22.50
Thể thơ: Thơ mới bảy chữ
Thời kỳ: Hiện đại
3 bài trả lời: 3 thảo luận
1 người thích

Đăng bởi Hư Vô vào 08/08/2011 04:14

Nửa đêm pha rượu vào nhan sắc
Vườn khuya đã động khúc nguyệt cầm
Mùa thu như thoáng chiêm bao tới
Theo bước em qua lối thăng trầm.

Hơi người còn ấm quanh chăn gối
Tôi ôm cái bóng lạnh chỗ nằm
Trở mình hồn vướng ngang sợi tóc
Em đi, bỏ lại cả trăm năm.

Thì tôi cũng có đêm cùng tận
Để giấu buồn riêng nỗi nhớ người.
Tay lùa bóng tối vào lưng nguyệt
Lắp cho đầy vực khuyết tim tôi.

Em về soi lại dung nhan cũ
Thấy có còn tôi giữa muôn trùng?
Từ đêm rượu ướt đôi môi đỏ
Nhỏ xuống hư vô dấu nguyệt trần…

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Thơ Hư Vô và Một Trăm Lẻ Một Tự Khúc Tình Nhân, Tuỳ Bút Nguyễn Mạnh Trinh

Đọc những trang thơ của Hư Vô: “Lưng Nguyệt. Một trăm lẻ một tự khúc tình nhân” ấn tượng của những bài thơ đầu tiên đánh dấu bằng những câu cật vấn.”Tự Khúc Tình Nhân mà đến một trăm lẻ một bài”? Tại sao không là một trăm hay là 99 như tình khúc Hoàng Cầm?

Nhưng đọc trang đầu tiên Vào Thơ…Hư Vô viết:

“Em đi, mang theo nửa vầng trăng trên lưng như một dấu tích mà tình yêu đã hoài thai từ tiền kiếp, hoá thân vào áng mây cao vút của sự nuối tiếc ngút ngàn, để rồi bàng hoàng chìm xuống đáy biển đêm lạnh ngắt, mà nghe ngọn sóng còn giẫy giụa trong lòng.

Em yêu dấu. Tôi viết 101 bài thơ tình này cho em từ những mất mát chia lìa còn khắc ghi trên “Lưng Nguyệt”, lời di ngôn tận tuyệt của một khoảnh trăng mà em đã quằn gánh trên lưng cả đời còn chưa níu tới thì sự hiện hữu của hư vô chỉ là chiếc bóng không tôi, cuối cùng rồi cũng chẳng làm được gì cho nhau ngoài chút khói biếc hương tàn để tôi mang theo cho chuyến đi vào mê lộ thì dù biển có vá liền trời tôi cũng không đuổi kịp giấc chiêm bao…”


Và ở những dòng chữ Thay Lời Kết, thi sĩ chấm dứt một trăm lẻ một “tự khúc tình nhân”:

“Em yêu dấu. Khi em đọc đến dòng chữ cuối cùng của tập thơ này là em đã đọc hết nỗi lòng của tôi. Cám ơn em đã bước vào đời tôi với một cuộc tình đầy đắm say lãng mạn để rồi bước ra khỏi nhau thật bàng hoàng vội vã.

Định mệnh đã không cho tôi và em đi chung đường, đời này còn chưa tới thì chắc gì đã có đời sau. Chỉ tội nghiệp em trái tim xanh xao vàng võ tan vào hư vô nỗi u uất nghẹn ngào để đêm đêm em nằm nghe biển khóc, gọi nhau về theo những ngọn sóng xa mà tôi chỉ là giọt đá, chảy hoài vẫn chưa tới di tích chỗ em qua…”


Thơ khúc đầu và khúc cuối lời lẽ thiết tha của bước chân tìm về. Ở đó là phương trời nhớ mong. Là Em muôn thuở dù đã xa xôi. Là Tôi, ngẩn ngơ bên dòng sông trôi nổi từ quê nhà đến xứ người, từ đại dương muôn trùng ngăn cách đến những tháng những năm những ngày thấp thoáng hình ảnh xưa cũ. Mà, rốt cuộc là chia xa, là chăn gối lẻ, là tượng hình người yêu còn mãi thổn thức giấc mộng nửa khuya.

