Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Thanh Hiện » Những bài hát rong đương đại (2012) » Chương hai: Phù sa và gió
Đăng bởi nguyễn thanh hiện (quinhon) vào 20/04/2016 09:03, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 09/05/2018 09:43
…
ta nhớ là những năm tháng ấy ta vẫn lẩn quất nơi làng Cù nhỏ bé luôn lặng lẽ chờ đợi một điều gì đó như là sự biến hoá giữa sỏi đá và thi ca, hiện thực ở đây là được nuôi dưỡng bằng mộng mị, và ta có đến những nơi chốn ấy thật, hay là giả sử có đến những nơi chốn ấy thật, thì cũng chỉ là để củng cố thêm sự chờ đợi,
và, đứng nơi bờ con sông ấy, ta một mình một ngựa, bơ vơ giữa cõi người đa phương rối rắm, người ta sắp treo cổ một vị nguyên thủ của đất nước, ba nô áp phích treo đầy các ngả đường trên mặt đất, các vị chủ nhân các học thuyết mới như đang kiệt sức trong giai đoạn nước rút hoàn thành các học thuyết về luân lý đương đại, chữ nghĩa giấy bút giữa thời của trí tuệ cũng mệt nhoài như những gái điếm ở những thành phố hiện đại, cái vùng đất đặt sệt mùi phù sa cổ đại cuốn hút ta vào một ngày bước ra từ ký ức mơ hồ của ta vị anh hùng từng để lại dấu tích trên tấm bản đồ văn hoá của thế giới, xin chào Gilgamesh sứ giả của thời gian, ta ngả mũ nói, Mesopotamia đang chờ các người đấy, vị anh hùng nhìn ta nói, và thế là một mình một ngựa ta bắt đầu cuộc rong ruổi, đứng ở bờ con sông ấy ta có cảm thấy ân hận về quyết định nông nổi của mình, nhưng cái ý định quay trở về làng Cù của ta đã được bãi bỏ khi cô gái ấy bất chợt xuất hiện, hình như là ông từ một nơi rất xa mới đến, cô gái nói, ta hỏi làm sao mà biết, cô ta bảo nhìn con ngựa ta đang cỡi thì biết, tự thời vua Cyrus em đã trông thấy giống ngựa này, nó là loài ngựa miền viễn đông, mấy tiếng miền viễn đông thốt ra từ miệng cô gái như lời xác nhận rằng ta không còn là khách cô độc trên thứ đất đai được nuôi dưỡng bằng cả màu mỡ lẫn cuồng nộ của những dòng sông, nhưng dường như là ông đang có điều chi phải nghĩ ngợi, cô gái chợt hỏi vẻ ranh mãnh, ta phải nói dối là chỉ cảm thấy hơi mệt vì đường xa và cố dấu đi những cảm thức khó tả, nếu không nói là hơi rối rắm khi cùng lúc phải tiếp cận với cả những cũ kỹ nghìn năm lẫn những rực rỡ tân kỳ, bấy giờ trước mặt ta là cô gái tóc tai quần áo như vẫn còn nguyên bụi bặm thời cổ đại vừa chen ra khỏi những người ngợm ngựa xe trên những con phố chật ních những âm thanh và mùi vị các thứ văn hoá của loài người đương đại, chỉ mỗi thứ đàn hát nhảy nhót trên các đường phố cũng đủ làm ta rối trí chẳng biết phải chia sẻ thế nào vì chẳng biết đó là thứ âm nhạc ngợi ca cuộc sống, hay ngợi ca một thứ gì đó, một học thuyết mới về loài người, một phát hiện mới về loài khỉ, hay đó là thứ cách thức bày tỏ nỗi phẫn nộ về một điều bất ưng nào đó đang cần đến sự chia sẻ, hay là ông hãy đi với em, cô gái chợt đề nghị, ngồi ở trên lưng ngựa ta có cảm tưởng mình là một vì vua đang làm một cuộc cách mạng làm rung chuyển thế giới cổ đại là đang khiến cho một nữ nô lệ trở thành một nữ hoàng, em vốn là cô gái miền thượng nguồn sông Nile đã bị vua Sumer bắt đem về vương quốc của ngài, mãi đến thời vua Nebuchadnezzar của người Chaldee em vẫn còn là gái nô lệ, ngay lúc leo lên ngựa để đi với ta cô gái đã cho ta biết cô ta là ai, vào mùa ấy Mesopotamia nóng lắm, từ trên bầu trời cao lồng lộng nắng mặt trời tháng tư như đang trút lửa xuống thứ mặt đất nghìn năm vẫn cứ trống trải, thời ấy thì người Hittite cũng xua quân theo con đường này, nữ hoàng yêu dấu của ta nói, ta thấy loáng thoáng trong ký ức sách vở của mình cái giống dân thô bạo mắt to miền cao nguyên Anatolia với những gươm giáo bằng sắt đi tới đâu máu người chảy tới đó, là ta đang cho ngựa bước chầm chậm về phía thượng nguồn sông Tigre, về phía quê hương của người Hittite tàn bạo, còn nữ hoàng yêu dấu của ta thì có vẻ đang yên ổn giữa vòng tay che chở của ta. nhưng là em định đưa ta đi đâu đây, lẽ ra ta phải hỏi câu ấy từ lúc cô gái đề nghị hãy đi với cô ta, rồi em sẽ cho ông thấy con người là loài giống thế nào, mãi sau đó ta mới hiểu đó là câu trả lời của cô ta, còn lúc ấy ta chỉ thấy thích thú với cách nói năng hoạt bát của cô gái Mesopotamia, hay em chỉ là nữ nô lệ của thi ca cổ đại, ta chỉ hỏi đùa mà hoá ra là thật, xây xong thư viện Nineveh, vua Ashurbanipal đã cho em làm người giữ sách thì chẳng phải nô lệ thi ca là gì, cô gái nói xong lời ấy thì quay lại nhìn ta,
