Ðọc bài thơ Gọi gió của nhà thơ Nguyễn Văn Thanh, tôi hình dung khung cảnh một buổi trưa bầu trời oi ả, người mẹ đang cặm cụi phơi rơm giữa sân, giữa đường, em bé chừng 5, 6 tuổi ở trong bóng cây nhưng đứng ngồi không yên vì trong lòng nôn nao thương mẹ. Em đang tìm đủ mọi cách trong khả năng của mình để giúp mẹ vơi đi phần nào cực nhọc. Bức tranh ấy thật hồn nhiên, đáng yêu nhưng có sức lay động mạnh đến tâm hồn độc giả, bởi lẽ nó đã chạm đến miền kí ức tuổi thơ của biết bao người.

Gọi gió, điều mà những người đủ lớn khôn sẽ hiểu nó là chuyện vô ích thì với tư duy ngộ nghĩnh và tâm hồn ngây thơ của bé trong bài thơ đó là việc làm thiết thực nhất lúc này để có thể giúp mẹ mình xua đi cái nóng.

Gió ơi gió ơi
Gió đến với tôi
Lau giúp mồ hôi
Ướt đầm trán mẹ
Cụm từ “Gió ơi” được lặp lại hai lần vừa mô tả đúng tác phong nói chuyện hấp tấp của trẻ nhỏ, nhưng cũng vừa thể hiện tâm trạng nôn nao của bé khi chứng kiến người mẹ gương mặt đang chín bầm và mồ hôi ướt đầm trên trán. Lời cậy nhờ lau giúp mồ hôi của bé nói lên sự vất vả của người mẹ đồng thời thể hiện tấm lòng hiếu thảo của đứa con. Ðó là sự thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của mẹ và trái tim yêu thương mẹ vô ngần.

Biên độ cảm xúc nôn nao của bé được đẩy lên cao hơn khi bé dặn:
Gió đi nhanh nhé
Mẹ đang phơi rơm
Dành trâu bò ăn
Những ngày mưa rét
Hiểu được ý nghĩa của việc mẹ đang làm, hiểu được sự khắc nghiệt của thời tiết: Trời làm nắng rát/ Cong cả cán xêu nên bé đã giãi bày nỗi lòng mình cùng gió: Thương mẹ rất nhiều/ gió chiều tôi nhé/ tôi hãy còn bé/ chưa giúp được gì. Là bé còn nhỏ quá chưa đủ sức giúp mẹ chứ không phải là bé sợ nắng hay lười không giúp đâu gió ạ. Vậy nên, bé ngây thơ mong nhận được sự thấu cảm của ngọn gió vô tri mà bé tưởng đó là một sinh vật có hồn, biết cảm thông và chia sẻ như con người vậy. Những lời thanh minh thật đáng thương và xúc động biết bao, nó chỉ có thể được viết ra bởi một ngòi bút am hiểu trẻ con và có tình yêu thương chúng vô bờ.

Tình thương mẹ và sự nôn nao lên đến đỉnh điểm thôi thúc bé phải làm tất cả những gì có thể chỉ để cầu cho ngọn gió đến đây xua đi cái nắng rát da rát thịt mà mẹ đang phải chịu. Ðiều đó thể hiện khi bé chuyển giọng điệu của mình sang trạng thái nài nỉ: gió chiều tôi nhé và gió nhận lời đi. Rồi cuối cùng lặp lại điệp khúc gió ơi gió ơi như một sự van xin hết mực chân thành.

Những câu thơ với giọng điệu thỏ thẻ, nhẹ nhàng nhưng chứa đầy cảm xúc, lột tả được chiều sâu diễn biến tâm trạng của một em bé ở lứa tuổi nhi đồng ngây thơ, hồn nhiên nhưng biết quan sát và cảm nhận mọi thứ xung quanh, biết yêu thương và lo nghĩ cho người khác. Tác giả đã hoá thân vào nhân vật một cách trọn vẹn, xuất sắc và tinh tế làm nên một bài thơ ngắn nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả về tính nhân văn và lòng hiếu đạo của con người.


Lê Xuân (Báo Điện Biên Phủ online, ngày 3-8-2023)
tửu tận tình do tại