Chưa có đánh giá nào
Nước: Việt Nam (Cận đại)
1 bài thơ, 1 bài dịch
2 bình luận

Tác giả cùng thời kỳ

Dịch giả nhiều bài nhất

- Quách Tấn (1 bài)
Tạo ngày 04/01/2019 01:19 bởi tôn tiền tử
Nguyễn Bá Trác 阮伯卓 (1881 - 8/1945) bút hiệu Tiêu Đẩu, sinh tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là quan nhà Nguyễn, cộng sự của thực dân Pháp, nhà cách mạng, nhà báo và là nhà biên khảo.

Thuở nhỏ ông theo học ở Quảng Nam. Năm 1906, thi đỗ cử nhân ở Huế. Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà ái quốc trong phong trào Đông Du, ông ra Hà Nội học tiếng Pháp và năm 1908, ông sang du học ở Nhật. Nhưng cũng ngay năm ấy, dưới sức ép của Pháp, chính phủ Nhật đã giải tán phong trào Đông Du, ông phải sang Trung Quốc rồi trở về Hà Nội. Năm 1914, làm ở Phòng báo chí Phủ toàn quyền Đông Dương và chủ bút phần bài chữ Hán tờ Cộng thị cho đến năm 1916.

Năm 1917, dưới sự bảo trợ của Louis Marty, Phạm Quỳnh sáng lập Nam Phong tạp chí, ông nhận làm chủ bút phần Hán văn. Sau thôi làm…

 

Thơ dịch tác giả khác

 

 

Ảnh đại diện

Nguyễn Bá Trác và khúc ca Hồ trường

Nguyễn Bá Trác biên soạn nhiều sách, nhưng được nhiều người biết đến hơn cả là tập Hạn mạn du ký (có nghĩa là đi chơi phiếm). Đây là thiên ký sự bằng chữ Hán gồm 14 chương, sau ông mới đem dịch ra Việt văn, rồi đăng trên Nam Phong tạp chí từ số 38 đến số 43 vào năm 1920.

Nguyên nhân sáng tác, trong lời mở đầu, Nguyễn Bá Trác đã cho biết như sau: “Tôi về nước đã 5 năm nay, kể từ năm 1908 bước chân đi, đến năm 1914 tôi trở về Sài Gòn giữa ngày tháng 8, tính đốt ngón tay một dạo phiếm du chốc đã 6 năm có lẽ. Loanh quanh trong nước một năm, tạm trọ ở Xiêm La hơn 10 ngày, làm khách qua Nhật Bản một tháng, rồi lại sang Trung Hoa, bao nhiêu thương phụ to, tỉnh thành lớn, như Ba Thục miền Tây, U Uyên đấyt Bắc, Quế Việt cõi Nam, đều là chỗ mình có để ít nhiều dấu xe dấu ngựa. Nay đem đường lối phong cảnh mà mình đã trải qua nơi đất khách, chép nhặt một vài, còn chuyện chi chi (ý nói đến việc đi làm cách mạng của ông) không rổi mà nói đến.”

Đề cập đến tác phẩm này, nhà nghiên cứu văn học Phạm Thế Ngũ viết: “...Câu Việt văn khác mạch lạc suông sẻ, đôi chỗ đăng đối du dương. Những tình tiết ly kỳ của cuộc phiêu lưu nơi đất lạ đã đem lại cho câu chuyện nhiều vẻ hấp dẫn. Nhất là đối với các Nho gia ta khi ấy từng ôm cái mộng Đông du; nếu không thì trí não cũng đầy kỷ niệm văn chương về danh nhân, danh thắng Trong Hoa, đọc Hạn mạn du ký của Nguyễn Bá Trạc thật là thú vị. Cả nữ giới cũng hoan nghênh lắm. Bà Tương Phố từng kể hay gối Nam Phong ở đầu giường để đọc du ký của ông Quỳnh (Phạm Quỳnh), ông Trác mà mộng du đất Pháp, đất Tàu. Ông Dương Quảng Hàm khi làm sách Quốc văn trích diễm (1925) dành hẳn cho thiên du ký của Nguyễn Bá Trác hai bài trích, đó là Đường đi Hương Cảng và Điếu Kim lăng [1], đủ thấy độc giả đương thời đã thích thưởng thức dường nào.” [2]

Và trong tập sách này có một khúc ca phương Nam do ông dịch, đã giúp ông thêm nổi danh.

