Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 17/10/2021 20:42, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Lương Trọng Nhàn vào 18/10/2021 03:28, số lượt xem: 591

Nữ nhi am hiểu binh thư,
Song toàn văn võ, kế mưu trận bày.
Bà là hoàng hậu Vua Mai (1),
Cùng Mai Hắc Đế giúp ngài trong quân (2).
Tống Bình Đường tướng họ Quang.
Thúc Loan đánh dẹp, bỏ hàng ngũ lui (3),
Đường xâm Nhâm Tuất mùa thu (4),
Là Dương Tự Húc giặc thù tấn công,
Quyết tâm giao chiến giặc đông,
Bà cùng quân tướng giao phong tuyến đầu,
Thế cô Tô Lịch chìm châu (5).
Dân Nhân Mục vớt tôn chầu Đại Nương.
Dục Anh đền lập bên đường,
Nhìn sông Tô Lịch phường đương Trung Hoà (6).
Tương truyền Lê Lợi đi qua,
Nghĩ đêm đền Dục chờ ra trận tiền.
Thần về báo mộng giúp liền,
Đuổi xong quân giặc mọi miền hoan ca (7).
Lên ngôi Lê Lợi nhớ bà,
Khiêm Sung tước Đại Vương là sắc phong (8).
Thế là bảy thế kỷ ròng,
Trả xong mối hận non sông giặc Đường (9).

(1) Quý trọng người anh hùng đã cứu đất nước thoát khỏi ách nô lệ, Phùng Hạp Khanh đã đem cháu gái gả cho Mai Thúc Loan. Lúc đó Phạm Thị Uyển vừa tròn 18 tuổi..
(2) Vốn là người có chí khí, văn võ song toàn, am hiểu binh thư, sách lược đánh trận, bà thường bàn luận giúp việc cơ mật cho chồng.
(3) Bà và Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay), Đô hộ nhà Đường là Quang Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống cự lại được, phải bỏ thành chạy về nước. Lực lượng Mai Hắc Đế lúc đó lên tới chục vạn quân
(4) Mùa thu năm Nhâm Tuất (722), Nhà Đường bèn huy động 10 vạn quân do tướng Dương Tư Húc và Quang Sở Khách sang đàn áp. Quan quân nhà Đường tiến theo đường bờ biển Đông Bắc và tấn công thành Tống Bình.
(5) Trong trận quyết chiến ở phủ thành Tống Bình, hoàng hậu Phạm Thị Uyển cũng dẫn đầu một cánh quân thuỷ giao chiến ác liệt với quân địch trên dòng Tô Lịch. Thế giặc mạnh, quân ta bị đuối dần. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn.
(6) Xác bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hoà Mục) thì được nhân dân lén vớt lên chôn cất, rồi lập đền thờ. Đó chính là đền Dục Anh ngày nay nằm trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quay mặt ra sông Tô Lịch ở đoạn gần cầu Trung Hoà.
(7) 7 thế kỷ sau, vào thời nghĩa quân Lam Sơn tiến lên tổng công kích quân Minh, một lần Lê Lợi nghỉ đêm ở miếu Dục Anh được thần báo mộng sẽ âm phù cho quân khởi nghĩa diệt giặc. Vậy là mối thù hơn 7 thế kỷ trước của bà đã có dịp trả khi bà phù giúp Bình Định Vương Lê Lợi đánh tan giặc phương Bắc.
(8) Sau này khi lên ngôi vua, Lê Lợi đã sắc phong cho bà là Khiêm Sung đại vương.
(9) Bà chết năm 722, Khởi nghĩa Lam Sơn năm (1418–1427).