☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
30 bài thơ
Đọc nhiều nhất
Thích nhất
Mới nhất
Ta nung nấu nghìn đêm ác mộng
Đánh chìa vàng mở lối về em
Lời ngỏ
Thấm thoắt đã hai mươi năm kể từ cái ngày tôi ngơ ngác xách gói “nội vụ” khấp khởi bước ra khỏi cổng trại Thanh Cẩm mà lòng còn chưa tin hẳn đó là sự thật. Cho đến khi, theo lời dặn của người quản giáo tốt bụng, rẽ vào nhà anh để ăn bữa cơm tự do đầu tiên sau hơn 39 tháng cơm tù. Và được anh chỉ lối ra bến xe khách về ga Thanh Hoá. (Tôi xin ghi ơn anh cũng như một vài quản giáo ở Thanh Cẩm, biết tôi bị tù vô lý, đã đối xử một cách có tình người, xin lỗi là tôi không nhớ chính xác tên của những người ấy để nêu lên ở đây).
Đêm đợi tàu ở ga Thanh Hoá để về đoàn tụ với đại gia đình ở Hà Nội, giữa đám trẻ bụi đời mà tôi tự nhiên sáp vào theo một lựa chọn bản năng cho sự an toàn của mình, sự lựa chọn không thể giải thích bằng lý trí, có lẽ là đêm đầu tiên tôi không ác mộng. Có thể nói hơn một nghìn đêm sống trong các chỗ giam cầm khác nhau, từ trại tạm giam Hoả Lò, đến Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia ở ngoại thành Hà Nội, sau cùng là trại cải tạo Thanh Cẩm ở miền núi Thanh Hoá, hầu như không đêm nào tôi không gặp ít hay nhiều ác mộng, những ác mộng ngắn hoặc dài, là những mảnh vụn hay cả một câu chuyện. Phần lớn những ác mộng ấy, nếu không là lạc vào những cảnh giới hãi hùng thì cũng bao gồm cảnh mình bị rượt đuổi, bị bắt, hay bị giam cầm, hoặc vượt ngục mà không thoát... Có điều tôi có thể khẳng định là tôi chưa bao giờ mơ thấy mình bị đánh đập hay bị tra tấn!
Đêm tự do đầu tiên hình như tôi ngủ rất sâu, và tỉnh dậy không nhớ là mình có mơ thấy gì trong lúc ngủ hay không. Nhưng rồi về sau, cứ lâu lâu, tôi lại có những ác mộng, mà phần lớn cũng lại vẫn là những cảnh như thế. Tình trạng cứ kéo dài cho đến tận bây giờ. Tôi hằng mong chúng đừng trở lại, đừng làm tôi thảng thốt tỉnh dậy giữa đêm, đừng ám ảnh những ngày tôi đang mong muốn tĩnh tâm để hoà nhập lại với xã hội và tự tu chỉnh con người mình. Nhưng vô ích. Chúng cứ trở lại, lúc thưa lúc mau, không bao giờ báo trước. Trong lúc tôi ở tù, vợ tôi có lần đi xem bói, một cô bói rất trẻ và xinh ở gầm cầu Trương Minh Giảng (Sài Gòn). Không cần khai cô ấy cũng biết là “chồng của chị đang bị tù. Rồi sẽ được ra, nhưng nếu ông ấy không biết tu thì rất có thể sẽ vào tù lần nữa”. Khi tôi về thì cô ấy đã đi đâu không tìm lại được nữa, nhiều khả năng cô đã vượt biên, và đã hoặc bỏ xác trên biển cả hoặc thành một Việt kiều ở đâu đó.
Vợ tôi rất lo cho tôi, luôn khuyên tôi phải tu. Tu có nghĩa là phải kiềm chế dục vọng, phải kiềm chế “cái Tôi”, và phải nhẫn nhịn, đừng chấp trước, đừng oán hờn. Than ôi thằng làm văn nghệ thường rất khó tu, nhất là tu hai cái đầu tiên, nhưng cái sau cùng thì tôi tự xét mình phần nào tu được. Chứng cớ là tôi chẳng bao giờ oán hận những người đã tham gia việc bắt bớ giam cầm mình, làm cho vợ con mình khổ cực suốt mấy năm trời mà những di chứng đến bây giờ chưa hết. Vì thực tâm tôi hiểu họ cũng chỉ là công cụ của một bộ máy, một bộ máy nhiều khi tàn bạo nhân danh cái tốt đẹp.
Cố gắng “tu” theo lời vợ khuyên, liệu tôi có thoát khỏi tù đầy lần nữa hay không chưa biết, nhưng những cơn ác mộng thì vẫn không buông tha cho tôi.
Đọc sách phân tâm học, tôi được thuyết phục rằng muốn chữa bệnh tâm lý thì phải tự gợi lại những chấn thương từ thuở xa xưa mình đã gặp phải. Nhớ lại được rõ ràng thì sẽ có cơ may khỏi bệnh. Kinh nghiệm thông thường cũng cho rằng những nỗi thương đau một khi kể ra được thì sẽ vơi đi. Vậy thì, muốn tự giải thoát khỏi những cơn ác mộng, một lần cho xong, tôi thấy mình phải kêu lên một tiếng, kêu thật to, cho tỉnh hẳn.
