Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Trọng Tạo » Đồng dao cho người lớn (1994) » Lưu lạc
Đăng bởi Nguyễn Trọng Tạo vào 19/01/2007 16:09, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 19/01/2007 16:09
có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
có cả đất trời mà không nhà ở
có vui nho nhỏ có buồn mênh mông
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi.
Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Nguyen Trong ngày 25/01/2007 02:44
Lời bình của Đỗ Trọng Khơi
Thơ Nguyễn Trọng Tạo là thơ của người nhàn. Ông như vừa thong thả lao động, thong thả tản bộ, và thong thả nêu ra điều suy nghĩ tinh vi và sâu sắc về cuộc đời. Nhờ ở cái cách, cái khí cốt ấy, thơ ông có chỗ đạt tới sự minh triết. Xét vậy, cách nhàn cũng là cả một sự học, sự tu dưỡng mới có. Thưởng thơ ông gây cho ta cảm khoái về cảnh phiêu dật, tiêu sái của trời xưa, người xưa. Xưa mà vẫn mới lạ. Ấy là sự thành của ông ở cõi này.
Đồng dao cho người lớn phản ánh tiêu biểu cho cái cảnh - tình ấy.
có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
Thể đồng dao thường được hồn dân gian nuôi ở nhịp bốn chữ. Đồng dao của Nguyễn Trọng Tao viết ở thể tám chữ. Nhưng soi chẻ rạch ròi thấy thực chất vẫn tiếp nối thể bốn chữ dân gian. Là một nhạc sĩ, nên ông đã khéo đưa cái tài nhạc sang thơ, chuyển nhịp 4/4 (nhịp phức) sang nhịp 2/8 (nhịp đơn). Sự công phu gây hiệu qủa là, ở dạng nhịp đơn (8chữ) nhịp điệu thơ chuyển nhanh hơn, sáng hơn; bởi vậy, ông dấu được kín hơn cái ẩn ý của sự so sánh, tính đối chứng. Ông đã lấy cái sáng, cái trong trẻo của nhạc điệu để ém giấu cái u uẩn, cái nhòe mờ của tư tưởng tình cảm. Nào là cái chết (cánh rừng chết) nhưng lại vẫn xanh; nào là sự sống (con người sống) nhưng lại như đã qua đời...Sự hữu hạn lồng trong sự vô hạn, và ngược lại...
Hữu hạn hay vô hạn không nằm ở hình thể vật chất mà nằm sâu trong tâm thể, tâm lý của tình. Hai câu thơ mở bài là một nốt đồng dao suy nghiệm do tình, là khúc dạo nhanh bắt vào bài thơ. Nốt nhấn tư tưởng thực sự lộ ra ở câu thơ thứ 3: Có câu trả lời biến thành câu hỏi... Thơ khơi lộ một mạch sống, cái mạch sống này do thiếu tính cơ bản, tính chân lý, hay là sự khơi lộ lên một cuộc vận động không ngừng của bản chất chung mang tính quy luật của đời sống? Một dấu hiệu bất khả tri của Kant. Nhưng có lẽ ý tưởng thơ của câu thơ này nghiêng về sự bất lực của tư tưởng - cấu trúc đời sống xã hội hơn là sự bất khả tri của tri thức(!). Chính bởi vậy, tính trớ trêu, chênh vênh của cảnh của tình mới liên tiếp thể hiện:
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới...
có cả đất trời mà không nhà ở...
Bài thơ có sáu khổ, mỗi khổ 2 câu. Bốn khổ trên là một bức ký hoành tráng, vẽ ra lẽ mất - còn ở đời, và tình thơ nghiêng về gam màu tối. Phải tới hai khổ cuối bài, tình thơ mới sáng lên, bay trên đôi cánh phấn thích của niềm hy vọng. Lạc quan - hy vọng, một cội sinh tất yếu phải có cho sự tồn tại, cho tình yêu.
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
và:
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi...
Thơ vẽ lên một ảnh cười Di Đà. Nghìn năm vốn cũng chỉ trong chớp mắt. Thì những cái sự, cái tình kia là gì? Có chăng, chỉ là cái nếp nhăn mờ trong nét cười xám của cỏ, của chốn tịnh không trong hồn thi nhân mà thôi.Thơ như thế, chẳng tiêu dật, tiêu sái lắm ư?
Thơ như thế, quyết không thể sinh ở cõi nhọc, mà chỉ có thể sinh ở cõi nhàn.
Chợt nhớ cái cội sắc thơ Nguyễn Trãi "Mai rung hoa đeo bóng" rơi đã từ 600 năm rồi, nay còn "đeo bóng" nhuận sắc điểm màu cho cành thi ca Nguyễn Trọng Tạo? Cái dư ảnh của mệnh văn mãi còn chớp sáng, gây tình kỳ ngộ, se duyên bút mực đến vậy sao!
Thái Bình, 23.4.2001
ĐỖ TRỌNG KHƠI
Gửi bởi Nguyen Trong ngày 25/01/2007 02:51
HOÀNG CẦM
Đọc lại 'Đồng dao cho người lớn'
(Tập thơ của một người bạn quên tuổi)
Hình như đã lâu lắm, hoặc như chưa bao giờ tôi bắt gặp trên đời này một người mà chỉ qua một buổi sơ ngộ tôi đã thấy quý và yêu... như anh ta.
Vì một lẽ cũng đơn giản thôi, trong cái xóm văn ồn ào tấp nập, chín người mười làng như Hội (và không hội) nhà văn của chúng mình đây, loại người như anh ta kể cũng hiếm ở một ngành nghề có vẻ khá phong phú, hơi hơi đa dạng mà cũng hơi hơi tạp phí lù này. Anh ta điên chăng?
có anh hề đã nói với tôi
đời thằng hề buồn lắm anh ơi
và tôi đã khóc
(Tin thì tin không tin thì thôi)
- Tôi cho là thế. Vì đông tây kim cổ, những bậc thi hào thi bá trước cuộc đời đều khiến người ta cứ phải nghĩ rằng các vị ấy đều giông giống như điên.
- Anh ta say nữa chứ?
- Có thể là như vậy.
- Nghe nói anh ta buồn lắm chăng?
- Buồn nhiều đấy.
- Thế không có tí vui nào à?
- Vui cũng nhiều chứ. Vui đấy buồn ngay đấy.
- Anh ta phải lo nghĩ ưu tư lắm ư?
- Không lo nghĩ ưu tư thì giết ai ra thơ.
- Thế thì không đam mê hay sao?
- Không đam mê sao lại thành thi sĩ.
- Vậy có đúng anh ta là Người Ham Chơi như có một ông đồ hơi hơi gàn là Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phân loại các đấng người không?
- Đúng một tẹo thôi, chứ phải nói cho đúng thật anh ta là người chơi (vì ham thì ai mà chả ham, nhưng ham có “được” chơi không? Đằng này, người chơi là người được Thượng đế ban cho cái khả năng và cái phép chơi như anh ta ấy. Chơi là bẩm sinh của những thi sĩ đồng thời sống phải có bản lĩnh mới chơi được. Thiếu bản lĩnh mà học đòi chơi thì có khi té nhào, gãy cổ đấy).