Như vậy Lưng Nguyệt là những khúc thơ buồn của một kết thúc không tròn, của một cuộc tình dở dang không đoạn kết. Nhưng đọc 101 bài thơ mà thi sĩ gọi là tự khúc tình nhân, tôi thấy sao những cuộc hẹn hò, những không gian thời gian để yêu nhau và nhớ nhau sao mà tha thiết quá. Toàn là kỷ niệm. Là lời ngỏ của trái tim cho nhau. Là thời gian của trái cấm tình yêu. Là những khoảng trời tưởng sẽ thiên thu là của nhau. Như bài thơ Đêm Giêng, như bài Tàn Tích Tháng Hai, như Điệp Khúc Chiều Tháng Ba, như Sài Gòn Tháng Tư, như Hành Tình Tháng Năm. Như Tựa Lưng Tháng Sáu, như Nhan Sắc Tháng Bảy, như Tháng Tám Mưa Về, như Khúc Mưa Tháng Chín, như Chào Em Tháng Mười, như Bước Chân Tháng Mười Một, như Nhịp Dương Cầm Tháng Chạp…Mười hai tháng là mười hai kỷ niệm, tuy có nỗi buồn nhưng cũng có những niềm vui, có thiết tha lời ngỏ mà cũng có xúc cảm tận cùng.

Thế mà, lại là một tình buồn muôn thuở….và thơ là những cung bậc u trầm của nỗi niềm dàn trải qua bao nhiêu bến bờ thời gian bao nhiêu bến đợi tình yêu.

Thơ Hư Vô không thiếu những hình tượng Sài Gòn. Một tuổi lớn lên yêu thương. Mối tình đầy kỷ niệm. Những con đường xưa. Những hè phố cũ. Những cơn mưa. Những thời thanh xuân:

” Sài Gòn chiều mưa thời xanh tóc
Vỉa hè cỏ mọc dấu chân em
Đường Duy Tân hay Trần Quý Cáp
Chỗ nào cũng thấy rất còn quen

….Của những lần Sài Gòn mưa tới
Chiều xanh xao góc phố Brodard
Giọt cà phê chờ ai rơi chậm
Cho buồn về kịp giữa tháng Ba”

Có một bài thơ nhẹ nhàng tôi đọc lúc buổi chiều tắt nắng. Trong cái màu vàng của một tà áo dài, tự nhiên thấy có một nỗi bâng khuâng. Như những gót chân người tình, của một thuở nào đã xa, của một hình dáng nào đã phai mờ trong trí tưởng, bây giờ trở về với kỷ niệm tôi. Thật là bối rối, bởi vì những câu thơ đầy đặn quá, như một cuộc tình đầy những nhớ nhung. Có lúc, tôi muốn đọc lại câu thơ “hãy níu hồn nhau vào nhịp thở/ để em không còn kịp bỏ đi” thành hãy níu hôn nhau vào nhịp thở/ để em không còn kịp bỏ đi”. Níu kéo đời nhau bằng nụ hôn với hơi thở đời dồn dập có lẽ gợi cảm hơn. Chủ quan tôi nghĩ thế, xin lỗi nhà thơ Hư Vô nếu ông có sự bất đồng. Nhưng dù hôn hay hồn, thơ vẫn là thơ là chuyên chở tâm ý của một người yêu đời yêu người và yêu thơ quá đỗi.

Nhà thơ Hư Vô là một tên tuổi quen thuộc ở Úc Châu là tác giả của ba tập thơ và phụ trách phần thi ca của nhật báo Việt Luận. Ông đang sửa soạn để in tập thơ mới cho mình. Thơ Hư Vô, đầy nhạc tính và đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Những bài thơ gợi lại một cuộc sống mà nét lãng mạn đã làm thăng hoa những suy tưởng. Thơ tình với ngôn ngữ nhẹ như cơn gió, qua những chặng đời và những phận người, là nhịp thầm trái tim từ những phương trời địa lý xa xôi qua bến bờ đại dương bát ngát. Thơ của Sydney, của tà áo em vàng như chiều nắng…

“Hỏi em vì ai em thay áo mới
Từ khi tôi biết thích lụa là
Vạt áo dài thêm ngày em tới
Chạm vào tôi bối rối thịt da

Phố xá hồn nhiên như mầu lá
Chờ tôi tựa xuống bóng em về
Ba mươi năm chưa thành người lạ
Yêu em vì đâu có hẹn thề

Hãy níu hồn nhau vào nhịp thở
Để em không còn kịp bỏ đi
Màu nắng trôi theo chiều tóc xoã
Áo em vàng góc phố Sydney

Chẻ đôi tà ngang dòng giao hưởng
Khúc Franz Schubert bên Nhà Hát Con Sò
Em sẽ thấy hồn tôi trong đó
Dắt nhau vào chiều đắm cơn mơ…”


Có lúc ngôn ngữ của tình nhân là những thiết tha của trái tim dồn ngực thở. Nhưng cũng có khi là những cảm giác thầm thì những tấu khúc mãi thiết tha trong tâm những giai điệu không lời. Thơ Hư Vô với những lời tình đã ngỏ hay chưa ngỏ, đã thấm vào cảm nhận những khuôn trời biền biệt của nhớ mong. Thơ Lưng Nguyệt, là của đôi lứa, là của Anh và Em, là của những không gian lãng mạn của những thời gian có thể qua đi trong dĩ vãng nhưng vẫn còn vương vấn trong hiện tại.

