Nhong nhong nhong nhong
Bé cưỡi ngựa hồng
Ngựa phi nước đại
Ở trong căn phòng.

Nhong nhong nhong nhong
Ngựa phi ra phố
Xe cộ tránh xa
Nhỡ què ngựa gỗ

Ngựa phi hăng quá
Hất bé té nhào
Đã là kỵ sỹ
Chẳng thèm nhè đâu.

Nhưng mà có đau
Chỉ hơi nhăn mặt
Trót rơi nước mắt
Tay áo quệt mau.

Nhong nhong nhong nhong
Ngựa phi nước kiệu
Miệng cười như mếu
Bé thành diễn viên.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Khánh Văn: Cùng "Kỵ sỹ ngựa gỗ về với tuổi thơ

Cùng "Kỵ sỹ ngựa gỗ" về với tuổi thơ QĐND - Thứ Sáu, 05/06/2009, 23:19 (GMT+7)  

Trẻ em tiếp xúc với thế giới bên ngoài của sự sống bằng con mắt hồn nhiên ngây thơ. Quan sát, phát hiện và nghiền ngẫm, niềm thích thú, say sưa của các em khi bắt gặp một hình ảnh nào đó của cuộc sống sẽ tạo ra những suy nghĩ rất trẻ thơ. Đó là “bí quyết tâm lý” của Nguyễn Anh Nông trong tập “Kỵ sỹ ngựa gỗ”.

Đọc cả tập thơ, ta bắt gặp một tâm hồn trẻ thơ quan sát sự sống một cách tinh tế. Sự vật, sự việc diễn ra quanh các em rất quen thuộc. Từ vầng trăng, mặt trời, cây bàng, mùa xuân, mưa chiều, cây lang tím, giàn mướp, cây xà cừ... cho đến những chú bò, chú ngỗng, mèo, hổ, ngựa gỗ, ếch con, gà trống, cào cào... Quen thuộc và thân thương, bởi tất cả rất sống động. Dường như trong thế giới người và vật, việc và sự việc ấy, Nguyễn Anh Nông chủ yếu miêu tả qua sự quan sát, miêu tả một cách tự nhiên. Sự việc nó diễn ra như thế nào thì ghi lại thế ấy. Đơn giản vậy thôi. Nhưng trong sự quan sát ấy, Nguyễn Anh Nông đã lựa chọn để từ miêu tả trở thành diễn tả. Mà diễn tả theo suy nghĩ của trẻ thơ. Hình ảnh mặt trời được ví như “chiếc mâm lửa” khổng lồ có một cái gì đó siêu nhiên lắm, ghê gớm lắm, nhưng với trẻ thơ, các em ước một cách rất hồn nhiên: Giá mặt trời là chiếc bánh ngọt/ Để bạn bè, khi đói, chia nhau (Mặt trời). Nguyễn Anh Nông đã miêu tả cuộc sống với một sự dung dị để phát hiện, để diễn tả, chỉ ra chất thơ của cuộc sống từ những gì bé nhỏ, dễ bị chìm trong quên lãng. Trong thơ anh có tiếng “ậm pò” của chú bò tập hát, có tiếng khàn khàn của chú vịt con lạc mẹ, tiếng chú sáo mỏ vàng bần bật cất lên sau cơn mưa chiều, tiếng chú mèo con “meo meo”... Chuyện học hành là vấn đề quan trọng nhất của các em, Nguyễn Anh Nông đã khéo léo nhìn, cảm nhận và nhẹ nhàng nhắc nhở bằng hình ảnh chú Ngỗng lơ tơ mơ để quên bài học ở nhà, bằng chuyện cái tẩy:

Đừng kiện tôi anh giấy

Tôi chẳng hề tội chi

Mà đang giúp anh đấy

Kẻo anh mang tiếng hề

 (Tâm sự của cái tẩy)

Từ quan sát tới phát hiện, anh vẫn giữ nguyên cảm thức của trẻ thơ với núi bố, núi mẹ, núi con với lời dặn dò búp bê... Đúng là thế giới bên ngoài qua sự cảm nhận của trẻ thơ. Một thế giới sống động, hồn nhiên, nên tập thơ có những câu rất hay: Ao sâu sung rụng bì bòm/Có anh bói cá lom rom cọc rào/Bè hoa nhấp nháy nghiêng chao/Như mưa đêm xuống, ngàn sao sáng ngời (Hoa bèo)

Hay:

Cây lang tím không có

chân đi

Sao biết bò từ thu sang đông

Từ xuân về hè?

