☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Đăng bởi
Cammy vào 25/06/2008 01:14
Nhan đề bài thơ Bóng đã là một sự gợi mở. Đây là bóng đa, bóng trúc sau hè hay bóng ai? Hoá ra là bóng của con người; bóng của chính mình, bóng của người khác?
Bài thơ có 5 khổ, được đánh số thứ tự. Người đọc có cảm giác như 5 bài thơ kiểu hai-ku của Nhật Bản được xếp gần nhau vì cùng chủ đề; hoặc như 5 đơn vị ngắn nhất của ca dao. Đó cũng là sự cách tân về mặt hình thức. Nhưng điều quan trọng hơn là nội dung mà nó chứa đựng. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cũng đã có tập Hoài nghi và tin cậy (Nxb Hội Nhà văn – 2004) với 309 bài, không đầu bài, chỉ có số thứ tự, mỗi bài chỉ từ một đến bốn câu. Với hình thức như thế, bài thơ đã chứa đựng cô đọng nhất những ý tưởng của Hoàng Vũ Thuật. Nhan đề bài thơ Bóng đã là một sự gợi mở. Đây là bóng đa, bóng trúc sau hè hay bóng ai? Hoá ra là bóng của con người; bóng của chính mình, bóng của người khác. Hình tượng nghệ thuật này là một ẩn dụ, nó như một điểm sáng thẩm mỹ cứ láy đi láy lại ở 5 khổ thơ. Đó cũng là những lời độc thoại nội tâm của chính tác giả, nhằm đánh thức tiềm lực suy ngẫm nơi bạn đọc.
Ở khổ một “Hãy để bóng đi theo người thực/ Con người này chỉ có bóng này thôi” là một lời nhận xét mang tính khái quát. Mỗi người đều có một cái bóng của chính mình, phản ánh đúng bản chất của mình. Người ngay trực thì bóng thẳng thắn, kẻ xu nịnh thì bóng khom lưng, người nấp vào ô dù của kẻ khác thì đâu còn bóng của mình nữa… Câu thơ giản dị là thế mà chứa đựng cả một phán xét như chân lý cuộc đời. Bốn khổ còn lại nhằm triển khai bốn ý cụ thể về tình yêu, về sự giận dỗi và nỗi đau, về sự sống và cái chết.
Hai câu thơ tiếp, tác giả ngợi ca một tình yêu đẹp: “Khi hai người yêu nhau/ Họ chỉ còn một bóng”. Có thể xem câu thơ này như một “thần cú”, diễn đạt một điều đơn giản mà ít người nhận ra. Yêu nhau đến độ hoà quyện vào nhau chỉ còn “một bóng” là biểu tượng của một tình yêu nồng nàn và dâng hiến, si mê và đắm đuối, vừa tỉnh lại vừa say, hiện thực là lãng mạn… ở đây, những người đang yêu nhau nồng nàn sẽ tìm được “một nửa” của chính mình. Và đến khi “giận dỗi”, dù trong tình yêu hay trong thế sự, con người lại có sự phân thân, để “bóng vỡ làm đôi”, và nói như Xuân Diệu “anh đi đường anh, tôi đường tôi/ tình nghĩa đôi ta có thế thôi”. Bóng của người nào lại đi theo bóng người ấy. Song cũng có khi trong một con người, hai mặt đối lập như tốt và xấu, đen và trắng, thiện và ác, yêu và ghét, thất vọng và hy vọng… luôn tồn tại bên nhau. Bấy giờ cái bóng vô hình kia của mình cũng bị “vỡ làm đôi” như vầng trăng bị “xẻ làm hai” vậy. Vì thế, anh mới có lời khuyên: “Đừng giận dỗi…”.
Triết lý sống càng được nâng cao với một liên tưởng mới “Nỗi đau buồn của người này/ Là cái bóng của người kia”. Câu thơ tưởng như vô lý nhưng lại rất hữu lý. Nỗi buồn hay niềm vui của một con người có thể lan truyền, tác động tới người khác. Có khi vì cái “bóng” của người kia mà ta buồn. Lại có khi chính sự đau buồn của ta làm nên cái “bóng” của người kia. Câu thơ là một ý tưởng siêu thực bay giữa cõi vi vô, bởi một hình tượng nghệ thuật đa nghĩa.
Năm khổ thơ như ứng với ngũ hành: Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Hoặc như triết lý sống của nhà Phật về cuộc đời của mỗi con người phải trải qua vòng: Sinh, trưởng, lão, bệnh, tử. Cặp câu thứ năm, kết thúc bài thơ, nói về sự già đi và cái chết của con người như một định mệnh, không ai chống lại được: “Tuổi già bóng mãi trẻ/ Người chết bóng sẽ là cánh chim”. Tại sao “tuổi già” mà “bóng mãi trẻ”? Bởi bóng chỉ là ảo ảnh thôi, đâu có tuổi tác, mắt tai, râu tóc cụ thể như con người. Khi mặt trời lặn, trăng khuất, đèn tắt thì bóng cũng chẳng còn. Nhưng đẹp làm sao khi “Người chết bóng sẽ là cánh chim”! Cánh chim bay lên thiên đàng, về chốn vĩnh hằng. Vậy, chỉ có những người sống tốt, sống đẹp với những điều thiện thì khi chết hồn mới được “thăng hoa” về cõi Niết Bàn. Nếu kẻ ấy sống ác với những điều xấu xa, đê tiện thì cả xác lẫn bóng phải đoạ xuống địa ngục. Câu thơ gợi được nhiều tầng liên tưởng.
Bài thơ giản dị mà đằm thắm, sâu lắng với những triết lý về lẽ sống còn của con người. Mỗi câu cô đúc một khía cạnh của chân lý đời sống. Tôi có cảm giác như bài thơ phảng phất một chất Thiền. Sự thành công của Hoàng Vũ Thuật ở kiểu thơ này chính là ở đôi mắt thơ với một góc nhìn nghiêng để triển khai tứ thơ theo chiều nghịch. Những bài thơ như thế ta cứ nhâm nhi sẽ tìm ra bao điều thú vị về nhân tình thế thái.