Hồ trường
Cái tên Hồ Trường do người đọc trích chữ trong lời ca mà gọi chứ không phải do Nguyễn Bá Trác đặt. Và cho đến nay (2009), vẫn chưa rõ bài ca ấy tên gốc là gì, tác giả là ai.

Bài này nằm ở chương 10 tập Hạn mạn du ký. Ở chương này, tác giả cho biết vào khoảng năm 1912, khi lưu lạc đến Thượng Hải, ông đã gặp một người đồng hương cùng chí hướng, người này có giọng hát hay (giọng Quảng Đông). Một đêm nọ, hai người đi uống rượu, “rượu ngà ngà, Nguyên quân đứng dậy mà hát” (mà sau này gọi là Nam phương ca khúc). Ở bàn bên cạnh, một võ quan họ Lưu, người Trực Lệ, nghe điệu hát, sang hỏi là điệu gì, được trả lời: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương Nam”, họ Lưu nói “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái, Nam phương mà có điệu hát đến thế ru?”. Sau đó họ Lưu xin người hát chép ra giấy lời ca ấy để giữ xem....

Giới thiệu bản dịch bài Nam phương ca khúc, Phạm Thế Ngũ viết: Trong thiên du ký (Hạn mạn du ký), đặc biệt có một bài ca do một người bạn tác giả gặp ở Thượng Hải, cùng trong cái cảnh đào vong vì quốc sự, thường nghêu ngao hát những lúc mượn chén tiêu sầu nơi lữ điếm. Bài ca ấy độc giả bấy giờ và nhất là những người cách mạng lớp sau, ai cũng thích, thường học thuộc và ngâm nga...[2]

Bản phiên âm Hán-Việt trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920, trang 400 – 401 và bản dịch của Dương Bá Trạc (đã chỉnh lại lỗi chính tả so với lần in đầu) được nhà biên khảo Phạm Hoàng Quân sao chép lại.


Bùi Thuỵ Đào Nguyên

1. Khi soạn Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm có trích thêm một bài nữa trong “Hạn mạn du ký” của Nguyễn Bá Trạc, đó là “Quanh đường vượt ra khơi”. (Nxb Trung tâm học liệu, Sài Gòn, bản in lại lần thứ 10, 1968, tr. 200)

2. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Quốc học tùng thư xuất bản, tập 3, Sài Gòn, 1965, tr.326-327.
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Lời bình của Quách Tấn

Nguyễn Bác Trác người Quảng Nam, đậu cử nhân, trước kia theo cụ Sào Nam xuất ngoại. Sau trở về đầu thú, được thực dân Pháp miễn tội, cùng Phạm Quỳnh chủ trương tờ Nam Phong. Được ít lâu nhờ tố giác một số đồng chí cũ (trong đó có Đặng Văn Phương tức Đặng Đình Thanh ở Cần Thơ, người đã từng du học ở Đông Kinh), Trác được bổ đi làm quan Nam Triều.

Lúc ngồi Bố Chánh Bình Định có người gởi tặng câu đối:

Sóng Âu hải tràn ngang, tràn Hương Cảng, tràn Hoành Tân, tràn Mã Lịp Nhĩ Sơn, coi như tuồn dạ sắt gan đồng, một mực giữ gìn dân với nước;
Gió Nam phong thổi ngược, thổi Hường lô, thổi Binh bộ, thổi Bàn Thành cụ Bố, quen những thói vào luồn ra cúi, đôi đường chen chúc lợi và danh.
Rồi được thăng Tuần Vũ Quãng Ngãi. Một hôm gặp một người quen cũ là Phan Đình Long bị giam vì tình nghi âm mưu xúi dân làm loạn, Trác cho mời lên tư dinh. Sau một vài câu chuyện đầu môi, hỏi:
- Nằm buồn chắc anh Long làm nhiều thơ lắm? Có bài nào hay đọc cho nghe với.

