Thơ hay mỗi bài hay một vẻ. Xem thơ mỗi người thích mỗi cách. Cho nên bảo “thích bài nầy hơn bài kia” không phải bảo rằng bài mình thích hay hơn những bài mình không thích hay ít thích. Không phải bảo rằng bài nầy hơn bài kia.
Thơ bà Huyện Thanh Quan hầu hết đều trang nhã đài các, bài nào cũng có cốt cách Thịnh Đường, như trên đã nói: giàu âm nhạc, giàu hình ảnh và sức truyền cảm, sức hấp dẫn vừa mạnh vừa bền. Đọc rồi vẫn còn dư vị, đọc nữa vẫn thấy thích thú.
Cũng như các bài khác, bài Chiều Hôm có “Nội vị chi vị, ngoại huyền chi thanh”. Nhưng lấy chỗ hồn thành mà luận thì phải để bài Chiều Hôm ở hàng đầu.
Bài nầy là một bài thơ cảnh, nhưng cảnh đả biến thành tình, tình đã hợp nhất cùng cảnh. Ngoại cảnh chỉ là hình ảnh của nội tâm, mỗi nét ở bên ngoài là một dáng dấp ở bên trong. Nói một cách khác là bức cảnh chiều hôm nhuốm đậm sắc thái tâm hồn của tác giả. Đó là nỗi lòng của người lữ thứ trước cảnh chiều hôm. Bà soạn ra bài nầy lúc vào Phú Xuân làm Cung Trung giáo tập theo lệnh vua Tự Đức. Xa gia đình, xa quê hương, sống lẻ loi trong nơi không người quen thuộc, bà bị niềm viễn biệt nỗi cô đơn làm ảm đạm tâm hồn, làm cho tâm hồn ít khi được yên tịnh, ít khi được thảnh thơi. Lòng buồn un đúc ấp ủ lâu ngày, một khi gặp cảnh thích nghi, liền tuôn trào theo cảnh và hoà đồng với cảnh.
Trong bài chữ dùng tài tình nhất là VIỄN PHỐ và CÔ THÔN, vì vừa biểu lộ được nỗi niềm tâm sự (viễn biệt cô đơn), vừa cho người đọc thấy rõ rằng tác giả là người ở trong nơi đất khách lạ lùng: thấy thuyền câu không biết thuyền về đậu nơi bến nào, thấy kẻ lùa trâu không biết lùa về nghỉ ở thôn nào, không biết vì là người xứ khác, không biết nên đành nói trổng: bến nọ thôn kia. Nhưng vì sẵn mối thương tâm vì lẻ loi, vì xa cách, nên kia nọ liền được thay bằng viễn cô:
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn.
Và chút dư tình dư ý của VIỄN của CÔ chuyền xuống cặp luận để nổi lên lượn sóng lòng thứ hai nơi chữ BAY MỎI và BƯỚC DỒN:
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn.
BAY MỎI cho chúng ta thấy lòng mong trở về đã năm dồn tháng chứa.
BƯỚC DỒN nói lên nỗi bồn chồn bôn bức của lòng muốn trở về, và cho biết rằng tuy lòng mong về đã quá sức mỏi, song không khi nào ngớt mong.
Trong thơ, những ngư ông, mục tử, chim, khách, phố, thôn, sương, gió là cảnh, còn viễn, cô, bay mỏi, bước dồn là tâm. Cho nên khi tâm đã hoà đồng với cảnh, cảnh đã hợp nhất cùng tâm, thì VỀ, LẠI, BAY, BƯỚC trong thơ là những nhịp rung cảm của tâm chớ không còn là sự chuyển động của cảnh.
Chế Lan Viên bảo thơ Đường không có thơ tả cảnh là vậy đó.
Nói tóm lại bài CHIỀU HÔM là bức tranh lòng của bà Huyện Thanh Quan, một bức tranh lòng vẽ bằng lời, đầy màu sắc, giàu âm nhạc và vô cùng linh động.
