Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 21/04/2008 03:57, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Hoa Xuyên Tuyết vào 21/04/2008 04:05
Khách đến
cứ làm bạn với ghế mây cái đã
chủ nhà lặng im
tiếp sức cho lửa
đón nước và bếp
lửa hát, nước reo, người cất lời
Đỡ lấy cái nhọc đường xa
truyền cái hơi thơm của bản
chén chè đu đưa ấm lòng
bát rượu men rừng mở núi
hỏi thăm bố mẹ gửi tình
hỏi thăm anh em chia phận
lời nói dốc đứng
cử chỉ khúc khuỷu
tình đầy như mây trắng quanh năm
bụng như mùa thu suối sớm
Chén rượu chao mang
nhìn sâu mắt khách
bắt tay nổ đốt
người vùng cao cười
nụ cười em bé trong nôi
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Kim Diệu Hương ngày 21/04/2008 03:59
TRAO ĐỔI VỀ BÀI THƠ “NGƯỜI VÙNG CAO ĐÓN KHÁCH” CỦA LÊ VA- TRONG SÁCH GIÁO KHOA*
Nguyễn Tấn Việt
Đó là bài thơ “Người vùng cao đón khách” của tác giả Lê Va trong tập sách “Các dạng bài tập làm văn và cảm thụ thơ văn lớp 6” do nhà xuất bản Giáo dục xuất bản qua luồng sách tham dự cuộc thi viết sách bài tập và sách tham khảo. Điều đáng bàn ở đây là cách cảm thụ thơ văn của tác giả soạn sách Cao Bích Xuân. Trước khi luận bàn và trao đổi, ta cùng đọc bài thơ “Người vùng cao đón khách”:
Khách đến
cứ làm bạn với ghế mây cái đã
chủ nhà lặng im
tiếp sức cho lửa
đón nước và bếp
lửa hát, nước reo, người cất lời
Đỡ lấy cái nhọc đường xa
truyền cái hơi thơm của bản
chén chè đu đưa ấm lòng
**
bát rượu men rừng mở núi
hỏi thăm bố mẹ gửi tình
hỏi thăm anh em chia phận
lời nói dốc đứng
cử chỉ khúc khuỷu
tình đầy như mây trắng quanh năm
bụng như mùa thu suối sớm
Chén rượu chao mang ***
nhìn sâu mắt khách
bắt tay nổ đốt
người vùng cao cười
nụ cười em bé trong nôi
Sau khi đọc những gợi ý và cả những đáp án cho những gợi ý ấy, tôi- người viết bài này, về chi tiết thì tán thành nhiều điểm với tác giả, nhưng về đại cục thì muốn có một số lời trao đổi với anh. Anh thật có lý khi xếp vào tuyến những biện pháp nhân hoá “lửa hát”, “nước reo” ; vào biện pháp so sánh những “lời nói dốc đứng”, “cử chỉ khúc khuỷu”, “tình đầy như mây trắng quanh năm”, “bụng trong như mùa thu suối sớm”, “ người vùng cao cười, nụ cười của em bé trong nôi”. Tác giả Cao Bích Xuân cũng chỉ ra cách đón khách của người vùng cao: ít nói, cử chỉ và hành động nhiều, chân thực, mộc mạc, hiếu khách... Ngay cả việc tìm ra cách đón khách, tác giả viết sách cùng tỏ ra nắm bắt được một số ý của tác giả bài thơ. Nhưng khi đọc bài thơ và đọc bài viết, lại là bài viết hướng dẫn cảm thụ thơ văn, tôi thấy những gợi ý và đáp án một phía nói chưa đầy đủ, một phía nói không đúng, một phía chưa kể hết các biện pháp nghệ thuật của bài thơ.
?người vùng cao đón khách” là một bài thơ mà biện pháp nghệ thuật bao trùm lên nnó là việc sử dụng ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ bao hàm những biện pháp nghệ thuật nhân hoá, so sánh và những biện pháp nghệ thuật khác như tác giả đã nói. Ngoài những biện pháp tác giả Cao Bích Xuân đã nêu, Lê Va còn sử dụng thủ pháp dựng hình, tức là cách tạo dựng hình tượng, hay còn gọi là nói bằng hình chứ không nói bằng ý:
chén chè đu đưa ấm lòng
bát rượu men rừng mở núi
hoặc:
tình đầy như mây trắng quanh năm
bụng trong như mùa thu suối sớm
Biện pháp thứ hai là biện pháp gợi cảm. Biện pháp này tác giả thơ Lê Va đã tỏ ra đắc địa, anh chỉ gợi ra thôi mà không nói dài dòng:
lời nói dốc đứng
cử chỉ khúc khuỷu
Như vậy trong việc thống kê các biện pháp tu từ nghệ thuật, tác giả không thiếu hai biện pháp không phải là tu từ nghệ thuật, nhưng vấn đề là cảm thụ thơ văn, người gợi ý phải đưa ra được hết các biện pháp nghệ thuật như là tổng hợp các biện pháp ấy để làm rõ cách đón khách của người vùng cao, chủ đề của tác phẩm. Đến đây, người viết bài này muốn nói cụ thể và rõ ràng hơn ý của mình là để cho hoc sinh thấy hết các biện pháp nghệ thuật của tác giả bài thơ, từ đó cảm thụ được bài thơ. Từ hai biện pháp mà tác giả đi đến một cách đón khách của người vùng caonhư ít nói, cử chỉ hành động nhiều, chân thực mộc mạc, hồn hậu, hiếu khách... tức là đi đến chủ đề tác phẩm, thì cách hướng dẫn cảm thụ trên đây chưa hoàn toàn đúng, chưa đầy đủ. Bài thơ “người vùng cao đón khách” trở thành bài thơ hay để học sinh và người đọc có thể cảm nhận được, trước hết phải là bài thơ văn hóa. Từ văn hóa giao tiếp, văn hoá đón khách, tác giả thơ đã phác hoạ được văn hóa của một cư dân, văn hoá của một dân tộc. Chính thế, để làm cho bài thơ thành một bài thơ hay phải làm cho nó thành bài thơ của một nền văn hoá.
Hỏi thăm bố mẹ gửi tình
hỏi thăm anh em chia phận
Có thể nói đây chính là tình huống tác giả Cao Bích Xuân chưa thật hiểu về phương diện văn hoá nên đã gợi ý sai: chủ nhà hỏi thăm bố mẹ, anh em chúng tôi, lời nói trống không nhát gừng, khó nghe, cử chỉ vụng về ... thật là gợi ý nguy hiểm. Quả thật, tác giả bài viết chưa hiểu hai câu thơ này. Thực ra văn hoá uống rượu vùng cao nơi Lê Va sống, thật là chu đáo. Chủ nhà chạm chén với anh, anh phải uống cho mình, chủ nhà lại hỏi thăm bố mẹ anh, anh có bao nhiêu anh em để gửi bấy nhiêu chén rượu mà người khách nhận bằng cách uống thay bố mẹ, anh em mình ở nhà. Về tình huống:
Khách đến
cứ làm bạn với ghế mây cái đã
chủ nhà lặng im...
Cũng xin được nói thêm, cái vùng cao mà Lê Va đề cập đến, khi có khách đến nhà, ngoài những công việc quanh bếp như Lê Va đã nêu và Cao Xuân Bích đã đề cập, có khi chủ nhà vừa đi làm về, quần áo còn lấm láp, chân tay bùn đất, mồ hôi còn nhễ nhại... nên chủ nhà không ra đón khách ngay mà đi vào phía trong bằng cầu thang sau để ruă mặt , chải đầu, thay quần áo sạch rồi mới ra đón khách.
Tình đầy như mây trắng quanh năm
bụng trong như mùa thu suối sớm
...
bắt tay nổ đốt
người vùng cao cười
nụ cười của em bé trong nôi
Đó là nững câu thơ hay nhất trong bài, vừa có tính phổ quát, vừa có tính chi tiết lại được thể hiện bằng cách nói ví von, so sánh giàu hình tượng. Từ những ý niệm người vùng cao đầy đặn trong trẻo, hồn nhiên mà tác giả dựng lên những câu thơ đầy hình tượng để ta như đong được sự đầy đặn ấy, như soi vào được sự trong trẻo ấy, như cảm nhận được sự hồn nhiên ấy. Đó cũng là văn hoá trong cách nói năng của người vùng cao.
Điều sau cùng muốn nói với tác giả Cao Bích Xuân về cách cảm thụ thơ văn, từ việc gợi ý các biện pháp nghệ thuật không đầy đủ, có thể do tự mình chưa cảm thụ hết, đến cách nhận biết sự quan trọng của những yếu tố văn hoá trong một bài thơ đó là yếu tố làm nên cái hay của thơ chứ không phải bằng những biện pháp nghệ thuật tu từ đơn lẻ. Phải chăng bằng cách nhìn chưa đầy đủ mà tác giả có một số gợi ý lầm lỡ đáng tiệc như đã trình bày ở trên.
Người viết bài trao đổi này không thuộc khối nhà trường trong ngành giáo dục nhưng luôn mong muốn những cô giáo, thầy giáo dạy văn cùng trao đổi cách cảm thụ một bài thơ, một vấn đề khó khăn và gai góc không đơn giản chút nào.
NTV
* Bài thơ “Người vùng cao đón khách” của tác giả Lê Va in trong tập sách “Các dạng bài tập làm văn và cảm thụ văn thơ lớp 6” do nhà xuất bản Giáo dục phát hành
** Chè đu đưa: một loại chè cả lá, cả cẫng phơi khô của người vùng cao
*** Chén rượu chao mang, thực ra là chén rượu chào màn thang, chén rượu chia tay.