- Ôi giào! Thời buổi “hiện đại” này, ông cứ nói toạc ra, nói ngắn và nói thẳng ra đi: anh ta, cái anh Nguyễn Trọng Tạo ấy là loại người gì ở cõi nhân gian đã quá đông đúc, mà xô bồ lắm khi hỗn loạn, cái chỗ ở đã chẳng rộng rãi gì mà còn nay khủng bố mai đảo chính chém giết, luôn luôn đem võ khí với nhiều thứ lý thuyết rởm ra để dậm doạ nhau, che giấu tội ác, tranh giành và cố bám lấy cái quyền lực bẩn thỉu và ích kỷ của từng phe nhóm.
chuột quá nhiều chuột chẳng chịu giảm biên
(Tái diễn)
Vâng, tôi chỉ biết gọi Nguyễn Trọng Tạo đúng là một thi sĩ, thi sĩ từ khi Thượng đế gieo mầm thơ cho một loại động vật siêu đẳng mà ta gọi là con Người (Người viết hoa, Người ở đẳng cấp cao nhất, vì Người cũng chia ra năm bảy đấng cơ đấy). Đọc thơ Nguyễn Trọng Tạo, lắm lúc tôi như nhìn thấy rõ cái uyển chuyển mầu nhiệm trong tâm tư và trong thơ anh. Có khi nó vút lên rất cao đến mức không ai nhìn thấy anh ta đâu nữa:
tung tăng thanh xuân trôi ngược chiều
phút chốc mộng du lên phiêu diêu
Lại có lúc thơ chìm rất sâu khiến đôi ba bạn thân thiết nhất phát sợ, chẳng biết anh ta mất tăm vào cõi nào đây:
tôi trở lại dòng sông bờ cỏ thi xanh mướt
xưa em đánh mất trâm giờ lặng lẽ tôi tìm
Nhiều phen anh đứng sững giữa cái nhân gian vừa giả dối vừa lố lăng vừa ngốc nghếch:
có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi
có con người sống mà như qua đời
(Xin phép mở cái dấu ngoặc. Tôi biết ý anh định nói khối người đang sống mà như chết rồi, nhưng hình như anh ta có bị mềm lòng, né tránh nể nang gì đó bèn dùng một từ mềm mỏng có vẻ "lịch sự" là qua đời, cho đỡ chối tai một số người đang còn sống đấy mà như đã chết). Tuy vậy, ở nhiều chỗ, anh đã phải nói thẳng tuột, cũng chẳng cần che đậy gì nữa:
trộm cắp đâm nhau dưới đèn mờ
xích lô máu me cấp cứu
tham nhũng nâng ly mừng thắng lớn
ú ớ nói mê người đói không nhà
Còn nhớ về thời chinh chiến, anh ta cũng chẳng giấu giếm sự khủng khiếp của chiến tranh:
người thủng tim, người thủng đầu
người cụt chân, người cụt tay
người bên ta người bên địch
Đặc biệt bài thơ Bóng thì đọc rồi, tôi cứ gai gai rờn rợn khắp người:
hắn là hắn, hắn chính là chiếc bóng
không thanh âm, không màu sắc, không buồn vui
thế mà hắn suốt đời sát kề tôi
không xóa được, tôi đành chào thua hắn.
nhất là câu kết thật đáng đau buồn cho một cộng đồng người:
tôi đã chào thua khối người như chiếc bóng
Thế nghĩa là nhân loại này còn sinh ra rất nhiều rôbốt bằng xương bằng thịt y như con người. Nhưng anh Trọng Tạo lại rất thanh thản, như một nhà hiền triết đã thấu hiểu đến tận cùng cái sợi dây vô hình ràng buộc chặt chẽ thiên nhiên với số phận người, hơn nữa là số kiếp thi sĩ.
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
Được cái thanh thản trong như pha lê ấy là do Nguyễn Trọng Tạo luôn yêu cuộc sống, ham sống, và khao khát tình người vô hạn độ, anh luôn tiếc cho những ngày tháng trôi nhanh trên mọi kiếp người:
có thương có nhớ có khóc có cười
có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi
Rất nhiều điều anh nói thật, có người tưởng anh mỉa mai hay chế riễu. Chính ra là anh chỉ nói thật. "Thi sĩ chỉ đáng giá khi nói thật bằng những hình tượng chắt lọc từ sự thật" (Boileau). Ví dụ cái chuyện ăn uống tưởng như thô thiển này:
tôi đã tới hang động yến sào tôi đã thèm ăn yến
vậy mà chưa được nếm bao giờ
hàng quốc cấm!
*
Nói đến một thi sĩ, trước hết phải xem cái tình của anh ta nó thường hiện lên bằng hình ảnh, bằng nhịp điệu, bằng ngôn từ, nghĩa là xem những nỗi niềm rung động của thi sĩ ấy từ da thịt bên ngoài vào tít bên trong đến những tế bào tận cùng của người thơ. Tình với chính mình trước đã, rồi đến bố mẹ, vợ con, người yêu, bạn hữu, người láng giềng, người đồng bào, đồng loại... nói chung với những ai được gọi là Người, kể từ người bé mọn bình thường nhất trên trái đất này. Thế thì ở Trọng Tạo, tôi lại thấy anh thật đắm đuối với cuộc sống con Người mà do đó cũng được nếm nhiều vị đắng cay, chua chát, gây thương tích cho mình và cho những người thân yêu của mình. Thôi thì “rầu lòng vậy, cầm lòng vậy”. Nhưng cũng lại vì quá yêu rồi nên bất chợt thốt ra những lời khiến người đọc dễ cảm như tôi cũng phải đau lòng theo anh:
cầm lòng sao cứ vân vi
mây thì nặng trĩu, núi thì nhẹ tênh
Chỉ vì một lẽ, Trọng Tạo làm thơ như bó buộc từ đáy tâm linh. Bao nhiêu nỗi niềm buộc anh phải viết ra nếu không thì sức nén, sức dồn ép của nó sẽ khiến anh ngạt thở hoặc ứa máu khắp các lỗ khiếu: mắt, tai, mồm, mũi. Cũng vì sự chân thực ấy mà trong cả tập đồng dao cho người lớn, không một bài nào giả tạo vay mượn hoặc điệu bộ, làm duyên, làm dáng. Mỗi câu, mỗi bài đều có sức đi vào chiều sâu của ý thức và tâm thức, đôi khi bật ra từ vô thức, như một khám phá bất ngờ.
sẽ dở hơi nếu là tôi đứng khóc
nhưng cười vui thì tôi sẽ còn gì
....
em lộng lẫy mộng mơ giờ nhàu nát bên đường
anh là kẻ vớt trăng bao lần trăng vỡ nát
Thơ anh lại có lúc như tiếng nói của định mệnh hoặc một thoáng rùng mình của số phận:
ôi sự sống nơi đỉnh trời chân cỏ
thoáng heo may. Nghe mình chợt sang chiều
Và chỉ bốn câu sau đây mà sao tôi thấy hết cả một vũ trụ hoang lạnh, một nỗi cô đơn mênh mông buồn tưởng chừng cả thế giới này tan đi đâu hết:
... rồi xa lắc. Bỏ một trời nhung nhớ
ơi mùa thu áo ấm đã mặc chung
rồi biền biệt. Hoa vàng như hơi thở
mimôza. Giọt nắng... Có theo cùng
Những cảm xúc tinh vi tế nhị đến thế, chỉ những thi sĩ biết nắm giữ lại được từng phút giây sâu thẳm nhất trong tâm tư mới diễn tả được trọn vẹn những điều mong manh khó biểu hiện nhất bằng bất cứ loại hình nghệ thuật nào.
