Theo gia phả họ Nguyễn ở Tiên Điền (Hà Tĩnh) thì bà Nguyễn Thị Đài sinh năm 1752 và mất năm 1819. Bà là con gái của Nguyễn Khản và là vợ của Nguyễn Huy Tự (1743-1790) tác giả Hoa tiên truyện. Như vậy bà Nguyễn Thị Đài được sinh ra và lớn lên trong một gia tộc có truyền thống về văn học và khoa cử; được sống bên cạnh những nhân vật nổi tiếng như ông nội: Nguyễn Nghiễm (1707-1773); bố: Nguyễn Khản; chú ruột: Nguyễn Du (1766-1820). Rồi đến khi lấy chồng, bà may mắn được làm dâu một dòng họ cũng rất “môn đăng hộ đối”. Đó là họ Nguyễn ở Trường Lưu (Hà Tĩnh), với những tên tuổi còn lưu danh mãi mãi như bố chồng: Nguyễn Huy Oánh (1713-1798); chồng: Nguyễn Huy Tự. Sống trong hai dòng họ nổi tiếng như vậy, hẳn bà đã hấp thụ được những tinh hoa trong truyền thống văn hóa của gia đình. Đặc biệt là truyền thống trước tác bằng chữ Nôm. Tương truyền bà Đài cùng với chị ruột là Nguyễn Thị Bành đã sáng tác rất nhiều thơ Nôm và nổi tiếng là bậc tài nữ một thời. Chỉ tiếc rằng hầu hết các tác phẩm của bà đều đã thất truyền.

May mắn sao, trong cuốn Nguyễn Thị gia tàng của dòng họ Nguyễn Trường Lưu (Hà Tĩnh) còn ghi lại được một bài thơ của bà Nguyễn Thị Đài. Có lẽ đây là bài thơ duy nhất còn lại của bà. Bà viết bài thơ này để mừng thọ mẹ (tức cụ bà Nguyễn Huy Oánh) 70 tuổi. Cuốn Nguyễn Thị gia tàng do Nguyễn Huy Vinh (1768-1818), con trai bà Nguyễn Thị Bành biên soạn. Nguyễn Huy Vinh hay chữ, nhưng sinh không gặp thời, nên lên ẩn ở núi Trung Sơn. Ông soạn cuốn Nguyễn Thị gia tàng vào đầu thế kỷ XIX. Nội dung của cuốn Nguyễn Thị gia tàng bao gồm những sáng tác của những danh nhân trong dòng họ Nguyễn Trường Lưu; danh sách 36 vị tiến sĩ là học trò trường cụ Nguyễn Huy Oánh. Ngoài ra, cuốn Nguyễn Thị gia tàng còn ghi lại một số bài thơ mừng thọ cụ bà Tham Oánh, nhân dịp cụ bà 70 tuổi. Bài thơ của bà Đài là một trong những bài thơ đó. Đặc biệt trong bài thơ này có một số chữ Nôm tiêu biểu cho chữ Nôm đời Lê. Ví dụ: các chữ sau (罒), trước (訳)... Điều đó chứng tỏ rằng Nguyễn Huy Vinh đã ghi lại một cách trung thành bài thơ bà Đài sáng tác.


(Hoàng Thị Ngọ)

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 2/1992
tửu tận tình do tại