của hai bà được trân trọng đặt cho hai chị em nàng); và những cô, chú, bác dịu dàng khác - thường gọi nàng với cái tên rất âu yếm là Lialia, còn cô em gái của nàng là Musia... Hai chị em có bà vú Avdochia, người đã ôm chặt lấy Olga khi năm 1917, thành phố quê hương nàng rung chuyển trong tiếng súng vang rền, khiến tâm hồn non nớt của bé Lialia đầy lo sợ. Sau này, khi ở trong nhà lao, nàng đã nhớ về mái ấm của mình, về hạnh phúc êm ả tuổi thơ:
Chị từng mơ thấy mái nhà xưa
Nơi tuổi thơ ngây mình đã sống
Nơi trái tim như thuở nào trông ngóng
Một tình yêu, một hơi ấm chốn nương lòng
Thấy cả đêm Giáng sinh và cả cây thông
Thấy em gái cười to vui thích
Thấy dịu dàng và đầy phấn khích
Ô cửa hồng mới sáng sớm đã rực lên
Và những món quà tặng nhau buổi đêm
Lá thông toả mùi hương cổ tích
Những đốm sao vàng đêm tĩnh mịch
Ngay trên mái nhà của chị em ta…
(trích Gửi em gái, 1939 - Thuỵ Anh dịch)
Olga được thừa hưởng từ người cha mái tóc vàng và chiếc mũi hếch nghịch ngợm, đôi mắt xanh biếc trong vắt và bướng bỉnh. Nhưng nàng lại là đứa trẻ sớm nhạy cảm, gương mặt đôi khi mang một nỗi buồn kỳ lạ không lý giải nối. Nỗi buồn ấy được nhà văn Anninski (3) gọi là “nỗi sầu không lời và vô duyên cớ của tâm hồn Nga”. Nó len lỏi vào lòng Olga sau những lần chứng kiến cảnh bà vú Avdochia trong những ngày lễ tết, sau khi đã uống vài ba chén thường cất giọng hát một bài dân ca có lời buồn da diết, mặc dù âm điệu lại rất đỗi nhịp nhàng. Thế rồi nửa chừng, bà vú lại ôm mặt thổn thức. Những giọt nước mắt đầy cay đắng chẳng hiểu vì sao cứ rơi ra, tuồng như chẳng ai và chẳng có gì an ủi được.
Olga - còn có tên thân mật là Olia hay Lialia - là cháu yêu của ông của bà, còn cô em gái Maria (Masha, Musia) là con yêu của mẹ của cha. Gia đình Bergholtz thường đùa như vậy, không phải vì Olia chỉ được ông bà yêu và Masha chỉ được cha mẹ chiều mà chỉ để nhấn mạnh sự quan tâm chiều chuộng của hai người bà đối với đứa cháu gái đầu Olia xinh xắn. Bà nội cũng tên là Olga có tính cách khá khắc nghiệt, và còn khắc nghiệt hơn nữa từ khi có con dâu (tức thân mẫu của Olga Bergholtz). Điều đó có thể lý giải bằng một sự ghen tuông rất thường tình của bà mẹ khi chứng kiến con trai yêu quý đắm đuối bên người vợ trẻ. Mọi tình cảm của bà dồn vào đứa cháu gái yêu như một sự “trả thù ngọt ngào”. Nhưng cũng chính điều này khiến tình cảm của Olia không được ổn định: nàng luôn bị giằng xé trong những cảm nhận hạnh phúc, vui sướng lẫn lộn với lo lắng và căng thẳng.