- Bẩm cụ lớn, cũng có làm được một ít, song sợ làm rầy tai cụ lớn.

- Đừng khách sáo. Đọc đi.

- Dạ, xin đọc bài Bà vãi vào lầu xanh, tôi ngắm được hơn hết.

Rồi không đợi Trác giục liền đọc:
Cửa thiền tiêu mỏ chán rồi a?
Trông đám bình khang thẳng bước ra
Vất chuỗi bồ đề nương bóng nguyệt
Soi gương trí tuệ điểm màu hoa.
Vuông tròn quả phúc tu chưa chín
Chay mặn duyên trần kiếp lộn ba!
Cho biết mùi đời hay cám dỗ
Khôn ngoan khi trẻ dại khi già.
Phan Đình Long là một nho sỹ có tinh thần cách mạng quốc gia, bị Chánh quyền địa phương theo dõi. Họ Phan bỏ vào Nam. Sống yên ổn được sáu năm, đến năm 1930, trong Nam có rải truyền đơn hô hào chống Pháp, họ Phan bị tình nghi là thủ phạm. Toà Sài Gòn kêu án sáu tháng, mãn hạn bị giao hồi nguyên quán. Về Quảng Ngãi được hai tháng, thì ở Quảng Ngãi có rải tryền đơn, họ Phan bị tình nghi nên chánh quyền địa phương bắt giải tỉnh. Nguyễn Bá Trác xét thấy không có bằng cớ để buộc tội, nên có ý ban ơn. Nhưng bị bài thơ chỉ trích, bèn làm án đến hai năm tù để rửa hận!! Họ Phan thản nhiên ngâm:
Cách xứ sáu năm tù sáu tháng
Về nhà hai tháng án hai năm.
Ở Quảng Ngãi nhờ đàn áp Cách Mạng mà được thăng Tổng Đốc Thanh Hoá. Đến Thanh Hoá mở tiệc đãi các nhà tai mặt tại tư dinh, một vị phó bản tặng cho mấy câu kiểu lẩy:
Kể từ lạc bước bước ra
Một là đắc hiếu hai là đắc trung
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa!
Nếu thiên lương chưa bị mất hẳn thì chắc Nguyễn Bá Trác phải hổ thẹn và sợ hãi khi nghĩ đến hành vi gian ác của mình mà những văn thơ ghi chép lại cho hậu thế.

Nguyễn Bá Trác vốn là người có văn học văn tài. Những bài viết đăng ở Nam Phong tạp chí phần nhiều được hàn thức giả để ý và có một số được trích vào sách giáo khoa.

Bài Hồ trường trước kia cũng rất được nhiều người yêu thơ tán thưởng, vì văn chương lâm ly bi tráng, diễn tả nỗi buồn mênh mông của những người đeo chí lớn, nơi tha phương trông về cố quốc, ưu tư vò xé phải mượn rượu làm khuây.

Nhưng từ khi tác giả khuất tấc sự thù thì không ai thèm đọc đến nữa. Cho nên khúc ngâm mặc dù có giá trị mà hơn nữa thế kỷ nay, bặt tăm bặt tiếng trên đàn thơ.

Gần đây chẳng những một mình ông bạn họ trần đem ra ngâm ngợi, mà nhiều người bất mãn về thời cuộc cũng thường mượn làm tiếng lòng những khi đốc chước. Và đã một vài quyển sách lục đăng, như Chơi chữ của Lãng Nhân và Hồn thơ đất Việt của Lam Giang.

Như thế là công bình. Vì tác giả có tội cùng nhân dân Tổ Quốc chớ văn chương có tội tình gì?