Quả vậy thơ cứ như bốn câu ấy thôi là tình người đã hiện ra thành người thật, đứng ngồi ngay trước mặt ta, mà ta có thể ôm vào lòng như ôm toàn thân người yêu mà nâng niu, trìu mến.
Rõ ràng thơ Trọng Tạo đi thẳng ngay vào cái đang thực có để rồi phiêu diêu, tan man trong hư vô, để lại cho tôi cái cảm giác của ngọn gió lạnh đầu mùa mơn man da thịt hoà vào một nỗi nhớ tiếc xót xa ảo diệu về một vài điều gì quá đẹp đã trôi qua, đã đi xa và xa xa mãi, không tài gì cầm lại được mà éo le thay, nó vẫn cứ đôi khi hiện hình rõ mồn một trước mắt mình.
Thơ Trọng Tạo không mấy khi đi một chiều. Mà phong cách quán xuyến toàn tập lại rất hấp dẫn, đáng yêu, không ai chỉ đọc một lần. Không hiểu sao, mỗi lần đọc lại "Đồng dao cho người lớn", tự nhiên tôi liên tưởng ngay đến dáng dấp một nhân vật của Nguyễn Du tạo ra cho cuộc đời này.
... một tiểu Kiều
có chiều phong vân ... có chiều thanh tân
sương in mặt tuyết pha thân
sen vàng lãng đãng...
(Nguyễn Du)
Ngôn từ và nhịp điệu thơ Trọng Tạo cứ tâng tâng, tưng tửng thường khi lênh tênh tưởng như nhẹ nhõm lắm, cũng có lúc hì hục tưởng như nặng nhọc lắm. Mà như chẳng định nói gì quan trọng lại hóa ra toàn những cái đau khổ, cái vui cái buồn nhân thế vào cuối một thế kỷ quá nhiều bi kịch, (tuy cũng lắm hí kịch), máu và nước mắt, ai oán thương tâm quá nhiều, yên vui quá ít, đi theo nhiều khát vọng ấm no, xum vầy, hạnh phúc. Chỉ một bài Mùa thu áo ấm đủ cho tôi thấy nỗi lạnh lẽo thăm thẳm đến gai gai tê tê khắp người.
Với cái "tạng" yếu ớt, dễ xúc động như riêng tôi, thì tập thơ này của Trọng Tạo là một trong vài ba tập đứng hàng đầu trong một tâm tưởng thơ chân thực, gợi ra cái đẹp, điều lành và sự thật cứ coi như cho riêng mình thôi kể từ ngày non sông thu về một mối. Cũng là đã 25 năm mà qua tập thơ này, tôi thấy tâm tư tình cảm và khát vọng ước mơ của con người Việt Nam hiện lên rất rõ nét sau bấy nhiêu tang tóc, chia lìa, sau những thủy chung và phản bội, thành tâm và dối trá, yêu thương và thù hận. Số bài thơ xấp xỉ số triệu dân của đất nước này, cầm tay thì nhẹ nhõm tưởng như chỉ là một cơn gió cuối thu, mà thật ra nặng bằng trọng lượng nước của dòng sông quê anh Trọng Tạo. Cái sức nặng ngôn ngữ và âm thanh Đồng dao khiến tôi nhiều đêm trằn trọc, phải tung chăn ngồi dậy, tìm đúng bài Đ bài C bài M mà đọc lại để được an ủi, được sẻ chia những khía cạnh thương cảm và cô đơn, nỗi sầu riêng và lòng trắc ẩn. Tính từ 1975, ít có tập thơ nào xâm chiếm lòng tôi lâu và sâu như đồng dao cho người lớn. Đồng dao ư? Đúng vậy. Trọng Tạo như chú bé nhà quê đi kiếm củi, trơ vơ và lủi thủi trên cánh đồng chiều, vừa vác bó củi khá nặng về nhà vừa hát rất vô tư về những chuyện đời, những niềm riêng, nỗi chung của rất nhiều người Tạo phải gọi bằng anh chị hay cô dì chú bác thường ngày vẫn dạy em dạy cháu về những điều sơ đẳng của lẽ sống con người. Bởi vì cậu ta cứ nâng trên tay những âm thanh nhịp điệu kết thành những con chữ luôn luôn ngọ nguậy, chấp chới vỗ cánh chỉ rình bay lên, mà bay xa, khoan thai chững chạc, như chẳng có gì vội vã. Anh đã đi những bước chân vững chắc và đĩnh đạc của số mệnh lúc chậm lúc nhanh, lúc nhẹ nhàng, lúc nặng trĩu lướt trên số phận cuộc sống mỗi con người, tựu trung là những bước đi định sẵn rất ráo riết và quyết liệt. Riêng Trọng Tạo, anh chủ định đi theo nhịp bước nghìn năm của dân tộc, nhịp song hành là chính, nhịp chẵn, hai bốn, sáu tám, cả chín mười, rất nhiều câu thơ dẫu số chữ lẻ vẫn luôn theo nhịp chẵn như vợ chồng như âm dương như đôi chim liền cánh, hễ nghe kỹ từ phía bên trong hay phía ngoài của ngôn từ, nhất là ở những dấu lặng và khoảng cách giữa hai câu (entrchigne), tôi vẫn thấy cái ung dung thư thái của nhịp chẵn, nhịp sáu tám. Tôi nghĩ hình như anh cố tránh sự trúc trắc, sự sai nhịp trong cùng một câu, cái gồ ghề và cái gấp gáp của cuộc sống túi bụi thị trường mà tôi thường gặp ở một số tác giả mới cứ tự cho mình là "hiện đại" lắm bất chấp một nguyên tắc lớn của thơ phương đông là nhạc điệu trong thơ. Nhạc điệu trong thơ chính là cái ta thường gọi là hồn thơ, không có nó, bài thơ chỉ còn là một đống xác chữ.
Có thể anh "phớt" hẳn cái nhịp cuống cuồng, xô bồ, nhốn nháo, lạo xạo của lối sống hôm nay, kiểu kinh tế thị trường chen lấn, bừa bãi, đua nhau làm giàu nhiều nơi tích lũy tư bản dã man, bất chấp cả lương tâm. Đồng đôla Mỹ đang muốn chỉ huy cái loại "nhịp điệu" phi dân tộc đó trên toàn thế giới.
