Tác giả: Lê Văn Vọng, Nguyễn Tấn Việt


NGUYỄN ANH NÔNG VÀ TẬP THƠ MÂY BAY(*)

Đây là tập thơ thứ tư của Nguyễn Anh Nông, 45 bài thơ với những "tạng" khác nhau đứng chung trong một tập dày dặn tạo nên sự đa dạng, đa sắc, đa thanh. Thơ Nguyễn Anh Nông xuất hiện với một dung mạo chân chất và hồn nhiên nhưng không hời hợt, nông cạn. Chân chất mà vẫn giữ được vẻ đằm thắm, trẻ trung. Không chủ trương đi tìm những điều to tát, anh viết về những gì nhìn thấy và cảm thấy.

Những sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày của người lính, gia đình, bạn bè, người thân... Đều là mối quan tâm của anh và trở thành chất liệu của thơ Anh Nông. Anh viết đều đặn, cẩn trọng nhưng xuất hiện không ồn ào. Chính sự trầm tĩnh chừng mực ấy đã tạo nên những câu thơ có "sức nặng":
Chị tôi một kiếp nhỡ nhàng
Bến quê nước xiết- muộn màng đò đi.
(Cõi thu)
Nhưng có lẽ rõ nhất trong tập là nét hồn nhiên trẻ trung. Không phải sự hồn nhiên vô tư con trẻ mà là sự hồn nhiên của một người từng trải, đa cảm. Hồn nhiên và đa cảm, đa cảm nhưng hồn nhiên. Nói như vậy có cái gì đó có vẻ không ổn, nhưng chính sự so lệch chênh vênh ấy lại là điểm tựa vừa mong manh vừa chắc chắn để anh viết được những câu thơ hàm súc:
Rồi một lần anh vượt qua anh
Anh thành anh với khuôn mặt khác
Một lần em vượt qua em
Em không chỉ là em mà thành thác...
(Phân thân)
Người làm thơ như người đi trên dây. Người đi trên dây không khi nào đứng yên mà luôn dao động. Chính trạng thái đó đã tạo nên những khoảng khắc thăng bằng để anh thực hiện bước đi. Để có những bài thơ hay, câu thơ tâm đắc, nhà thơ phải sống những giây phút "lên đồng". Và trong tiềm thức những câu thơ vụt hiện. Thơ Nguyễn Anh Nông cũng có những câu thơ như vậy:
Tiếng đàn ai ngân trên sông
Lữ khách ôm chiều bối rối
Ai người đi gom lá cỏ hoa vàng.
(Hoà Bình, em)
Chứa đựng cả không gian, thời gian. Không gian như vô cùng vô tận, thời gian không có điểm dừng. Những câu thơ có sức ngân vang:
Bao nhiêu tình sông bể
Aỏ ảnh những câu thơ
Góc trời vầng trăng lẻ
Ai đợi ai thẫn thờ"
(Trăng côi)
Là người làm thơ, Nguyễn Anh Nông cũng dành khá đậm trong tập để nói về tình đồng đội, nỗi cô đơn của người lính và gia đình, vợ con. Cái trống vắng khi chia tay bao giờ cũng để lại những khoảng trống lớn, nó như những dấu chấm than giữa đời.
"Bạn bước ra xe về dưới phố
Ba lô con cóc khoác sau lưng
- ờ, con chim nhỏ trong lồng nhỏ
Bạn cõng luôn theo một góc rừng"
(Rừng xuân)
Với 4 tập thơ đã in, Nguyễn Anh Nông ít nhiều đã tạo được nét riêng cho thơ mình./.