Có người cho rằng đi vào cõi thơ Hư Vô là cõi thơ của hình ảnh đạo vị và vai trò người nữ trong thơ có vị trí của Thánh Cô, Thánh Nữ như một vài thi sĩ xưng tụng mối tình của mình. Dĩ nhiên, mỗi người một cái nhìn một nhận định. Nhưng, riêng tôi, thơ Lưng Nguyệt đầy ắp những ngôn ngữ sống thực, gợi lại từ một cuộc sống như dòng chảy không xa lạ với mọi người. Nếu bảo những ngôn từ của đạo vị chỉ là cái vỏ áo bọc những ảo giác của những Mộng Lang, Mộng Cô của Hư Trúc và Công Chúa Tây Hạ trong Thiên Long Bát Bộ truyện Kim Dung thì trong cõi thơ Lưng Nguyệt cũng chỉ đơn thuần là những mịt mù suy tưởng. Từ cách xưng hô Tôi với Em hay gần gũi hơn Anh với Em thì chất sùng tín tình yêu có lẻ không nhiều lắm. Hư Vô làm thơ với cái bóng thương yêu một đời quẩn quanh và đôi khi cũng là ám ảnh của nỗi buồn. Mỗi một nơi chốn, mỗi một thời điểm, nhắc lại những kỷ niệm. Thơ Lưng Nguyệt đầy ắp những nỗi niềm. Chăn gối nhớ da thịt thoảng hương, vạt trăng xanh nhớ bờ vai trần e ấp. Và thấp thoáng đâu đây dư âm và dư vị của những lời tình.

Tôi hình như mê đắm những vầng trăng trong thi ca. Từ thơ Bích Khuê, thơ Hàn Mặc Tử, trăng chở trong thơ gợn gợn nỗi đau da thịt của vây bủa cô tịch và thăm thẳm kiếp người. Có ai đặt một câu hỏi với cuộc lữ hành đời sống trải qua những nhịp cầu đoạn trường để thấy ma quái hơn vầng trăng thuở nào, của biển đông sóng gào, của kiếp nhân sinh lạnh lùng phơi triền đá. Nhưng với Hư Vô, ở một địa danh Darling Point trôi dạt xứ người , đêm trăng như hoà vào lưng nguyệt những vòng tay trần ôm ấp tình nhân. Bài thơ Trăng Đêm Trên Darling Point như một ví dụ:

Trăm năm mấy bận hồi sinh
Để tôi chồng chất nợ nần trên vai
Còn nhau có một đêm này
Thì em hãy khóc cho đầy mắt tôi
Thắp trăng bên ẩn tích người
Lùa quanh lưng nguyệt hồn xuôi tay trần…

Cái ẩn tích ấy mượt mà gợi cảm. Trăng để gợi nhớ bờ vai trần nhưng nguyệt cũng làm xao xác nhớ những vòng ôm tha thiết.Trăng tan vào thơ thành dòng chảy lụa tơ đổ vệt trên vai trần giữa sóng ngàn biển đêm của tấu khúc không tên. Tôi nghĩ, thơ và trăng có lúc đã thành một khối và con người như lạc trong một cõi không gian thời gian không bến bờ. Hình tượng như vậy làm sao mà không in dấu vào trong tiềm thức của một người làm thơ nhậy cảm và một lúc thấy mình sống thực với cảm quan mình.

Hình như trăng là nỗi ám ảnh của người thơ. Bài Tôi Về Khai Quật Hồn Em Dậy có những câu thơ bàng bạc nỗi niềm của những vầng trăng của bóng hình lung linh dấu nguyệt của những bóng dáng của một thời buổi nào hun hút đã xa:

Tôi về khai quật hồn em dậy
Cho đá xanh xao biết ngậm ngùi
Núi còn đứng chờ nghe biển gọi
Người bỏ người trơ trụi lẻ loi

Em ngồi níu bóng trăng cùng tận
Vá víu đời nhau mảnh nguyệt trần
Dù chưa đủ ấm hiên người lạ
Thì em cũng đã biết bâng khuâng.


Có ai “ngồi níu bóng trăng cùng tận để vá víu đời nhau mảnh nguyệt trần”? Có ai mang cái tận cùng vô biên để đòi mong vá víu cái nhỏ nhoi của một tình yêu? Tôi đã quen thuộc với ngôn ngữ ẩn dụ của bóng trăng nhưng đọc đến chữ “nguyệt trần” lại sinh ra một điều gì thoảng qua của gợi cảm da thịt của một góc cạnh nào dễ tưởng tượng đến phút giây vô bờ của hạnh phúc cận gần.

Nguyễn Mạnh Trinh

XIN MỜI THĂM NGƯỜI TÌNH HƯ VÔ Ở ĐÂY: http://nguoitinhhuvo.wordpress.com/
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Dấu Tình Nhân Còn Trên Lưng Nguyệt. Tuỳ bút Trần Sương Lam (Phần 1)

Trăng là nguồn đề tài vô tận của bao thi sĩ. Với Nguyệt Cầm, Xuân Diệu đã đưa trăng thành tiếng đàn, ánh nhạc:

Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần,
(Xuân Diệu)

Với Hàn mặc Tử, ông mơ, say, ôm trăng mà ngủ:

Ta không nhấp rượu
Mà lòng ta say
Vì lòng nao nức muốn
Ghì lấy đám mây bay
Té ra ta vốn làm thi sĩ
Khát khao trăng gió mà không hay
(Hàn Mặc Tử)

Với riêng tôi, trăng là nguồn sáng vô tận, soi tỏ những đêm trời tối để hồn dật dờ giữa những nhớ quên, những nỗi đau, những hạnh phúc thoáng qua rồi lịm tắt. Trong ánh trăng vĩnh hằng của tạo hoá, tôi tìm thấy màu trăng thanh, màu tình yêu của thơ Hư Vô trong “Lưng nguyệt”:

Lưng Nguyệt

Nửa đêm pha rượu vào nhan sắc
Vườn khuya đã động khúc nguyệt cầm
Mùa thu như thoáng chiêm bao tới
Theo bước em qua lối thăng trầm.

Hơi người còn ấm quanh chăn gối
Tôi ôm cái bóng lạnh chỗ nằm
Trở mình hồn vướng ngang sợi tóc
Em đi, bỏ lại cả trăm năm.

Thì tôi cũng có đêm cùng tận
Để giấu buồn riêng nỗi nhớ người.
Tay lùa bóng tối vào lưng nguyệt
Lấp cho đầy vực khuyết tim tôi.

Em về soi lại dung nhan cũ
Thấy có còn tôi giữa muôn trùng?
Từ đêm rượu ướt đôi môi đỏ
Nhỏ xuống hư vô dấu nguyệt trần…

Hư Vô

Vừa đặt bút vào khổ thơ đầu, Hư Vô đã viết:

Nửa đêm pha rượu vào nhan sắc.
Vườn khuya đã động khúc nguyệt cầm
(Hư Vô)

Tác giả đã pha lẫn giữa thực và mộng. Quấn quýt, bâng khuâng, thấp thoáng, lay động, bàng hoàng, thảng thốt, như ngây, như say.

Đêm của bóng tối, của hồn mộng vốn đã ngập hương say, thi sĩ lại pha rượu vào nhan sắc. Rượu nhỏ xuống vầng trăng để say, để đắm, mà nhan sắc cũng dễ làm say đắm lòng người còn hơn cả rượu. Khổ thơ là sự cộng hưởng của cái đẹp nhan sắc, của men nồng rượu, của âm thanh tiếng nhạc. Không gian là sự mênh mông của thanh, hương, sắc. Cái đẹp đã lên ngôi lại bao trong đêm của đêm. Hoàn mỹ và toàn bích. Ta say đắm, lãng tử say đắm, ngất ngây. Câu thơ nghiêng ngả theo bước chân thi nhân. Cái đẹp toả hương từ bóng tối, huyền ảo, mộng, thực và hồn say. Thời gian đã ngủ, vườn khuya bỗng vang lên tiếng nhạc. Cõi đêm trở nên hoang dã lạ lùng. Cả không gian lung linh, dịu dặt với trăng thu với khúc nguyệt cầm. Bài thơ đẹp như nhan sắc, như khuôn mặt giai nhân. Ngôn ngữ đã thăng hoa trong thế giới ngọc ngà, long lanh, diễm ảo. Và kết lại hình tượng tuyệt mỹ của khổ thơ đọng mãi trong tâm trí tôi chính là khúc nguyệt cầm. Rượu giao bôi, đối ẩm của tình nhân mềm môi say, rượu thơm đánh thức nàng trăng dậy, trong bóng đêm kỳ diệu đang dạo khúc nguyệt cầm. Câu thơ cũng chấp cánh theo nỗi mơ màng, mênh mang, ẩn hiện đến bàng hoàng.

Khúc Nguyệt Cầm của Hư Vô gợi tôi nhớ đến bài thơ Nguyệt Cầm nổi tiếng của thi sĩ Xuân Diệu. Nguyệt Cầm của Xuân Diệu là sự giao duyên giữa trăng và nhạc tạo ra lối thơ tượng trưng đặc sắc.

“Bước vào Nguyệt Cầm là bước vào một thế giới linh lung. Nguyệt Cầm không bờ không bến. Tất cả đều diễm ảo, hư huyền, chơi vơi, vô định. Không còn cõi này, không còn cõi khác, không còn hiện tại, không còn quá khứ, không còn hữu thể, không còn vô thể”…(Chu Văn Sơn).