Tôi thấy Nguyễn Trọng Tạo lúc nào cũng như muốn đi đến đáy của nhiều tâm trạng và suy tư thời đại. Anh nói chắc nịch như thân cây lim cây táu về tình người, cả về những diễn biến tâm tư trong một xã hội lẽo đẽo theo sau những bước dài bước ngắn rất chớp nhoáng của thời đại mà kỹ thuật khoa học càng lên cao càng đi sát sạt ngay bên cạnh cái nguy cơ hủy diệt toàn cầu. Anh như ngậm đau mà nói ra bằng những con chữ khá sắc cạnh những nỗi thống khổ và lòng tin yêu trong cuộc sống hôm nay, tưởng như anh thây kệ mọi điều thị phi, bỏ ngoài tai những lời khen chê vô bổ. Một ví dụ của tính u trầm thảnh thơi, tính kiêu kỳ không lộ liễu mà rất có duyên của lòng tin yêu đích thực thi sĩ ấy:
... nghe nói ngày xưa làm vua sướng lắm
mà đôi khi tôi cũng sợ làm vua
hoặc:
con sông mình hạc xương mai
vàng son in bóng đền đài hoa khôi
đến đây tôi gửi bóng tôi
vớt lên thì vỡ, tan rồi lại nguyên
để rồi anh cứ phải nói đi nói lại mãi như thách thức, như hờn dỗi mà lại như một lời âu yếm rất vợ chồng, cái điệp khúc rất trẻ con, rất hiền triết, rất đáng yêu:
tin thì tin không tin thì thôi
Nhưng thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng mỗi dòng một nghịch lý vò xé tâm tư:
có câu trả lời biến thành câu hỏi
có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới
có cha có mẹ có trẻ mồ côi
có ông trăng tròn nào phải mâm xôi
Sống trong những nghịch lý ngoài đời và trong tâm tình, thơ anh vẫn tràn trề sinh lực, vẫn theo đúng luật trời luật người có lương tâm, thơ anh vẫn đầy nắng ấm:
mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ
mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió
...
nhưng tôi người cầm bút than ôi
không thể không tin gì mà viết
*
Tôi được cái may là người bạn quên tuổi của anh từ ngày tôi trở lại Hội nhà văn 1988. Tuy trước đấy có biết qua loa về anh do bài hát Làng quan họ quê tôi khá xúc động. Quê tôi chính gốc là một làng quan họ Bắc Ninh. Thấy anh gốc ở Nghệ An lại vì nghệ thuật mà nhận vơ Kinh Bắc làm quê mình, tôi rất vui thích. Các em bé ngày xưa hát đùa nhau: "Nhận vơ là vợ (thằng) nhân". Dẫu Trọng Tạo có "nhận vơ" khi đặt tên cho một bài hát đẫm tình yêu quê hương Kinh Bắc của tôi, thì tôi càng thấy rõ tâm tư anh đúng thật là tâm tư người Kinh Bắc.
Tên anh là Nhân ư? Bình luận rộng ra một chút, xin phép các bạn, anh đúng là người quê tôi, chỉ bằng vào giai điệu và lời bài ca nổi tiếng, bài ca được dân vùng quê tôi đã hát say sưa và còn hát mãi. Là vì nghe quan họ, đọc dân ca, xem tranh dân gian, nghe truyện cổ tích Việt Nam, những cốt chuyện xuất xứ từ đất Kinh Bắc xa xưa ta đều thấy tố chất NHÂN - yêu thương con người, yêu thương xứ sở, một chữ NHÂN lồng lộng sáng, bao phủ cả bầu trời Kinh Bắc hàng bao nhiêu thế kỷ và lan tỏa ra toàn cõi Việt Nam, một tố chất duy nhất làm nên các tác phẩm nghệ thuật của dân tộc. Từ cổ tích nhuốm màu huyền thoại như Tấm Cám, Thạch Sanh, Trương Chi, Thánh Gióng, đến các nhân vật huyền thoại và có thật trong lịch sử như Tiên Dung Công chúa, Mỵ Nương, Mỵ Châu, như Vương phi Ỷ Lan, Lý Chiêu Hoàng, Huyền Trân Công chúa, Ngọc Hân Công chúa. Sau đến các thi sĩ lớn Lý Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Thái tôn, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Cao Bá Quát, Cao Bá Nhạ... toàn là người Kinh Bắc.
Tôi thấy Nguyễn Trọng Tạo rất xứng đáng đứng vào hàng ngũ những người thơ Kinh Bắc hôm nay. Tôi một đứa con trai Kinh Bắc đến 80 tuổi tự rót chén rượu mừng cho quê mình có thêm đứa con Nguyễn Trọng Tạo, sau rót chén thứ hai mừng anh Trọng Tạo kết nghĩa anh em với chúng tôi, những người được đất quê vun trồng, chăm bón cho thành được một thi sĩ thấm đậm sắc màu của quê hương nhà Lý khoan hoà nhân ái...
Để kết thúc bài viết về thơ Nguyễn Trọng Tạo này, tôi lại xin phép tác giả, xin phép các bạn "nhại" câu thơ trên kia:
Thi sĩ đã tin thì không ai không tin
Tháng 7/2000
Gửi bởi Nguyen Trong ngày 25/01/2007 02:58
Nguyễn Trọng Tạo:
CHỚP MẮT VỚI NGÀN NĂM
Nguyễn Đăng Điệp
Một ngày kia, cát bụi vùng Hoan Diễn đã sinh tạo một “kẻ ham chơi”. Y cứ lãng đãng trong đời như một khách giang hồ mang trái tim nhạy cảm, một trái tim đầy nhạc với những đốm lửa buồn. Để rồi sau những cuộc say tràn cung mây, khi dòng cảm hứng chợt bùng lên từ những vùng u ẩn nằm sâu trong cõi nhớ, những giai âm ùa về như những luồng điện làm vỡ òa bí mật: có thương có nhớ có khóc có cười - có cái chớp mắt đã ngàn năm trôi. Đây là những câu thơ khép lại một trong những bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Tạo: Đồng dao cho người lớn (1). Cách nói Đồng dao cho thấy được ý hướng sáng tạo của Nguyễn Trọng Tạo. Thơ anh là những khúc hát ngân lên từ cõi nhớ của một kẻ nhà quê lưu lạc. Lưu lạc mà vẫn nhớ mình là nhà quê. Vì thế, nếu có đọc thơ Tây cũng là một cách mở rộng, tham bác để cho cái chất nhà quê vừa gắn với cổ điển, vừa đáp ứng được nhu cầu hiện đại. Hai câu thơ trên đây khép lại bài thơ mà cũng là để mở ra về phía “ngàn năm” từ cái “chớp mắt” khóc cười nghệ sĩ. Những câu thơ đẫm niềm riêng nhưng cũng là những trải nghiệm khóc cười nhân thế. Nó như bật ra từ tuệ nhãn, vừa mới mẻ vừa mang theo cái uyên súc Đường thi. Đó là một kiểu chiêm nghiệm, một cách nói khác của Bùi Giáng: Bây giờ riêng đối diện tôi- Còn hai con mắt khóc người một con. Nói thế để thấy rằng Nguyễn Trọng tạo đã biết lắng lại và tự giác ngộ mình trước cõi tham- sân- si trần tục. Mối tương quan giữa chớp mắt và ngàn năm đẩy cảm xúc lên tầm mỹ học về nhân sinh qua cái nhìn của một người biết mình cũng đầy ưu, nhược như ai. Nhưng người thơ ấy biết tự dặn mình coi thơ như một tôn giáo, đứng trước thơ phải thanh khiết và để lại sau lưng những phiền lụy không đâu. Là một thi sĩ có ý thức đổi mới, Nguyễn Trọng tạo thấu hiểu một cách sâu sắc, rằng, sự sống còn của người viết là phải nương thân vào chữ nghĩa. Nơi ấy, hồn nằm trong xác và xác ngụ trong hồn. Không còn cách nào khác, tư cách của nhà thơ chỉ có thể đo ướm bằng sự tỏa sáng của chữ. Tại đó, anh ta trình với mọi người cái vân tay vân chữ của mình trên tờ căn cước bằng giấy trắng mực đen.