Có người nói:
- Văn chương là tấc lòng thiên cổ. Nhưng văn ở đây và người kia trái ngược nhau như trắng với đen. Lối văn không đau mà rên, giá trị gì mà truyền tụng?

Xin thưa:
- Sông có khúc người có lúc. Nguyễn Bá Trác lúc theo cụ Sào Nam ở hải ngoại và Nguyễn Bá Trác ra làm quan cùng thực dân Pháp, là hai khúc sông trong đục khác hẳn nhau. Mà bài Hồ trường là nỗi lòng khi chưa ngấm mùi danh lợi. Bởi lòng có thể dối được với nhân thế mà không thể dối được với văn chương. Vì sao vậy vì văn chương phản chiếu tâm sự. Trừ khi tấm gương phản phúc tức văn chương không thành văn chương, thì tâm sự mới bị lệch lạc. Mà bài Hồ trường văn chương chân thực, không có chút giả tạo, nên đáng tin rằng lòng của Nguyễn Bá Trác lúc còn ở hải ngoại chưa bị bùn danh lợi làm vẩn nhơ. Ít ra lúc làm bài Hồ trường, lòng Nguyễn Bá Trác lắng hết bùn danh lợi xuống dưới đáy sâu, nên văn chương mới được thanh tao thế ấy. Đó là mảnh gương phản chiếu khúc sông trong của khoảng đời tha phương của Nguyễn Bá Trác.

Bạch Cư Dị có bài thơ luận về và Vương Mãng:
Châu Công khủng cụ lưu ngôn nhật [1]
Vương Mãng khiêm cung hạ sỹ thì [2]
Nhược sử đương thời thân tảo tử
Lương nhân chân nguỵ hữu thuỳ tri.
Đại ý nói rằng: Nếu trong những ngày ông Châu Công rung sợ vì dèm pha, trong những lúc Vương Mãng hạ mình chiều chuộng kẻ sỹ, trong thời buổi ấy mà cả hai chết đi, thì người đời sau ai biết được người nào là chân kẻ nào là nguỵ.

Vậy, ví phỏng Nguyễn Bá Trác chết sớm nơi tha phương, hoặc không có dịp về đầu thú, thì khi nhà viết sử viết về phong trào Đông Du làm thế nào lại không điểm một điểm soi nho nhỏ nơi tên tuổi.

Và nếu Nguyễn Bá Trác không có bài Hồ trường để lại hậu thế, thì những hành vi xấu xa kia ngày một ngày hai sẽ được thời gian chôn sâu vào lãng quên như bao ngàn kẻ phản dân phản nước vô danh tiểu tốt khác. Bài Hồ trường lưu thế, hễ đọc đến thì làm sao khỏi nhớ đến kẻ đã làm ra. Mà nhớ đến kẻ đã làm ra thì sao quên được những thành tích bất hảo.

Cho nên bài Hồ trường được ghi chép được nhắc nhở, thì có lợi cho văn chương mà lại có hại cho tác giả.

Nhưng ở đời không lưu phương thì lưu xú, mà Nguyễn Bá Trác lưu cả hai thì thật là lời to vậy.


[1] Châu Công là vua chúa Thành Vương. Vua Thành Vương lên ngôi còn nhỏ tuổi. Quản Thúc Tiên và Thài Thúc Đạt nói dèm sự hiện diện của Châu Công bất lợi cho vua trẻ. Châu Công nghe nói rất lo sợ vì không một ai biết rõ can tràn.

[2] Vương Mãng có ý muốn chiếm ngôi nhà Hán. Lo chiêu hiền đãi sỹ, không ai ngờ Vương Mãng có dã tâm. Nếu hai người ấy chết trong lúc chưa thi thố được tài năng chưa để lộ chân tướng, thì ai biết được nguỵ chân.

Nguồn: Quách Tấn, Hương vườn cũ, NXB Hội nhà văn, 2007
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào