Thơ » Việt Nam » Khuyết danh Việt Nam » Thơ cổ-cận đại khuyết danh » Truyện thơ » Lục súc tranh công
Đăng bởi Vanachi vào 25/10/2005 02:05, đã sửa 6 lần, lần cuối bởi karizebato vào 04/11/2009 04:16
Trâu mỏi nhọc trâu liền năn nỉ
Một mình trâu ghe nổi gian nan
Lóng canh khuya gà mới gáy tan
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã
Dạy rằng: “Đuổi trâu ra thảo dã
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng”
Chưa bao lâu thoắt đã rạng đông
Vừa đến buổi cày bừa, bua việc
Trước cổ đã mang hai cái niệt
Sau đuôi thêm kéo một cái cày
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây
Trên lưng ruồi đậu, dưới chân đỉa cắn
Trâu mệt đà thở dài, thở vắn
Người còn hầm hét, mắng ngược, mắng xuôi
Liệu vừa đứng bóng mới thôi
Đói hoà mệt bước khôn dời bước
Ai thong thả trâu nào ben được
Trâu nhọc nhằn ai dễ thế cho?
Cày ruộng sâu, ruộng cạn cho no
Lại vườn đậu, vườn mè khiến trở
Làm không kịp thở
Ăn chẳng kịp nhai
Tắm mưa trải gió chi nài
Đạp tuyết giày sương bao sá?
Có trâu, có tằm, tơ, lúa, má
Không trâu, không hoa, quả, đậu, mè
Lúa cất lên đã có trâu xe
Lúa trữ lại để dành trâu đạp
Từ tháng giêng cho đến tháng chạp
Kể xuân, hè nhẫn đến thu, đông
Việc cày bừa nông vụ vừa xong
Lại xe gỗ dầm công liên khói
Bất luận xe rào, xe củi
Nhẫn đến loài phân, bổi, tranh, tre
Hễ bao nhiêu nhất thiết của chi
Thì đã phó mặc trâu chuyên chở
Bao quản núi non hiểm trở
Chi nài khe suối dầm dề
Cong lưng chịu việc nặng nề
Cay đắng những lời dức lác
Ăn thì những rơm khô, cỏ, rác
Ở quản chi ràn lấm tráp nè
Trâu dựng nên nông nọ, nỗi kia
Trâu làm đặng căn trên, bồ dưới
Nghĩ suy lại công trâu cho phải
Lẽ cho trâu thao lụa mặc dày
Không chi thì quần vải, dải gai
Không chi thì khố lưỡi cày cũng khá
Ăn cho phải những cơm với cá
Không nữa thì rau cháo cũng nên
Đến mai sau già cả sức hèn
Cũng bảo dưỡng bõ công lao lý
Khi mạng một chẳng đơm, chẳng tế
Lẽ sanh cử tử táng mới ưng
Thuở sống đà không dạ yêu đương
Khi thác lại đoạn tình siêu độ
Bảo nhau sắm con dao, cái rổ
Khiến nhau vơ mớ củi, nắm nè
Rằng: “Trâu này là cốt Phật xưa kia
Phát đình liệu cho hồn thăng thiên giái”
Còn hình tích giống chi để lại
Người người đều bàn bạc với nhau
Kẻ thì rằng: tôi lãnh cái đầu
Người lại nói: phần tôi cái nọng
Kẻ giành lòng bóng, ép gối mà kê
Còn sừng đem về, ép thoi làm lược
Kẻ thì chuốt hoa tai, ngạt quạt
Người lại tiện chén rựou, bầu liều
Làm tù và mà thổi cũng kêu
Tiện con cờ mà đánh cũng tốt
Kẻ thì làm cái mõ, cái hộp
Người lại tỉa cán quạt, cán dao
Còn giò chia nhau
Làm nham, làm thấu
Trâu gẫm lại là loài cầm thú
Phận sao chịu vậy dám nài?
Trâu thác đã công nghiệp phủi rồi
Trâu sống lại kiện nài với chủ:
“Không nhớ thuở bôi chuông đường hạ
Ơn Tề vương vô tội khiến tha
Tưởng chừng khi sức mỏn tuổi già
Cảm Điền tử dạy con chớ bán
Lời cổ nhân còn dặn
Sao ông chủ vội quên?
Chẳng nhớ câu dĩ đức hành nhân
Lại lấy chữ báo ân dĩ oán
Nói chi nữa cho dài chuyện vãn
Thưa chủ, xin nói thép một lời
Như loài muông vô tướng, vô tài
Nuôi giống ấy làm chi cho nhọc?
Ăn cho lớn dưỡng vai, dưỡng vóc
Giỡn với nhau vạch cửa, vạch sân
Một ngày ba bữa chực ăn
Thấy đến việc lén mình lét lét
Chưa rét đã phô rằng rét
Xo ro đuôi quít vào trôn
Dậy bếp người tro trấu chẳng còn
Ba ông táo lộn đầu, lộn óc
Chưa sốt đã nằm dài, thở dốc
Le lưỡi ra phỏng ước dư gang
Lại thấy người lơ đĩnh, lơ hoang
Tài ăn vụng thôi thì hơn chúng
Như muông biết cày nương, bừa ruộng
Thì muông kể biết mấy công ơn?
Muông, người cho ăn cháo, ăn cơm
Trâu, người bắt nhai rơm, nhai cỏ
Khi muông thác tống chung, an thổ
Có gạo tiền cấp táng toàn thân
Trách một lòng chủ ở bất công
Hậu ư bạc, bạc đem làm hậu”