Thuộc típ ngời tài hoa đa mang lắm mối, nhng trước sau, hồn vía Nguyễn Trọng Tạo vẫn sống chết với thơ. Tại đây, anh dựng lên xác tín nghệ thuật của mình: “Thi ca là ngôn từ rung lên bằng âm nhạc” (2). Cấu trúc thơ Nguyễn Trọng Tạo hàm chứa rất nhiều âm nhạc là vì thế. Nhạc cất lên từ nhịp: Chia cho em/ một đời tôi/ một cay đắng/ một niềm vui/ một buồn ( Chia). Nhạc cất lên từ vần: tình trao mắt cho thơ- trời xanh mi ướt bờ- tình trao nắng cho mưa- chìm vào nhau bất ngờ ( Rượu chát), từ sự bung phá một cách phóng túng để diễn tả chính sắc màu của nhịp điệu: ôi nhịp điệu- thân xác không mang nổi- ta thoát khỏi ta- như đứa trẻ thoát áo quần quá chật ( Nhịp điệu Tây Nguyên)… Nhưng thủ pháp thường gặp nhất trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là cách tổ chức điệp khúc. Điệp trong bài, điệp bằng lối hai câu song song, nương tựa nhau… Những thủ pháp ấy bắt nguồn từ niềm đam mê nhịp chẵn theo quan niệm của Nguyễn Trọng Tạo (khác với nhịp lẻ của thơ Trung Hoa). nhưng đó không phải là kiểu hài thanh cân đối cổ điển mà trên sự cân đối ấy nhằm tạo nỗi chơi vơi trong tình điệu thẩm mỹ của anh. Với Nguyễn Trọng Tạo, hình thức điệp cú và điệp cấu trúc có khả năng đạt các hiệu quả nghệ thuật: 1- sự chặt chẽ trong cấu tứ và sự trùng phức về giai điệu; 2- sự nhòe mờ của các “vân chữ”; 3- trên cơ sở đó tạo nên những bất ngờ và bung phá.
Xin đừng hiểu rằng một khi thơ giàu nhạc thì ý tưởng bị khuất chìm. Chính các nhà tượng trưng đã từng nêu lên một tuyên ngôn bất hủ: “Âm nhạc đi trước mọi điều”. ở nước ta, thơ hàn Mặc Tử, Hoàng Cầm, Vũ Hoàng Chương…đều là những thế giới đầy âm nhạc. Điều quan trọng là nhạc thơ phải diễn tả được nhạc lòng, là một thành tố trong nghệ thuật tổ chức cấu trúc giọng điệu. Âm nhạc chính là một thủ pháp khiến người đọc dễ say với cái say thi sĩ vốn là một phần bản thể Nguyễn Trọng Tạo. Ngoài âm và nghĩa dồi dào, thơ phải có giọng. Không có giọng, anh ta lập tức bị biến khỏi bản đồ thơ. Với cách hiểu như thế, tôi nghĩ, Nguyễn Trọng tạo là người có giọng điệu riêng. Nhưng cái nốt riêng ấy không tự dưng mà có. Những câu thơ của anh mang chất giọng tưng tửng, ngu ngơ ngỡ như chơi vơi nhưng kỳ thực chứa rất nhiều ngẫm ngợi. Một chất giọng mà khi đọc kỹ ta mới thấy hết cái da diết bên trong. Học lấy cái nhòe mờ trong thi pháp phương Đông, Nguyễn Trọng Tạo đã biết tựa vào âm nhạc để trình bày các ý tưởng của mình. Đây chính là yếu tố tạo nên chất phiêu lãng trong giọng điệu thơ anh. Phía sau những âm giai phiêu lãng ấy là chiều sâu của cảm hứng về nhân thế, là những lăn lóc thân phận. Chiều sâu mỹ cảm thi ca Nguyễn Trọng Tạo trước hết bắt nguồn từ yếu tố cơ bản này.
Từ làng quê xứ Nghệ đến với Huế, văn hóa Nguyễn Trọng Tạo được bồi đắp thêm một lần nữa. Có thể nói, Huế đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên hồn cốt thơ Nguyễn Trọng tạo. Phải chăng, anh đã học được ở đây cái uyên sâu của đời sống tâm linh trầm mặc? Với cách xây tứ khá độc đáo, tôi nghĩ, Huế 1 (Sông Hương hóa rượu ta đến uống – Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say) thuộc số những bài thơ ấn tượng nhất về Huế trong thơ ca sau 1975. Những cơn say của Nguyễn Trọng Tạo cho phép anh nhìn sâu vào bản thể hồn mình, hiểu hơn về những bước chân lưu lạc của mình. Bởi thế, say còn là một hình thức tự vắt kiệt, tự đốt cháy : Tôi còn cái xác không hồn- cái chai không rượu tôi còn vỏ chai (Chia). Sống thế là đến đáy, là dám chấp nhận. Hóa ra, ở những giây phút thăng hoa nhất, men thơ men tửu men đời đã hòa lẫn trong nhau. Nguyễn Bính xa cũng như thế: Tôi uống hồn em và uống cả- Một trời quan tái mấy cho say. Tôi nhớ, trong căn hộ chung cư tầng sáu mà Nguyễn Trọng Tạo đang nương thân ngoài đời, có một tấm ảnh rất ấn tượng anh chụp với tiên chỉ Văn Cao qua bàn tay của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Chai rượu choán lấy mặt tiền của ảnh và hai kẻ tài hoa, một anh một em nâng ly mừng thơ nhạc và chia sẻ muộn phiền. Nhưng vấn đề là sau những cơn say và những ngày tháng phiêu du ấy, Nguyễn Trọng Tạo còn lại gì? Còn lại một nỗi cô đơn. Theo ý tôi, cô đơn là phần sâu nhất trong bản ngã Nguyễn Trọng Tạo. Cái mầm cô đơn ấy có đủ vị, có cả niềm cay đắng xen lẫn nỗi ngọt ngào: Trái tim đã bỏ tôi đi- ai mà nhặt được gửi về giùm tôi. Một đời đuổi bắt cái đẹp hóa ra cũng là để tìm chính mình, tìm lại một nửa cái tôi đang nằm đâu đó trong đời. Tiếng gọi của tâm linh đấy chăng? Hay đó là những thầm thì của nỗi đê mê, đắm đuối tạo thành sự phân thân không định trước. Ai nghĩ gì, kệ họ. Riêng mình, Nguyễn Trọng Tạo thật lòng: Tin thì tin không tin thì thôi . Những câu thơ tưng tửng, ngu ngơ và da diết này cũng là một kiểu tuyên ngôn, một cách gây sự với đám đông của Nguyễn Trọng Tạo. Nó như một chuỗi “phản đề” trước khi nhà thơ nêu lên “chính đề” là gan ruột của người viết:
Nhưng tôi người cầm bút, than ôi
Không thể không tin gì mà viết.
