Chưa có đánh giá nào
Đăng ngày 24/08/2021 16:03, số lượt xem: 612

Xét trong lịch sử nước nhà,
Mỹ nhân không hiếm vượt xa người phàm.
Trong giòng lịch sử Việt Nam,
Bà Trưng khởi thuỷ đã làm vua ta.
Ba năm thống nhất sơn hà,
Uy danh lừng lẫy giặc xa kinh hoàng.
Nước Nam độc lập mở màn(1),
Thoát tròng Bắc thuộc rở ràng từ đây.
Anh thư nước Việt còn đầy,
Hai trăm năm lẻ một ngày nổi lên(2).
Đó là bà Triệu Thị Trinh,
Phất cờ khởi nghĩa một mình đảm đương.
Nghĩa quân lớn mạnh phi thường,
Chiếm vùng Thanh Hoá một phương tranh cường.
Giặc Ngô tứ tán bốn phương,
Giặc tôn Lệ Hải Bà Vương bóng hồng.
Anh thư đâu chỉ võ công,
Một ngàn lẻ chục năm ròng về sau(3).
Nước Nam lại có công đầu,
Cõi bờ mở rộng hai châu nam hà.
Châu Ô châu Lý nay là:
Trị-Thiên công của một bà Huyền Trân.
Hy sinh làm vợ Chế Mân,
Cành vàng lá ngọc đem dâng Chiêm Thành.
Hồi môn lưu mãi sử xanh,
Mở đầu trang sử vượt Hoành Sơn sau.
Châu Ô Châu Lý tuyến đầu,
Nguyễn Hoàng xin trấn miền sâu dễ dàng.
Mở mang đất Việt về đàng.
Phương Nam ấy gọi đất vàng chờ mong.
Ba trăm năm lẻ Đàng Trong
Phúc Nguyên chúa Nguyễn còn mong an bình.
Chúa đem Ngọc Vạn con mình,
Gả cho Chân Lạp kết tình lân bang(4).
Nàng làm hoàng hậu mở mang,
Dinh điền thương điếm đem sang xứ người.
Di cư người Việt vào nơi,
Đất hoang khai khần chân trời Nam bang.
Nước Nam mở rộng địa bàn,
Sài Gòn Bà Rịa đến sang Biên Hoà.
Từ bàn đạp ấy tiến xa.
An Giang với Vĩnh Long và Hà Tiên.
Mười năm sau để bình yên,
Chúa còn gả tiếp con hiền Ngọc Khoa(5).
Cho vua Pô Romê xứ Champa,
Nàng làm Hoàng hậu Bia Uttara một thời.
Việt – Chiêm bình ổn một đời,
Ngọc Khoa công nữ công người đáng ghi.
Sử cho chẳng vẻ vang chi,
Vì dùng phụ nữ chết vì non sông.
Champa lịch sử ghi trong,
Pô Romê bại trận cùng nước ta.
Trên đường giải đến kinh xa,
Vua Chăm tự tử nàng thà chết theo.
Để không bị nhục nước nhà,
Một là báo nước(6), hai là báo ân(7).
Nàng dù rời khỏi cõi trần,
Vẫn còn sử sách lưu danh muôn đời.
Hơn trăm năm nữa về thời,
Lê Trung Hưng có một người nữ nhân.
Hồng Hà nữ sĩ tài văn,
Là Đoàn thị Điểm dịch vần “Phụ ngâm(8).
Áng thơ tuyệt tác cổ nhân.
Lưu danh ngàn thuở văn vần Việt Nam.
Về sau nữa tám mươi năm,
Hồ Xuân Hương nữ sĩ rành thơ nôm(9).
Truyền đời giai thoại hoa nương,
Vẹn toàn thanh sắc tình vương bao người.
Nguyễn Du, Thái, Hổ, Thích, Hầu(10)...
Văn nhân thi sĩ cùng nhau luận đàm.
Thơ văn xướng hoạ phi phàm,
Thơ Nôm chín chục gần trăm thơ Đường.
Thơ miêu tả cảnh tang thương,
Một thời mục rữa lối đường cũ xưa.
Thanh thanh tục tục vẻ ưa,
Xứng là “Bà chúa nôm” thơ đứng đầu.
Năm mươi năm lẻ về sau(11),
Đàng Trong có một nữ lưu anh hùng.
Bà là tướng của Quang Trung,
Tham gia hai trận vang lừng sử xanh.
Rạch Gầm-Xoài Mút vang danh,
Giúp vua đánh bật trăm ngàn Xiêm La(12).
Bốn năm thêm trận Đống Đa(13),
Chỉ huy binh tượng xông pha trận đầu.
Phá hai chục vạn quân Tàu.
Dứt ngay lệ cống bấy lâu Bắc triều.
Thất cơ bà vẫn gan liều,
Trả lời khẳng khái chẳng chiều Gia Long(14).
Sau mươi năm lẻ Thành Rồng(15),
Có Bà Tri Huyện ở vùng Thanh Quan(16).
Thơ bà thanh nhã đoan trang,
Thường mang tâm sự rõ ràng hoài Lê.
Dưới thời Minh Mạng bà về,
Kinh kỳ dạy dỗ cung phi, phi tần.
Bốn mươi ba tuổi lìa trần,
Văn còn hậu thế chín “vần”(17) thơ hay.
Tám mươi năm lẻ sau này (18),
Cô Giang, Cô Bắc sánh tài nam nhi.
Nước nhà gặp cảnh phân ly,
Noi gương Trưng,Triệu danh ghi muôn đời.
Tham gia cách mạng cùng thời,
Với ông Nguyễn Thái Học người hùng anh.
Không thành công cũng thành danh,
Nghìn năm nước Việt sử xanh tôn sùng.
Anh thư gương để soi chung.
Vài dòng viết lại mong cùng người ghi.

(1) Khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40.
(2) Khởi nghĩa Bà Triệu năm 248
(3) Vua Trần Nhân Tông gả Huyền Trân Công Chúa năm 1306.
(4) Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả Ngọc Vạn năm1620,
(5) Chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả Ngọc Khoa năm1631
(6) Báo ơn nước nhà của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên
(7) Báo ân sinh thành của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên
(8) Đoàn thị Điểm (1705-1749)dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn.
(9) Hồ Xuân Hương (1772-1822)
(10) Nguyễn Du, PhạmThái, Phạm Đình Hổ, Phạm Quý Thích, Nguyễn Hầu...là nhựng văn nhân thi sĩ cùng thời xướng hoạ với bà Hồ Xuân Hương.
(11) Bà Bùi Thị Xuân (1752-1802).
(12) Trận Rạch Gầm-Xoài Mút (1785)
(13) Trận Đống Đa (1789)
(14) Gia Long bắt được Bùi Thị Xuân tra hỏi:- Ta và Nguyễn Huệ ai hơn?
Bà trả lời:
Chúa công ta, tay kiếm tay cờ mà làm nên sự nghiệp. Trong khi nhà người đi cầu viện ngoại bang, hết Xiêm đến Tây làm tan nát cả sơn hà, cùng đều bị chúa công ta đánh cho không còn manh giáp. Đem so với chúa công ta, nhà ngươi chẳng qua là ao trời nước vũng...
(15) Thăng Long
(16) Bà Huyện Thanh Quan (1805-1848)
(17) Chín bài thơ Nôm
(18) Khởi nghĩa Yên Bái 1930.