Khúc Nguyệt Cầm của Hư Vô, theo tôi, có lẽ là khúc đàn của tâm cảm, khúc đàn trăng vang lên đánh thức không gian khiến mọi sự vật bừng giấc. Bước đi của trăng dịu dàng, mơn man như tiếng đàn huyền hoặc dạo khúc mùa thu để nhân vật trữ tình giữa khung cảnh đêm thu xuất hiện thật lãng mạn, ngọt ngào, mê đắm trong ánh sáng, trong hương thơm, trong âm nhạc, trong trạng thái phiêu diêu. Phải chăng vì thế mà nhan sắc em trở thành hư ảo, mơ màng như giấc chiêm bao:

Mùa thu như thoáng chiêm bao tới
Theo bước em qua lối thăng trầm.
(Hư Vô)

Mùa thu là mùa được bao thi sĩ thi vị hoá. Sài gòn không có mùa thu chỉ có hai mùa mưa nắng nhưng tôi vẫn thích mùa thu vì lúc này tiết trời khá mát mẻ, nắng bớt gay gắt. Có lẽ vì thế, mùa thu đã thành mùa thương, mùa nhớ cho biết bao người, trở thành giấc mơ đẹp, thoáng chiêm bao mơ màng. Nhưng mùa thu của Hư Vô thì ngược lại, đã mon men theo em bước vào cõi nhân gian với những thăng trầm bàng bạc!

Khổ thơ là sự phối hợp trác tuyệt giữa ảo và thực, giữa đời và cõi vô biên. Vần bằng ôm hai câu chẵn tạo một cảm giác thâm trầm, thêm chất lạnh vào khổ thơ. Nhưng dù là cõi nào đi chăng nữa, cảm nhận của tôi khi bước vào vẫn là cảm giác lạnh. Lạnh, rất lạnh. Trăng lạnh, đàn lạnh, mùa thu lạnh. Có chăng một chút ấm áp toả ra từ chất men của rượu, của nhan sắc tạo cảm giác lâng lâng, say say nhưng không thực mà là mộng vì thi sĩ đã chìm đắm vào “thoáng chiêm bao” để dìu em qua “lối thăng trầm”. Chất đời bắt đầu lấn át chất mộng và trong thế giới ấy, có em và tôi:

Hơi người còn ấm quanh chăn gối
Tôi ôm cái bóng lạnh chỗ nằm
(Hư Vô)

Khuya lạnh, trăng lạnh, vườn lạnh, rượu ấm, tình nồng. Sự nối kết giữa hai sắc thái đối lập ở khổ thơ đầu dường như báo trước sự hiện diện của cái lạnh, chiếm lĩnh hết không gian và cả thời gian. Cái lạnh như mùa thu lãng đãng rơi xuống “chỗ tôi nằm” mà nghe hơi ấm còn quanh chăn gối, một trạng thái bềnh bồng, mơ hồ tựa bóng em đang lăn lóc giữa chiêm bao. Câu thơ dạt dào nỗi khắc khoải, như một vết cắt sâu không lành, để thi nhân còn mãi hoài trăn trở, lao đao!

Trở mình hồn vướng ngang sợi tóc
Em đi, bỏ lại cả trăm năm.
(Hư Vô)

Mà “em đi bỏ lại cả trăm năm”, thì quả thật cái mong manh của thời giam đã làm da diết cả khổ thơ, còn nghe long đong một phận người. Nhân vật trữ tình đang giam mình trong không gian giá buốt ấy với nỗi sầu chất ngất. Tôi ôm cái bóng và sự “trở mình” là một sự vùng thoát khỏi ám ảnh của nỗi cô đơn, nhưng quá khứ không buông, hay chính giai nhân đã cố tình bỏ lại chút hương thừa để nhân vật tôi “vướng hồn ngang sợi tóc”. Một loạt nét vẽ gợi hình tạo nên cảm xúc của sự bất an, muốn chối bỏ thực tại nhưng hình như chỉ là sự cố gắng không kết quả. Sợi tóc đã níu thi nhân lại với khối tình, với bóng hình quá khứ để khúc nguyệt cầm vẫn vang vọng vào đêm với mảnh trăng sầu lê thê, bất tận trong bóng tối của hồn người, dáng nguyệt!

