Thương thay những kẻ quạt mồ,
Hại thay những kẻ lấy vồ đập săng.


Khảo dị:
Thương thay những kẻ quạt mồ,
Ghét thay những kẻ cầm vồ tháo săng.
Săng nghĩa là cái quan tài quàn người chết.

Bài ca dao này dựa trên một câu chuyện dân gian của Trung Quốc: Trang Tử đi đường gặp một thiếu phụ ngồi quạt nấm mồ đất chưa khô, bèn hỏi thì chị ấy cho biết là mộ chồng. Chồng chị trăng trối rằng phải đợi mộ khô thì mới lấy chồng khác. Vì vậy chị phải quạt cho đất mau khô, để sớm tái giá. Trang Tử về nhà kể chuyện cho vợ. Vợ chê trách thiếu phụ kia và nói mình quyết chung thuỷ. Ít lâu sau Trang Tử đột ngột chết, linh cữu còn quàn trong nhà thì một thanh niên trẻ đẹp ghé vào, xưng là học trò cũ, xin ở lại lo ma chay cho trọn tình. Vợ Trang Tử gặp sớm đem lòng yêu thương kẻ ấy nên nhận lời ngay. Đột ngột đêm đến, anh ta đau bụng quằn quại, nói rằng chỉ có sọ người mới chết đem mài uống thì khỏi ngay. Vợ Trang Tử vội đem chày vồ ra đập vỡ nắp quan tài để lấy sọ chồng làm thuốc cứu tình nhân. Nắp hòm bật lên thì Trang Tử ngồi nhổm dậy, chàng trai biến mất. Biết chồng dùng phép, giả chết thử lòng mình, người vợ xấu hổ, bèn tự tử.

Đây là câu chuyện phóng tác từ chương Chí lạc trong Nam hoa kinh của Trang Tử, viết rằng vợ Trang Tử chết, Huệ Tử đến điếu, thấy Trang Tử ngồi gõ chậu vừa hát vui vẻ. Huệ Tử vì sao không đau buồn mát hát thì Trang Tử đáp: “Lúc nàng mới chết, tôi cũng động lòng. Nhưng nghĩ lại, thuở trước nàng vốn không sinh, không hình, chỉ là tạp chất ở trong hư không biến ra mà có khí có hình, có sinh có tử. Khí, hình, sinh, tử, có khác nào xuân, hạ, thu, đông bốn mùa hành vận. Người ta đã nghỉ mà tôi còn than khóc tức là tôi không thông mệnh (không hiểu Đạo).”

Bài ca dao ý nói những kẻ quạt mồ (thiếu phụ gặp ở đường) vẫn còn hơn người đập săng (vợ Trang Tử). Tục ngữ còn có câu “Quạt mồ còn hơn bổ quan tài” với nghĩa tương tự.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]