Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Tấn Việt
Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 20/04/2008 05:10, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Kim Diệu Hương vào 20/04/2008 05:11
Bất ngờ sao ngày gặp lại chồng
Chị sững sờ nhìn anh còn rất trẻ
Bờ vai rộng mở vuông khung cửa
Tiếng cười to chật nhà ba gian.
*
Chị cố trẻ lên cho kịp với chồng
Búi tóc sau đầu bất ngờ xổ tung
Để chảy xuống cái thời hai mươi tuổi
Anh lặng người ngắm chị hồi xuân
*
Anh cố già đi cho chị yên tâm
Không dám vô tư một mình ngồi hát
không dám cười trước lời vợ khóc
Ngoài bốn mươi cũng ước có con trai
*
Cũng ngả nghiêng để chạm những lời mời
Cũng ngược xuôi sắm áo dành tặng mẹ
Cũng vay mượn làm một lần giỗ bố
Cũng đi mừng cầm lời chúc trên tay
*
Anh cố già đi trong lo lắng từng ngày
Càng nguỵ trang càng lộ còn trẻ lắm
Chị siêng năng suốt đời làm vợ lính
Anh vụng về sao chỉ sống một mình
*
Thêm những buổi chiều chị lại xa anh
Trăng tròn quá cả những đêm có giặc
Chị nhận ra điều yên tâm nhất
Không người lính nào già đâu
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Kim Diệu Hương ngày 20/04/2008 05:13
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Kim Diệu Hương ngày 20/04/2008 05:14
KHÔNG NGƯỜI LÍNH NÀO GIÀ ĐÂU- THÔNG ĐIỆP TÌNH YÊU NGƯỜI LÍNH
Nhà thơ Nguyễn Tấn Việt gốc gác ở quê lụa Hà Tây, anh có bài thơ:KHÔNG NGƯỜI LÍNH NÀO GIÀ ĐÂU, đọc thật thích. Mở đầu bài thơ là sự xum họp của vợ chồng người lính. Người vợ ấy:" Bất ngờ sau ngày gặp lại chồng/chị sững sờ nhìn anh còn rất trẻ/ bờ vai rộng mở vuông khung cửa/ tiếng cười to chật nhà ba gian", hết người vợ"sững sờ nhìn anh còn rất trẻ" lại đến người chồng"...Lặng người ngắm chị hồi xuân".Ta cũng dễ cảm thông, chia xẻ niềm vui với đôi vợ chồng người lính kia vì sau bao tháng ngày nhớ mong, trông đợi trong tâm trí mỗi người đều nhớ về nhau, hình dung về nhau, nỗi nhớ ấy như những làn sóng giao thoa, đôi khi có những làn sóng- ý nghĩ trái ngược nhau trong mỗi người? Khi gặp lại nhau là hạnh phúc ngất ngây, đắm đuối, rồi họ tự điều chỉnh mọi hành vi đã thành nếp quen để hoà nhập, để chiều chuộng cái nửa...thế gới của nhau, cho cuộc đời thêm đẹp, thêm vui, thêm nồng đượm: "Chị cố trẻ lên cho kịp với chồng/Búi tóc sau đầu bất ngờ xổ tung/Để chảy xuống cái thời hai mươi tuổi/Anh lặng người ngắm chị hồi xuân/Anh cố già đi cho chị yên tâm/Không dám vô tư một mình ngồi hát/không dám cười trước lời vợ khóc/Ngoài bốn mươi cũng ước có con trai/Cũng ngả nghiêng để chạm những lời mời/Cũng ngược xuôi sắm áo dành tặng mẹ/Cũng vay mượn làm một lần giỗ bố/Cũng đi mừng cầm lời chúc trên tay/Anh cố già đi trong lo lắng từng ngày/Càng nguỵ trang càng lộ còn trẻ lắm/Chị siêng năng suốt đời làm vợ lính/Anh vụng về sao chỉ sống một mình".
Cuộc đoàn tụ nào của người lính đang tại ngũ cũng rồi lại có lúc chia tay, nhưng cái cảm nhận của Người ở lại mới tuyệt vời làm sao? Mới kỳ diệu làm sao?
"Thêm những buổi chiều chị lại xa anh
"Trăng tròn quá cả những đêm có giặc
"Chị nhận ra điều yên tâm nhất
"Không người lính nào già đâu"
Không người lính nào già đâu? là thông điệp của nhà thơ gửi tới những người yêu, người thân thương của lính. Vâng, không người lính nào già đâu? Họ bao giờ cũng là niềm vui, niềm tin và hy vọng? Và trong tâm tưởng mọi người bao giờ NGƯỜI LÍNH cũng đồng nghĩa với MÙA XUÂN !
Bài thơ này hồi kết có hậu, nếu tay bút không "vững" dễ sa vào tụng ca một chiều, ít sức thuyết phục, hấp dẫn? Anh như cầu thủ có "hạng" dẫn bóng lắt léo dọc đường biên rồi bất ngờ đưa bóng lẹ làng vào lưới...thơ. Làm được như thế quả không dễ chút nào!
Kim Diệu Hương