Nhìn từ chiều lịch đại, Nguyễn Trọng Tạo thuộc thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Thơ anh cũng từng một thời phơi phới tin yêu, một thời tha thiết thật lòng mỗi chiếc lá đều ghi lời tự nguyện. Sự trong trẻo ấy thật đáng quý nhưng rõ ràng có phần đơn giản. Trong khi những cây bút như Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Mạnh Hảo… đã được nhiều ngời nhớ thì Nguyễn Trọng Tạo vẫn mải miết kiếm tìm. Phần hay nhất của thơ Nguyễn Trọng Tạo nằm ở thời hậu chiến. Đây là giai đoạn Nguyễn Trọng Tạo chủ trương một thứ thơ đời thường. Hướng về đời thường, thơ gần hơn với con người, những vui buồn nhân thế cũng được đề cập đến sâu sắc hơn. Theo ý tôi, mặc dù thập kỷ 80 của thế kỷ XX có sự nỗ lực đổi mới của nhiều nhà thơ, nhng cần ghi dấu ba giọng điệu đáng chú ý: ý Nhi, Nguyễn Trọng Tạo, Dư Thị Hoàn. Những bài thơ của họ thể hiện rất rõ sự “vỡ giọng” và sự thay đổi về tư duy nghệ thuật. Đó là quá trình tự nhận thức lại chính mình và người khác. Những thần tượng một thời giờ đây đã hết uy lực: Khi đang đắm yêu có tin được bao giờ- Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ- Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ- bạn bè thân thọc súng ở bên sườn (Tản mạn thời tôi sống). Đây là những câu thơ hàm chứa rất nhiều cay đắng ở bên trong vì nó nói về sự đổ vỡ. Mà có sự đổ vỡ nào lớn hơn là sự đổ vỡ về tình yêu và thần tượng! Sau 1975, thơ ca Việt Nam từ quỹ đạo của cái ta trở về với cái tôi cá nhân. Nhưng đó không phải là cái tôi tách rời hoàn cảnh như thơ ca lãng mạn. Đó là cái tôi như một điểm tựa để nhìn về nhân thế và con người trong sự phức tạp và nhiêu khê khó lường. Góc nhìn đời tư và những dằn vặt cá nhân được quan tâm thể hiện. Những điều ấy đều có mặt trong thơ Nguyễn Trọng Tạo thời sau- thời mà cái nhìn riêng của anh được mài sắc hơn, sự thay đổi cái nhìn nghệ thuật diễn ra quyết liệt hơn: Như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng- Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá. Trong hoàn cảnh ấy, con người đang tìm mình, loay hoay kiếm tìm các giá trị, đường chân trời không hẳn cứ trong veo như trước đây ta vẫn tưởng. Đây là thời điểm các cây bút phải biết xác lập vị thế của mình trong dòng chảy lịch sử. Bản lĩnh nghệ thuật của nhà thơ phải đợc thiết lập bằng quan niệm riêng của anh ta về đời sống. Biết bứt thoát khỏi những quy phạm nghệ thuật của thời đã qua, Nguyễn Trọng Tạo đã trổ được cái nhìn riêng về “cõi nhân gian bé tí” nhưng lại hết sức rộng lớn này với những thay đổi vừa mang tính bất thường, vừa mang tính quy luật. Tản mạn thời tôi sống( 1981) là thi phẩm cho thấy cái nhìn rất nhạy cảm của nhà thơ. Đây là bài thơ được nhiều người nhớ. Cái hay của bài thơ không nằm nhiều ở cấu trúc hay ở sự kỳ công về nghệ thuật mà nằm nhiều hơn ở khả năng tiên cảm chính xác và đầy chất triết lý: Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa- như thời đã đi qua như thời rồi sẽ đến. Nguyễn Trọng Tạo đã lấy hai câu thơ mang âm hưởng ví dặm để làm giai điệu nền tảng cho dòng cảm xúc “trái mùa” tản mạn của anh. Thực ra, bài thơ đâu có tản mạn, nó xoáy vào người đọc một câu hỏi buốt nhói, một vấn đề quá lớn : Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi- Câu trả lời thật chẳng dễ dàng chi. Chính vì cái câu hỏi quá riết róng ấy mà Nguyễn Trọng tạo từng phải lao đao. Phải đến những năm đổi mới, những băn khoăn kia của Nguyễn Trọng Tạo mới được “giải oan”. Người ta bắt đầu nhận thấy một sự thật: bài thơ đã khái quát được tâm thế của một thời. Về sau, kiểu câu hỏi nhạy cảm ấy lại xuất hiện trong thơ Hữu Thỉnh: Tôi hỏi người:- Người với người sống với nhau thế nào?, trong văn xuôi Phùng Gia Lộc Cái đêm hôm ấy đêm gì?...Không quá khó khăn, người đọc nhận thấy phía sau niềm trắc ẩn kia của Nguyễn Trọng Taọ là nỗi cô đơn, đắng đót của kẻ mang bản mệnh đa đoan. Mà Nguyễn Trọng Tạo đâu có che giấu cái tôi bản thể của mình :
vẽ tôi mực rượu giấy trời
nửa say nửa tỉnh nửa cười nửa đau
vẽ tôi thơ viết nửa câu
nửa câu ma quỷ đêm sâu gọi về…
( Tự họa)
Những bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng Tạo thường là những bài thơ xuất phát từ cái nhìn sâu vào bên trong, lắng nghe âm vọng đời sống qua tiếng gõ rất riêng của cái tôi “nửa khóc nửa cời” ấy. Thời gian 1 là bài thơ có những bước nhảy độc đáo về tứ:
còn chi bóc nữa?
hãy bóc hồn tôi
tôi thành tờ lịch
bóc sang luân hồi.