Ai nhuộm lang tím thế

Hay vì tiếng ve?

Hay vì tiếng cuốc đêm hè?

Hay vì tiếng gà cục tác?

Hay vì sấm nở bờ tre?

(Lang tím)

Phát hiện cây bàng cả mùa đông phờ phạc tới mùa xuân chồi non hé, lộc nhú đầu cành, với ngọn gió, tia nắng hồng tưởng như không có gì mới mẻ nhưng thực sự làm ta ấm lòng lại bởi một niềm tin yêu cuộc sống. Chuyện vầng trăng ngã xuống nước và chú ếch con ngây thơ thương trăng chết đuối cũng vậy. Nó giúp ta tìm lại những ngày xưa của chính mình. Người lớn chúng ta nghiền ngẫm quá nhiều. Trẻ em nghiền ngẫm chỉ là bước khởi đầu sự nắm bắt cuộc sống, hiểu cuộc sống. Phát hiện chiếc bóng của mình trên nền nhà lặng im là điều trước tiên em bé trong bài thơ suy nghĩ và nghiền ngẫm: Cái bóng đen đen ấy/Giống y như một ông người/Sao ông người không cười, không nói?/Sao ông người không múa không hát?/Sao ông người chẳng biết khóc nhè? (Chiếc bóng). Suy ngẫm đấy nhưng mà vẫn hồn nhiên. Hỏi các bóng đen trên tường cũng giống như một ông người đấy nhưng sao lại không biết khóc nhè. Hóa ra ông người này là trẻ con. Thú vị là ở chỗ ấy!

Cả tập thơ 32 bài đều có một nhịp điệu chung: dung dị, gần gũi, chủ yếu là chỉ ra sự vật để suy ngẫm, những phát hiện rất trẻ thơ. Hồn nhiên mà không kém phần tinh tế. Phải yêu trẻ, hiểu trẻ em lắm Nguyễn Anh Nông mới có được những bài thơ như thế. Hình dung sau những trang thơ ấy là nhà thơ với nụ cười ánh lên gần gũi và tin cậy…

KHÁNH VĂN
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân    
http://www.qdnd.vn/qdndsi.../74/74/80037/Default.aspx

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

TẠ XUÂN NGỌC: KỴ SỸ NGỰA GỖ- KHÚC ĐỒNG DAO CHO TRẺ THƠ THỜI HIỆN ĐẠI

KỴ SĨ NGỰA GỖ
        NGUYỄN ANH NÔNG

Nhong nhong nhong nhong
Bé cưỡi ngựa hồng
Ngựa phi nước đại
Ở trong căn phòng.

Nhong nhong nhong nhong
Ngựa phi ra phố
Xe cộ tránh xa
Nhỡ què ngựa gỗ

Ngựa phi hăng quá
Hất bé té nhào
Đã là kỵ sỹ
Chẳng thèm nhè đâu.

Nhưng mà có đau
Chỉ hơi nhăn mặt
Trót rơi nước mắt
Tay áo quệt mau.

Nhong nhong nhong nhong
Ngựa phi nước kiệu
Miệng cười như mếu
Bé thành diễn viên./.
NAN
NGUỒN:
http://www.thivien.net/vi...ID=Xb7yrCMaB25SD532QUR2dw
KỴ SỸ NGỰA GỖ
- KHÚC ĐỒNG DAO CHO TRẺ THƠ THỜI HIỆN ĐẠI