“ngươi hãy ngồi thinh lặng và đắm mình trong bóng tối hỡi con gái của dân Chaldee”,
là em vừa nhắc đến con cháu vua Nebuchadnezzar của người Chaldee, thưa phải, có vẻ ông cũng rành về Mesopotamia, ngựa của ta bỗng khựng lại, một quang cảnh đổ nát hiện ra nơi bờ con sông Tigre, xưa nơi này là cung điện Nineveh, cô gái nói, những cột tháp là được mang về từ Thebes, còn thợ xây là các nô lệ bắt được ở bên kim tự tháp Kheop, ta nói như để cho cô gái biết ta cũng có biết về cung điện Nineveh, nhưng đấy là chuyện ngày xưa, cô gái nói, còn bây giờ thì sao, ta hỏi, và cho ngựa đi thật chậm, và mây ở đâu bỗng kéo tới bầu trời ở trên đầu, nhưng cô gái bảo không phải là mây, xương thịt con người khi không còn là xương thịt thì hoá thành nuối tiếc, hoá ra con người là giấc mơ đã mất, cô gái nói, chợt có vẻ khác thường, và ta như bắt đầu nghe thấy hương thơm của miền đất giữa hai sông đang toả ra từ nàng, nhưng những nghìn năm qua là em đã mơ thấy những gì, muốn trở thành niềm lãng quên, ta âu yếm với cả lời mình vừa thốt lẫn lời đáp lại của nàng,
nhưng những nghìn năm qua em cứ để cho xương thịt mình trôi đi giữa những ngọn lửa những con quạ tham tàn đã đốt lên nơi bờ sông Nil vào một sáng lũ cua cá trên sông bơi trối chết về phía thượng nguồn để kịp lễ hiến tế do lũ quỉ nói tiếng Semitic bày ra ở cao nguyên Nubia, những bài ca chiến thắng của bọn man rợ mang hình thù những bữa tiệc đầu người, rượu tân chủ tràn vách đá, rong rêu cuộn mình giữa cơn cuồng nộ, em rơi vào cơn mơ sa mạc, gió, những con lạc đà bị khoét mất bản ngã, lắc lư xương cốt, văn hiến đã bị hốt khỏi chốn ngàn năm, các vị thần trên các kim tự tháp chẳng thèm nói nửa câu, ở miền đất giữa hai con sông em trở thành thứ con vật vừa để thồ hàng vừa để làm trò hoan lạc với các vì vua và với đám quân sĩ của các vì vua, lịch sử cứ lần lượt rơi vào tay các vị chủ tể các miền đất giữa hai sông và các miền đất ở hai bên hai sông, các vị vua thì lần lượt tắm gội bằng cả vinh quang lẫn sỉ nhục, còn em những nghìn năm qua vẫn mặc mãi chiếc áo nữ nô lệ sông Nil…
kìa, đã đến giờ, nàng chợt thôi nói, và hỏi ta có nhìn thấy gì không, ta nói là tự nãy giờ chỉ nhìn thấy những đám mây vần vũ trên đầu, nàng lại bảo không phải là mây, đã đến giờ điểm sách, phải đi, ông cứ chờ em ở đây, nàng nhảy xuống ngựa, căn dặn, ta thử nhìn lên bầu trời trên đầu, qủa chẳng phải là mây, mà là những cánh tay đang thò ra như đang cố nắm bắt một thứ gì đấy, và nơi bờ sông Tigre như có rất nhiều người đang ngồi cúi gằm mặt xuống đất, tiếng của nàng, phải, là nàng đang ngồi ở trên một chiếc ghế kê lơ lửng ở trên cao,
“phải chăng đây là con người đã từng làm rung chuyển cõi đất, từng làm cho các nước đảo điên, từng biến thế giới nên như sa mạc”,
ta đã nhớ ra, là nàng đang trích đọc Isaiah, về cái quá khứ lừng lẫy của vua Nebuchadnezzar của người Chaldee, và ta cũng đã hiểu ra, là cho đến lúc ấy nàng vẫn là nô lệ của những vì vua đã chết,
“chính là đức vua đã truyền rằng…”,
lại là tiếng nàng, ta hoảng quá, toan quất ngựa chạy khi nhìn thấy đám người nơi bờ sông bỗng quằn mình giãy dụa, nhưng nàng đã kịp đến ngồi trong vòng tay ta, ông đừng sợ, đám xương tàn của các vị chúa tể các triều đại đã mất là đang quằn quại trên niềm nuối tiếc, nàng giảng giải cho ta hiểu trong lúc từ nơi bờ sông Tigre cứ tru lên những tràng dài ghê rợn, giờ em còn phải tiếp tục đọc cho các vị ấy nghe, ông sẽ gặp lại em nơi ông trông thấy em lần đầu, nàng nói, thoắt cái đã trở lại chiếc ghế của nàng, và nàng đã gặp lại ta nơi ta trông thấy nàng lần đầu ở bờ sông Tigre, người con gái sông Nile bảo nàng yêu ta không phải vì ta là nam nhi và nàng là nữ nhi, mà vì những nghìn năm qua ta là kẻ duy nhất nhìn thấy nơi cư ngụ của trái tim nàng, vua Cyrus đã ném em xuống sông Tigre, những nghìn năm qua em là nước của dòng sông ấy, nàng nói, cầm lấy bàn tay ta, đặt lên đó một giọt nước sông Tigre, để lãng quên hay là để nuối tiếc, ta hỏi, em cũng chẳng biết nữa, nàng đáp, hôn lên bàn tay ta, và nhảy xuống sông trở lại.