Nhà thơ Lê Văn Vọng
Điện ảnh quân đội nhân dân
17- Lý Nam Đế- Hà Nội

MÂY BAY- THẢNG THỐT MỘT NIỀM THƠ

Trong một số phẩm chất, thơ Nguyễn Anh Nông có thuộc tính thảng thốt và trong chất thảng thốt ấy lại diễn ra nhiều sắc thái, nhiều cung độ.
Điều dễ nhận thấy trong thơ anh là sự thảng thốt của sự hồn nhiên, nói cách khác anh thảng thốt đến hồn nhiên, hồn nhiến đến thảng thốt. Bài LINH CẢM là một ví dụ, chờ mãi người con gái không tới mà:
"Nhoi nhói trong xương thịt anh
Hau háu đàn kiến đói"
Nếu cảm giác hồn nhiên ấy thiếu sự thảng thốt sẽ rơi vào sự thô thực, như ở một số trường hợp và cứ thế đến cảm động, đến giao cảm:
"Chẳng ham mấy chỉ vàng mười
Chỉ cần em mỉm miệng cười, là xong"
(Tát biển)
Sự đơn giản đến nao lòng vì ngơ ngác và thảng thốt Anh thành công khi sự hồn nhiên được tắm trong cảm xúc.
Anh hồn nhiên, đồng tình và đồng cảm với một thi sỹ nổi tiếng:
"Ước mong rũ bỏ hết
Ta làm anh thợ cày"
(Thơ vui tặng nhà thơ Trần Đăng Khoa)
Nguyễn Anh Nông hồn nhiên đến chân thành:
"Chớ đùa mà...hỏng đất
Vỡ vạc nhầm ruộng ai"
Sự thảng thốt cho anh đôi mắt nhìn đời luôn mới lạ, cái sự lạ ấy thật cần thiết cho công việc sáng tạo văn chương.
Anh hồn nhiên phát hiện:
"Người xa chẳng nhớ mình xa"
(Cánh phượng hồng)
Anh ngơ ngác khi tìm ra:
Ta là ta, là bạn, là mình
Là tất cả nhưng ta là một"
(Độc thoại đêm Đà giang)
Anh đau đáu mà chấp nhận:
"Nhà thơ bỏ thơ đi viết báo...
Rồi, suốt đời vẫn cứ tay không"
(Trâu ơi)
Qua sự hồn nhiên thảng thốt, anh lại sang trạng thái thái quá thảng thốt. Thái quá thường bất cập, nhưng do anh thảng thốt mà thành thơ. Vâng, chính vậy. Do thế mà anh tìm ra được sự liên hệ giữa cái hữu hạn và cái vô hạn bằng cảm xúc:
"Con ta: hai thằng quỷ sứ
Chọc nhau chí choé suốt ngày
Học hành được chăng hay chớ
Chơi bời bát ngát cung mây"
(Nhà ta)
Con ta - quỷ sứ, bát ngát- cung mây: nếu chỉ có một vế thôi hoẳn là rơi vào kiêu bạc, để có cả hai hoặc có cả sự ngơ ngác.
Anh cũng tìm ra cách tương tự khi nói về sự lam làm:
"Vợ ta - vốn cô thôn nữ
Thương chồng con ít ai bằng
Lam làm sớm hôm tất bật
Quên hết mặt trời mặt trăng"
(Nhà ta)
Nếu thiếu sự liên hệ giữa cái bình thường và cái phi thường ấy, đoạn thơ sẽ thành vô lối.
Một số ý kiến cho rằng: Thơ Nguyễn Anh Nông một phía tự sự thường nhật, một phía ngoa ngôn. Vâng, đúng thế, khi nào anh xích hai yếu tố ấy lại bằng sự thảng thốt thì anh thành công. Và chính yếu tố ấy, anh làm được sự kỳ diệu tìm ra được sự tương đồng giữa âm thanh, hương thơm, màu sắc. Ba đại lượng vốn riêng rẽ mà gắn bó hữu cơ trong một câu thơ:
"Tiếng chim gáy thơm hương cốm mới
Nắng chiều buông vi vút gió ngàn".
(Tiếng chim)
Tiếng chim- hương cốm- nắng chiều cứ bảng lảng, lâng lâng xao động thế.
Với trái tim dễ rung động ấy, anh tha hồ triết lý:
"Thế giới có khuôn mặt khác
Ngươi là thánh thần
Ngươi là quỷ ác
Trái tim ngươi bỏng hơn mặt trời"
(Đối thoại cùng mây bay)
Tách bạch lý trí ra thì dễ khô cứng, nhưng Nguyễn Anh Nông lại thành thật mà tìm ra mờ ảo, mơ màng trong thổn thức:
"Em cứ đuổi theo anh như hình bóng
Ta thành người cổ điển lúc yêu nhau"
(Thơ tình lính biển)
Anh ngơ ngác mà tìm ra sự hư vô của vinh quang, hơn nữa sự hư vô của khổ đau:
"Nhớ ngày giỗ anh, tôi về
Chị ngồi gõ mõ thầm thì hư vô
- Chị ơi!
Chị đáp:- Nam mô
A...Di...Đà...Phật! sững sờ bóng quen"
(Cõi thu)
Cái mạnh của Nguyễn Anh Nông là sự ngơ ngác thảng thốt nhưng anh dễ đánh mất nó vì nó hư ảo, thổn thức, may mà anh đã biến nó thành nề, thành nếp nghĩ, nếp cảm, thành thuộc tính.
Câu hỏi của anh để hỏi nhiều thời:
"Ai đen đúa dầm mình trong mực
Đời có trong không có ta không?"
(Đời)
Anh hỏi điều anh đã biết, đã nhận thức quá rõ vì anh bảng lảng. Nói là thành thuộc tính, đôi khi anh cũng quên lãng:
"Hai người lớn tuổi
Rì rầm trên cỏ
Chỉ vì một đứa trẻ con.
(Trên cỏ)
Thời gian gần đây, cùng vốn tri thức và kinh nghiệm, thơ Nguyễn Anh Nông đã khởi sắc, nhưng truyền thống của anh là sự hồn nhiên thảng thốt, hình như tri thức và kinh nghiệm của anh cũng đang nuôi dưỡng thuộc tính ấy của anh./.

Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt
(Sở Văn hoá- Thông tin tỉnh Hoà Bình)
(*) Mây bay- tập thơ của Nguyễn Anh Nông, xuất bản năm 2000