Tạ Xuân Ngọc

Có trăm ngàn cách để người lớn bước vào thế giới trẻ thơ, quay về với tuổi thơ nhưng Nguyễn Anh Nông đã lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh thơ ca làm phương tiện đắc dụng nhất, cho mình. Trong thế giới trẻ thơ, hoạt động vui chơi ca hát là hoạt động không thể thiếu. Các em tạo ra trò chơi cho mình, người lớn tạo trò chơi cho các em. Việc này diễn ra thường xuyên và liên tục từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vì, thông qua trò chơi ấy, các em vừa rèn luyện sức khỏe, tinh thần và quan trọng hơn, người lớn hiểu rằng, từ đây, các em có thể hình thành nhân cách và cá tính, ý chí và tình cảm. Hiểu được điều đó, Nguyễn Anh Nông đã bước vào thế giới trẻ thơ, thể hiện tình yêu thương với trẻ bằng những khúc đồng dao hiện đại. Kỵ sỹ ngựa gỗ chính là một trong những khúc đồng dao hiện đại chứa chan tình yêu thương ấy của anh.
“Nhong nhong, nhong nhong”, những thanh âm đầu tiên cất lên khiến người đọc liên tưởng ngay đến trò chơi dân gian xưa. Trong trò chơi ấy, mỗi em có một cây gậy hoặc một tàu chuối đã tước lá; buộc sợi dây ở đầu làm cương ngựa; đứng xếp hàng ngang, một tay giữ ngựa của mình luồn qua hai chân, một tay giữ dây cương; trưởng trò ra lệnh “chạy” thì tất cả cùng chạy lên phía trước; vừa chạy vừa hát:
Nhong nhong, nhong nhong
Ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề
Cho ngựa ông ăn.
Đứng trên bình diện nghiên cứu văn học dân gian, về bài đồng dao này, có ý kiến cho rằng, bài đồng dao Nhong nhong, nhong nhong ca ngợi công đức của Khám lý – Cống quận công Trần Đức Hòa; lại có ý kiến cho rằng câu đồng dao ấy gắn với cuộc chiến đấu mưu trí, dũng mãnh của nghĩa quân Lam Sơn… Các ý kiến ấy đều dựa vào địa danh Bồ Đề và các sự kiện lịch sử liên quan để nhận định. Song, như thế có vẻ kiên cưỡng quá. Hát và chơi đồng dao từ lâu đã một thú vui của trẻ con ở nông thôn xưa. Cùng với các trò “Đánh chắt, đánh chuyền”, “Thả đỉa ba ba”… các khúc đồng dao đi kèm, ngoài việc đem lại kiến thức phong phú về cuộc sống, còn nuôi dưỡng ở các em một tâm hồn trong sáng, thuần thiện. Nên chăng hãy trả lại cho đồng dao dân gian mục đích thủa ban đầu của nó. Nhưng đó là vấn đề khác, còn với Kỵ sỹ ngựa gỗ của Nguyễn Anh Nông ta có thể hình dung như thế này: Một chú bé (hay cô bé cũng được) ở độ tuổi 3 – 5, đang chơi trò chơi phi ngựa như trò chơi dân gian xưa, duy chỉ có điều hiện đại hơn, ngựa của bé không phải bằng gậy hay bằng tàu chuối đã tước lá mà bằng mô hình hẳn hoi. Chất liệu có thể bằng nhựa dẻo hay bằng gỗ. Không gian chơi gói gọn trong căn phòng chật hẹp ở thành phố. Bé vừa ngồi lên lưng ngựa gỗ vừa lắc, vừa cười, vừa hát vang nhà:
Nhong nhong, nhong nhong
Bé cưỡi ngựa hồng
Ngựa phi nước đại
Bé vừa chơi, vừa hát trong sự chứng kiến, cổ vũ của khán giả (ông bà, cha mẹ, anh chị…) xung quanh. Bé đã hóa thân thành người kị sỹ trong những câu chuyện cổ tích. Nguyễn Anh Nông đã đưa người đọc lên chuyến tàu về lại tuổi thơ. Người đọc bước những bước lạ mà quen (ý của Belinsky). Người Kỵ sỹ Bé ấy đang đi hành hiệp trượng nghĩa. Trong không gian cổ tích, mọi ranh giới bị xóa nhòa. Ở đó người chết sống lại, nhân vật tài năng có thể vượt qua núi đao, biển lửa, có thể vượt ngàn dặm xa xôi nhờ đôi hài kì diệu chỉ trong một cái chớp mắt. Nghĩa là cái tư duy logic của cổ tích đã vượt qua tư duy logic trật tự đời thường. Bởi thế cũng trong căn phòng ấy thôi, nhưng khi tâm thế Bé đã hòa nhập trọn vẹn với trò chơi, chỉ trong chớp mắt, không gian đã mở rộng:
Nhong nhong, nhong nhong
Ngựa phi ra phố
Xe cộ tránh xa
Nói từ “phòng” ra “phố” bằng ngựa gỗ trong Kỵ sỹ ngựa gỗ của Nguyễn Anh Nông có cái logic tư duy cổ tích là vì thế!
Ngoài ra, trong Kỵ sỹ ngựa gỗ không khó để người đọc nhận ra sự khéo léo, tinh tế, sự quan sát nhạy bén của Nguyễn Anh Nông. Nghĩa là, anh phải là người rất yêu trẻ, rất am hiểu tâm lí trẻ thơ. Nếu không, làm sao anh có thể miêu tả được những chi tiết như thế này.
Ngựa phi hăng quá
Hất bé té nhào
Đã là kỵ sỹ
Chẳng thèm nhè đâu

