Nguyên Mông xâm lược lần hai,
Được giao ngăn chặn giặc ngoài Đà-Thiên (1).
Trận này ngăn được giặc Nguyên,
Hoàn toàn giặc mất dấu thuyền vua ta.
Thế cô Bình Trọng bị sa,
Vào tay giặc dữ ông thà hy sinh.
Không nghe giặc dụ hưởng vinh (2),
Giặc không biết được tình hình quân ta.
Giết ông giặc chẳng buông tha,
Lòng trung ông được sử gia ghi rồi.
Truy phong Bảo Nghĩa Vương tôi (3),
Trần Bình Trọng được người đời vinh danh.
(1) Hưng Đạo Vương quyết định rút khỏi Thăng Long, lui về Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định). Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương và hai vua (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) giao cho một nhiệm vụ nặng nề: giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, đảm bảo cho bộ chỉ huy quân kháng chiến rút lui an toàn và bí mật, không để lại dấu vết.
(2) Sau khi bắt được Trần Bình Trọng, tướng Nguyên tìm mọi cách để khai thác thông tin, doạ nạt, dụ dỗ ông. Tuy nhiên, Trần Bình Trọng kiên quyết không khuất phục. Khi được hỏi có muốn làm vương đất Bắc không, Trần Bình Trọng khẳng khái trả lời: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc. Ta đã bị bắt thì có một chết mà thôi, can gì mà phải hỏi lôi thôi”.
(3) Trần Bình Trọng được các sử gia đời sau đánh giá rất cao vì lòng trung thành với đất nước và Hoàng đế nhà Trần, trở thành một ví dụ điển hình cho lòng anh dũng khẳng khái, được truy phong làm Bảo Nghĩa vương (保義王).