Trong
Những ngôi sao ban ngày, cô bé Olia nhận xét về bà mình: “Bà có những bức tranh thánh giống y nhau - toàn những gương mặt tối sầm giận dữ và dài ngoẵng… Bà chẳng cho chúng tôi động vào đồ vật gì trong nhà…- Bọn bay làm vỡ mất thôi, làm hỏng mất, làm sứt mất! Tránh tránh nào… Đừng động vào!”… Kể cả đồ chơi mà mọi người và chính bà tặng cho tôi bà cũng giữ gìn cấm đoán!” Nhưng rồi trong nhật ký ngày 20-1-1923, Olga lại ghi: “Hôm nay Olga Mikhailovna (bà nội nàng - ND) đã mở lòng với mình. Điều này khiến mình cảm động quá - Hoá ra bà nội thực chất rất bất hạnh và cô đơn khủng khiếp trong tâm hồn…”
Ông bà nội thay nhau mua tặng Lialia của ông bà hết nơ lại tất chân, lại cả găng tay ren điệu đà nữa khiến cô bé đôi khi cảm thấy mình như một nàng công chúa nhỏ xinh đẹp vậy.
Nhưng Olga cũng từng rất buồn, tâm trạng đôi lúc trầm uất khi bà nội luôn luôn tìm đủ mọi cớ để dày vò mẹ nàng, người mà bà cho rằng là nguyên nhân khiến cha nàng ngày càng gày yếu, vất vả đi… (đầu những năm 20, ông bị lâm bệnh sốt phát ban và nhiều thứ bệnh khác). Mẹ của Olia và Masha là một phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng và chịu đựng. Sau mỗi lần mẹ chồng nổi cơn thịnh nộ thì Maria Timopheevna lại nhẫn nhịn xin lỗi, bắt chuyện làm hoà bằng giọng nói nhỏ nhẹ, hiền lành.
Bà ngoại của Olia và Masha cũng rất hiền hậu. Sau khi sinh con gái đầu lòng, Maria Timopheevna trở nên ốm yếu, lại bị không khí căng thẳng trong quan hệ mẹ chồng nàng dâu “đầu độc”, bà ốm liên miên, mấy lần phải nằm bệnh viện. Bà ngoại của Olia và Masha luôn có mặt chăm sóc con gái mình, nâng đỡ con về mặt tinh thần. Những năm bước vào tuổi 60, bà ngoại vẫn làm việc không ngừng, ít khi tỏ ra u sầu. Bà là người kiên cường trong vỏ bọc một phụ nữ lam làm, nhường nhịn.
Năm 1941, khi Olga Bergholtz đã bị cuốn vào vòng quay của cuộc sống đầy phức tạp trên thành phố, hiếm khi có dịp trở lại thăm cửa ô Nevski yêu dấu, bà ngoại ốm nặng rồi mất. Trong
Những ngôi sao ban ngày, Olga tả những giây phút cuối cùng được gặp bà với nhiều xúc động:
“Bà nằm trên chồng gối, choàng chiếc khăn ren màu trắng móc theo kiểu nông dân. Gương mặt bà trở nên bé nhỏ, teo tóp với những nếp nhăng ngang dọc. Đôi mắt trũng sâu nhưng ánh nhìn từ dưới hố mắt sâu thẳm ấy rất sáng và minh mẫn, lấp lánh sống động kỳ lạ. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên rung động hơn cả là đôi tay đang đặt trên ngực bà: sao đôi bàn tay của bà có vẻ như to quá cỡ, biết bao nhiêu là vết chai và cục sần gồ lên, những sợi gân xanh lớn quấn quanh chúng. Đó là đôi tay của người đàn bà đã làm việc không nghỉ trọn vẹn 80 năm trời trong tổng số 87 năm sống trên đời, đôi tay của người mẹ đã sinh nở, chăm chút, thay tã, bế ẵm 14 đứa con và nhiều cháu chắt, đã từng tự mình chôn cất cho cả cháu, cả con. […] Tôi chợt nhớ đến những lần bà đưa tôi đi tắm hơi, đặt tôi ngồi trong chậu gỗ đựng đầy nước lạnh, lau bọt xà phòng làm xốn mắt tôi… khi ra khỏi nhà tắm hơi công cộng, bà còn mua kem ốc quế cho tôi ăn và cho uống nước kvas chua nữa… Còn tôi? Tôi đã làm được điều gì tốt đẹp cho bà, cho dì Vera, cho cha tôi? Chẳng có gì hết…”
