Sau cái án Hồng Bảo, giọng thơ của Tương An trở nên lâm ly và ý thơ chứa đầy nỗi bi phẫn. Để gói ghém nỗi lòng, ngõ hầu tránh nạn búa rìu của kẻ nắm quyền sanh sát, Tương An đã tạo nên những câu thơ khi thì bóng bẩy xa xôi, khi thì chìm lắng cô đọng. Như:
QUAN CÔNG CƯ TÀO
Tôi chúa đôi phương cảnh quạnh hiu,
Cũng vì một chút nghĩa liu điu.
Ơn Tào dẫu chất nghìn cân nặng,
Nợ Hán còn mang một gánh trìu.
Đuốc ngọc canh khuya trời một góc,
Vườn đào thề cũ ruột trăm chìu.
Ví ai muốn thấu nguồn cơn ấy
Xin hỏi chàng Trương nỗi khúc khiu.
Bài này hay nhất là cặp luận: Lời óng chuốt, tình sâu đậm, sức truyền cảm mạnh mẽ, nhưng dụng ý kín nhẹm, hiểm hóc, cay độc thì là cặp trạng và chuyển kết.
Ơn Tào dẫu chất nghìn cân nặng,
Nợ Hán còn mang một gánh trìu.
Lời nghe nhẹ nhàng, đọc qua khó thấy được hậu ý. Nhưng dừng nghĩa lại, và tự hỏi:
- Tào là ai? Hán là ai?
Có phải:
- Tào là kẻ đoạt quyền? Hán là kẻ thất thế? Mà kẻ đoạt quyền lúc bấy giờ có ai khác hơn vua Tự Đức, và kẻ thất thế có ai khác hơn là hoàng tử Hồng Bảo, kẻ đáng được làm vua mà bị truất ngôi!
Câu ấy cho người đọc thấy rõ Tương An đem lòng thương tiếc Hồng Bảo và tỏ ý oán trách Tự Đức, coi Tự Đức là kẻ soán nghịch như Tào A Man.
Còn câu:
Ví ai muốn thấu nguồn cơn ấy,
Xin hỏi chàng Trương nỗi khúc khiu.
Có người cạn cợt chê rằng “lầm lấy rồi”. Thật ra thì là một câu rất hiểm độc.
Trước hết thử hỏi:
- Chàng Trương đây là ai?
Có người không nghĩ kỹ đáp rằng là Trương Phi. Nói thế là sai, vì lúc Quan Công ở với Tào Tháo, Trương Phi đâu có đó mà rõ được sự tình? Chàng Trương đây là Trương Liêu vậy. Và chính Trương Liêu đã bày mưu cho Tào Tháo biệt đãi Quan Công, hầu mong lấy tình để cầm chân người trọng nghĩa, Trương Liêu đã hiểu thấu đáo cảnh ngộ cùng tâm sự của họ Quan.
Đó là “chàng Trương” về nghĩa đen. Còn về nghĩa bóng thì là Trương Đăng Quế.
Trương Đăng Quế được phong tước Quận công [1], đứng đầu triều, có thế lực, được xuất nhập bất cấm nơi cung điện nhà vua. Có dư luận rằng Hồng Nhậm cũng do họ Trương mưu sử. Nhưng mọi việc đều ở trong vòng bí mật.
Ví ai muốn biết nguồn cơn ấy
Xin hỏi chàng Trương nỗi khúc khiu.
Giá một nơi đánh một ngả, đương sự dù biết thấu cũng đành ngậm đắng nuốt cay.
Bài này chắc chắn Tương An làm sau khi Tự Đức lên ngôi và trước khi Hồng Bảo bị nạn. Cho nên giọng văn chưa phải là tiếng đau thương của con người tuyệt vọng. Trong ánh “đuốc ngọc canh khuya” còn hé đôi tia hy vọng, hy vọng được gặp lại Lưu Hoàng Thúc, hy vọng thực hiện được lời thề “đồng sanh đồng tử” chốn đào viên. “Người còn thời của vẫn còn”.
[1] Triều Nguyễn chỉ Trương Đăng Quế được ba nhất: - Tước Quận công. - Diệu hàm cầu chánh. - Cung hàm Thái tử Thái sư. Còn những người khác như Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hiển Bắc… đều chỉ hai là: Quận công, cầu chánh còn cung hàm đều chỉ Thái tử Thái phó.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]