Khi một người khởi tự số không.
Khi một người bắt đầu với hai bàn tay,
Trống trơn, nhưng sạch,
Khi một người đi dựng xây thế giới,
Người đó bắt đầu trước hết từ chính mình
Với niềm tin có sẵn trong tim –
Sức là đây,
Ý chí là đây,
Để dựng xây.

Trước hết trong lòng là ước mơ
Rồi tâm trí mới tìm đường thực hiện.
Mắt y nhìn ra thế giới,
Thế giới rừng cây hùng vĩ,
Thế giới đất đai bao la,
Thế giới sông ngòi.

Mắt nhìn thấy kia bao vật liệu xây dựng,
Cũng thấy những khó khăn, trở ngại.
Bàn tay tìm dụng cụ đốn cây,
Cày đất và gò sức mạnh những dòng nước.
Rồi bàn tay tìm những bàn tay khác góp sức vào,
Một cộng đồng những bàn tay giúp đỡ —
Như thế, giấc mơ đâu còn là giấc mơ riêng lẻ một người,
Nhưng đã trở thành một giấc mơ cộng đồng.
Không phải riêng giấc mơ tôi, mà giấc mơ chúng ta rồi đấy.
Không phải thế giới riêng tôi,
Nhưng là thế giới của bạn và của tôi,
Thuộc về tất cả những bàn tay xây dựng.

Một thuở xưa, nhưng chẳng quá xa xưa,
Những con tàu vượt biển,
Mang theo kẻ Hành hương và khấn nguyện,
Kẻ phiêu lưu và kẻ cầu tài,
Kẻ tự do và kẻ ở đợ,
Kẻ nô lệ và chủ nô, tất cả mới tinh –
Cho một thế giới mới, America!

Buồm lộng gió những con tàu galleon
Chở đến đàn ông đầy giấc mơ, đàn bà đầy giấc mơ.
Trong toán nhỏ cùng nhau,
Lòng vươn tới lòng,
Bàn tay vươn tới bàn tay,
Họ bắt đầu xây dưng quê hương ta.
Có những bàn tay vốn đã tự do
Thì kiếm tìm tự do lớn lao hơn nữa.
Có những bàn tay tá điền
Thì hi vọng có ngày tìm được tự do,
Có những bàn tay nô lệ
Thì ấp ủ trong tim hạt giống tự do.
Dẫu thế nào nhưng tiếng ấy luôn ở đó:
TỰ DO.

Ăn xuống đất sâu là chiếc cày
Trong tay tự do và tay nô lệ,
Trong tay tá điền và tay kẻ phiêu lưu,
Lật xới đất mầu là chiếc cày trong lắm bàn tay
Đã cấy trồng và gặt hái ngô khoai để nuôi ăn
Và bông đay để cho mặc America này.
Bổ vào cây là chiếc rìu trong những bàn tay
Đã đốn và tạo hình những nóc nhà của Mỹ.
Toé nước biển sông là những thân tàu
Đã dời chuyển nước Mỹ.
Nghe vi vút là đường roi vung xua đàn ngựa
Qua những bình nguyên nước Mỹ.
Bàn tay tự do, bàn tay nô lệ,
Bàn tay tá điền, bàn tay phiêu lưu,
Bàn tay da trắng và bàn tay da đen,
Nắm vững cán cày,
Cán rìu, cán búa,
Hạ thuyền và quất ngựa,
Đã nuôi nấng, chở che, di dời nước Mỹ.
Và như thế cùng nhau bằng sức lao động
Những bàn tay này đã làm nên nước Mỹ.
Lao động! Có lao động mới có xóm làng
Và phố xá trở thành đô thị.
Lao động! Có lao động mới có thuyền chèo,
Mới có thuyền buồm và tàu hơi nước,
Đến những cỗ xe thồ, xe tứ mã,
Nhờ lao động mới làm nên nhà máy,
Nên những lò đúc, nên những đường rây,
Mới có quán, chợ, tiệm và cửa hàng bách hoá,
Mới có sản phẩm hùng mạnh, đúc, chế,
Bán trong tiệm, chất trong kho,
Tàu đưa đi khắp thế giới.
Nhờ lao động – những bàn tay trắng tay đen –
Mới có ước mơ, sức mạnh, chí bền,
Và đường lối dựng xây nước Mỹ.
Giờ đây mới có Tôi đây và Bạn đó.
Giờ đây mới có Manhattan, có Chicago,
Seattle, New Orleans,
Có Boston và El Paso--
Giờ đây mới có U.S.A Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Một thuở xưa, nhưng chẳng quá xa xưa, một người nói rằng:

MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG…
TẠO HOÁ ĐÃ BAN CHO HỌ NHỮNG QUYỀN BẤT KHẢ NHƯỢNG…
TRONG ĐÓ CÓ QUYỀN SỐNG, QUYỀN ĐƯỢC TỰ DO VÀ QUYỀN MƯU CẦU HẠNH PHÚC.

Người ấy tên là Jefferson. Thuở ấy cũng có nô lệ.
Nhưng tận đáy lòng người nô lệ vẫn vững tin ông,
Và lặng lẽ đinh ninh
Những gì ông nói đó cũng là bao gồm cả họ.
Một thuở xưa,
Nhưng chẳng quá xa xưa, Lincoln đã nói:

KHÔNG AI ĐỦ TỐT LÀNH
ĐỂ CAI TRI MỘT NGƯỜI KHÁC
MÀ KHÔNG ĐƯỢC Y ĐỒNG Ý.