Trong gia đình, Olga rất gần gũi với cha, ông Phedor Kristophorovich. Giữa hai cha con có mối dây liên hệ vô thức nào đó khiến họ thông hiểu nhau, từ khi nàng còn là cô bé Lialia dễ vui sướng lại hay hờn giận cho đến lúc đã trở thành nữ sĩ tên tuổi. Thân phụ Olga cũng là người biết chịu đựng, không bao giờ than vãn về sự vất vả hay khổ sở của mình. Ngoài ra, ông còn không biết che giấu tình cảm, ông sôi nổi và đôi khi nông nổi nữa. Cả hồi nhỏ cho đến khi đã là quả phụ, Olga vẫn thường tìm về bên cha để hai cha con cùng ngồi im lặng trong căn phòng đạm bạc của ông. Khi đã rời mái nhà thân yêu bất chấp sự phản đối kịch liệt của cha, rồi bị bắt, nàng từng nhắc đến ông với niềm thương xót khôn nguôi trong bài
Gửi em gái:
Trong chật chội và bực mình khổ sở
Nơi căn phòng đồ gỗ cũ mèm
Vò võ sống cô đơn mỏi mệt
Người cha mà ta đã nỡ bỏ quên
Cha Olga cũng rất chăm chút gia đình, yêu vợ và chiều chuộng hai cô con gái. Trong trí nhớ của Olga, cha nàng thời trẻ rất… điển trai và phong độ trong bộ quần áo nhà binh, nhất là hồi ông trở về sau cuộc chiến với nước Đức thời Nga Hoàng. Ông có mái tóc vàng xoăn xoăn, có bộ ria rậm như các binh sĩ Nga thời đó, bộ ria mà chị em Olga hay đùa là “chiếc đuôi thò ra từ dưới mũi cha!” Mỗi lần nghe con gái nói vậy, ông Phedor Kristophorovich lại xoắn xoắn bộ ria và cất giọng hát vui vẻ một bài ca vui nhộn của lính: “Râu hỡi, ria ơi, sao ngừng xoắn lại – cô nàng của ta lại sắp ba hoa…” Trong truyện vừa
Uglich (4) và tác phẩm “Những ngôi sao ban ngày”, Olga có nhiều trang thuật lại những mẩu chuyện thật thân mật về cha và các con gái. Đoạn hồi tưởng về cuộc gặp gỡ với cha sau khi cuộc nội chiến kết thúc rất ngộ nghĩnh:
“Hai chị em chúng tôi đờ người ra vì sợ hãi: đầu cha nhẵn bóng, gương mặt gày tiều tuỵ, đen sạm và chẳng có tí ria nào, mà chúng tôi vẫn nghĩ là cha phải có bộ ria rất đẹp và mái tóc bồng bềnh cơ…
- Bác là cha chúng cháu ạ? - Musia trịnh trọng hỏi…”
Nhưng điều khiến Olga nhớ và ngưỡng mộ nhất là tình yêu giữa cha mẹ nàng. Họ yêu nhau nồng nàn, có ghen tuông, hờn giận, nhưng vẫn đầy lãng mạn trong khung cảnh thời chiến đói khổ. Những năm mẹ và hai cô con gái sống ở thành phố Uglich bên bờ sông Volga yên tĩnh, ông Phedor Kristophorovich có xin phép về thăm gia đình hai lần. Lần đầu tiên ông về có báo trước, khỏi phải nói thân mẫu Olga đã hồi hộp mong đợi thế nào! Bà viết trong nhật ký:
“Tôi sắp xếp lại phòng cho tôi và Phedia (tên thân mật của Phedor – ND) - phòng chúng tôi có cầu thang riêng dẫn lên. Căn phòng bé xíu sơn đỏ xanh, chẳng có cái gì thừa cả: một cái giường, cái bàn con…Tôi mang vào đây những bông cúc dại, cắm khắp nơi những bó hoa cúc tuyệt diệu vì chính sự giản dị của mình… Khi Phedia cùng tôi bước vào phòng, anh thốt lên:
- Trời, thật tuyệt! Anh rất thích!
