Lục Vân Tiên,
Dương Từ - Hà Mậu và
Ngư Tiều vấn đáp y thuật là ba tác phẩm chánh của Đồ Chiểu. Ba tác phẩm ấy là ba tia nháng của một khối nhiệt thành vì đạo nho, phóng ra trong ba thời kỳ, thành ba sắc tướng.
Lục Vân Tiên ra đời buổi nước nhà còn yên ổn, cho nên ý văn không thấy cảm về thời thế, chỉ thấy xót về thân thế. Với
Dương Từ - Hà Mậu, cuộc biển dâu đà chan nhãn, song le Đồ Chiểu còn tràn trề hy vọng cứu thời, cho nên lời văn hăng hái chiến đấu. Đến
Ngư Tiều vấn đáp y thuật thời sự đã dĩ nhiên, không làm sao được nữa - Đồ Chiểu đành trông nơi y thuật cứu dân đỡ khổ tật bệnh mà thôi. Nơi truyện này, văn thoát tục và thoát trần (manh nha từ truyện Lục Vân Tiên) đã hoàn toàn bộc lộ.
Ấy, ba truyện, ba vẻ, nhưng chỉ một mạch, một dòng. Duy cái dòng ấy cũng như dòng sông mãnh liệt trên nguồn, càng lần xuống càng dịu, cho đến khi tới đồng bằng, thời lờ đờ, rồi xuôi ra biển cả mà mất luôn dưới những đợt sóng đùng đùng bất tuyệt từ xa rượt đuổi nhau cuồn cuộn nhau lướt vào.
Ngư, Tiều ở
Lục Vân Tiên, ở
Dương Từ - Hà Mậu còn sinh nhai với tay lưới ngọn rìu. Ngư, Tiều trong
Ngư Tiều vấn đáp y thuật đã rủ nhau giẹp nghề mà sắm lấy dao cầu. Ông Quán trong
Lục Vân Tiên còn thương còn ghét. Lão Nhan Tứ Thất trong
Dương Từ - Hà Mậu còn chỉ đục ngục thiên đàng. Kỳ Nhân Sư trong
Ngư Tiều vấn đáp y thuật thời hết tưởng đến việc đời “Xông hai con mắt bỏ liều cho đui” để giữ lấy lòng đạo mà thôi.
Nỗi lòng Đồ Chiểu ai người hiểu chăng? Nỗi lòng ấy, đừng tìm riêng trong truyên Lục Vân Tiên, mà phải tìm khắp tác phẩm Đồ Chiểu. Văn chương Đồ Chiểu cũng không trổ hết trong Lục Vân Tiên. Đồ Chiểu không làm văn để làm văn. Trong
Ngư Tiều vấn đáp y thuật cụ nói:
Ở đây nào phải trường thi,
Ra đề hạn vận một khi buộc ràng?
Trượng phu có chí ngang tàng.
Đại để Đồ Chiểu có văn là có ý, có chí, không cầu chải chuốt giồi mài cho đẹp, vì đẹp. Tuy nhiên, hãy đọc
Dương Từ - Hà Mậu, cũng thấy lắm câu hay. Như hỏi tuổi người gái sang trọng:
Chưa hay hai gái hoa tươi,
Đứng trong đào liễu đua cười mấy xuân?
Tả cảnh vang bóng thái bình, thời:
Ven gành một nhắm hắt hiu,
Tiếng ngư trong núi, bóng tiều ngoài khơi!
Còn sánh với câu
Chinh phụ ngâm:
Sầu ôm nặng hãy chồng làm gối,
Muộn ôm dày hãy thổi làm cơm.
Câu văn của Đồ Chiểu rút gọn mà không kém bề hay:
Xiết bao gió chớp mưa luồn,
Chất sầu làm gối, nấu buồn làm cơm!
Về chuyện thiên đàng địa ngục trong truyện
Dương Từ - Hà Mậu hoặc có người cười dị đoan. Nhưng đấy chẳng qua là tư tưởng chung của người mình ở thời xưa mà nay cũng chưa quên hẳn. Vả xem Tây phương thi sĩ cũng cho vào tưởng tượng chuyện địa ngục thiên đàng, để tượng trưng ý tứ. Như
Divine Comédie của Dante,
Faust của Goethe. Gần đây ở ta, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu có thơ hầu trời trong
Khối tình con, rồi lại trong
Giấc mộng con thứ hai còn lên trời gặp bao nhiêu là danh nhân ở hạ giới.
Về truyện
Dương Từ - Hà Mậu, ông giáo Nguyễn Văn Nghĩa có viết trong báo Việt Nam, xuất bản ở Sài Gòn, ngày 14-12-1936: “Khi cụ Đồ Chiểu mù, ở lại Tân Thuận Đông, tổng Dương Hoà Hạ trong hai ba năm, nơi nhà ông bạn, ông nhiêu Lê Quang Thịnh (tên này là tên ở trong làng: khi đi thi người ta không kêu là Lê Quang Thịnh, mà kêu là Nhiêu Cơ); ở đấy muốn vui lòng ông bạn, luôn tiện để bênh vực đạo nho, cụ Đồ đọc quyển
Dương Từ - Hà Mậu cho ông Nhiêu Cơ chép.” Ngoài lời trên đây của ông giáo Nguyễn Văn Nghĩa, chúng tôi chưa thấy ở đâu có chỉ dẫn rõ ràng hơn nữa về bổn truyện này.
Ngoài bản quốc ngữ của ông Nhiêu Cơ, chúng tôi có được xem bản nôm của ông Hồ Văn Lân, ở Cần Giuộc (Chợ Lớn). Bên trong còn nhiều nơi bất ổn, chúng tôi chẳng hài lòng. Nhưng chưa có may nào thấy được bản khác để mong lấy ở số nhiều giảm bớt sai ngoa, nên chúng tôi phải tạm trình bản sao lục này dưới mắt xanh của thức giả, cầu phủ chánh cho.