Bà là nữ tướng Bà Trưng,
Dân gian còn gọi Thục Nương tên bà.
Thời Lê thần phả rõ ra,
Thục Nương họ Vũ Tiên La quê bà (1).
Phượng Lâu Hào trưởng là cha,
Ông Vũ Công Chất cha bà hiền lương.
Vẹn toàn tài sắc Thục Nương,
“Nữ tiên hạ thế” người thường tụng xưng.
Dạy dân phát triển nghề nông,
Hát xoan, hát đối, đúm, lồng dân ca (2).
Họ Tô hà khắc dân ta,
Ép bà làm vợ giết cha mẹ bà (3).
Song đao bà thoát khỏi nhà (4),
Ẩn tu trên núi vị tha tránh đời.
Cuối cùng Bà chọn giúp người.
Chiêu binh khởi nghĩa cứu thời gian truân.
Dựng cờ “Bát Nạn tướng quân” (5),
Bà cùng quân tướng Bà Trưng chống Tàu.
Đánh quân Đông Hán trốn mau,
Chạy về Nam Hải đất Tàu Quảng Đông.
Bát Nàn-Trinh Thục được phong (6),
Hán sai Mã Viện tấn công Hai Bà.
Hai Ba tướng sĩ xông pha,
Thế cô quân ít Hai Bà hi sinh (7).
Bát Nàn giao chiến dốc binh,
Mở đường máu chạy Thái Bình-Kim Quy (8).
Thế cùng tuẫn tiết tức thì,
Cội tùng gươm tuốt cùng quy Hai Bà (9).
Phong thần hậu thế vinh hoa,
Đền thờ cả nước giỗ Bà hằng năm (10).
(1) Đến thời nhà Lê thì thần phả làng Tiên La được sửa chữa, tên bà được ghi chép là Vũ Thị Thục hay Vũ Thục Nương.
(2) Năm 16 tuổi, Thục Nương đều được ai nấy tôn sùng là “Nữ tiên hạ thế”.[2] Bà còn dạy dân phát triển nghề nông, sáng tác những bài hát dân ca và truyền dạy hát đối, hát xoan, hát đúm vẫn còn truyền lại đến nay ở vùng Phú Thọ, Vĩnh Phúc,
(3) Tô Định giả làm khách buôn đến tận nơi chiêm ngưỡng dung nhan Thục Nương, thấy như Tiên nữ giáng trần, khi trở về quân doanh liền sai đem quân bắt ông Chất và Phạm Danh Hương, ép phải gả nàng cho hắn, nhưng bị từ chối thẳng thắn. Tô Định tức giận, bèn trả thù bằng cách giết cha và chồng chưa cưới của bà và cho quân lùng bắt bà
(4) Không để rơi vào tay Tô Ðịnh, bà cầm song đao phá vòng vây, vượt sông Hồng về Tiên La nương thân. Bà ở ẩn trong chùa Nam Liên ở trên núi.
(5) Bà dựng cờ khởi nghĩa mang 4 chữ vàng “Bát Nạn tướng quân” (Tướng quân phá nạn).
(6) Sau khi đánh đuổi được quân đô hộ, Trưng Trắc được suy tôn làm vua (Trưng Vương). Bà được Trưng Vương phong làm Bát Nàn tướng quân, Trinh Thục Công chúa..
(7) Vua Hán sai Mã Viện sang tái chiếm nước ta. Quân ta đã chiến đấu rất anh dũng nhưng cuối cùng vẫn thất bại. Sau khi Hai Bà Trưng hi sinh,
(8) Sau 39 ngày đêm giao tranh ác liệt, bà cho mở đường máu chạy về gò Kim Quy (thôn Tiên La, xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay).
(9) Biết đã thất thế, bà chạy đến gốc một cây tùng lớn rồi tuốt gươm tuẫn tiết.
(10) Tước hiệu truy phong của các đời vua sau này dành cho bà:
Đời vua Lê Thánh Tông sắc phong: Ý Đức Đoan Trang Trinh Thục Công Chúa.
Đời vua Minh Mạng sắc phong: Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Chi Thần.
Đời vua Khải Định sắc phong: Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Thượng Đẳng Thần.