Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 18/10/2021 17:28, số lượt xem: 493

Bà còn tên khác Diệu Huyền,
Thêm tên Nguyễn Thị Du, tên Ngọc Toàn.
Người làng Kiệt Đặc – Văn An (1),
Là người tuyệt sắc vẹn toàn thông minh.
Tuổi mười đã viết văn tinh,
Nhiều nhà quyền quý hỏi xin cưới bà (2).
Theo Nhà Mạc đến kinh xa,
Giả trai tham dự kinh qua sách đèn.
Nguyễn Du thi cử ứng tên (3),
Khoa thi Hội Giáp Ngọ lên bảng người.
Đổ đầu tuổi mới hai mươi (4),
Kính Cung vua Mạc biết người giả trai.
Vua không bắt tội, khen tài,
Mời vào cung dạy phong ngay phi tần (5).
Tinh Phi ngụ ý trong ngần,
Tức là “Bà Chúa Sao” dân gọi người.
Mạc vong Bà ẩn núi đồi,
Mến tài Chúa Trịnh cho coi cung đình (6).
Chấm bài thi hội thi đình,
Giảng bài sĩ tử triều đình dự thi.
Được thăng lên chức Chiêu Nghi” (7).
Về hưu bổng lộc dùng chi giúp nghèo (8).
Thơ văn bà viết rất nhiều,
Chỉ còn “Gia ký”vài điều ví von (9).
Tượng Bà Kiệt Đặc sắc phong.
“Chở che giúp nước có công tôn thần” (10).

(1) Quê bà ở làng Kiệt Đặc (nay là phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).
(2) Bà 10 tuổi đã biết làm văn bài nên được nhiều nhà quyền quý đến xin hỏi cưới, nhưng gia đình không thuận.
(3) Tên bà là Nguyễn Thị Du, bỏ chữ thị thành tên con trai, không ngờ trùng tên thi hào Nguyễn Du đờ sau.
(4) khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1594) bà mang tên giả là Nguyễn Du đi thi và đỗ đầu khi tuổi vừa 20.
(5) vua Mạc Kính Cung khám phá ra bà là gái giả trai. Bà cải trang đi thi như thế là phạm tội khi quân, nhưng vua Mạc không những không trừng phạt mà còn khen ngợi bà.Sau đó, vua vời bà vào cung để dạy các phi tần, rồi được tuyển làm phi: Tinh Phi Tinh Phi (Sao Sa) ngụ ý khen bà vừa xinh đẹp vừa sáng láng như một vì sao. Người ta quen gọi là “Bà Chúa Sao”
(6) Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Nguyễn Thị Duệ vào rừng ẩn náu, bị quân lính bắt được. Mến tài, chúa Trịnh vẫn cho bà trông coi việc dạy học trong vương phủ.
(7) Do nhiều công lao, bà được thăng chức “Chiêu Nghi” hiệu là “Nghi Ái Quan”.
(8) Vua Lê giao cho bà số thuế hằng năm của tổng Kiệt Đặc để làm bổng lộc; bà chỉ dành một ít tiền chi dụng, còn bao nhiêu bà dành hết cho việc công ích và trợ giúp người nghèo.
(9) Theo Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề (1697-?), thì: “Văn thơ của bà rất nhiều, nhưng nay không còn bài nào. Bà có làm bài Gia ký bằng Quốc âm thuật lại các việc riêng và tự ví mình như Bạc Thị.”
(10) Đình làng Kiệt Đặc có một pho tượng đẹp gọi là Vua Bà (tức Nguyễn Thị Duệ) và một sắc phong thờ phụng: “chánh vương phủ, thị nội cung tần, lế sư Nguyễn Thị Ngọc tôn thần. Người có công giúp nước, che chở cho dân...”. Ngoài ra tại thôn Trung Hà, xã Nam Tân, huyện Nam Sách (đất phong của bà, khi địa phương này thuộc huyện Chí Linh) cũng có đền thờ bà gồm có tượng và sắc phong từ hơn 100 năm của các triều đại phong kiến Việt Nam.