Nếu Đồng Dao Cho Người Lớn mở ra bước chuyển về thi pháp, đưa thơ đến với chất giọng triết lý sau cái vỏ ngu ngơ như thật như đùa thì Chia lại là một nỗ lực cách tân của Nguyễn Trọng Tạo trên con đường làm mới thể thơ lục bát. Với Nguyễn Trọng Tạo, việc cách tân không đồng nghĩa với việc phải đập vỡ và tẩy chay mỹ học truyền thống. Anh biết nâng niu nguồn quê hương và cố gắng tạo nên sự “hòa giải” giữa cái cũ và cái mới trong thơ. Bởi thế mới có chuyện Một cây si với một cây bồ đề (Chia). Trên nền ổn định của thể loại, Nguyễn Trọng Tạo có nhiều cách xoay trở. Anh chơi vần, tạo ấn tượng thị giác bằng cách biến đổi cấu trúc dòng thơ, xây dựng những hình thức nhịp điệu, tiết điệu mới:
chia cho em một đời Thơ
một lênh đênh
một dại khờ
một tôi
chỉ còn cỏ mọc bên trời
một bông hoa nhỏ lặng rơi mưa dầm…
Lục bát Nguyễn Trọng Tạo không nghiêng hẳn về âm hưởng ca dao như Nguyễn Duy, không sấn sổ táo tợn như Đồng Đức Bốn sau này, và cũng khác với cách “gảy khúc trăng vàng” của làng quê Bắc bộ như Phạm Công Trứ trong lời thề cỏ may. Cái riêng của lục bát Nguyễn Trọng Tạo là sự phiêu diêu của cảm xúc, ma lực của âm nhạc và sự kỹ lưỡng nghiêng về phía sang trọng của chữ nghĩa. Đây là thế mạnh nhưng cũng là một cái bẫy với chính nhà thơ cho dù anh muốn quẫy đạp và vượt thoát khỏi tiền nhân. Hình thức xuống thang, ngắt câu thành những đoạn ngắn nhằm lạ hóa khuôn hình sáu - tám hiện thời, trở thành ngón chơi của nhiều người. Song có thể nói, Nguyễn Trọng Tạo thuộc số những người tiên khởi.
Tôi nghĩ, cái gốc quê ấy không đơn giản là nơi sinh trưởng, lớn lên nhìn từ góc nhìn địa lý mà rộng hơn, là hồn vía "quê" ám vào hồn thơ Nguyễn Trọng Tạo và qua nhạc, qua vần điệu, tiết tấu, chữ nghĩa mà rung lên thành thơ:
Cỏ may khâu áo làng quê
Cớ chi gió thổi bay về trời cao
Ta lên sân thượng chạm vào
Cỏ may. Ta cúi xuống chào…Cỏ may!
( Cỏ may trên sân thượng)
Trước đây, người ta thường nhắc đến hình ảnh Cao Bá Quát đê thủ bái mai hoa. Nay kẻ hậu sinh Nguyễn Trọng Tạo cũng biết lãnh tinh thần hướng về cái đẹp ấy trước cỏ may. Đó là một hành động nghĩa khí và nghệ sĩ. Nhưng nếu hoa mai trong thơ Cao Bá Quát có ý nghĩa như một siêu mẫu nói về sự thanh cao quen thuộc trong hệ từ vựng thơ ca cổ điển thì cỏ may trong thơ Nguyễn Trọng Tạo là hình bóng của quê hương, là nỗi niềm của một con tim nhạy cảm: loanh quanh sân thượng mà thương cánh đồng. Một nhành cỏ may bất chợt đã đánh thức cái nhìn hoài nhớ tuổi xa của Nguyễn Trọng Tạo. Bài thơ gợi lên một tình yêu da diết và sâu sắc. Trong con người ấy, quê hương bao giờ cũng bình dị và thiêng liêng. Thêm một lần nữa, tôi muốn khẳng định, cái chất nhà quê cứ chảy hoài trong kẻ lưu lạc kia đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên dải phổ cảm xúc thơ Nguyễn Trọng Tạo. Nhưng cũng cần lưu ý thêm rằng, đó là chất nhà quê vùng Hoan Diễn- Nghệ An và đã được bồi đắp thêm những tố chất văn hóa của các vùng quê khác mà bước chân lưu lạc của Nguyễn Trọng Tạo đã từng đặt chân đến. Thế mới ngu ngơ, tvng tửng nhưng cũng hết sức ngọt ngào mềm mại . Đó là cái mềm mại hiện lên sau cái vẻ gẫy gập, trúc trắc, xa xót của những câu ví dặm quê anh.
Thế ra, với Nguyễn Trọng Tạo, chuyện mê mải với vần, nhịp, câu, chữ đâu phải chuyện hình thức đơn thuần. Nói cách khác, Nguyễn Trọng Tạo đã biết nâng cái quê trong anh lên tầm hiện đại. Lao động chữ, đúng như Lêônov từng nói, nhằm bảo đảm cho mỗi tác phẩm “phải là một phát hiện về nội dung và là một phát minh về hình thức”. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trọng Tạo lại hăng hái cổ vũ cho thơ trẻ. Đơn giản, đó là điểm gặp của một người mang ý hvớng cách tân và những nỗ lực cách tân của thế hệ mới. Tôi nghĩ, trong quá trình làm mới thơ mình, Nguyễn Trọng Tạo đã có những thành công đáng trân trọng. Sự đổi mới ấy không dựa vào những thủ pháp đồng hiện, cắt dán, những hình ảnh mang màu sắc lập thể, những từ ngữ lạ tai, chói mắt mà là quá trình trở về với nhịp chẵn, với lục bát đồng dao, với vần lưng vần nối để nói lên tâm tính người hiện đại. Câu chữ của anh nhô lên từ truyền thống nhưng không bị áp chế bởi cái nhìn xưa cũ mà có những phá cách về nghệ thuật. Sự phá cách ấy không nhằm tạo ra thời thượng trong nghệ thuật mà bắt nguồn từ nhu cầu đổi mới cảm xúc và giọng điệu của chính bản thân anh.
Cảm hứng về tình yêu cũng là một nhịp mạnh trong thơ Nguyễn Trọng Tạo: vẽ tôi con Lợn cầm tinh- con Gà cầm tháng con Tình cầm tay. Vâng, cái con tình ấy xuất phát từ nòi tình. Tài hoa đa đoan là thế, Nguyễn Trọng Tạo mê đắm vơí những khóe mắt đa tình, những làn tóc rối , những ngón nhỏ thon mềm cũng là điều dễ hiểu. Không chỉ có những khúc hát nhẹ nhàng tha thiết kiểu “người ở đừng về”, Nguyễn Trọng Tạo còn nói đến sự bốc lửa, đê mê. Cảm giác Biển Hồ hay là Thơ bên miệng núi lửa là một bài thơ như thế. Một kiểu “nuy” trang nhã: Anh nín thở đến kiệt cùng máu ứa - Cột lửa phun nham thạch phì nhiêu - Rồi chết lịm trong vỗ về mơn trớn - Mười ngón dài thon của gió chiều…
Cái chất libido trong thơ Nguyễn Trọng Tạo có nhiều cung bậc khác nhau, khi nồng nàn bốc lửa, cuồng nhiệt đắm say, khi ngơ ngẩn một niềm hối tiếc, khi xót xa máu ứa… Nhưng tất cả đều trang nhã, nó không quá mạnh như lứa thi sĩ trẻ sau anh, anh biết tìm đến cách nói “nửa phô mình ra nửa giấu lại mỉm cười” trong nguồn mạch thi họa phương Đông. Đây cũng là một lựa chọn để tạo thành một bản tính trong thơ .
