Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Hàn Mặc Tử » Xuân như ý
Trầm ngán nghê bay trong lãnh cung
Xuân thơm bối rối ngọt vô cùng;
Ôi chao, Thánh thượng vô tâm quá,
Lòng thiếp buồn như một tấm nhung!
Ở đây châu báu vô tri hết,
Pho sách quần phương lộ ý nhiều...
Hãy tìm cho được hoa cung cấm
Xem thử tên hoa có mỹ miều.
Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa?
Trời ở trong đây chẳng có mùa,
Không có niềm trăng và ý nhạc,
Có người cung nữ nhớ thương vua...
Đừng ai nhắc nhở đến xuân trong;
Vô số là xuân chiếm mọi lòng.
Mỗi người đều có xuân riêng cả
Thiếp viết xuân trên mảnh lụa hồng...
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tducchau ngày 21/08/2010 01:31
...
Mẹ tôi là con gái út, trong khi các anh chị trưởng thành gia thất. Lúc bấy giờ vào khoảng trên dưới 10 tuổi, mà trí nhớ của Bà không hề bỏ sót một chi tiết nào.
Bà thường theo Bà Ngoại vào Đại nội chữa bệnh cho các phi tần cung nữ, cùng ngồi chung một võng với Bà Ngoại vì lệnh rất nghiêm, cấm không được ai vào nếu không có nội thị hướng dẫn. Và cũng không được tiếp xúc riêng tư với các phi tần cung nữ.
Bà Ngoại rất am tường khoa chẩn mạch đông y. Mẹ tôi kể lại, nhiều bệnh khó, Thái ý và Ngự y phải mời Bà Ngoại vào tham khảo tranh luận. Vì vậy rất được tin cẩn. Chính Ông Ngoại là Ngự y mà cũng không giỏi hơn Bà Ngoại.
Nhờ vậy, Bà Ngoại được phép tiếp xúc riêng tư với các phi tần bằng phương pháp chẩn mạch: Vọng, văn, vấn, thiết (nhìn, nghe, hỏi và gần gũi) được nghe nhiều chuyện trong thâm cung ghê sợ.
Nguyên nhân mắc bệnh trong cung phần đông do những thiếu thốn về sinh lý, tâm bệnh mòn mỏi. Và cũng là do những trò chơi quái nghịch của vua chúa xem mạng người như cỏ rác.
Câu chuyện toán nữ binh lõa thể tập trận, dưới triều vua Thành Thái, một ông vua điên loạn mà hoàng cung giải thích như kế hoạch đánh lừa chính phủ Pháp để chờ phen nổi dậy là một ví dụ.
Không có người nào trong đám nữ binh, không mang nhiều thương tích, thậm chí thành tật vì đao kiếm.
Những cái chết rùng rợn của các vị vua Vua con nít: Hiệp Hòa, Kiến Phước cũng được nghe kể lại chi tiết. Hiệp Hòa mới 10 tuổi bắt lên ngôi báu rồi phải nhận tam ban Triều Điển (gươm, thuốc độc và giải lụa).
Nghe kể lại ông vua Vua trẻ con đó, khóc la không chịu làm Vua, chạy trốn ẩn trong cầu tiêu, bị lôi ra chận họng đến lòi cả mắt ra để đổ thuốc. Kiến Phước cũng chết như vậy.
Vua Dục Đức biết trước số phận, đã xé chíêc áo địa xanh (một thứ gấm mỏng) nuốt hết mà chết trong ngục.
Đó là thời lộng hành của các gian thần, loạn tướng để lại cho lịch sử nước nhà những chiếc khăn tang và nước mắt đẫm máu.
Những câu chuyện trong thâm cung, tuy bị bưng bít ra ngoài bá tánh nhưng người nào có cơ hội kể lại, vẫn tự xem như nhẹ bớt nỗi buồn phiền của chính họ.
Cái chết của nàng cung nữ bất hạnh này, chỉ vì ước mơ được gần vua một lần, dù chết cũng can tâm. Đó là một cung nữ trẻ đẹp trong số mấy ngàn người trong Tam cung, Lục viện sống mòn mỏi không hề có mùa xuân thắm.
Cung nữ này, được nghe kể lại, xuất thân nhà nghèo, được tiến vào cung nhưng không có tiền lo lót cho nội giám, nên chỉ được quét dọn ở bên ngoài nội tẩm.
Một lần trông thấy vua Vua (Minh Mạng) một “Ngài Ngự” trẻ đẹp, đem lòng say đắm, mong mỏi được gần gũi một lần thôi, mà chết cũng chịu.
Vua Minh Mạng nổi tiếng hiếu sắc và hiếu sát tàn nhẫn hơn hết các vì vua Nguyễn triều, không kém Dương Quảng (Tuỳ Đế nước Trung Hoa).
Một hôm, người cung nữ đẹp mà vắn số này, không biết làm thế nào vào được long sàng, gặp lúc vua đang ngủ. Nhìn sững sờ một hồi, không cầm được nỗi ước mơ, rón rén hôn nhẹ má vua.
Vua giựt mình tỉnh dậy, nàng hoảng sợ vội vàng bỏ chạy. Còn chưa tỉnh, vua thét nội thị tìm bắt và đem chém. (Có người nói là vua la lên: thích khách). Minh Mạng độc ác nên luôn luôn sợ kẻ ám sát.
Cung nữ bị đem ra chém. Theo kể lại, nàng bị chém ngang lưng (yêu trảm) không khóc than, chỉ hướng về nội tẩm lạy mấy lạy rồi bình tĩnh thụ hình pháp.
Trong nội cung nghe nói đều gạt lệ thầm nhưng không ai dám hở môi.
Hàn Mặc Tử nghe câu chuyện bị xúc động mãnh liệt, anh có làm một bài thơ nhắc lại thảm kịch đó bằng một giọng tuy oán trách nhẹ nhàng nhưng không thiếu phần xót xa đau đớn...
Trong bài thơ này, Hàn Mặc Tử mượn cuộc đời cô quạnh khao khát yêu đương trong cung cấm, để diễn tả nỗi lòng người Cung nữ bất hạnh đã chết vì thương yêu Vua.
Các phi tần cung nữ trong Đại Nội, mỗi người một vẻ như bó hoa trăm sắc trăm hương (quần phương) tìm cách phô bày vẻ thướt tha kiều diễm, tươi mát để mong được Ngài ngự lưu ý.
Nhưng vua chúa (châu báu) vô tình bước qua đi, dẫm chân lên nỗi lòng buồn thảm của họ, tuy ân ái dịu dàng như tấm thảm nhưng, nhưng biết bao cay đắng xót xa.
"Ôi chao! Thánh thượng vô tâm quá."
Vậy thì ai là người đẹp nhất, có phúc được vua đoái hoài?
Ngoài kia bá tánh, đã có bao mùa xuân nên duyên thắm, mà sao nơi đây không hề biết mùa Xuân (yêu đương). Không có trăng không có nhạc, chỉ có Vua là ước mơ thầm lặng của mỗi người trong cuộc đời khép kín.
Người cung nữ nào đây đã phải trả Mùa Xuân bằng giá máu hồng. (Thiếp viết Xuân trên mảnh lụa hồng).
Nếu không biết câu chuyện thương tâm này trong thâm cung bưng bít thì bài thơ Nhớ Thương này là một trong những bài thơ kỳ lạ khó hiểu nhất từ xưa nay của Hàn Mặc Tử.