Bỏ áo bành-tô ra, anh ôm tôi vào ngực. Trời ơi, tôi hạnh phúc quá! Cả thế giới này đang ở trong hai chúng tôi, và chúng tôi đã ngập chìm trong thế giới ấy…”
Có lẽ, sẽ không còn gì khó hiểu khi về sau, chúng ta được đọc những vần thơ viết về tình yêu say đắm và quay cuồng, như quên hết thảy mọi khái niệm không gian và thời gian, quên cả mọi lý lẽ… của nữ sĩ Olga Bergholtz:
Không phải thế! Anh được yêu, anh có biết
Vĩnh viễn anh là yêu dấu của em
Em không tha thứ cho anh điều gì hết
Cũng chẳng buông đôi tay ấm dịu hiền
(trích Không phải thế! Anh được yêu!, 1940 - Thuỵ Anh dịch)
Cảnh ấy, người ấy, không gian ấy... của tuổi ấu thơ đã như một tiền đề làm nên tâm hồn thi sĩ nhạy cảm, khao khát yêu thương của nàng!
* Tiếp nhận lý tưởng mới, cuộc sống mới
Gia đình Bergholtz tiếp nhận những biến đổi của thời cuộc một cách nhẹ nhàng, như thể cuộc sống vốn vậy. Họ không cần nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ sống giản dị cùng với mạch sống của đất nước. Sau đây là một đoạn cảm động trong hồi ký của bà Maria - em gái của Olga Bergholtz - viết năm 1942, miêu tả cuộc đối thoại giữa người cha và cô con gái Olia khi ông chuẩn bị lên đường ra mặt trận sau một vài ngày được về thăm gia đình ở thành phố Uglich:
“Cha ngồi bên giường Olia, tôi thấy ông xoa cái đầu bé nhỏ trăng trắng của chị và nói: “Cha không ở lại được, con ạ” - Olia không khóc, nhưng hỏi với vẻ buồn rầu, không, đau buồn thì đúng hơn..: “Người bênh đợi cha?” Ông nói: “Thương binh, con ạ”. Và rõ ràng có thể hiểu rằng như thế là sự việc quan trọng hơn nhiều. Olia nói câu gì đó rồi cả hai người ngồi im lặng rất lâu…”
Rõ ràng, từ rất nhỏ, Olga đã cảm nhận được sâu sắc nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước, con tim bà ngay từ hồi ấy đã biết buồn đau và biết dũng cảm chịu đựng nỗi buồn đau của mình vì những điều lớn lao hơn. Những điều này vẫn còn đó trên con đường mà Olga đã chọn, đã đi suốt cuộc đời mình, mặc cho những oan ức và dối lừa bà sẽ gặp... Chúng ta sẽ có dịp quay lại tìm hiểu sâu hơn “cảm hứng công dân” xuyên suốt một đời thơ Olga Bergholtz ở các phần sau.
Khi Lenin mất, bà nội của Olga đã thắp nến trong nhà để tưởng nhớ, và Olga thì cảm thấy một nỗi buồn sâu sắc mà thời ấy những người công nhân vùng quê nàng đều cảm nhận. Thực ra, đó là âm hưởng chung của con người của một thời đại. Thậm chí, người ông của nàng với dòng dõi quý tộc xa xưa cũng từng giảng giải cho cô cháu gái bé nghe về trạm thuỷ điện đầu tiên của chính quyền Xô-viết xây dựng ở Volkhov, rằng nhờ có Lenin và chính quyền mới mà họ sẽ có một dòng điện công suất mạnh hơn, những cái bóng điện sẽ “to hơn, tròn hơn, sáng hơn và cả ngày có điện, khắp nơi có điện...” (
Những ngôi sao ban ngày, trang 18).