Đó là lý do năm 2002, vào dịp kỷ niệm 60 năm chào đời, 40 năm chào thi đàn, cũng là dịp 20 năm đời mình có một bước ngoặt lớn là sa chân vào ngục tù, tôi quyết định đưa 30 bài thơ họp thành phần Ác mộng vào trong Tuyển Thơ 40 năm của mình.
Đây là những bài thơ tôi làm trong và sau khi ra tù. Có những bài “vụt hiện” trong óc, tôi cố nhớ và sau khi ra tù thì ghi lại, chỉ sửa đôi từ hoặc không sửa; có những bài hình thành một phần trong tù, hoặc một đoạn, hoặc cái tứ, hoặc một câu chủ, sau này tôi dựa vào đấy mà hoàn thành; có những bài, trong những lúc bị ám ảnh kéo dài của ác mộng, tôi lại như sống trở lại cảnh sống trong tù trước đây, và bài thơ hiện ra.
Mặc dù thân tình, cả hai vị giám đốc xuất bản mà tôi đưa bản thảo tập thơ (NXB Hội Nhà văn và NXB Hải Phòng) đều bảo: “Hay nhưng không in được”. Lý do chính là vì 30 “ác mộng" kia. Ngay sau khi về hưu, nhà thơ Ngô Văn Phú, nguyên giám đốc NXB Hội Nhà văn, đã vì đọc bản thảo thơ tù của tôi mà cảm hứng viết cả một chân dung tôi, trong đó ông công khai trích dẫn và bình luận những bài thơ ông đã không dám cho in.
Nhân đây, tôi xin có lời ca ngợi và cảm ơn nhà thơ Quang Huy, nguyên giám đốc NXB Văn hoá Thông tin, là người đầu tiên dũng cảm cho in vài bài thơ tù của tôi trong tập Người đi tìm mặt vào năm 1994. Việc này khiến ông gặp khá nhiều rắc rối, nhưng ông đã khéo léo vượt qua, cũng như đã vượt qua những rắc rối khác vì sự táo bạo của mình trong lúc duyệt in sách. Cũng việc này lại dẫn tới cái may là tôi có lý do chính đáng để xin từ bỏ chức trách quyền rơm vạ đá là Trưởng ban Văn hoá Văn nghệ báo Lao Động.
Bài rắc rối nhất trong mấy bài thơ tù ấy, bài “Người về” (cùng với bài “Mùi mưa hay bài thơ của M.”) sau này đã được tuyển vào những tuyển thơ quan trọng như Thơ Việt Nam 1975–2000 của NXB Hội Nhà văn (2000, 2001), Thơ Việt Nam thế kỷ XX của NXB Giáo dục (2004), và cùng với nhiều bài khác trong Ác mộng đã được dịch và in ở không ít tạp chí văn chương Pháp, Mỹ (Europe, Seatle Review, Poetry International, Gravity, New American Writing, Parthenon West, Hayden's Ferry Review).
Về việc tuyển chọn hai bài thơ nói trên vào các tuyển tập Thơ Việt Nam, tôi phải cảm ơn trước hết nhà thơ Vân Long, biên tập viên NXB Hội Nhà văn và nhà thơ Quang Huy là những người nhiệt tình ủng hộ nó nhất, cùng những nhà thơ khác là thành viên các ban tuyển chọn.
Tháng 9. 2005, tôi lại gửi Ác mộng như một tập thơ độc lập cho NXB Hội Nhà văn và đề nghị trả lời trong một tháng. Câu trả lời cuối cùng vẫn là: "Chưa in được, phải đợi".
Đợi đến lúc nào nữa đây? Không thể chờ đợi lâu hơn, hôm nay tôi quyết định công bố ba mươi bài thơ ghi lại những ác mộng ấy. Để tống tiễn chúng như tống tiễn các vong hồn, để quên chúng đi mãi mãi, cho chúng đừng đè nặng hai vai mình trên con đường tương lai.
Hà Nội, Thu 2005
Ta nung nấu nghìn đêm ác mộng
Đánh chìa vàng mở lối về em
Lời ngỏ
Thấm thoắt đã hai mươi năm kể từ cái ngày tôi ngơ ngác xách gói “nội vụ” khấp khởi bước ra khỏi cổng trại Thanh Cẩm mà lòng còn chưa tin hẳn đó là sự thật. Cho đến khi, theo lời dặn của người quản giáo tốt bụng, rẽ vào nhà anh để ăn bữa cơm tự do đầu tiên sau hơn 39 tháng cơm tù. Và được anh chỉ lối ra bến xe khách về ga Thanh Hoá. (Tôi xin ghi ơn anh cũng như một vài quản giáo ở Thanh Cẩm, biết tôi bị tù vô lý, đã đối xử một cách có tình người, xin lỗi là tôi không nhớ chính xác tên của những người ấy để nêu lên ở đây).
Đêm đợi tàu ở ga Thanh Hoá để về đoàn tụ với đại gia đình ở Hà Nội, giữa đám trẻ bụi đời mà tôi tự nhiên sáp vào theo một lựa chọn bản năng cho sự an toàn của mình, sự lựa chọn không thể giải…