Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 09/10/2021 22:04, số lượt xem: 515

Xuất thân dòng dõi thông minh,
Coi thường danh lợi rèn mình tài năng
Học thầy Dịch lý Đắc Bằng,
“Thần kinh Thái ất” thầy hằng tặng ông (1).
Thành nhà lý số làu thông,
Giúp ba triều đại thành công cơ đồ.
Thân dân tư tưởng tôn thờ,
Quốc gia dân tộc cần nhờ giúp thôi (2).
Nước nhà loạn lạc chờ thời,
Bỏ nhiều khoa cử tuổi đời bốn lăm.
Trạng nguyên thi đậu liền năm (3),
Bộ hình, bộ lại Thị lang Mạc triều (4),
Mạc Đăng Doanh thịnh trị nhiều,
Đêm không đóng cửa, thóc đều đầy kho (5).
Vua tài tôi giỏi dân no,
Thái Tông mất sớm ông lo về vườn (6).
Chuyên tâm dạy học mở trường,
Khắc Khoan, Hữu Khánh cột rường Lê sơ (7).
Bốn đời vua Mạc đều nhờ,
Lời khuyên sửa trị nước cho an bình (8).
Nguyễn Hoàng hỏi kế cứu mình,
Khuyên về trấn thủ miền kinh Nam hà (9).
Chuyên quyền muốn loại Lê ra,
Trạng khuyên “lấy thóc cũ mà cứ gieo” (10).
“Giữ chùa ăn oản” hưởng theo,
Lê tồn Trịnh tại, bại đèo Trịnh vong.
Năm trăm năm sử Việt dòng,
Những lời tiên đoán đều không sai lời (11).
Thơ văn để lại cho đời,
Nghìn bài thơ Hán, Nôm thời vài trăm.
Bạch Vân quốc ngữ, Hán văn,
Tiên tri sấm ký nôm vần, Hán văn.
Thơ văn thanh nhã bình dân,
Ưu tư thời cuộc dễ gần, tự nhiên (12).

(1) Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cất công vào tận xứ Thanh để tầm sư học đạo. Lương Đắc Bằng từng là một đại thần giữ chức Thượng thư dưới triều Lê sơ, vốn sáng dạ, thông minh lại chăm chỉ học hành nên chẳng bao lâu đã trở thành học trò xuất sắc nhất của người thầy họ Lương. Bởi vậy mà trước khi qua đời, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng đã trao lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm bộ sách quý về Dịch học (Chu Dịch) là Thái Ất thần kinh.
(2) Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bỏ qua tới 9 kỳ đại khoa (trong đó có 6 khoa thi dưới triều Lê sơ). Ngay cả khi nhà Mạc lên thay nhà Lê sơ (1527), xã hội dần đi vào ổn định nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không vội vã ra ứng thí (ông không tham dự 2 khoa thi đầu tiên dưới triều Mạc).
(3) Năm Đại Chính thứ sáu (1535) đời Mạc Thái Tông (Mạc Đăng Doanh) thịnh trị vương đạo nhất triều Mạc, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay Trạng nguyên.
(4) Ông được bổ nhiệm làm Đông Các hiệu thư (chuyên việc soạn thảo, sửa chữa các văn thư của triều đình) rồi sau được cử giữ nhiều chức vụ khác nhau như Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ.
(5) Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận thời thịnh trị của Mạc Thái Tông: “Đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi”.
(6) sự qua đời đột ngột của Mạc Thái Tông vào năm Đại Chính thứ 11 khi mới 41 tuổi (1540) đã kết thúc giai đoạn được coi là thịnh trị nhất dưới triều Mạc đồng thời Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng mất đi một chỗ dựa vững chắc cho việc thực hiện những hoài bão trị quốc của mình.
(7) Năm 1599, vua Lê Kính Tông lên nối ngôi, Phùng Khắc Khoan được thăng làm Thượng thư bộ Công. Năm 1602, thăng ông làm Thượng thư bộ Hộ, tước Mai Quận công. Lương Hữu Khánh đậu cử nhân năm 12 tuổi, đậu thứ 2 thi hội vì bị thiên vị nên ông bỏ, không thi đình dưới triều Mạc Ðăng Doanh mà trốn vào Thanh Hoá theo phò vua Lê., ông là nhân vật trọng yếu của triều đình nhà Lê, có công khôi phục và lập nên nhà Lê trung hưng.
(8) Nguyễn Bỉnh Khiêm nói với sứ giả của vua Mạc: “Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế”.
(9) Nguyễn Hoàng sợ Trịnh Kiểm bức hại đã cho người hỏi Trạng Trình ông nói: “Hoàng sơn nhất đới, khả dĩ dung thân”.
(10) khi nghe sứ giả của họ Trịnh hỏi, Trạng không nói gì cả mà quay sang bảo người nhà:- Năm nay lúa không tốt, vì thóc giống không chắc. Bay nên tìm thóc cũ đem gieo thì tốt.Nói xong, Trạng chống gậy đi dạo. Khách lẽo đẽo đi theo. Đi qua cửa nhà chùa thấy chú tiểu đang chăm sóc cây, như ngẫu nhiên Trạng nói với chú tiểu: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản”. Một lần khác ông cho biết: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”.
(11) Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được Trạng Trình dự báo qua câu thơ: “Đầu Thu gà gáy xôn xao/ Trăng xưa sáng tỏ soi vào Thăng Long”. Ở câu 1, “đầu Thu” là tháng 7 Âm lịch, “gà” nghĩa là năm Ất Dậu, thời điểm sự kiện diễn ra, “gáy xôn xao” nghĩa là có tiếng vang lớn, thức tỉnh muôn người. Ở câu 2, “Trăng xưa” nghĩa là “cổ nguyệt” theo Hán tự, ghép lại thành từ “hồ”, là họ của Hồ Chí Minh. “Sáng tỏ soi vào Thăng Long” là sự kiện Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình của thủ đô Thăng Long – Hà Nội.
(12) Danh sĩ thời nhà Nguyễn là Phan Huy Chú trong bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí ở phần Văn tịch chí nhận xét về thơ văn Trạng Trình: “thanh tao, tiêu sái, hồn hậu, phong nhã, có ý thú tự nhiên”.