Niềm tin ấy có chút ngây thơ, nhưng là cái nhìn trong trẻo của những con người mở lòng với cuộc sống mới. Cũng vậy, còn rất non nớt với tuổi 15, 16 của mình, Olga đã mang niềm tin ấy trong tâm, hăm hở bước vào cuộc đời lao động và cống hiến:
Thậm chí lũ chúng tôi còn cùng tưởng lại tuổi thơ xa vắng
Ôn lại thời nội chiến năm nao, lời hiệu triệu cứu đói năm nào
Rồi ánh điện đầu tiên từ Volkhov dâng trào
Rọi thẳng vào tuổi thanh xuân
Rọi vào ngôi trường yêu dấu
Tưởng lại ngày rời chiếc bàn học sinh thơ ấu
Bỏ lại cho các em, chúng tôi bước vào đời
Đến với hăng say lao động, trải trước mắt sáng ngời:
Tấm bản đồ khai hoang đất ông cha máu thịt
Lấp lánh ngọn lửa nhiều màu vui say nồng nhiệt
…
(trích Lại một mình đơn độc lên đường, 1952 - Thuỵ Anh dịch)
* Tập làm thơ
Olga say mê văn học và đến với thi ca từ rất sớm. Người cha đóng vai trò quan trọng trong những sáng tác đầu tiên của cô thi sĩ bé bỏng, luôn muốn biết ý kiến của cha về những “tác phẩm” của mình.
Olga viết trong
Những ngôi sao ban ngày về thời điểm đầu năm 1924 như sau:
“Trong gia đình mỗi người nhìn việc tôi làm thơ theo một kiểu khác nhau. Cha thì có bài thích bài không. Khi tôi đọc cho cha nghe bài thơ về khu vườn nhà chúng tôi, ông đã xoa đầu tôi rối bù cả lên và nói: “Tuyệt lắm… Y như Pushkin vậy!” và cả buổi chiều đi đi lại lại trong nhà theo thói quen, vò đầu tóc rối bù mà lẩm nhẩm dòng thơ đầu tiên trong bài ấy:
“Người mơ màng, khu vườn cổ phủ đầy băng giá…”
Khi tôi phải lòng một cậu chàng lớp chín bên cạnh thì tôi viết:
Hoa chuông ơi! Nồng nàn
Ơi loài hoa dịu dàng
Lóng lánh như lệ bạc
Mộng thiếu nữ đa mang
Cha nghe rồi nói “Hừm... Ờ…” rồi lầm bầm hát một đoạn ca cổ:
Đa cảm! Đa cảm!..
Đa cảm quá, các ngài ơi...
Tôi khóc oà lên vì buồn giận. Mẹ thì dịu dàng an ủi và nói là thơ “xúc động, tình cảm” lắm, chỉ có điều cha không hiểu được thôi. Mẹ thì thấy tôi viết cái gì cũng khen, còn cha thì khác… Tôi biết là cha hiểu hết!
Cha thường bảo: “Lialia, học đi con, học không phải với mục đích là sau này bị chồng bỏ thì có thể tự lo liệu cuộc sống cho mình. Con hãy học không phải vì cái tương lai kiểu ấy! Đừng có lúc nào cũng nghĩ ngợi và tấp tểnh chuyện chồng con, nghe chửa!”