Nhưng mà có đau
Chỉ hơi nhăn mặt
Trót rơi nước mắt
Tay áo quệt mau
Trò chơi lên đến cao trào, Bé chơi hăng quá, bị té ra nền nhà. Vì đang ở cuộc vui nên Bé không khóc nhè. Thế nhưng, do đau quá nên nước mắt cứ tràn ra, mặc dù không muốn. Và, vì không muốn khóc, cũng không muốn mọi biết mình chảy nước mắt nên Bé đưa tay áo quệt mau. Thú vị chính là chỗ ấy! Nắm bắt một cách tinh tế tâm lí trẻ thơ cũng chính là chỗ ấy!
Nguyễn Anh Nông viết thơ cho trẻ, anh hiểu rằng, trẻ con có cái lí của riêng mình, có sự quan sát của riêng mình. Cái lí, sự quan sát của trẻ nhiều khi tinh tường, chân thật hơn cả người lớn. Cho nên anh đã hóa thân thực sự vào nhân vật, trở thành đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng. Về điều này, nhà văn Thạch Lam cũng từng bộc bạch: “Trẻ con nhìn đời bằng con mắt mới mẻ, trí xét đoán còn trong sạch, chưa bị những tập quán làm mờ. Viết cho trẻ con, trước hết là đứng thay vào chỗ của trẻ và tự làm mình trẻ lại”.
Ở khổ thơ cuối, điệp khúc “nhong nhong nhong nhong” lặp lại. Cứ ngỡ bị đau, Bé sẽ dừng cuộc chơi ở đây. Nhưng không, trò chơi vẫn tiếp tục, tất nhiên trạng thái náo nhiệt, ồn ào ban đầu đã giảm đi:
Ngựa phi nước kiệu
Miệng cười như mếu
Bé thành diễn viên
Nếu như qua đồng dao dân gian, trẻ nhận biết được thế giới xung quanh, vun đắp tri thức, bồi dưỡng tâm hồn, thì ở Kỵ sỹ ngựa gỗ, ngoài những điều đó, người đọc nhận ra ngầm ý kín đáo của nhà thơ trong việc giáo dục trẻ rèn luyện tính tự lập, tự đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Trong cuộc sống hiện đại, việc giáo dục rèn luyện kĩ năng sống cho trẻ là vô cùng cần thiết. Điều đó sẽ làm mất đi bản chất của thơ ca, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng vai trò chức năng của thơ ca là giúp con người ta sống tốt hơn, đẹp hơn. Dạy mà như không dạy, qua ngôn ngữ, hình ảnh Nguyễn Anh Nông đã giúp trẻ (và cả người lớn) nhận ra bài học mang tính giáo dục.
Đại thi hào Nga L. Tolstoy đã từng nói: “Viết cho trẻ là công việc khó nhọc”. Điều đó đúng. Nhưng với Nguyễn Anh Nông, trong Kỵ sỹ ngựa gỗ, có cảm giác anh rất biết cách quan sát và ghi chép lại những gì anh thấy, anh nghĩ về thế giới trẻ thơ. Và ở đó, trong khu vườn cổ tích mà anh tạo ra cho trẻ, người đọc thấy ánh lên niềm tin và nồng nàn tình yêu trẻ. Với Kỵ sỹ ngựa gỗ, lời thơ như khúc đồng dao đã thổi vào văn hóa tâm hồn cho các em, để từ đó các em trưởng thành, vững bước vào đời.

T.X.N

15.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Thêm thông tin

Bài bình thơ của Tạ Xuân Ngọc đã in trong tập sách Nguyễn Anh Nông đi từ miền lá cỏ, NXB Quân đội nhân dân, năm 2013; do TS Đỗ Thị Thu Huyền(Viện Văn học) tuyển chọn và biên soạn.

15.00
Trả lời