Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 06/08/2022 12:49, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Admin vào 23/08/2022 22:59, số lượt xem: 163

Mùa xuân năm ấy bên chiến hào,
Mây bay vần vũ, gió thét gào.
Hoa mai rũ cánh trên vai áo,
Anh bỏ hờn xưa trút chiến bào.

Mạt lộ anh hùng biết sống sao,
Loạn thế giai nhân chọn lối nào?
Chấp nhận kiếp hàng thần lơ láo,
Hay là ẩn dật chốn non cao?

Quẳng qua một bên khối tự hào,
Không còn quay quắt sống chiêm bao,
Bỏ phố về quê cày miếng ruộng,
Hết ngày hắng giọng hát nghêu ngao.

Cứ tưởng đổi đời dễ lắm sao?
Vần công, hợp tác chuyện năm nào,
Gõ kẻng đi làm (1) mà đói mãi,
Vợ rên, con khóc, chỉ muốn gào!

Túng thế làm liều đâm cú lao,
Buôn lậu (2) cà phê bán giá cao,
Cố gắng chuyển hàng sang huyện khác,
Công thành tiền sẽ sẵn tay trao.

Trời! Buôn hàng cấm (3) khó biết bao?
Bộ đội, công an, du kích vào,
“Tất cả xuống xe... Chờ kiểm soát.”
“Gạo, bắp, trà ư? Thu hết nào!”

Hàng mất hết rồi vẫn ước ao,
Chẳng ai giúp đỡ được mình sao?
Thế là hết vốn còn tay trắng,
Đời mình sao lắm nỗi lao đao!

Anh lại về xoay với ruộng đồng,
Làm cùng tập thể đổi vần công,
Một năm hai vụ không lo đói,
Cải thiện bán buôn hàng rau xanh.

Cứ thế thời gian trôi qua nhanh,
Chuyển từ độc canh sang luân canh,
Thị trường mở cửa (4) hàng phong phú,
Đất nước chuyển mình dân ấm no.

Từ nay nhất quyết chẳng nằm co,
Chồng vợ chuyên cần sẽ phát to,
Vườn cây, ao cá, chăn nuôi vững,
Thành quả tăng đều thoả ước mơ.

Đời còn cực nhọc có là thơ,
Canh hai phải dậy giữa đêm mờ.
Vợ chồng quang gánh quay như vụ,
Xoay giao hàng đủ kẻo xe chờ.

Việc không phạm pháp chẳng làm ngơ,
Phấn đấu ngày đêm chẳng biết giờ,
Ba chục năm ròng luôn phấn đấu,
Nuôi con khôn lớn học thành tài.

Các con xứng đáng phận làm trai,
Phụ đỡ mẹ cha kế sinh nhai,
Phận gái việc nhà không quản ngại,
Đồng lòng gầy dựng xây tương lai.

Con ngoan cha mẹ đỡ quan hoài,
Dẫu phải bôn ba thân mệt nhoài,
Về nhà lớn nhỏ đều nên nết,
Tâm an trí sáng hết ưu phiền.

Dựng vợ gả chồng đã đến phiên,
Thương ai cha mẹ ráng lo liền,
Từng anh, từng chị nên duyên phận,
Nhà cửa, bạc tiền, ăn ở yên.

Nội ngoại hai bên cũng hữu duyên,
Chăm lo con cháu nối ba miền,
Còn thêm một mối Cali nữa,
Dâu hiền rể thảo thực phỉ nguyền.

Năm rồi bà nó đã lên tiên,
Bỏ mình đơn chiếc, sầu liên miên,
Trăm năm duyên nợ đâu là hết (!),
Mộng mị đôi lần thẹn bút nghiên.

Những lúc vui xuân chuyện hàn huyên,
Ôn lại năm xưa sử biên niên,
Tình đời rũ hết qua tay áo,
Bỏ nốt đua chen, mộng vẹn tuyền.

(1) “Ruộng đất, trâu bò, đến cái cày cái cuốc… đều của hợp tác xã. Ai đi cày, ai chăn nuôi, ai đắp bờ, nhổ mạ đều do hợp tác phân công. Mỗi sáng khi tiếng kẻng vang lên, bà con đủng đỉnh ra đồng làm việc, chưa hết giờ làm lại ngóng kẻng ra về. Sau mỗi buổi làm việc, xã viên quay về hợp tác lấy phiếu chấm công, cứ 10 điểm tương đương một công. Ví dụ, cày một sào ruộng được tính 10 điểm, kể cả đắp bờ, nhổ mạ cũng quy ra điểm. “Vì tính công theo kiểu cào bằng nên người dân có tâm lý lười nhác, làm chiếu lệ. Có anh cày một đường bỏ một đường, đắp bờ có khi chỉ be bốn góc rồi về báo cáo lấy điểm”
(2) Thời bao cấp (Từ 1976 đến cuối năm 1986) mọi thứ hàng hoá không phải của ngành thương mại quốc doanh thì đều là hàng lậu.
(3) Lúc đó, hàng hoá được nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, hàng hoá chưa được mua bán tự do trên thị trường, chưa được phép vận chuyển hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác. Ai chuyển hàng hoá từ nơi này sang nơi khác hầu như là bất chính, là hàng cấm hết.
(4) Sau năm 1986, mô hình kinh tế được chuyển đổi từ kế hoạch hoá tập trung sang cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nền kinh tế từng bước được mở cửa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động phát triển kinh tế năng động và hiệu quả hơn.