Bà Huyện đã đến được diệu xứ của Thơ.
Có người chê rằng thơ bà Huyện Thanh Quan dùng nhiều chữ Nho làm giảm bớt tinh thần dân tộc.
Không đúng.
Những chữ bà Huyện Thanh Quan dùng đều là những chữ đã Việt Nam hoá và rất phổ biến trong làng thơ. Những chữ ấy chẳng những không làm mất dân tộc tánh trong thơ, mà còn làm cho câu thơ bài thơ thêm phần phong lưu trang trọng. Dùng đồ ngoại quốc không có hại, mà chỉ có hại ở cách dùng, ở thái độ dùng. Bà Huyện Thanh Quan đã thiện dụng tiếng Hán Việt. Nhờ tài thiện dụng của bà mà những chữ Hán Việt kia đã tạo cho thơ bà một sắc thái riêng biệt không thể lầm lẫn cùng giai phẩm của bất kỳ một nhà thơ nào của Việt Nam.
Lại có người nông nổi tưởng rằng thơ của bà Thanh Quan mang được tánh cách Đường thi là nhờ ở những chữ Hán Việt. Cả tấm áo cà sa choàng lên lưng còn chưa thành được hoà thượng huống hồ chỉ vài mảnh hàng trắng hàng vàng.
Nhưng muốn biết rõ thơ bà Huyện Thanh Quan giống Đường thi ở những điểm nào, thì trước hết phải biết những đặc điểm của Đường thi.
Mà từ xưa đến nay ai đã nói được một cách cụ thể những đặc điểm ấy? Bởi làm thế nào tả cho nổi sắc đẹp của giai nhân. Tây Thi đẹp như sao, Điêu Thuyền đẹp như sao, Chiêu Quân đẹp như sao, Lục Châu đẹp như sao? Và tứ đại giai nhân ấy khác nhau ở điểm nào? Đã ai nói được?
- Tây Thi: Nghiêng nước nghiêng thành,
- Chiêu Quân: Nhạn sa cá lan,
- Điêu Thuyền: Hoa nhường nguyệt thẹn,
- Lục Châu: Sắc nước hương trời.
Là nghĩa làm sao? Nói cho có nói, chớ thật không nói được gì hết!
Làm sao phân tách được mùi hương?
Xuân Diệu nói đúng.
Như vậy thì biết làm sao bây giờ?
Muốn biết nước nóng lạnh sao thì phải tự uống lấy, nghĩa là phải thể nghiệm, thể nhập. Tức là đọc thơ bà Huyện Thanh Quan cho chín và đọc thơ Đường cho nhiều rồi tự mình nhận thức, nhận chân.
Nhưng muốn vào động sâu, muốn lên núi cao, tưởng cũng cần có những chỗ vịn. Xin bày ra đôi chỗ vịn hầu mong giúp cho những bạn chưa từng leo núi vào động và không có phương tiện nào khác hơn đôi tay trắng, đôi chân không:
Cũng những thơ Đường, thơ bà Huyện Thanh Quan dùng chữ chính xác, thanh nhã; luyện câu tinh xảo chỉnh tề; gióng điệu điều hoà uyển chuyển; tránh hẳn những bệnh phù, hủ, thường, nhàn nhược, sanh cường, vô vị…; và tạo được bầu không khí lành mạnh chớ không rét mướt, trong trẻo nhưng mơ màng chớ không rực rỡ, bầu không khí của sớm mùa thu, của chiều mùa xuân, có sương có nắng, nắng sương hợp nhất và phảng phất mùi hoa cúc, hoa lan…
Cao Bá Quát dặn rằng:
- Trước khi đọc văn Hoa Tiên phải rửa tay đốt trầm.
Đọc thơ Đường và thơ bà Huyện Thanh Quan cũng phải theo gương họ Cao thì mới hưởng được chân thú chân vị.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]