Thuở ấy cũng có người nô lệ
Nhưng trong lòng người nô lệ biết rằng
Những gì ông nói ra phải bao gồm cho mọi con người—
Bằng không thì đối với bất cứ ai lời nói này cũng trở thành vô nghiã.
Rồi có người lại nói:

THÀ CHẾT TỰ DO
CÒN HƠN SỐNG NÔ LỆ

Ông là một kẻ da màu và từng là nô lệ
Nhưng ông chạy về với tự do.
Và mọi người nô lệ biết rằng
Frederick Douglass nói lên điều ngay lẽ thật.
Cùng John Brown ở Bến đò Harpers, những người Da đen đã chết.
Rồi John Brown bị treo cổ.
Trước Nội chiến, những ngày u ám,
Mà nào ai dám chắc
Đến bao giờ tự do mới thắng lợi,
“Biết có thắng chăng,” có người băn khoăn.
Nhưng có người vẫn thấy được rằng tự do nhất định sẽ thành công.
Giữa những ngày u ám đó,
Ấp ủ trong lòng hạt giống tự do,
Người nô lệ tạo nên bài hát:

GIỮ VỮNG TAY CÀY! GHÌ CHO CHẶT!

Từ chiến tranh, Tự do tới, máu me và khủng khiếp!
Nhưng nó tới!
Có một số người, bao giờ cũng thế,
Không tin cuộc chiến sẽ kết thúc đúng đắn,
Không tin người nô lệ sẽ được tự do,
Hay liên bang có cơ đứng vững.
Nhưng bây giờ chúng ta đã rõ rốt cuộc thế nào.
Từ những ngày vô cùng đen tối cho một nhân dân và cho một đất nước,
Kết cuộc ra sao nay ta đã thấy.
Ánh sáng bừng lên, mây chiến trận cuốn đi.
Đất nước núi rừng lại bao la hùng vĩ,
Và con dân chung lòng thành một quốc gia.

Mỹ quốc là một giấc mơ.
Nhà thơ nói Mỹ đã là hứa hẹn.
Nhân dân nói Mỹ vẫn còn đầy hứa hẹn – sẽ thành hiện thực.
Nhân dân không luôn luôn hô hào lớn tiếng,
Cũng không ghi lên giấy điều nọ điều kia.
Nhân dân thường ôm ấp
Tư tưởng lớn ở tận đáy lòng
Và đôi khi chỉ vụng về biểu lộ,
Ngập ngừng và vấp váp nói ra,
Và thực hành có khi sai sót.
Người dân không phải lúc nào cũng thông cảm nhau.
Nhưng, đâu đó,
Vẫn luôn có sự cố gắng cảm thông,
Và sự cố gắng nói rằng:
“Bạn cũng là người. Cùng nhau, chúng ta dựng xây đất nước.”

Mỹ quốc ơi!
Đất tạo dựng chung,
Nuôi giấc mơ chung,
Bạn giữ vững tay cày, ghì cho chặt!
Nếu ngôi nhà chưa được hoàn thành,
Đừng nản chí, hỡi người xây cất!
Nếu trận đánh chưa đến thắng lợi,
Đừng nản chí hỡi người chiến sĩ!
Kế hoạch sẵn sàng, khuôn mẫu là đây,
Tự ban đầu sợi dọc sợi ngang đã kết thành nước Mỹ:

MỌI NGƯỜI SINH RA ĐỀU BÌNH ĐẲNG.

KHÔNG AI ĐỦ TỐT LÀNH
ĐỂ CAI TRI MỘT NGƯỜI KHÁC
MÀ KHÔNG ĐƯỢC Y ĐỒNG Ý.

THÀ CHẾT TỰ DO
CÒN HƠN SỐNG NÔ LỆ.

Ai đã nói những điều ấy? – Người Mỹ.
Ai là chủ của những lời nói ấy? – Nước Mỹ.
Ai là Nước Mỹ? — Bạn, tôi.
Chúng ta là nước Mỹ!
Với kẻ ngoại thù muốn chinh phục chúng ta,
Chúng ta cương quyết nói KHÔNG.
Với kẻ nội thù muốn chia ta để trị,
Chúng ta cương quyết nói KHÔNG.

TỰ DO!
HUYNH ĐỆ!
DÂN CHỦ!

Đối với kẻ thù của những từ vĩ đại ấy,
Chúng ta nói, KHÔNG!

Một thuở xa xưa,
Một đám dân nô lệ hướng đến tự do
Đã làm ra bài hát:
Giữ vững tay cày! Ghì cho chặt!
Chiếc cày đó đã mở ra luống mới
Băng cánh đồng lịch sử.
Vào luống đó, hạt giống tự do đã được gieo trồng.
Từ hạt giống kia, một cây đã mọc, đang mọc, sẽ mọc mãi.
Cây ấy cho mọi người,
Cho toàn nước Mỹ, cho cả hoàn cầu.
Xin lá cành toả rộng, che chở thêm
Cho mọi giống mọi dân được biết bóng mát.

GIỮ VỮNG TAY CÀY! GHÌ CHO CHẶT!