Với những gì đã có, Nguyễn Trọng Tạo thực sự là người có những đóng góp đáng quý trong quá trình đổi mới thơ ca. Trong những thi phẩm xuất sắc nhất của mình, anh đã ngộ ra được lẽ sống của Thơ là sự đổi mới không ngừng.
Nguyễn Đăng Điệp
--------------------------
1. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn cũng cho rằng bài thơ Tin thì tin không tin thì thôi trong tập Đồng dao cho ngvời lớn “có lẽ là bài thơ hay nhất của Nguyễn Trọng tạo” (Xem Lời giới thiệu Nguyễn Trọng Tạo - Thơ, Nxb Kim Đồng, H.2003)
2. Nguyễn Trọng Tạo trả lời phỏng vấn, Phan Hoàng thực hiện, báo Sài Gòn giải phóng, thứ bảy, ngày 22. 9. 2001.
3 . Dẫn theo M.arnauđov - Tâm lý học sáng tạo văn học, Hoài Lam và Hoài Hoài Ly dịch, Nxb Văn học, H.1978, trang 536.
Gửi bởi Nguyen Trong ngày 25/01/2007 03:07
Tựa
Thế giới hiện đại ưa chuộng một gã người có bộ mặt bông đùa dễ thương, gọi là Homo ludus, Người Ham Chơi. Khác với những tiền bối của nó là Người Làm (Homo fabien) và Người Biết (Homo sapien) vốn đã có mặt từ văn hóa nhân loại cổ xưa. Người Ham Chơi cũng Làm, cũng Biết thông thái mọi điều. Nhưng gã lại là một tay giang hồ khí cốt, nhìn đời như một khu vườn hoan lạc, nơi đó gã sa đà theo những cuộc vui với một tâm thức cóc cần nhẹ nhõm. Cũng có người nhăn nhó khi nói đến gã, nhưng gã không bận tâm về điều ấy: Người Ham Chơi lãng đãng giữa cõi đời cũng là để làm nhẹ bớt căn bệnh hay cau mặt của những kẻ thích tỏ ra nghiêm nghị.
ĐỒNG DAO CHO NGƯỜI LỚN, theo cảm nhận của tôi, là tiếng hát ngu ngơ của Người Ham Chơi. Đồng dao lũ giang hồ đàng đúm đông hơn họp, đồng dao đêm cộng cảm nhảy múa với ma, đồng dao tượng mồ khoe Âm khoe Dương, cánh cửa phòng mở ra khép lại, cuộc tình bên miệng núi lửa, hoặc tiếng mèo rên lạnh buốt linh hồn. Đồng dao lang thang. Đồng dao rượu. Đồng dao em. Và đồng dao chợt nhiên cánh hoa đào rơi lặng im trong giấc ngủ... Người Ham Chơi ta bà qua bao nhiêu nẻo đường không tên của trần gian, đi xuyên đá để tới bên vực thẳm của phế tích, và đến cùng kiệt gã theo tờ lịch mỏng manh nhảy vào kiếp luân hồi.
Cuộc phiêu du của tâm linh tự do trước những ngã ba ngã tư bất ngờ được Nguyễn Trọng Tạo thuật lại bằng giọng lịch lãm bẩm sinh của con người Ham Chơi, với nụ cười hóm hỉnh, cái nhìn tinh nghịch và những ý tưởng ngu ngơ nhưng thông minh lạ thường. Ừ thì vậy, “chia cho em một đời say- một cây si/ với/ một cây bồ đề”. Đừng hỏi ta sao đem chia cây cối cho em làm gì, ta đâu có biết, có thể nhiều đ6m say ta đã ngủ bên đường..
Nhớ lại mười lăm năm trước, tôi gặp Nguyễn Trọng Tạo trên báo Văn Nghệ, qua một bài thơ rất hay, với điệp khúc nhắc lại nhiều lần về một điều:
thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
câu trả lời thật không dễ dàng chi
Bài thơ đó làm nhiều người khác khó chịu, bởi nó đã đụng đến nhiều thứ ngụy tín dầm dề của một thời. Riêng tôi, tôi thích thú giọng bông đùa tưởng như rất dễ dàng của nhà thơ lính hơn chục năm chiến trận này, để nói những điều nghiêm trọng thường khiến những người không thích đùa phải cau mặt. Nhớ một câu của Tùng Thiện Vương khen thơ Nguyễn Hàm Ninh rằng: “Cười một hơi mà thành ra bài thơ, không hề thấy câu chạm trổ đẽo gọt ở chỗ nào”:
Đọc lại Nguyễn Trọng Tạo qua những bài ĐỒNG DAO đây, tôi nhận ra rằng quả thực mười lăm năm qua, nhà thơ vẫn không đổi giọng, chỉ thêm là bây giờ tôi đã gọi đúng tên chàng, Người Ham Chơi.
Nhưng không ai có thể dông dài suốt cuộc đời mình, và Người Ham Chơi có lúc cũng phải quay về.
ngác ngơ giữa phố
một thằng nhà quê
nhớ thương mộ Tổ
biết bao giờ về...
Ở thời điểm khuya khoắt đó, thi sĩ chợt khám phá ra nỗi cô đơn nguyên thủy của con người, rằng Người Ham Chơi chỉ là hiện thân của Ý thức lưu lạc. Người Ham Chơi bao giờ cũng giữ riêng cho mình một Cõi Nhớ, nhớ về một cái gì đã mất, và lầm lũi đi tìm. Dù đó chỉ là chiếc trâm Cỏ Thi em đã cài tóc thuở lòng còn khát vọng, và dù ta “rồi cũng khóc như em, khóc cho điều đã mất”. Chính giọt nước mắt rơi xuống cỏ giống như giọt sương hiếm hoi rốt cuộc đã bộc lộ một chút gì trong trẻo muôn đời vẫn thuộc về căn cốt của giống nòi thi sĩ:
nhưng tôi người cầm bút, than ôi
không thể không tin gì mà viết...
Huế, Mùa Hạ 1994
Hoàng Phủ Ngọc Tường
Gửi bởi vinh hue ngày 27/02/2007 03:56
Tieu de: loi tua cua Hoang Phu Nhoc Tuong la sai. De nghi sua lai ten tac gia la: Hoang Phu Ngoc Tuong.
Vinh Hue