Khi viết bài thơ này, tác giả chắc còn rất trẻ và chưa phải đã quen thuộc với thơ ca.

Bài thơ có chỗ còn hơi vụng về, câu chữ chưa thật nhuần nhuyễn, nhưng toát lên một sức sống mãnh liệt, một tình cảm cháy bỏng, trẻ trung, nguyên sơ, thô nháp.

Tác giả không đồng ý với so sánh tình yêu như vỏ và que diêm:

Bởi que diêm chỉ một lần sáng loé
Còn vỏ bao cháy đến trăm lần.
Và cũng thêm lý do này nữa:
Bởi cái ngắn ngủi khác xa cái còn mãi mãi
Mà tình yêu cần đi suốt cuộc đời.
Như thế, bắt nguồn từ một nhận thức về tình yêu, tác giả đã biết xoáy vào hình tượng que diêm và vỏ diêm để bày tỏ nỗi lòng mình. Và đó là một nỗi lòng đầy trách nhiệm, đầy đam mê. Dám yêu và dám đốt cháy hết một lần cho tình yêu đích thực:
Nhưng em sẵn sàng làm chiếc que
Dám đốt cả trái tim diêm sinh bé xíu
Hình ảnh chiếc đầu que diêm được nhìn nhận như trái tim bé xíu quả là một sáng tạo đáng trân trọng. Nó làm cho que diêm sống động hẳn lên. Cách nhìn được như thế hẳn không phải nhìn bằng mắt!

Yêu mến, trân trọng que diêm “sáng loé một lần” bao nhiêu thì tác giả khinh ghét, rẻ rúng sự “lấp lánh” “đến trăm lần” ở “phần sẫm nơi vỏ kia”!
Nơi hết lần này đến lần sau lấp lánh
Rất đa tình rồi phụ bạc như không.
Cái được và mất không tính theo thời gian. Một giây - là cả cuộc đời. Tham lam nhiều hoá ra nhạt nhẽo cả thôi!
Chứ yêu nhiều, bạc phếch có gì đâu!
Một nhận xét, hay là lời chê trách? Thật thảm hại cái hình ảnh và mầu sắc vỏ diêm sau bao lần “lấp lánh”!

Với tình cảm chân thật và đam mê cháy bỏng, tác giả dường như đã hoá thân thành que diêm. Và que diêm đó sáng chói chân lý của tình yêu đích thực: Đó là sự hết mình.

Hoá ra, vấn đề “bàn thêm” của bài thơ lại trở thành chủ đề chính. Phủ nhận so sánh diêm và vỏ diêm với tình yêu hoá ra lại làm cho tình yêu được nhìn nhận sáng rõ hơn qua chiếc que diêm nhỏ bé mà có trái tim với những vết xước sau một cuộc tình nơi vỏ diêm trăm lần lấp lánh...

Cái “đắt”, “độc” của bài thơ cũng còn là ở đó nữa.


Phạm Đức
tửu tận tình do tại