Trần Sương Lam
August, 2018

(Xin xem tiếp phần 2)

XIN MỜI THĂM NGƯỜI TÌNH HƯ VÔ Ở ĐÂY: http://nguoitinhhuvo.wordpress.com/
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Dấu Tình Nhân Còn Trên Lưng Nguyệt. Tuỳ bút Trần Sương Lam (Phần 2)

Không gian biến đổi từ “vườn khuya” mênh mông đến “chỗ nằm” thật hẹp. Hẹp nhưng không có nghĩa là ấm áp hơn mà ngược lại vì cái lạnh đã định hình, đã lạnh từ hơi người còn ấm, lạnh đến chiếc bóng lẻ loi, chữ nghĩa biến hoá đến tinh vi, thời gian dường như không theo kịp. Câu chữ làm ta hụt hẫng, lao đao mà giọng điệu lại ngất ngây, lừ đừ, chầm chậm, mang mang. Khổ thơ thể hiện đầy đủ ý niệm về cõi vô thường khiến người đọc suy ngẫm thoáng giật mình và riêng tôi nhận thức được hình như cả đời tôi (chắc cũng không ít người) luôn sống trong vọng tưởng. Bây giờ có lẽ tôi mới hiểu một câu thơ của Xuân Diệu:

Tình thổi gió, màu yêu lên phấp phới;
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa.
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ,
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết!
(Giục Giã, Xuân Diệu)

Tình là vô thường nên đến rồi đi nào ai biết vì không thể chiếm lĩnh nó nên khi mất với bao người là nỗi đau không tuổi. Và với nhân vật trữ tình, điều này có lẽ đúng bởi vì chính tình yêu đã là muôn đời không có tuổi!

Hư Vô có cách diễn đạt niềm nhớ, nỗi đau nhẹ mà thấm, mà sâu. Đẹp nhất của người con gái, theo tôi chính là mái tóc. Mái tóc là biểu tượng cho tuổi, cho tình, cho những ấp yêu, mong nhớ… Thi nhân lại chọn sợi tóc ngay chỗ nằm vừa tạo được hương, vừa tạo được hình, cái nhớ như vậy đã đủ đầy, trách sao mà cả đời không thương, không nhớ! Sợi tóc phải chăng vì thế tạo hình sắc, tạo thần thái cho khổ thơ để tôi cảm nhận tình yêu đã mất nhưng mùi hương, sợi nhớ vẫn còn vẫn mênh mang giữa đất trời. Sợi tóc hay sợi nhớ, sợi thương như một ám ảnh của khúc nguyệt cầm tiếp tục vang lên trong cõi nhớ: “Em đi, bỏ lại cả trăm năm”.

Câu thơ bảy chữ, có đến bốn thanh bằng nhưng không nhẹ nhàng, thanh thản mà buốt đau. “Đi, bỏ lại” câu chữ diễn tả một sự rời bỏ nhưng còn lại, còn lại nỗi ngậm ngùi, trơ trống “cả trăm năm”, trăm năm với con người là dài, dài lắm vậy mà em đã bỏ đi không tiếng hò hẹn, chẳng lời hứa tương phùng, thì quả thật là quá tê tái và đau thương. Câu thơ ngân dài nỗi tuyệt vọng, u uẩn và đó cũng là âm thanh từ cùng tận vang lên khúc tình tan. Tiếng nức nở của nguyệt cầm trong trăng càng tê tái lạnh, kiếp người cô đơn trong nỗi đau của tình tuyệt vọng tạo một ám ảnh, day dứt khôn nguôi. Khổ thơ làm tôi nhớ đến bài thơ của Du Tử Lê:

“ôi nhỏ có buồn như ta không
tuổi thơ nhang khói đã hoang tàn
hồn ta như miếu cô quạnh lắm
xa người như xa cả quê hương!”
(Như Xa Niềm Yên Vui, Du Tử Lê)

Hình như trong thi ca khi tình yêu bay đi, nỗi đau là chất ngất nhưng mỗi người có cách thể hiện khác nhau nhưng theo tôi, họ cũng đã từng sống trong khoảnh khắc của nỗi ngậm ngùi, của những đớn đau đến dật dờ thân xác và có lẽ vết thương lòng vẫn mãi hằn theo năm tháng để trở thành những giọt lệ trong thi ca. Tôi yêu kỷ niệm của thi sĩ chỉ là một sợi tóc mong manh, nhỏ nhoi (cái cuối cùng còn lại của thời yêu chỉ còn có thế) nhưng cái ám ảnh của sợi tóc cực lớn, nó vắt ngang cả trăm năm của đường tình chông chênh, lận đận.

Tôi đã từng có bao đêm không ngủ để mở nỗi buồn riêng, để rồi những dòng lệ cứ tuôn chảy trong nỗi nhớ khôn nguôi để rồi sau đó là lời tự vấn: vì sao cứ nhớ mãi? để buồn mãi, để nụ cười bỏ quên mình từ rất lâu nhưng tôi biết hỏi chỉ là hỏi vì trong lòng tôi câu trả lời mãi hiện diện: nỗi nhớ bây giờ chỉ còn nỗi ngậm ngùi của sự chia ly. Hư Vô cũng có những đêm thức với những trăn trở của riêng mình:

Thì tôi cũng có đêm cùng tận
Để giấu buồn riêng nỗi nhớ người.
(Hư Vô)

