Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Thanh Hiện » Những bài hát rong đương đại (2012) » Chương một: Phác thảo một cách nhìn
Đăng bởi nguyễn thanh hiện (quinhon) vào 20/04/2016 08:34, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 09/05/2018 09:43
ở ngôi làng, cứ sáng ra lại nghe thấy tiếng lũ heo kêu đói, lũ gà kêu lạc mẹ, lũ bò nhớ gò cỏ hoang ù be khắp xóm, lũ súc vật dường sáng ra là chỉ nghĩ đến chuyện ăn, đấy là chưa nói người mẹ ra đồng tự lúc sao còn sáng trên đầu để lại nhà đám trẻ sơ sinh khát sữa thấy sáng ra là cùng khóc thét lên, như thể làng xóm là đang có đám ma,
ở ngôi làng, trưa đến, cứ có ngọn gió thổi lại là đám tre già nơi các bờ rào lại tựa vào nhau, xương cốt của chúng cứ như sắp bung ra, cứ trưa đến là nghe xương cốt của đám tre già cựa quậy,
ở ngôi làng, cứ đêm đến thì nghe như hết thảy đều biến khỏi mặt đất, kỳ diệu thay, con người cùng với đám trâu bò sau một ngày cặm cụi trên đồng ruộng, lũ gà heo sau một ngày đòi hỏi những người nuôi nấng mình phải cho ăn đầy đủ, giờ thì hết thảy như đã biến khỏi mặt đất, con người và lũ súc vật sau một ngày tham gia vào cuộc trần thế, giờ thì chẳng thèm nói năng nửa tiếng, hết thảy là đang lặng đi, cái cách lặng im tựa như đang giữ trong lòng niềm căm giận nào đó đối với cuộc trần thế,
ta nói, ở một nơi như thế thì làm sao không phiền muộn
em nói, ở ngôi làng, vào những ngày có mưa bão, lũ chim cu đồng, loài chim dường sinh ra là để gù tình nơi các bờ tre làng nên đâu thể bay xa, mỗi khi có mưa bão là lũ chúng chỉ còn biết vùi mình theo cuộc phong ba, làm như thể phải có hiểm nguy chúng mới có cơ hội để gìn giữ bản lai diện mục loài giống của mình,
em nói, ở ngôi làng, đêm đến, cái loài giống chỉ nghe có tiếng nói, và chưa ai trông thấy mặt bao giờ, cứ kêu ra rả khắp các bờ rào, lũ chim kéo chỉ, là người ta cũng tặng cho lũ sinh vật khôn ngoan ấy cái tên mang âm hưởng của cuộc cơm áo của con người, lũ chim kéo chỉ, có nghĩa, trong con mắt người làng thì cả cái lũ sinh vật chưa bao giờ trông thấy mặt ấy là cũng dự vào cuộc cơm áo, cái cách nhìn thế giới của người làng cứ đêm đến là được đáp trả bằng những lời ra rả, chói tai, làm như thể là tại con người nên lũ chúng mới khổ,
em nói, ở ngôi làng, vào những đêm không trăng sao, khi mọi người đều yên nghỉ, thì bầu trời đêm trên đầu như cứ nới rộng ra, nới rộng ra, ngôi làng nhỏ bé như đang lọt thỏm vào chốn vô tận, và, mỗi lần em sang ta, đứng trên con đường vào làng, thấy đèn nhà ai ngủ muộn, leo lét sáng, em cứ cảm thấy nơi em sinh ra chỉ còn là thứ ánh sáng leo lét sắp tắt,
em nói, đất chôn nhau cắt rốn của mình lại làm cho mình cảm thấy thế, thì làm sao không phiền muộn,
ta lại muốn hôn lên đôi môi biết nói của em
nhưng hôn lên đôi môi em lại là hôn lên sự phiền muộn,