(trích
Những ngôi sao ban ngày)
Khi Lenin qua đời (năm 1924), Olga ngồi trong xó bếp, giấu mọi người viết những vần thơ:
Những tiếng còi nhà máy chúng tôi
Đang ca lên vang dội
Hình như tất cả các nhà máy
Đều quỳ gối
Bởi chúng đã mồ côi
Bởi Lenin đã mất
Lenin thân yêu đã mất…
Ấy thế mà chỉ lướt ngang qua sau lưng con gái đang ngồi thu lu với cây bút trong tay và cuốn vở nhỏ, ông Phedor đã hiểu ngay vấn đề. Ông động viên: “Con cứ viết đi, cha không làm phiền đâu. Nhưng nếu mà viết được thì cho cha xem nhé!”
Và “tôi đã đọc cho cha nghe khi chỉ có hai cha con, không có mẹ, không có Musia, không có Avdochia bên cạnh. Tim tôi đập mạnh kinh khủng và khi đọc xong bài thơ thì tim còn nhảy loạn cả lên, mà cha thì vẫn chưa nói gì, chỉ nhìn tôi với ánh mắt rất chăm chú và mới lạ, sau đó đưa tay ra cầm trang viết im lặng đọc rồi nói nghiêm túc:
- Con chép lại đi con, chép đẹp vào nhé. Cha sẽ đưa cho bích báo của nhà máy. Có thể họ sẽ in đấy. Cha cảm thấy là họ sẽ in…”
(
Những ngôi sao ban ngày, trang 114)
Khi người cha sôi nổi thông báo tin bài thơ của cô con gái lần đầu tiên được đến với công chúng: “Chúc mừng con! Mọi người bảo là hay… Con đã trở thành thi sĩ thực thụ rồi đấy - họ đã in thơ con!”, không hiểu sao lúc ấy, cô bé Olga 14 tuổi cùng với sự vui sướng tột độ lại cảm thấy đôi chút sợ hãi, lo âu. Một linh cảm kỳ lạ chăng?
Dầu thế nào mặc lòng, từ bấy giờ, Olga đã thề sẽ trở thành một nhà thơ thực sự, hơn thế nữa, là một nhà thơ của giai cấp vô sản. Mặc dù luôn có những linh cảm lạ lùng, khi ấy, người thiếu nữ trong sáng không hề biết rằng cuộc đời đầy biến động phía trước đang chờ đợi nàng với tất cả nỗi thống khổ cùng cực.
Và, không phải ai cũng đứng vững được như bà, kiên cường đối mặt với mọi bất hạnh để giữ được trái tim tha thiết với tình yêu, với Tổ quốc, với số phận những con người…
(Còn nữa...)
Thuỵ Anh
(1) Người Nga phân biệt Chiến tranh Vệ quốc 1812 (chống quân đội của hoàng đế Pháp Napoleon) với Vệ quốc Vĩ đại 1941-45 (chống phát-xít Đức).
(2) Những ngôi sao ban ngày (1959) là cuốn sách văn xuôi tự sự trữ tình, tự truyện của Olga Bergholtz. Năm 1968, sách được chuyển thể thành kịch bản và dựng thành bộ phim cùng tên về nữ sĩ Olga.
Tác phẩm đã được Phan Quang dịch ra tiếng Việt (dựa trên bản tiếng Pháp của Jean Cathala), Nhà xuất bản Văn học in lần đầu năm 1963 (những đoạn thơ dài trong sách do Chế Lan Viên dịch).
3) Lev Alechsandrrovich Anninski (1934-): nhà phê bình văn học và điện ảnh Nga, tác giả bài nghiên cứu “Olga Bergholtz: “Tôi... người vợ goá của thành Leningrad” (tạp chí Neva số 6, 2005).
(4) Uglich là một thành phố nhỏ bên bờ sông Volga. Đây cũng là tên một truyện vừa của Olga Bergholtz, viết năm 1932.
Những đoạn dịch hồi ký, tư liệu... trong bài là của tác giả. Trong phần trích dẫn thơ, những phần có in đậm là tác giả mạn phép sửa của các dịch giả khác, mong được thể tất!