Đêm cùng tận là đêm cuối cùng kết thúc một năm hay đêm cùng tận của đời người hay đêm sau cuối của kiếp tình hiểu sao thì cũng cùng một ý nghĩa: Nỗi nhớ không bao giờ mất đi chỉ khác là nó không còn được phô bày mà đã trở thành nỗi buồn riêng của nhân vật tôi. Đã là riêng thì không thể chia sẻ vì thế mà câu thơ dậy lên một nỗi thê thiết, khắc khoải: kiếp tình bao giờ cho quên, khối u tình bao giờ cho tan, không gian ngoại cảnh, khoảng trống nội tâm giờ là vực sâu thăm thẳm sao lấp cho đầy, sao sầu cho vơi, cho nhạt… Bóng tối lại bủa vây, trăng không còn rõ mặt chỉ là khoảng không, là chỗ bắt đầu cho một chuyến khởi hành vào cõi đêm vô tận. “Em đi, mang theo nửa vầng trăng trên lưng như một dấu tích mà tình yêu đã hoài thai từ tiền kiếp, hoá thân vào áng mây cao vút của sự nuối tiếc ngút ngàn, để rồi bàng hoàng chìm xuống đáy biển đêm lạnh ngắt, mà nghe ngọn sóng còn giẫy giụa trong lòng. Thì vầng ấy có còn chăng cũng chỉ là một kỷ vật mà cả đời em mang theo như một dấu tích tình nhân còn in trên lưng nguyệt”. (Trích lời mở đầu của tập thơ Lưng Nguyệt – Hư Vô – Nhà xuất bản Ilu 2015).

Mà nguyệt là hồn của trăng, là nhan sắc của mùa thu, là men của rượu, là trái tim của người tình mà thi nhân không bao giờ muốn đánh mất:

Tay lùa bóng tối vào lưng nguyệt
Lấp cho đầy vực khuyết tim tôi.
(Hư Vô)

Nhưng trăng tàn, nguyệt khuyết, tình tan, trái tim hư hao, thì bóng tối nào lấp cho đầy vực khuyết trong tim… Có lùa bóng tối để tạo nhịp thơ nhanh hơn, cũng chỉ là một nỗ lực, một sự đào thoát quá khứ trái ngang, để mong con tim được lấp đầy hạnh phúc. Nhưng càng muốn lấp đầy thì nỗi sầu mỗi lúc như thể lớn thêm, tan tành thành một vực thẳm không chân!

Khúc nguyệt cầm có còn ngân vang chắc gì đã động thức nổi một vầng trăng để soi bóng thi nhân bước đi trong cõi tình mù mịt, ta đang lang thang trong ngả đời muôn nẻo có giống chăng là cùng trong cuộc tỉnh say. Tỉnh để quên và say để nhớ, chất men đời, men tình theo chén rượu lại đưa ta về, đưa thi sĩ về lối thăng trầm. Trong hư ảo của tiếng nguyệt cầm ma mị, trong men rượu ân tình kia, em hiện về lộng lẫy giữa thinh không đã tạo nên khổ thơ cuối đa sắc màu:

Em về soi lại dung nhan cũ
Thấy có còn tôi giữa muôn trùng?
Từ đêm rượu ướt đôi môi đỏ
Nhỏ xuống hư vô dấu nguyệt trần…
(Hư Vô)

Khổ thơ điểm một chút diện mạo của Đường Thi làm chân dung em bỗng mê hoặc, yểu điệu, liêu trai: “Em về soi lại dung nhan cũ” đã óng lên một dấu nguyệt trần lồng lộng, màu sắc cho khổ thơ thêm rực rỡ, chói loà. Nhan sắc em vì thế càng kiêu sa, kỳ ảo lạ lùng! Trong không gian của men, của hương, của ánh sáng, âm nhạc (khúc nguyệt cầm) tôi và em là sự đối nghịch: có- không (em dung nhan/ -tôi- muôn trùng, hư vô). Ranh giới đã phân định rõ ràng. Em thuộc về ánh sáng, tôi thuộc về bóng tối, hư vô. Hai thế giới, hai con đường thẳng song song chỉ có thể được gặp nhau ở cõi vô cùng! Dường như cả khổ thơ không vần nhưng vẫn tạo ra hiệu quả nghệ thuật bởi cách viết tương phản, cách dùng một loạt từ Hán Việt làm ý thơ trang trọng, tao nhã, cổ kính, phảng phất nỗi buồn da diết vốn có của Đường Thi.

Sau những thăng trầm của đời sống, chàng lãng tử chỉ mơ một lần em quay về dĩ vãng. Trong hoài niệm ấy em có thấy tôi, có nhớ tôi?

