15.00
Thể thơ: Lục bát
Thời kỳ: Nguyễn

Đăng bởi Vanachi vào 11/11/2005 17:51, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 11/11/2005 17:52

Coi hai thơ ấy tỏ tình,
Thấy trời đất ở trong mình người ta
Cho hay máy tạo chẳng xa,
1600. Âm dương qua lại, trẻ già trong thân.
Tiều rằng: Đạo hữu trước phân,
Mười hai kinh lạc có phần thơ ca.
Còn lo tính thuốc nhiều khoa,
Dẫn kinh mấy vị, hỏi qua chưa rành.
1605. Môn rằng: Học phải có hành,
Hợp coi vị thuốc dẫn kinh cho tường.
Thái dương kinh túc bàng quang,
Kinh thủ tiểu trường, phần biểu nêu tên.
Khương hoạt, Cao bản, dẫn lên,
1610. Hoàng bá dẫn xuống, chớ quên mà lầm.
Trong ấy là kinh Thiếu âm,
Gọi rằng túc thận, thủ tâm hai phần.
Vào trong Hoàng bá, Tế tân,
Khương hoạt, Tri mẫu, về phần thận chuyên.
1615. Thiếu dương kinh hoả biểu truyền,
Túc là phủ đảm, thủ liền tam tiêu.
Sài hồ, Xuyên khung lên điều,
Thanh bì xuống dắt, trị tiêu nhờ chàng.
Trong rắng Túc Quyết âm can,
1620. Thủ mệnh môn hoả, hai đàng kinh đi.
Sài hồ, Xuyên khung, Thanh bì
Tuy chia biểu lý, cũng y một đường.
Dương minh kinh túc vị hương,
Kinh thủ đại trường, chỗ chứa đồ ăn,
1625. Thăng ma, Bạch chỉ, Cát căn,
Thạch cao lên xuống, nêu rằng dẫn kinh,
Phần trong là Thái âm kinh
Túc tỳ, thủ phế, hai tình cũng y.
Bạch thược, Thăng ma vào tỳ,
1630. Cát cánh, Bạch chỉ, Thung đi phế đình.
Ấy đều vị thuốc dẫn kinh,
Trong ngoài nhận chứng cho tinh khỏi lầm.
Ngư rằng: Ba dương, ba âm,
Sáu kinh dón lại chứng làm dường nào?
1635. Môn rằng: Bệnh mới cảm vào,
Sáu kinh kiến chứng, xưa rao rõ ràng.
Thái dương phát nóng, ghét hàn,
Cứng đơ xương sống, đau ngang lưng quần.
Thiếu dương nóng lạnh không chừng.
1640. Tai bùng, miệng đắng, ẩu lừng nách hông.
Dương minh nóng khát nước sòng,
Mũi khô, mắt nhức, ngồi chong chẳng nằm.
Lại thêm ỉa bón hãn dầm,
Ngầy xem ban mọc, da ngâm nước vàng.
1645. Thiếu âm họng lưỡi khô khan,
Nóng lòng thèm nước dựa màn nằm co,
Quyết âm gân giật, hung no,
Lưỡi cong, dái thụt, môi lò sắc xanh.
Thái âm đau bụng no cành,
1650. Ỉa không, khát nước, nóng hình chân tay.
Âm dương các chứng tỏ bày,
Lại còn hợp bệnh, lâu ngày truyền kinh.
Trong ngoài nhận chứng chẳng tinh,
Mang câu “dẫn khấu nhập đình”, tội to.
1655. Học y muốn khỏi tội to,
Hợp kinh mấy chứng phải dò căn nguyên.
Sẵn lời ca quyết thầy truyền,
Ta xin thuật lại người biên giúp đời:

Tam dương kinh kiến chứng tổng quyết
(Khái quát về triệu chứng các bệnh thuộc ba dương kinh)
Dịch nghĩa:
Phát nóng, sợ rét, lưng và xương sống đau (Thái dương).
Mắt đau, mình nóng, trong mũi khô (Dương minh).
Tai ù, miệng đắng, cổ oẹ khan.
Nóng rét liên tiếp xen kẽ nhau, dưới hông đau ê (Thiếu dương).

Tam âm kinh kiến chứng tổng quyết
(Khái quát về triệu chứng các bệnh thuộc ba âm kinh)
Dịch nghĩa:
Tay chân nóng hâm hấp, lúc lúc lại đau bụng. (Thái âm).
Đi lỵ mà không khát nước, vốn là tạng bị hàn (Thái âm).
Mạch trầm, sợ khô, vốn liên quan với thận,
Uống ừng ực, cổ khô, nước dãi ít (Thiếu âm).
Gân rút, môi xanh, tứ chi đau,
Tai ù, luỡi cuốn lại thụt dái (Quyét âm).

Lưỡng cảm chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh lưỡng cảm)
Dịch nghĩa:
Chứng thương hàn lưỡng cảm nửa âm nửa dương,
Lúc bắt đầu, đầu nhức chịu không nổi.
Trong người bứt rứt, miệng khô, hay khát nước,
Vốn là do thận và bọng đài cùng bị bệnh.

Lưỡng thương bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng bệnh lưỡng thương)
Dịch nghĩa:
Nguyên là Thái dương và Dương minh cùng bị bệnh,
Bệnh cả hai kinh dồn lại làm một.
Nếu còn chứng về Thái dương thì nên làm ra mồ hôi (phát hãn),
Nếu không còn chứng về Thái dương thì nên dùng phép hạ (xổ).

Biểu bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng các bệnh thuộc biểu)
Dịch nghĩa:
Phát nóng, sợ rét là chứng biểu,
Mạch Phù, đau mình là thuộc kinh Thái dương.
Sợ rét ấy là biểu hư,
Dùng thuốc phát biểu nên xét rõ nặng nhẹ.
Mùa xuân, dương khí còn kém và yếu,
Nếu dùng thuốc phát hãn (làm ra mồ hôi) quá thì âm sẽ thắng,
Mùa đông, dương khí nấp sâu ở trong thì phát hãn là đúng.
Nếu dùng thuốc nhẹ thì bệnh không khỏi.

Lý bệnh chứng ca
(Bài ca về triệu chứng các bệnh các bệnh thuộc lý)
Dịch nghĩa:
Mạch của chứng lý, Trầm mà Hoạt,
Không sợ lạnh chừ, lại sợ nóng,
Lòng bàn tay và dưới bụng mồ hôi dầm dề,
Cổ ráo miệng khô, phân táo kết,
Bụng đầy, bị suyễn, có khi nói sàm,
Đại tiện không đều, càng lúc càng nóng,
Ấy là nóng ở trong, đúng là bệnh lý thực,
Đó là các chứngthuộc kinh Dương minh, nên dùng thuốc hạ (xổ)

Luận biểu lý tạng phủ sở thuộc ca
(Bài ca luận về các bệnh biểu lý thuộc tạng phủ)
Dịch nghĩa:
Các chứng bệnh ở bọng đái, dạ dày và mật thuộc về dương,
Các chứng bệnh ở lá lách, thận và gan thuộc về âm,
Mạch Phù, Trường, Huyền thuộc dương, mạch Tế, Trầm, Vi, Hoãn thuộc âm.
Trước hãy xem mạch và chứng thuộc về biểu hay lý.