Thấy có còn tôi giữa muôn trùng?
(Hư Vô)

Dấu chấm hỏi cũng lạc lõng như nhân vật trữ tình ngóng đợi câu trả lời “Thấy có còn tôi” Tại sao thi sĩ lại đặt mình lọt thỏm vào “giữa muôn trùng?” với một sự hoài nghi: em có còn thấy tôi. Hỏi nhưng chính lại là câu trả lời: vì tôi đã là muôn trùng, là Hư Vô (là không, dưới cả không, là không gì hết.) Thi sĩ đã cho mình lìa xa em, một sự lìa xa trọn vẹn. Nỗi đau đã hoá thân tôi. Em đi là hết rồi, không còn gì nữa rồi. Tôi lại cảm nhận âm thanh của khúc nguyệt cầm vẫn réo rắt không thôi, khúc đàn cất lên giữa muôn trùng, vọng từ cõi hư vô bàng bạc nỗi nhớ để gọi trăng về. Ảo khúc cất lên, hình sắc vụt quay lại:

Từ đêm rượu ướt đôi môi đỏ
Nhỏ xuống hư vô dấu nguyệt trần…
(Hư Vô)

Rượu lại rót, môi lại ướt. Màu đỏ của rượu, của môi non đã rực rỡ bức tranh tình yêu. Tố nữ vẫn nguyên vẹn dung nhan ngày cũ. Nhưng khác xưa. Rượu để say và cạn chén để quên em, quên tình xưa nhưng càng cố quên thì càng cháy bỏng những khát khao. Tôi cho rằng thi nhân đang quằn quại khát khao tình xưa, người xưa và mơ dấu môi yêu nhỏ giọt tình xuống cõi hư vô để ghi lại “dấu tích trần ai” của một thời tình đã cũ. Tình yêu lại tượng hình, lại lên ngôi, màu yêu lại dậy thức trong khúc nhạc trăng huyền diệu. Cõi yêu được thi sĩ chắp đôi cánh bay về nơi- một tôi- một rượu- một khúc trăng sầu. Dòng chảy của âm thanh bát ngát, thênh thang lối tình giữa tiếng nguyệt cầm còn lênh đênh, lận đận. Không gian trở thành đêm, hương xưa tan thành rượu, sắc màu của đôi môi đã đẳm ướt trên lưng nguyệt cũng bàng hoàng theo tiếng thét gào từ lồng ngực thật lạc lõng, mênh mông, mơ hồ trong cõi mộng, cõi nhớ của thi nhân làm ta tiếc nuối và hụt hẫng (cái đẹp luôn chóng phai tàn). Còn lại chăng chỉ là cái ảo thức giữa trăng và nguyệt. Nguyệt của hồn và Trăng của nhan sắc chơi vơi, huyền diệu để làm cho khúc đàn trăng thêm mơ màng, sương khói.

Thiên nhiên vô hạn nhưng hữu tình, con người hữu hạn nhưng lại vô tình, em đi không trở lại, em đi mang theo cả hồn tôi. Từ giã em, tôi chỉ còn là hư vô, chỉ tôi và tôi giữa muôn trùng. Từ đêm in dấu những cơn say long lanh như giọt rượu, mềm môi vẫn đắng cay, vẫn nhói lòng trong nỗi đau quá khứ. Nỗi đau đã định hình, để từng đêm vẫn nhỏ xuống tôi lận đận dấu tình sầu… Khi yêu, tiếng đàn thăng hoa thành khúc nguyệt cầm, khi tình yêu đã khắc ghi trên lưng nguyệt là khi vầng trăng cô độc đã in đậm lên cõi nhân gian một “dấu nguyệt trần”. Giữa cái không và có, Thi sĩ chiếm lĩnh cả không gian, cả khổ thơ để mọi hình sắc đều bị xoá nhoà để chỉ tồn tại duy nhất “hư vô”. Hư vô là kết thúc cuộc đời nhân vật trữ tình tôi, kết thúc một chuyện tình, kết thúc thi phẩm. Lấy cái giới hạn vô biên làm kết thúc, thi sĩ cho ta cảm nhận Lưng Nguyệt là bóng dáng của những ám ảnh về nỗi đau của kiếp tình, kiếp người với những được mất có gì vui?

Bài thơ đã kết thúc nhưng tôi còn chơi vơi, tôi đang nương theo trăng về lại cõi đời tìm chút ấm áp của hương tình yêu một thuở để cảm nhận ra một điều là yêu thật không dễ nhưng đã yêu mà phải quên thì quả thật là khổ đau. Tình là sợi dây oan nghiệt nhưng ta vẫn thích trói mình vào nên mãi mãi nỗi đau của tình yêu không bao giờ yên nghỉ. Hư Vô đã gửi đến người đọc một nỗi đau diễm tuyệt, cho người yêu thơ đi qua thi phẩm vẫn nhớ mãi sợi tóc vướng ngang lưng nguyệt, mà cả đời không có lối để bước ra..

Trần Sương Lam
August, 2018

XIN MỜI THĂM NGƯỜI TÌNH HƯ VÔ Ở ĐÂY: http://nguoitinhhuvo.wordpress.com/
Chưa có đánh giá nào
Trả lời